Nghị quyết 31/2011/NQ-HĐND về Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015
Số hiệu: 31/2011/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai Người ký: Phạm Văn Cường
Ngày ban hành: 16/12/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 31/2011/NQ-HĐND

Lào Cai, ngày 16 tháng 12 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
KHÓA XIV - KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Nghị quyết số 24/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLB-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011 của liên bộ: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/ĐH ngày 01/11/2010 Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 10/10/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 6, khóa XIV về việc phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện 7 chương trình công tác trọng tâm toàn khóa với 27 đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai, khóa XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015;

Xét Tờ trình số 107/TTr-UBND ngày 17/11/2011 của UBND tỉnh Lào Cai đề nghị thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015;

Báo cáo thẩm tra số 61/BC-HĐND ngày 05/12/2011 của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh dự kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015 với nội dung chủ yếu như sau:

I - PHẠM VI THỰC HIỆN: 144/144 xã trong toàn tỉnh.

II - NỘI DUNG ĐỀ ÁN:

1. Mục tiêu Đề án

1.1. Mục tiêu chung

Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; xây dựng nông thôn mới nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng Lào Cai cơ bản trở thành tỉnh phát triển ở khu vực miền núi phía Bắc trong những năm tới đây.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2011 - 2015: 35/144 xã (chiếm 24,3%) đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; thành phố Lào Cai đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới).

- Phấn đấu đến năm 2020: 72/144 xã (chiếm 50%) đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới).

2. Nội dung đề án

2.1. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới

Hoàn thành đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trong toàn tỉnh trong năm 2011: 144/144 xã (đạt 100%).

2.2. Hạ tầng kinh tế - xã hội

- Giao thông: Toàn bộ đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 50% đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn; đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Giai đoạn 2011 - 2015 hoàn thành tiêu chí: 35/144 xã (đạt 24,3%).

- Thủy lợi: Hệ thống thuỷ lợi cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và dân sinh; có trên 50% km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa. Giai đoạn 2011 - 2015 hoàn thành tiêu chí: 109/144 xã (đạt 75,7%).

- Điện nông thôn: Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện, cung cấp đủ điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Hoàn thiện hệ thống điện đảm bảo có thêm: 9.289 hộ sử dụng điện thường xuyên, có thêm 29 xã hoàn thành tiêu chí điện nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt tiêu chí là: 61/144 xã (đạt 42,4%).

- Trường học: Có trên 70% trường học các cấp (mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở) có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Giai đoạn 2011 - 2015 hoàn thành tiêu chí: 144/144 xã (đạt 100%).

- Cơ sở vật chất văn hóa: Có hệ thống nhà văn hóa và khu thể thao cơ bản đạt chuẩn. Giai đoạn 2011 - 2015 hoàn thành tiêu chí: 35/144 xã (đạt 24,3%).

- Chợ nông thôn: Giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh xây dựng mới: 15 chợ, nâng cấp: 18 chợ, nâng tổng số chợ nông thôn toàn tỉnh: 68 chợ, trong đó: 42 chợ đạt chuẩn theo quy định.

- Bưu điện: Có điểm bưu chính viễn thông ở xã và có Internet đến thôn. Giai đoạn 2011 - 2015 hoàn thành tiêu chí: 35/144 xã (đạt 24,3%).

- Nhà ở dân cư: Nhà tạm, dột nát được xoá bỏ; nhà ở của nhân dân cơ bản được chỉnh trang đạt chuẩn. Giai đoạn 2011 - 2015 hoàn thành tiêu chí: 83/144 xã (đạt 57,6%).

2.3. Kinh tế và tổ chức sản xuất

- Thu nhập người lao động: Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người các xã nông thôn mới đạt cao hơn 1,2 lần so với bình quân thu nhập chung khu vực nông thôn của tỉnh. Giai đoạn 2011 - 2015 hoàn thành tiêu chí: 39/144 xã (đạt 27,1%).

- Hộ nghèo: Phấn đấu hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5 - 6%/năm để tiến tới cơ bản đạt chuẩn ở một số xã xây dựng nông thôn mới, kết thúc giai đoạn 2011 - 2015 hoàn thành tiêu chí: 52/144 xã (đạt 36,1%).

- Cơ cấu lao động và tỷ lệ lao động qua đào tạo: Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 133/144 xã (đạt 92,4%) có tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên 20%; 35 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 có tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp cơ bản đạt tiêu chí (dưới 45%).

- Hình thức tổ chức sản xuất: Tất cả các xã có các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp; phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, dược liệu. Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn tạo sản phẩm hàng hóa có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao như: Chè, cao su, lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả. Giai đoạn 2011 - 2015 hoàn thành tiêu chí: 101/144 xã (đạt 70,1%).

2.4. Văn hóa - Xã hội - Môi trường

- Giáo dục: Đạt chuẩn về tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học phổ thông (hoặc bổ túc học nghề) đạt 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 20%. Giai đoạn 2011 - 2015 hoàn thành tiêu chí: 67/144 xã (đạt 46,5%).

- Y tế: Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức BHYT trên 20%, Trạm Y tế các xã đạt chuẩn quốc gia. Giai đoạn 2011 - 2015 hoàn thành tiêu chí: 144/144 xã (đạt 100%).

- Văn hóa: Xã có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chí làng văn hóa theo quy định. Giai đoạn 2011 - 2015 hoàn thành tiêu chí: 44/144 xã (đạt 30,6%).

- Môi trường: Số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt tỷ lệ trên 74%; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý đúng quy định. Giai đoạn 2011 - 2015 hoàn thành tiêu chí: 35/144 xã (đạt 24,3%).

2.5. Hệ thống chính trị

- Xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh: Xây dựng đội ngũ cán bộ xã đạt chuẩn; các Đảng bộ, chính quyền xã đạt “Trong sạch vững mạnh”; các tổ chức đoàn thể chính trị xã đạt danh hiệu tiên tiến trở lên. Giai đoạn 2011 - 2015 phấn đấu hoàn thành tiêu chí: 122/144 xã (đạt 84,7%).

- An ninh, trật tự xã hội: An ninh, trật tự nông thôn được giữ vững. Giai đoạn 2011 - 2015 hoàn thành tiêu chí tại 122/144 xã (đạt 84,7%).

III - CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

1. Công tác tuyên truyền, vận động

Xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn và toàn diện mọi lĩnh vực, do đó phải có sự chỉ đạo tập trung của các cấp ủy Đảng về công tác tuyên truyền, vận động để làm cho toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội, đặc biệt là người dân trực tiếp tham gia hiểu và nắm được ý nghĩa, trách nhiệm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

2. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu xây dựng nông thôn mới

- Tập trung đào tạo cho cán bộ cấp xã và cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp. Thực hiện việc đào tạo theo nhu cầu về trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị của từng đối tượng nhằm nâng cao trình độ cán bộ đạt chuẩn theo địa chỉ của từng địa phương, đơn vị.

- Chú trọng công tác đào tạo nghề thông qua các chương trình đào tạo nghề cho khu vực nông thôn theo chủ trương của Chính phủ, các chương trình khuyến nông, khuyến công... để nâng cao trình độ sản xuất và đa dạng hóa ngành nghề cho nông dân ở khu vực nông thôn.

3. Huy động nguồn lực tổ chức thực hiện chương trình: Từ các nguồn vốn ngân sách, vốn vay, vốn doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đóng góp.

4. Xây dựng các cơ chế, chính sách đáp ứng nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 tập trung vào các nội dung:

- Đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông, lâm nghiệp nhằm tăng thu nhập cho người sản xuất;

- Phát triển giao thông nông thôn để tạo điều kiện cho phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân;

- Phát triển mạnh giáo dục mầm non;

- Giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, làng, bản sạch đẹp;

- Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

5. Khái toán vốn đầu tư, cơ cấu và phân kỳ đầu tư

5.1. Khái toán vốn đầu tư

Hạng mục đầu tư

Kinh phí

(Tỷ đồng)

Cơ cấu

(%)

Quy hoạch

21,60

0,08

Đầu tư cơ sở hạ tầng

6.880,83

24,74

Kinh tế tổ chức sản xuất

20.210,34

72,66

Văn hóa - Xã hội - Môi trường

670,49

2,41

Hệ thống tổ chức chính trị xã hội + Đào tạo cán bộ xây dựng nông thôn mới

30,10

0,11

Tổng cộng:

27.813,36

100%

5.2. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2015

Nhu cầu vốn: 9.517,89 tỷ đồng (chiếm 34,2% cả giai đoạn 2011 - 2030). Trong đó:

- Ngân sách: 2.781,95 tỷ đồng, chiếm 29,2%.

- Tín dụng, doanh nghiệp, HTX, tổ chức khác: 5.408,35 tỷ đồng, chiếm 56,8%.

- Dân tham gia đóng góp và vốn khác: 1.327,59 tỷ đồng, chiếm 14,0%.

5.3. Phân kỳ đầu tư

- Giai đoạn 2011 - 2015: 9.517,89 tỷ đồng, phân kỳ đầu tư như sau:

+ Năm 2011: 1.619,76 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 330,14 tỷ đồng, chiếm 20,38% giá trị kinh phí;

+ Năm 2012: 1.903,58 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 576,68 tỷ đồng, chiếm 30,29% giá trị kinh phí;

+ Năm 2013: 1.960,34 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 601,64 tỷ đồng, chiếm 30,69% giá trị kinh phí;

+ Năm 2014: 1.988,72 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 624,26 tỷ đồng,

chiếm 31,39% giá trị kinh phí;

+ Năm 2015: 2.045,49 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 669,51 tỷ đồng, chiếm 32,73% giá trị kinh phí.

- Giai đoạn 2016 - 2030: 18.295,47 tỷ đồng.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai giao

1. UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015 và tổ chức thực hiện Nghị quyết.

2. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc

tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Lào Cai khóa XIV - Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 14/12/2011 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày được thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Cường