Nghị quyết 32/2005/NQ-HĐND về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm từ 2006-2010
Số hiệu: 32/2005/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Phạm Văn Tích
Ngày ban hành: 28/12/2005 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2005/NQ-HĐND

Thanh hóa, ngày 28 tháng 12 năm 2005

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM TỪ 2006 - 2010.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XV - KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002.

Căn cứ Quyết định 166/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp và chính sách phát triển chăn nuôi lợn xuất khẩu và chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa ở Việt Năm giai đoạn 2001-2010.

Sau khi xem xét: Tờ trình số 5191/TTr-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2005 của UBND tỉnh về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi từ năm 2006 đến năm 2010 ở Thanh Hoá; Báo cáo thẩm tra số 238 /KT-HĐND ngày 23 tháng 12 năm 2005 của Ban Kinh tế- Ngân sách và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh.

QUYẾT NGHỊ

Điều 1. Ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá từ năm 2006 -2010. Cụ thể như sau:

I. NỘI DUNG CHÍNH SÁCH.

1. Chính sách cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò.

1.1. Hỗ trợ kinh phí mua vật tư phối giống, gồm: Tinh, nơ tinh, dụng cụ để phục vụ phối giống: 55.000 đồng/ bò cái có chửa.

1.2. Hỗ trợ kinh phí tiêm các loại vắc-xin phòng dịch bệnh nguy hiểm với mức 18.000 đồng/ bò cái phối giống.

1.3. Hỗ trợ kinh phí để mở lớp tập huấn chăn nuôi bò cho các hộ nông dân, với mức 4.800.000 đồng/ lớp. Mỗi lớp tập huấn phải bảo đảm 50 hộ nông dân tham dự, thời gian tập huấn 3 ngày, theo kế hoạch phân bổ hàng năm.

1.4. Hỗ trợ kinh phí đào tạo dẫn tinh viên 2 lớp/ năm, mức 30.000.000 đồng/lớp 20 người, thời gian học 30 ngày. Hỗ trợ lớp đào tạo dẫn tinh viên nâng cao 2 lớp/ năm, mức 19.900.000 đồng/lớp, mỗi lớp 20 người, thời gian học 7 ngày, theo kế hoạch.

1.5. Hỗ trợ tiền công phối giống TTNT với mức 20.000 đồng/ bò cái có chửa.

1.6. Các đơn vị tham gia chương trình bò thịt chất lượng cao của Bộ NN&PTNT thì được hưởng chính sách đối ứng của tỉnh.

2. Chính sách chăn nuôi lợn hướng nạc.

2.1.Đối với đàn lợn giống ông bà:

Giống lợn ông bà đủ tiêu chuẩn về kinh tế-kỹ thuật và chất lượng sản phẩm con giống theo qui định của Bộ NN&PTNT thì được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/nái/năm.

2.2. Đối với đàn lợn bố mẹ hướng nạc:

- Hỗ trợ thuốc thú y tiêm phòng dịch cho lợn nái ngoại: 47.000 đồng/con/năm.

- Hỗ trợ hộ nông dân mua lợn đực giống 01 lần: 1.000.000 đồng/ con, bảo đảm mức 50 nái ngoại 01 đực giống.

- Hỗ trợ kinh phí tập huấn chăn nuôi lợn nạc xuất khẩu cho dân: 3.000.000 đồng/lớp 50 người, thời gian học 2 ngày, theo kế hoạch.

- Hỗ trợ mức 350.000 đồng/tháng/ 1 khuyến nông viên, bảo đảm 100 lợn nái ngoại sinh sản.

- Hỗ trợ tiền mua giống lợn mẹ sinh sản với mức 100.000 đồng/ 1 con.

3. Hỗ trợ đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi tập trung.

3.1. Qui định chung:

Một khu trang trại hay một trang trại bảo đảm một trong các tiêu chí sau:

+ Bò thịt từ 300 con trở lên

+ Lợn nái ngoại sinh sản từ 200 con trở lên

+ Lợn thịt hướng nạc từ 1.500 con trở lên.

+ Trang trại hỗn hợp nuôi từ 2 giống gia súc trở lên, với qui mô tối thiểu bằng 50% số lượng gia súc mỗi loại nêu trên.

Nằm trong khu vực qui hoạch phát triển chăn nuôi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm: đường giao thông, điện, cấp thoát nước đến tường rào khu trang trại.

3.2. Mức hỗ trợ đầu tư cho cơ sở hạ tầng:

Ở miền xuôi, tối đa là 600.000.000 (Sáu trăm triệu đồng), ở miền núi, tối da là 700.000.000 đồng (Bảy trăm triệu đồng) cho một khu trang trại hay một trang trại bảo đảm tiêu chí trên.

3.3. Cơ chế hỗ trợ:

Để được hưởng chính sách trên, các khu trang trại phải có dự án được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt, liên ngành: Nông nghiệp, Tài chính, Kế hoạch -Đầu tư kiểm tra trình UBND tỉnh cấp kinh phí.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ THỜI GIAN ÁP DỤNG

1. Đối tượng:

Tất cả các tổ chức, cá nhân chăn nuôi bảo đảm các tiêu chí theo qui định nêu trên được hưởng chính sách này.

2. Phạm vi và thời gian áp dụng:

- Tiếp tục cho thực hiện cơ chế chính sách đối với chăn nuôi trâu, bò miền núi theo Quyết định 3017/QĐ-UBND ngày 17 tháng 10 năm 2005 của UBND tỉnh. Các tổ chức, cá nhân đã được hưởng chính sách theo Quyết định 3017 thì không được hưởng chính sách này.

- Chính sách này được thực hiện từ ngày 01/ 01/ 2006 đến hết 31/12/ 2010.

Điều 2. Giao UBND tỉnh đánh giá lại Dự án chăn nuôi bò sữa, xây dựng đề án đổi mới chăn nuôi gia cầm đến năm 2010, trình HĐND tỉnh cơ chế chính sách vào kỳ họp gần nhất. Từ nay đến khi có chính sách mới, tiếp tục cho thực hiện chính sách đối với chăn nuôi bò sữa và gia cầm giống ông bà theo Quyết định 408/QĐ-UB ngày 18 tháng 02 năm 2004 của UBND tỉnh. Căn cứ Nghị quyết này và các qui định hiện hành của pháp luật, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, định kỳ báo cáo HĐND tỉnh.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 28 tháng 12 năm 2005./.

 

 

Nơi nhận:
- VPQH,VPCP,VPCTN;
- Bộ Tư pháp;
- TT/TU, UBND tỉnh;
- ĐBQH, ĐBHĐND tỉnh;
- MTTQ và các đoàn thể;
- Các Sở, ban, ngành liên quan;
- TT/HĐND, UBND các huyện thị xã, thành phố;
- VP Tỉnh ủy, VP UBND tỉnh;
- Lưu VT.

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Tích