Nghị quyết 27/2015/NQ-HĐND về phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020
Số hiệu: | 27/2015/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Đồng Tháp | Người ký: | Đoàn Quốc Cường |
Ngày ban hành: | 10/12/2015 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/2015/NQ-HĐND |
Đồng Tháp, ngày 10 tháng 12 năm 2015 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ 5 NĂM 2016-2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 11
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Sau khi nghe Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân Tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2011-2015 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân Tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020, với nội dung chủ yếu như sau:
I. Về kết quả thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2011-2015
Qua 5 năm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân Tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 9,5%/năm. Tái cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng định hướng, với nhiều mô hình, cách làm mới; bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi tích cực. Sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại - dịch vụ duy trì phát triển khá. Dịch vụ du lịch phát triển cao. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội được đảm bảo. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Quan hệ đối ngoại có bước tiến mới.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn một số hạn chế, như: tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt kế hoạch; năng lực cạnh tranh của đa số doanh nghiệp còn yếu; hệ thống hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ; cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu,...
II. Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi đối với các thành phần kinh tế. Thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh; chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa, thể thao và bảo vệ môi trường; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh.
2. Một số chỉ tiêu chủ yếu
- Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm đạt từ 10%/năm trở lên. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt trên 65 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 38,0%.
- Về xã hội: Đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội còn dưới 50%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70% (trong đó, lao động qua đào tạo nghề 50%); có 8 bác sĩ và 26 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ dân cư tham gia bảo hiểm y tế đạt 80% dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm; có 50% xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới, 02 đơn vị cấp huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.
- Về môi trường: Đến năm 2020, có 98% dân cư thành thị và 97,5% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh; 80% chất thải rắn ở đô thị được thu gom và 100% chất thải y tế được xử lý.
3. Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Một là, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản thông qua tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo vùng chuyên canh, quy mô lớn, gắn kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Hai là, tạo năng lực mới trong sản xuất công nghiệp, đồng thời duy trì và phát huy tốt tiềm năng công nghiệp hiện có; khuyến khích phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm chế biến sâu, góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản.
Ba là, tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng- trải nghiệm thân thiện với môi trường. Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh.
Bốn là, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển, đặc biệt là nguồn lực từ doanh nghiệp, vốn tài trợ của dự án hợp tác quốc tế. Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn đầu tư ngân sách nhà nước.
Năm là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động.
Sáu là, xây dựng môi trường văn hóa, hướng đến xây dựng con người Đồng Tháp sống thân thiện, nghĩa tình, trách nhiệm.
Bảy là, tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, duy trì thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, cải thiện chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp Tỉnh.
Tám là, giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
3.2. Một số giải pháp chủ yếu
3.1. Tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với những cách làm sáng tạo, xây dựng nền tảng ổn định cho kinh tế Tỉnh phát triển bền vững.
Thực hiện tốt việc đổi mới tổ chức sản xuất; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường; ứng dụng khoa học - công nghệ; chuyên môn hóa và tạo việc làm cho nông dân; chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang ngành nghề mới.
Xây dựng hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm đã xác định trong Đề án. Phát triển kinh tế tập thể, tạo điều kiện hỗ trợ kinh tế trang trại phát triển thành các doanh nghiệp trong nông nghiệp, gắn sản xuất với liên kết tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa. Xây dựng chương trình huấn luyện nông dân về kiến thức thị trường, hạch toán kinh tế, hợp tác sản xuất.
3.2. Tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển.
Hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, nắm bắt kịp thời thông tin thị trường, gắn với quảng bá thương hiệu sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Chủ động tìm hiểu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
3.3. Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu và tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Xây dựng danh mục và xúc tiến kêu gọi đầu tư theo các hình thức BOT, BTO, BT,... Cập nhật, cung cấp các chính sách ưu đãi đến nhà đầu tư. Xây dựng lãi suất vay vốn từ Quỹ Đầu tư Phát triển của Tỉnh đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.
Tạo cơ chế thu hút nguồn lực trong dân hướng vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Mở rộng liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước hướng vào phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
3.4. Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển.
Tổ chức sắp xếp lại các cơ sở đào tạo; đổi mới phương pháp đào tạo, gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín để đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, dạy nghề, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người lao động.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân Tỉnh nghiên cứu, tiếp thu những kiến nghị của các Ban Hội đồng nhân dân Tỉnh và ý kiến đóng góp của các Đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh, cụ thể hóa thành những chương trình, kế hoạch, giải pháp điều hành khả thi, sát thực tiễn, đồng thời tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao, nhằm đảm bảo hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 đã được Hội đồng nhân dân Tỉnh thông qua tại kỳ họp này.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khóa VIII, kỳ họp lần thứ 11 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2015 và có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |