Nghị quyết số 34/2003/NQ-HĐ về một số giải pháp và cơ chế, chính sách để kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm tai nạn giao thông và ùn tắc trên địa bàn thành phố Hà nội. Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Hà Nội- khóa XII (Kỳ họp thứ 8, từ ngày 11 đến 13 tháng 2 năm 2003) do Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: | 34/2003/NQ-HĐ | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Thành phố Hà Nội | Người ký: | Phùng Hữu Phú |
Ngày ban hành: | 13/02/2003 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2003/NQ-HĐ |
Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2003 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐỂ KIỀM CHẾ GIA TĂNG VÀ TIẾN TỚI GIẢM DẦN TAI NẠN GIAO THÔNG VÀ ÙN TẮC GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI - KHÓA XII
(Kỳ họp thứ 8, từ ngày 11 đến 13 tháng 2 năm 2003)
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân(Sửa đổi);
Căn cứ Tờ trình số 08/TT-UB ngày 24/01/2003 của UBND Thành phố Hà Nội về "Một số giải pháp và cơ chế, chính sách để kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Sau khi nghe báo cáo của UBND Thành phố; Thuyết trình của các Ban HĐND và ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND Thành phố.
QUYẾT NGHỊ:
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ, thiết lập trật tự kỷ cương trong xây dựng, quản lý đô thị và xây dựng nếp sống văn minh, góp phần làm lành mạnh môi trường xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển Kinh tế - Xã hội Thủ đô, thiết thực phục vụ Seagames 22, HĐND Thành phố nhất trí với đề nghị của UBND Thành phố về " Một số giải pháp và cơ chế, chính sách để kiềm chế gia tăng và giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội", tập trung vào một số cơ chế, giải pháp sau:
1. Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng:
Đầu tư bằng nhiều nguồn vốn để tăng số lượng xe buýt, xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị phục vụ bảo dưỡng và tiếp tục trợ giá từ ngân sách cho hoạt động xe buýt, đáp ứng chương trình phát triển giao thông công cộng của Thành phố; Giao UBND Thành phố trong năm 2003 - cùng với việc đảm bảo vận tải hành khách công cộng của Doanh nghiệp nhà nước là chính, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và thí điểm thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Đồng thời có phương án sớm triển khai tuyến xe điện thí điểm đã được Chính phủ chỉ đạo.
2. Giải pháp hạn chế phát triển ô tô con cá nhân:
Giao UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng trên cơ sở quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đô thị trong tương lai và xu hướng hội nhập quốc tế, tính toán, nghiên cứu xây dựng kế hoạch và lộ trình quy định số lượng xe hơi cá nhân được đăng ký hàng năm. Trước mắt chỉ cho làm thủ tục đăng ký đối với những xe đủ điều kiện lưu hành và chủ phương tiện cam kết có chỗ để xe hợp lệ, an toàn, có hợp đồng gửi xe rõ ràng.
3. Hạn chế gia tăng mô tô, xe máy:
Giao UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng lộ trình hợp lý để tiến tới dừng đăng ký xe máy trên toàn Thành phố, tổ chức thực hiện thí điểm dừng đăng ký xe máy tại 4 quận nội thành cũ trong năm 2003.
4. Thí điểm cấm xe máy hoạt động hoặc hoạt động theo giờ quy định:
Giao UBND Thành phố tổ chức thí điểm tuyến dành riêng cho xe buýt, thí điểm cấm xe máy hoạt động hoặc hoạt động theo giờ đối với một số tuyến phố, tuyến đường mà các phương tiện giao thông công cộng đã đáp ứng được yêu cầu đi lại của nhân dân, làm cơ sở để xây dựng lộ trình hạn chế xe máy của Thành phố.
5. Tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tăng cường quản lý các phương tiện giao thông lưu hành trong nội đô:
Giao UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông tĩnh trên toàn Thành phố phù hợp với định hướng phát triển giao thông đô thị. Có đủ bến bãi cho xe ngoại tỉnh, xe khách liên tỉnh, xe tải các loại đã cấm không được vào Thành phố; bến bãi cho xe tải các chợ đầu mối, bến bãi cho các khu du lịch, văn hóa, các loại xe công cộng và các khu dân cư. Quy định cho các cơ quan, tổ chức phải có nơi đỗ cho xe cơ quan và nơi để xe của khách đến làm việc. Quy định cụ thể về việc hạn chế hoạt động của các loại phương tiện lưu hành trong Thành phố. Có kế hoạch đầu tư và hướng dẫn các tổ chức và dân cư thực hiện.
6. Quy định quản lý hè phố, đường phố:
Giao UBND Thành phố trong năm 2003, thể chế hóa và tổ chức triển khai thực hiện các quy định: Các hộ kinh doanh, cửa hàng, cửa hiệu, dịch vụ... chỉ được phép bày bán hàng hóa, vật dụng trong phạm vi cửa hàng, cửa hiệu; không được treo, bầy hàng hóa chiếm không gian bên mặt ngoài các cửa hàng, cửa hiệu. Nghiêm cấm các cơ quan, xí nghiệp... xây dựng các Kiốt bán hàng trong khuôn viên được giao quản lý, giải tỏa các Kiốt đã xây dựng trái phép. Xử lý nghiêm việc lấn chiếm vỉa hè để bày bán hàng, trả lại hè đường phố cho người đi bộ và lưu thoát giao thông; cấm các hàng rong bầy bán trên hè. Chỉ cho phép các hàng ăn, uống phục vụ theo giờ quy định và phải đăng ký với UBND phường, thị trấn sở tại để sắp xếp tại các địa điểm theo quy định. Đồng thời người bán hàng phải có cam kết với chính quyền phường, thị trấn về việc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh, trật tự. Giao trách nhiệm cho UBND quận, huyện, phường, thị trấn quản lý kinh doanh, quản lý hè phố, thường xuyên kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
7. Quy định sắp xếp lại giờ bắt đầu và kết thúc làm việc học tập, sản xuất:
Thống nhất với tờ trình số 08/TT-UB ngày 24/01/2003 về việc bố trí giờ làm việc, học tập, sản xuất theo các khối và chênh lệch từ 30 - 60 phút cho các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, đơn vị trong Thành phố; UBND Thành phố chỉ đạo thực hiện ngay trong quý I/2003.
8. Xử lý các trường hợp vi phạm:
Mọi hành vi vi phạm các quy định phải được xử lý nghiêm túc theo quy định của pháp luật và những biện pháp kèm theo tờ trình số 08/TT-UB ngày 24/01/2003, không kể các hành vi đó là cá nhân hay tổ chức để giáo dục và tạo lập ý thức, nếp sống văn minh đô thị của Thủ đô. Lấy năm 2003 là " năm giải phóng mặt bằng; giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị".
9. Giao UBND Thành phố:
- Lập Đề án thí điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với xây dựng, củng cố chính quyền các cấp tại quận Hai Bà Trưng; nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh hệ thống cơ chế chính sách, dự kiến lực lượng và kế hoạch để tổ chức thực hiện thành công Đề án.
- Ban hành các quy định cụ thể để tổ chức thực hiện nhóm cơ chế, chính sách nói trên.
Giao Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND Thành phố giám sát việc thực hiện, Thường trực HĐND Thành phố quyết định những vấn đề phát sinh theo đề nghị của UBND Thành phố và báo cáo HĐND trong kỳ họp gần nhất.
Để xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch và có trật tự kỷ cương, Hội đồng nhân dân Thành phố kêu gọi các tầng lớp nhân dân Thủ đô, các lực lượng vũ trang, các cơ quan, đơn vị, các đoàn thể nhân dân và mỗi công dân đang sinh sống, học tập, làm việc tại Thủ đô đồng lòng, nhất trí và chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương này.
|
T/M. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |