Nghị quyết 33/2011/NQ-HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012 do Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII, kỳ họp thứ 3 ban hành
Số hiệu: 33/2011/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Thị Quyết Tâm
Ngày ban hành: 09/12/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/01/2012 Số công báo: Số 4
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 33/2011/NQ-HĐND

Thành phố Hồ chí Minh, ngày 09 tháng 12 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2012

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH KHÓA VIII,
KỲ HỌP THỨ BA

(Từ ngày 06 đến ngày 09 tháng 12 năm 2011)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Sau khi xem xét các Báo cáo của Thường trực và các Ban Hội đồng nhân dân thành phố; các Báo cáo, Tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố, Tòa án nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Thông báo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các cơ quan hữu quan; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Hội đồng nhân dân thành phố tán thành báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011 và nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2012.

Hội đồng nhân dân thành phố nhấn mạnh một số nội dung:

I. Tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011:

Năm 2011, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; trong nước, thiên tai dịch bệnh cùng với những khó khăn, hạn chế, yếu kém tích tụ từ nhiều năm qua đã làm gia tăng biến động về kinh tế vĩ mô, tác động đến sản xuất và đời sống người dân. Tình hình đó tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011 của thành phố. Song, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ cùng sự hỗ trợ của các Bộ Ngành trung ương và sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố; sự đồng thuận của hệ thống chính trị, sự năng động của các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đoàn kết vượt khó nên kinh tế thành phố vẫn giữ được mức độ tăng trưởng khá với 18/22 chỉ tiêu ước đạt và vượt.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 10,3% so với năm 2010, bằng 1,7 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước (ước tăng 6%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 16,5%; kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng 16%, thấp hơn mức tăng 18% của cả nước; kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể được củng cố và phát huy vai trò nòng cốt trong việc ổn định, phát triển sản xuất - kinh doanh, bình ổn thị trường; quản lý và phát triển đô thị đạt một số kết quả thiết thực, hoàn thành, đưa vào sử dụng một số công trình trọng điểm; hoạt động đối ngoại và hợp tác kinh tế với các tỉnh được mở rộng; khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa, y tế,… có bước phát triển tích cực; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội, tập trung vào công nhân, các diện nghèo, cận nghèo, diện chính sách… đã góp phần bù đắp khó khăn do tác động của lạm phát; việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện - quận, phường trên toàn địa bàn thành phố tiếp tục phát huy tác dụng tốt.

Còn 04 chỉ tiêu chưa đạt: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước đạt 10,3% (chỉ tiêu 12%); chỉ số giá tiêu dùng tăng 16% (chỉ tiêu dưới 7%); tỷ lệ xử lý nước thải y tế và xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa đạt (chỉ tiêu 100%); đầu tư phát triển gặp nhiều khó khăn về vốn; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng chậm; tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều bệnh viện quá tải; công tác cải cách hành chính đạt hiệu quả chưa cao; việc xử lý các vấn đề xã hội bức xúc, như: ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, tệ nạn đua xe trái phép,… chưa hiệu quả; tội phạm và các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn.

II. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2012:

Mục tiêu:

Góp phần cùng cả nước vượt qua khó khăn, thử thách, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, tập trung cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; nâng cao trách nhiệm điều hành, hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Các chỉ tiêu chủ yếu: (30 chỉ tiêu)

a) Các chỉ tiêu kinh tế (07 chỉ tiêu)

(1) Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên địa bàn tăng từ 10% trở lên; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.600 USD/người;

(2) Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 14% - 15%;

(3) Kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) tăng khoảng 10%;

(4) Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 215.000 tỷ đồng, (chiếm 35,5% GDP);

(5) Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn: 233.682 tỷ đồng (bằng 119,99% dự toán năm 2011), trong đó, thu nội địa: 123.300 tỷ đồng, tăng 17,7%; thu từ xuất nhập khẩu: 78.900 tỷ đồng, tăng 24,4%; thu từ dầu thô: 25.000 tỷ đồng bằng 98,04% so cùng kỳ;

(6) Tổng chi ngân sách địa phương: 42.809,9 tỷ đồng; nếu không ghi thu, ghi chi: 37.428 tỷ đồng; trong đó, chi đầu tư phát triển: 11.400 tỷ đồng;

(7) Chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng cả nước.

b) Các chỉ tiêu xã hội (12 chỉ tiêu):

(8) Số lao động được giải quyết việc làm: 265.000 người;

(9) Số lao động được tạo việc làm mới: 125.000 người;

(10) Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt 64%;

(11) Tỷ lệ thất nghiệp: giảm còn 4,9%;

(12) Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của thành phố: giảm còn 4,5%;

(13) Mức giảm tỷ lệ sinh: 0,05%0;

(14) Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng: giảm xuống dưới 8%;

(15) Số giường bệnh trên 10.000 dân: 41,5;

(16) Số bác sĩ trên 10.000 dân: 13,5 bác sĩ;

(17) Diện tích nhà ở bình quân đầu người: 16 m2;

(18) Số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông: giảm 10%;

(19) Số vụ ùn tắc giao thông trên 30 phút ở địa bàn thành phố: giảm 10%.

c) Các chỉ tiêu môi trường (11 chỉ tiêu):

(20) Tỷ lệ hộ dân đô thị được cấp nước sạch: 87%;

(21) Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh: 98%;

(22) Số lượt người sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng: 593 triệu lượt người;

(23) Tỷ lệ chất thải rắn thông thường ở đô thị, được thu gom, xử lý: 100%;

(24) Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại được thu gom, xử lý: 100%;

(25) Tỷ lệ chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý: 100%;

(26) Tỷ lệ xử lý nước thải y tế: 100%;

(27) Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý: 95%;

(28) Tỷ lệ khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường: 100%;

(29) Tỷ lệ diện tích che phủ rừng và cây xanh phân tán quy đổi trên tổng diện tích đất tự nhiên đến cuối năm 2012: 39,4%;

(30) Số điểm ngập nước do mưa: giảm 10 điểm (trên tổng số 31 điểm ngập hiện nay).

III. Nhiệm vụ và các giải pháp chính:

Năm 2012, dự báo tình hình kinh tế - xã hội thành phố vẫn còn phải đối mặt với nhiều tồn tại yếu kém chưa thể khắc phục được ngay, Hội đồng nhân dân thành phố yêu cầu triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chính dưới đây:

1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế thành phố giai đoạn 2011 - 2015; phát triển nâng cao tỷ trọng và chất lượng các ngành dịch vụ chủ yếu (thương mại quốc tế; tài chính, tín dụng ngân hàng; dịch vụ cảng - kho bãi - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu; du lịch; thị trường bất động sản; thị trường công nghệ). Phát triển mạnh 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn (cơ khí, điện tử - tin học, hóa chất, chế biến lương thực - thực phẩm); lựa chọn một số công đoạn có giá trị gia tăng cao trong các ngành công nghiệp truyền thống để đầu tư, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu các sản phẩm công nghiệp (công nghiệp chế biến sản phẩm cao cấp công nghệ cao; công nghiệp thời trang; các công đoạn thiết kế, tiếp thị, phân phối…); phát triển công nghiệp phụ trợ.

2. Quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, tập trung khắc phục những nguyên nhân gây trở ngại cho phát triển bền vững, thực hiện tốt hơn Nghị quyết 11/CP của Chính phủ và kế hoạch thực hiện 6 chương trình đột phá của thành phố. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, phát triển mạnh hệ thống phân phối, chủ động tạo nguồn hàng hóa, dịch vụ phong phú, chất lượng làm cơ sở bình ổn thị trường, khai thác tốt thị trường nội địa, quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

3. Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ; triển khai thực hiện tốt 3 chương trình đột phá của thành phố (giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc giao thông); đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đô thị mới (Thủ Thiêm, Tây Bắc, cảng Hiệp Phước), nhà ở xã hội, khu lưu trú công nhân, ký túc xá sinh viên, nhà ở phục vụ tái định cư, di dời nhà ở trên và ven kênh rạch. Nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị theo hướng xã hội hóa. Có giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện kéo giảm 10% số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông và số vụ ùn tắc giao thông trên 30 phút.

4. Tập trung hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 5 xã điểm của thành phố, nâng cao hiệu quả và nhân rộng kinh nghiệm xây dựng mô hình nông thôn mới. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp đô thị và bền vững.

5. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch - kiến trúc, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường trật tự, kỷ cương trong quản lý đô thị, nâng cao công tác quản lý dự án và quản lý chất lượng xây dựng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

6. Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, tôn trọng pháp luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Thúc đẩy công tác xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao; phát triển hệ thống an sinh xã hội. Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thiên tai, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, coi trọng giáo dục lý tưởng, nhân cách, phẩm chất đạo đức, lối sống cho học sinh, kết hợp 3 môi trường gia đình - nhà trường và xã hội; tiếp tục thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xây dựng trường mầm non ở các khu lưu trú công nhân bên cạnh các khu công nghiệp - khu chế xuất; tăng cường quản lý nhà nước hệ thống các trường tư thục, dân lập, các cơ sở giáo dục đào tạo có yếu tố nước ngoài.

7. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch trong đội ngũ cán bộ, công chức. Tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp; nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, kiên quyết đấu tranh và đẩy lùi tệ nạn xã hội. Tăng cường phối hợp thường xuyên các ngành, các đơn vị chức năng thực hiện hoạt động giám sát trong điều kiện thành phố tiếp tục thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện - quận, phường.

IV. Tổ chức thực hiện:

Ủy ban nhân dân thành phố có kế hoạch tổ chức, chỉ đạo và điều hành bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết này.

Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cùng các tổ chức thành viên giám sát, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của người dân đến các cấp chính quyền.

Hội đồng nhân dân thành phố kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ thành phố nêu cao tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2011./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Quyết Tâm

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.