Nghị quyết 30/2013/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum Quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Số hiệu: 30/2013/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum Người ký: Hà Ban
Ngày ban hành: 11/12/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Thuế, phí, lệ phí, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2013/NQ-HĐND

Kon Tum, ngày 11 tháng 12 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ BAN HÀNH PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI NƯỚC THẢI SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 12/12/2005;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21/6/2012;

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí ngày 28/8/2001;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí, lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 63/2013/TTLT-BTC-BTNMT ngày 15/5/2013 của Liên Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;

Căn cứ Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật phí và lệ phí; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật phí và lệ phí;

Căn cứ Thông tư số 97/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 81/TTr-UBND ngày 04/11/2013 về việc quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến tham gia của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kon Tum, cụ thể như sau:

1. Đối tượng chịu phí và đối tượng không chịu phí

1.1. Đối tượng chịu phí:

a. Hộ gia đình;

b. Cơ quan nhà nước;

c. Đơn vị vũ trang nhân dân (trừ các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến thuộc các đơn vị vũ trang nhân dân);

d. Trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng của các tổ chức, cá nhân không gắn liền với địa điểm sản xuất, chế biến;

e. Cơ sở rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy;

f. Bệnh viện; phòng khám chữa bệnh; nhà hàng, khách sạn; cơ sở đào tạo, nghiên cứu; cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác;

g. Trường hợp tổ chức, cá nhân xả nước thải vào hệ thống thoát nước, đã nộp phí thoát nước thì đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thoát nước là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải tiếp nhận được và thải ra môi trường.

1.2. Đối tượng không chịu phí:

a. Nước xả ra từ các nhà máy thủy điện, nước tuần hoàn trong các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến không thải ra môi trường.

b. Hộ nghèo (tại các vùng thuộc đối tượng chịu phí) theo chuẩn nghèo được quy định theo từng thời kỳ, có tên trong danh sách hộ nghèo được UBND xã, phường, thị trấn quản lý.

c. Nước thải sinh hoạt của hộ gia đình ở những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch.

d. Nước thải sinh hoạt của hộ gia đình ở các xã thuộc vùng nông thôn, bao gồm:

- Các xã thuộc biên giới, miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa (theo quy định của Chính phủ về xã biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa).

- Các xã không thuộc đô thị loại I, II, III, IV và V theo quy định tại Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về phân loại đô thị.

a. Nước làm mát thiết bị, máy móc không trực tiếp tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, có đường thoát nước riêng với các nguồn nước thải khác.

b. Nước mưa tự nhiên chảy tràn.

2. Mức thu phí nước thải sinh hoạt

a. Mức thu phí đối với nước thải sinh hoạt của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng nước do các Công ty, đơn vị cấp nước cung ứng: Bằng 5% trên giá bán một 1 m3 nước sạch chưa gồm thuế giá trị gia tăng..

b. Mức thu phí đối với nước thải sinh hoạt trong trường hợp tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng:

- Đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (trừ hộ gia đình, cá nhân quy định tại điểm b, c và d mục 1.2 khoản 1, Điều 1 nêu trên) được tính bình quân chung là 3 m3/tháng/đầu người để tính phí bảo vệ môi trường.

- Đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ thì số lượng nước sạch sử dụng được xác định căn cứ vào quy mô hoạt động kinh doanh, dịch vụ do cơ sở tự kê khai và thẩm định của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đảm bảo đầy đủ số lượng nước để tính phí bảo vệ môi trường.

- Tiền phí phải thu bằng số lượng nước sử dụng x với giá bán một 1 m3 nước sạch trên địa bàn (chưa gồm thuế giá trị gia tăng) x 5%.

3. Đơn vị thu phí và phân bổ số thu

3.1. Đơn vị thu phí: Thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 63/2013/TTLT-BTC-BTNMT ngày 15/5/2013 của Liên Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3.2. Phân bổ số thu:

a. Đơn vị cung cấp nước sạch được trích 10%, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn được trích 15% trên tổng số tiền thu phí để trang trải cho việc thu phí.

b. Phần phí thu được còn lại (sau khi trừ đi số phí trích để lại cho đơn vị cung cấp nước sạch, Ủy ban nhân dân cấp xã) được nộp vào ngân sách địa phương, cụ thể:

- Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thu được để lại nộp vào ngân sách xã, phường, thị trấn.

- Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt do đơn vị cấp nước thu được nộp vào ngân sách huyện, thành phố.

Nguồn thu này được sử dụng chi cho công tác bảo vệ môi trường, đầu tư mới, nạo vét cống rãnh, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước tại địa phương, bổ sung vốn hoạt động cho Quỹ bảo vệ môi trường của địa phương để sử dụng cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải; tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện; Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, kỳ họp thứ 7 thông qua./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu Quốc hội;
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra văn bản pháp luật);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Vụ Pháp chế);
- Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế);
- Bộ Tài nguyên và Môi trường ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các ban HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- TT HĐND-UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Báo Kon Tum;
- Đài PTTH tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, CTHĐ.

CHỦ TỊCH




Hà Ban