Nghị quyết 34/2008/NQ-HĐND sắp xếp, di dời cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Số hiệu: 34/2008/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk Người ký: Niê Thuật
Ngày ban hành: 19/12/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2008/NQ-HĐND

Buôn Ma Thuột, ngày 19 tháng 12 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ SẮP XẾP, DI DỜI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH GÂY Ô NHIỄM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT, TỈNH ĐẮK LẮK

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;

Căn cứ Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia năm 2010, định hướng đến năm 2020; Xét Tờ trình số 101/TTr-UBND ngày 17/11/2008 của UBND tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết về sắp xếp, di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột; Báo cáo thẩm tra số 52/BC-HĐND, ngày 12/12/2008 của Ban KTNS của HĐND tỉnh và ý kiến của các vị đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Nghị quyết về sắp xếp, di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với các nội dung cụ thể như sau:

1. Mục tiêu của Đề án:

- Nhằm ngăn chặn mức độ ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện môi trường ngày càng xanh sạch đẹp, không còn các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm trong khu dân cư, tiến tới khắc phục và nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Góp phần giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp, thúc đẩy phát triển công nghệ sản xuất sạch hơn. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội như: việc làm và thu nhập của người lao động, văn minh đô thị và các vấn đề môi trường, tái tạo sức khoẻ cho con người.

- Đảm bảo các điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Kết hợp các cơ sở sản xuất nhỏ thành các cơ sở sản xuất lớn hoạt động ổn định, có khả năng cạnh tranh cao trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

- Quy hoạch, sắp xếp lại các ngành nghề hoạt động sản xuất gây ô nhiễm; tổ chức lại việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các dự án đầu tư mới thuộc các ngành nghề hoạt động sản xuất gây ô nhiễm.

- Phấn đấu đến hết 2015 sắp xếp và di chuyển toàn bộ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm không có khả năng khắc phục tại chỗ vào các Khu, Cụm, Điểm công nghiệp tập trung và vùng phụ cận của thành phố.

2. Các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2015

- Không còn các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm trong khu dân cư.

- Yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng sản xuất sạch, đồng thời phân bổ lại dân cư, chỉnh trang đô thị.

- Thực hiện tốt chủ trương sắp xếp, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các khu, cụm công nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Buôn Ma Thuột.

3. Phân loại các cơ sở thuộc diện phải di chuyển, cần phải khắc phục ô nhiễm môi trường:

Phân loại chung:

- Loại A: Các cơ sở sản xuất cần phải di chuyển ra khỏi khu vực dân cư, gồm các cơ sở:

+ Ở vị trí không phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

+ Quy mô nhỏ nằm trong khu dân cư có khả năng cháy nổ lớn.

+ Có chất thải gây ô nhiễm môi trường nặng và không có điều kiện tiếp nhận và triển khai các biện pháp giảm thiểu môi trường .

+ Những ngành do UBND tỉnh quy định không được tồn tại trong khu dân cư .

- Loại B: Các cơ sở có thể xử lý ô nhiễm tại chỗ, gồm các cơ sở:

+ Có vị trí sản xuất phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

+ Mức độ ô nhiễm tương đối nhẹ, có thể khắc phục được.

+ Có điều kiện tiếp nhận và triển khai các biện pháp xử lý chất thải ở vị trí đang sản xuất.

+ Không thuộc những ngành nghề bị cấm, những ngành nghề không cho tồn tại trong khu vực dân cư do UBND tỉnh quy định.

Phân loại cụ thể: Số lượng cơ sở theo từng loại đối tượng để triển khai di dời:

* Loại A: 171 cơ sở buộc phải tổ chức di chuyển ra khỏi khu vực dân cư, gồm:

+ Các cơ sở ô nhiễm nặng và ô nhiễm trung bình: 106 cơ sở (nặng 48, vừa 58); Trong đó: Có 48 cơ sở đăng ký di dời ra Khu, Cụm công nghiệp tập trung, còn 58 cơ sở tự tìm mặt bằng để di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề.

+ Cơ sở không được phép tồn tại trong khu dân cư là 65 cơ sở, cụ thể:

- 38 cơ sở (trong số 102 cơ sở ô nhiễm ít) không có đủ điều kiện khắc phục ô nhiễm hoặc thuộc trong danh sách ngành nghề bị cấm;

- 27 cơ sở do UBND xã phường bổ sung.

* Loại B: 64 cơ sở cơ sở ít ô nhiễm có thể xử lý, khắc phục tại chỗ - cơ sở cần phải xử lý tại chỗ một số nguồn gây ô nhiễm, cũng như khắc phục một số chất ô nhiễm mới được phép tồn tại một thời gian nhất định tại khu vực dân cư.

4. Kế hoạch di dời:

a. Giai đoạn 1: 2009 - 2010: Di dời, đưa ra khỏi khu vực dân cư: 54 cơ sở với 1.092 lao động, với nhu cầu thuê đất là 4,6ha gồm:

- 48 cơ sở có mức ô nhiễm nặng (trong đó 03 cơ sở đã có thuê đất tại các Khu, Cụm công nghiệp),

- 06 cơ sở ô nhiễm vừa (đã thuê đất tại Khu, Cụm Công nghiệp); (cụ thể 09 cơ sở đã thuê đất trong khu Công nghiệp với diện tích 12,19ha (đã có);

18 cơ sở đã đăng ký di dời ra các Khu, Cụm công nghiệp với diện tích đăng ký thuê đất là 4,6ha; 27 cơ sở tự tìm mặt bằng di dời hoặc chuyển đổi nghề)

b. Giai đoạn 2: 2011 - 2015: Kiên quyết đưa ra khỏi khu vực dân cư: 117 cơ sở còn lại với nhu cầu thuê đất là 12,78ha.

1. Dựa vào nguyện vọng của các cơ sở đang sản xuất có gây ô nhiễm, có đăng ký tại phiếu khảo sát tháng 8/2008 do Tổ khảo sát của UBND thành phố thành lập; triển khai di dời 21 cơ sở ô nhiễm vừa (624 lao động), đã đăng ký di dời ra các Khu, Cụm công nghiệp phù hợp theo quy hoạch sử dụng đất của từng Khu, Cụm công nghiệp với diện tích là 12,78ha.

2. Kiểm tra, đôn đốc 31 cơ sở ô nhiễm trung bình đã đăng ký tự tìm mặt bằng di dời ra khỏi khu vực dân cư, hoặc chuyển đổi nghề - thân thiện với môi trường, thời hạn cuối cùng là 31/12/2011.

3. Tổ chức kiểm tra bắt buộc di chuyển hoặc thay đổi ngành nghề đối với 65 cơ sở, thuộc các nhóm ngành nghề không được phép tồn tại trong khu dân cư theo quyết định của UBND tỉnh, như: Mua, bán, tái chế phế liệu, mua bán, chế biến mủ cao su, Sản xuất ống nước nhựa, tái chế nhựa, bao nylon, sản xuất chế biến cà phê bột, Sửa chữa ô tô, máy cày, kho chứa thuốc trừ sâu, thuốc BVTV;

Trong đó:

- Danh sách các xã, phường bổ sung là 27 cơ sở;

- Các cơ sở không có điều kiện khắc phục tại chỗ 38 cơ sở (thuộc 102 cơ sở ít ô nhiễm). Thời hạn hoàn tất công việc này là 31/12/2012.

* Tiếp tục kiểm tra 64 cơ sở ít ô nhiễm còn lại, buộc khắc phục ô nhiễm để tiếp tục tồn tại trong khu dân cư.

5. Chính sách hỗ trợ tài chính cho việc di dời:

a. Chính sách hỗ trợ tiền vận chuyển; hỗ trợ đối với tài sản không di dời được:

Nhà nước hỗ trợ 50% tiền tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển tài sản di dời cho các đơn vị phải di dời vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các địa điểm quy hoạch.

Đối với những tài sản không di dời được, nhà nước hỗ trợ 50% theo giá quy định của UBND tỉnh phục vụ cho công tác đền bù tài sản, vật kiến trúc khi Nhà nước thu hồi đất sau khi trừ đi phần thu hồi (nếu có) và giá nhà xây dựng mới. Riêng đối với đất (tại địa điểm mà cơ sở phải di dời) các cơ sở tự sắp xếp, bố trí sử dụng bảo đảm hợp lý, hiệu quả.

b. Chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư xây dựng cơ sở mới:

Các cơ sở sản xuất kinh doanh di dời đầu tư xây dựng cơ sở mới tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các địa điểm quy hoạch; nếu có nhu cầu thì được vay ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh tại Ngân hàng phát triển ĐắkLắk trong thời gian tối đa 03 năm kể từ ngày vay vốn.

c. Chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất, nộp tiền sử dụng đất các cơ sở di dời vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các địa điểm quy hoạch:

- Tiền thuê đất: Miễn tiền thuê đất 03 năm tính từ ngày ký hợp đồng thuê tại cơ sở sản xuất kinh doanh mới thực hiện di dời vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các địa điểm quy hoạch; theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 14 Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước (đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thuê đất của Nhà nước).

- Tiền sử dụng đất: Giảm 20% tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất cho các cơ sở thực hiện di dời vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các địa điểm quy hoạch; nhưng diện tích đất được giảm tối đa không vượt quá diện tích đất tại địa điểm phải di dời theo quy định tại khoản 3, điều 13 Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất.

- Thuế thu nhập doanh nghiệp: Được miễn 02 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 02 năm tiếp theo đối với cơ sở kinh doanh thực hiện di dời vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các địa điểm quy hoạch theo quy định tại khoản 1, Điều 35 Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14/02/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

6. Công bố danh mục các ngành nghề không được cấp mới giấy chứng nhân đăng ký kinh doanh, không được cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư, không chấp nhận báo cáo đánh giá tác động môi trường và không cấp giấy phép xây dựng đối với các trường hợp sản xuất và kinh doanh trong khu dân cư tập trung trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, gồm những ngành nghề sau:

1. Ngành hóa chất: sản xuất hóa chất cơ bản, sản xuất pin, ắc quy, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất làm lạnh, phèn, chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, sơn, sản xuất phân bón, sản xuất, sang chiết khí hóa lỏng(CO2,O2,N2,CH4...);

2. Ngành tái chế, mua bán chất phế thải: Giấy, nhựa, kim loại, dầu nhớt cặn, lông gà vịt;

3. Ngành tẩy, nhuộm, hồ, in trên các sản phẩm vải sợi, dệt, may, đan, ngành dệt có sử dụng thuốc nhuộm;

4. Ngành chế biến mủ cao su, luyện cán cao su, sản xuất các sản phẩm từ cao su;

5. Ngành thuộc da, muối, ướp da động vật;

6. Ngành xi mạ điện;

7. Ngành gia công cơ khí: rèn, đúc, cán kéo kim loại, dập, cắt, gò, hàn, sơn, sản xuất phôi thép, sản xuất thép, sửa chữa ô tô, máy nổ và các thiết bị thi công cơ giới, cán tôn, dệt lưới B40.;

8. Ngành in, tráng bao bì kim loại;

9. Ngành sản xuất bột giấy;

10. Ngành sản xuất, gia công đồ nhựa các loại (ống nước, bao bì…)

11. Ngành sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gạch ngói, sản xuất gốm sứ, thủy tinh, gia công cắt gạch ốp lát;

12. Ngành chế biến gỗ, lâm sản;

13. Ngành sản xuất chế biến thực phẩm tươi sống, nước chấm các loại, bún tươi, muối, dầu ăn, xay xát lương thực, chế biến hạt điều, chế biến hoa quả, củ sấy khô, chế biến tinh bột sắn, sản xuất thức ăn gia súc gia cầm, thức ăn thủy sản, sản xuất đường kết tinh;

14. Ngành sản xuất cồn, rượu, bia, nước giải khát, nước đá (trừ nước uống tinh khiết);

15. Ngành chế biến cà phê (chế biến ướt, đánh bóng, phân loại), rang xay cà phê bột, sản xuất cà phê hòa tan.

16. Ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung;

17. Ngành giết mổ gia súc;

18. Ngành chế biến than.

19. Ngành sản xuất thuốc lá

20. Ngành nghề có sử dụng chất phóng xạ và phát sinh chất thải phóng xạ

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện:

Nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước chi để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền vận chuyển, hỗ trợ đối với tài sản không di dời được, hỗ trợ cho người lao động do mất việc làm trong thời gian cơ sở sản xuất kinh doanh phải di dời, ngân sách thành phố Buôn Ma Thuột bố trí 50%, ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ 50%.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho UBND tỉnh triển khai thực hiện nghị quyết này. Giao cho Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và Đại biểu HĐND tỉnh phối hợp giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết.

Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Khóa VII - kỳ họp thứ 11 thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- UBTVQH;
- Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính, KHĐT, TNMT;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Sở: Tư pháp, Tài chính, TNMT, KHĐT;
- Báo ĐắkLắk; Đài PTTH tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, CT.HĐND.

CHỦ TỊCH




Niê Thuật