Nghị quyết 30/2012/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Số hiệu: 30/2012/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu Người ký: Võ Văn Dũng
Ngày ban hành: 09/12/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2012/NQ-HĐND

Bạc Liêu, ngày 09 tháng 12 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giáo dục năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục số 44/2009/QH12 ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Quyết định số 1033/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2011 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020”;

Xét Tờ trình số 224/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội của Hội đồng nhân dân và ý kiến Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua Quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 một số nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM, PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước “Sự nghiệp giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển con người nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Tạo ra nguồn nhân lực mới phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và đạo đức; có khả năng tự học tập, tự đào tạo; có kỹ năng nghề nghiệp cao, chủ động bảo đảm cho học sinh, sinh viên được học tập và đào tạo tại các trường trong tỉnh có khả năng tiếp cận với nền giáo dục và đào tạo của các nước; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Phát triển giáo dục

a) Giáo dục mầm non:

- Bảo đảm các điều kiện cần thiết cho trẻ em đến trường mầm non được giáo dục và chăm sóc, giúp cho trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ trước khi bước vào lớp 1.

- Thu hút trẻ em dưới 03 tuổi đến nhóm, lớp mầm non đạt 20 - 25% năm 2020.

- Trẻ em 03 - 05 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt trên 90% năm 2020.

- Tỷ lệ trẻ em 03 - 05 tuổi được học 2 buổi/ngày và học bán trú đạt 75 - 80% năm 2020.

- Tỷ lệ trẻ em 05 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 99% năm 2015 và những năm tiếp theo.

- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non xuống dưới 7,5% năm 2020.

b) Tiểu học:

- Giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đã đạt được, không ngừng nâng cao chất lượng trong những năm tiếp theo.

- Tỷ lệ học sinh tiểu học đúng độ tuổi đến trường đạt 99% năm 2015 và những năm tiếp theo.

- Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đúng độ tuổi trên 95% năm 2020.

- Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 đạt 97% năm 2020.

c) Trung học cơ sở:

- Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở, nâng tỷ lệ học sinh trung học cơ sở đến trường đạt trên 95% năm 2020 so với số dân trong độ tuổi.

- Tỷ lệ học sinh trung học cơ sở được xét công nhận tốt nghiệp hàng năm trong thời kỳ quy hoạch đạt 95% trở lên.

- Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào trung học phổ thông đạt 75% năm 2015 và những năm tiếp theo.

d) Trung học phổ thông:

- Duy trì thường xuyên tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 95% trở lên, giảm tỷ lệ học sinh yếu kém xuống dưới 10%.

- Phấn đấu tăng số trường trung học phổ thông có học sinh thi đậu tốt nghiệp đạt 100% và có nhiều học sinh thi đạt giải cấp quốc gia.

đ) Giáo dục thường xuyên:

- Nâng cao chất lượng dạy và học cho tất cả các trung tâm giáo dục thường xuyên, bảo đảm cho số học sinh không đủ điều kiện học phổ thông và người lớn tuổi được tiếp tục đi học, xây dựng “Xã hội học tập”.

- Duy trì kết quả đã đạt được 100% xã, phường, thị trấn có Trung tâm Học tập cộng đồng, tiếp tục nâng cao chất lượng trong thời kỳ quy hoạch.

- Huy động 75 - 80% số người trong độ tuổi phổ cập trung học cơ sở đến lớp bổ túc trung học cơ sở.

- Tăng cường sự phối hợp giữa trung tâm giáo dục thường xuyên với các trường và các cơ sở đào tạo, dạy nghề, tăng tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề đạt trên 35%.

e) Giáo dục dân tộc: Đầu tư mở rộng quy mô Trường Phổ thông Dân tộc nội trú hiện có; xây dựng mới thêm 02 trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở, đáp ứng đủ nhu cầu học tập cho học sinh dân tộc thiểu số; thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn cán bộ cho dân tộc thiểu số.

2. Phát triển đào tạo và dạy nghề

- Tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế - xã hội đạt 67% năm 2020.

- Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề đạt 55 - 60% năm 2020.

- Tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đạt 45,2% năm 2020.

- Tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 81,5% năm 2020.

- Tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động làm việc trong các ngành dịch vụ đạt 81% năm 2020.

Cơ cấu lao động được đào tạo chia theo trình độ đào tạo như sau:

- Tỷ lệ lao động được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học (kể cả cao đẳng nghề) so với tổng số lao động được đào tạo đạt 15,6% năm 2020.

- Tỷ lệ lao động được đào tạo trình độ trung cấp (kể cả trung cấp nghề) so với tổng số lao động được đào tạo đạt 19,25% năm 2020.

- Tỷ lệ lao động được đào tạo sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng so với tổng số lao động được đào tạo giảm xuống 65,15% năm 2020.

Tỷ lệ giáo viên được đào tạo trên chuẩn các cấp như sau:

- Tỷ lệ giáo viên mầm non đạt 65 - 70% năm 2020.

- Tỷ lệ giáo viên tiểu học đạt 70 - 75% năm 2020.

- Tỷ lệ giáo viên trung học cơ sở đạt 75 - 80% năm 2020.

- Tỷ lệ giáo viên trung học phổ thông đạt 15 - 20% năm 2020.

- Năm 2020, tất cả các trường trong hệ thống giáo dục và đào tạo đều có cán bộ y tế.

- Đội ngũ giáo viên và giảng viên trong các trường đào tạo và dạy nghề: 100% đạt chuẩn và trên chuẩn.

3. Về cơ sở vật chất:

a) Tỷ lệ phòng học, phòng chức năng và các phòng thuộc khối hành chính được xây dựng kiên cố (đạt tiêu chuẩn nhà cấp III trở lên) chiếm trên 90% năm 2020.

b) Tỷ lệ trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia trên 50% năm 2020, chia theo các cấp học như sau:

- Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia trên 60%.

- Tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia đạt 65 - 70%.

- Tỷ lệ trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia đạt trên 50%.

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia trên 40%.

c) Đến năm 2015, mỗi huyện và thành phố có 01 trường tiểu học năng khiếu và 01 trường trung học cơ sở năng khiếu.

d) Xây dựng Trung tâm Đào tạo Ngoại ngữ chất lượng cao tại thành phố Bạc Liêu trước năm 2015.

đ) Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa phát triển giáo dục mầm non và phổ thông: Tỷ lệ trẻ em đến nhóm, lớp mầm non ngoài công lập chiếm 15 - 20% năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020, mỗi huyện có ít nhất 02 trường mầm non và phổ thông.

4. Định hướng phát triển đến năm 2030:

- Hoàn thành cơ bản mục tiêu xây dựng xã hội học tập, 100% trường mầm non và tiểu học đủ điều kiện cho học sinh được học 2 buổi/ngày đủ một năm học.

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa phát triển giáo dục mầm non và phổ thông. Đến năm 2030, tỷ lệ trẻ em đến nhóm, lớp mầm non ngoài công lập chiếm 25% trở lên; tỷ lệ học sinh phổ thông đến các trường ngoài công lập chiếm 15 - 20%.

 - Tỷ lệ phòng học, phòng chức năng và các phòng thuộc khối hành chính được xây dựng kiên cố 100% (kể cả công lập và ngoài công lập), không còn điểm trường tiểu học có 03 phòng học trở xuống, cơ bản bảo đảm các trang thiết bị phục vụ cho dạy và học.

- Tỷ lệ trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia 80% trở lên.

- Tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng trường trung học phổ thông chuyên và các trường tiểu học năng khiếu, trung học cơ sở năng khiếu.

- Các Trường chất lượng cao có cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập theo hướng hội nhập quốc tế về phát triển giáo dục và đào tạo.

- Chất lượng giáo dục được nâng cao toàn diện, bao gồm cả trình độ học vấn, đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, ngoại ngữ, tin học,…

 - Hệ thống các trường đào tạo và dạy nghề cơ bản ổn định quy mô đào tạo và đào tạo lại, có khả năng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho một số ngành và lĩnh vực có nhiều tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo gắn với sử dụng, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phục vụ phát triển các ngành mũi nhọn của tỉnh.

- Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước và tăng cường xã hội hóa. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách thu hút giáo viên và giảng viên giỏi, khuyến khích và hỗ trợ cho các đối tượng có nhu cầu đi học tập, lao động và nghiên cứu ở nước ngoài.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về vốn đầu tư

a) Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 8.811,8 tỷ đồng, trong đó, cho giáo dục là 2.997,8 tỷ đồng, cho đào tạo và dạy nghề là 5.814 tỷ đồng, phân chia 02 giai đoạn:

- Giai đoạn 2012 - 2015: 3.567,2 tỷ đồng, trong đó:

+ Đầu tư cho giáo dục là: 1.096,2 tỷ đồng.

+ Đào tạo và dạy nghề là: 2.471 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2016 - 2020: 5.244,6 tỷ đồng, trong đó:

+ Đầu tư cho giáo dục là: 1.901,6 tỷ đồng.

+ Đào tạo và dạy nghề là: 3.343 tỷ đồng.

b) Cơ cấu vốn đầu tư:

- Nguồn vốn ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương) là 5.082 tỷ đồng, chiếm 57,67%.

- Nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia, các nguồn vốn ODA, FDI và các nguồn viện trợ khác là 2.087 tỷ đồng, chiếm 23,68%.

- Nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn khác là 1.642,8 tỷ đồng, chiếm 18,65%.

2. Tăng cường xã hội hóa đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề:

Trước hết, đẩy mạnh xã hội hóa phát triển giáo dục mầm non, từng bước thực hiện xã hội hóa phát triển giáo dục phổ thông và đào tạo, dạy nghề.

Tăng cường các hoạt động kinh tế đối ngoại và xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn vốn đầu tư của nhiều thành phần kinh tế, trong đó, coi trọng thu hút nguồn vốn ODA, FDI và các nguồn viện trợ khác.

3. Đẩy mạnh hoạt động về đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên:

Thực hiện công khai dân chủ trong việc đánh giá năng lực đội ngũ giáo viên. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng giáo viên bằng nhiều hình thức, bố trí luân phiên đào tạo, tăng nhanh số giáo viên trên chuẩn cho các cấp học; đồng thời, với việc sắp xếp giáo viên dôi dư, các cấp quản lý giáo dục cần quan tâm chấn chỉnh lại công tác tuyển dụng giáo viên ở các trường học; tiếp tục áp dụng các chính sách thu hút, tuyển dụng giáo viên giỏi, khuyến khích và tạo điều kiện cho những giáo viên trẻ đến nhận nhiệm vụ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.

4. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng học sinh các cấp:

Thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý chất lượng học sinh. Đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh, đảm bảo đúng chất lượng đầu vào và đầu ra của tất cả các cấp, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy, thí nghiệm thực hành, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được tiếp thu và nâng cao nhận thức một cách toàn diện. Tăng cường công tác sơ, tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình “Dạy tốt, học tốt”.

5. Thực hiên việc sắp xếp lại mạng lưới các điểm trường ít học sinh, các trường có quy mô nhỏ và đẩy mạnh tiến độ đầu tư kiên cố hóa trường lớp học các cấp:

Phân chia thành 02 giai đoạn để sắp xếp các điểm trường tiểu học ít học sinh: Giai đoạn 2012 - 2015, giảm các trường có trên 03 điểm lẻ, giai đoạn 2016 - 2020 cơ bản hoàn thành việc giảm các điểm trường ít học sinh. Hoàn thành đầu tư kiên cố hóa các điểm trường trung tâm và một số điểm trường có quy mô từ 06 phòng học trở lên vào năm 2015.

6. Bảo đảm quỹ đất cho xây dựng:

- Giai đoạn 2012 - 2015: Cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình trọng điểm của dự án đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trước mắt.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Bảo đảm xây dựng đồng bộ các khối công trình, nhất là các cơ sở thí nghiệm, thực hành, nghiên cứu khoa học.

7. Phát triển đào tạo và dạy nghề theo hướng đa ngành, đa cấp và liên thông giữa các trường:

Tập trung đầu tư phát triển, hiện đại hóa Trường Đại học Bạc Liêu, Trường Cao đẳng Nghề, Trường Cao đẳng Y tế, Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật, Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật,… liên kết với các trường đại học lớn trong nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ ngang tầm với các trường trong khu vực và trong nước.

Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết theo thẩm quyền

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu khóa VIII, kỳ họp thứ 6 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Võ Văn Dũng