Nghị quyết 27/2010/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011
Số hiệu: 27/2010/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam Người ký: Trần Nga
Ngày ban hành: 09/12/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2010/NQ-HĐND

Phủ Lý, ngày 09 tháng 12 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2011

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 20

(Ngày 08 - 09/12//2010)

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Sau khi nghe và thảo luận Báo cáo số 101/BC-UBND ngày 29/11/2010 của UBND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí với Báo cáo số 101/BC-UBND ngày 29/11/2010 của UBND tỉnh về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

1. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010.

Năm 2010, kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn thách thức: Thị trường tài chính, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả hàng hóa thường xuyên biến động, thiếu điện kéo dài…

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, giành thắng lợi khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 14,4%. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, doanh thu dịch vụ tăng khá. Thu ngân sách tăng cao so với năm 2009. Khai thác được nguồn vốn lớn cho đầu tư xây dựng cơ bản. Các hoạt động văn hóa - xã hội diễn ra sôi nổi, có ý nghĩa thiết thực, chất lượng giáo dục được giữ vững, giải quyết việc làm có chuyển biến tích cực. An sinh xã hội, quốc phòng, an ninh chính trị được đảm bảo, đời sống nhân dân ổn định.

Tuy vậy, vẫn còn tồn tại, hạn chế: Một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tiến độ thực hiện một số dự án lớn như xi măng, hạ tầng các khu công nghiệp bằng vốn doanh nghiệp chậm so với yêu cầu. Công tác GPMB ở một số dự án chậm dứt điểm. Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm. Thu hút đầu tư còn hạn chế về chất lượng: chưa có dự án lớn, dự án công nghệ cao. Ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phạm pháp hình sự, tệ nạn ma túy, tai nạn giao thông còn bức xúc.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2011.

a) Mục tiêu tổng quát

Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Khắc phục khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, phấn đấu duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Giữ vững quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chỉ đạo điều hành của các ngành, các cấp.

b) Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2011

- Tổng sản phẩm trong tỉnh đạt khoảng 6.097 tỷ đồng, tăng 13,2% so với ước thực hiện 2010.

- Thu nhập bình quân đầu người: 20,42 triệu đồng, tăng 21% so với ước thực hiện 2010.

- Cơ cấu kinh tế: Nông lâm ngư nghiệp: 19,9%, Công nghiệp - xây dựng: 50,1%, Dịch vụ: 30%.

- Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 10.065 tỷ đồng, tăng 23,9% so với ước thực hiện 2010.

- Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 1.974 tỷ đồng, tăng 3,3% so với ước thực hiện 2010.

- Giá trị xuất khẩu đạt 165 triệu USD, tăng 10% so với ước thực hiện 2010. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu 134 triệu USD, tăng 10,3%.

- Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 8.417 tỷ đồng, tăng 18,8% so với năm 2010.

- Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 23,2% so với ước thực hiện 2010 (thu nội địa 1.220 tỷ, thu thuế xuất nhập khẩu 180 tỷ đồng).

- Giảm tỷ lệ sinh 0,15‰.

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy sinh dưỡng còn 18%, giảm 1%.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,2% so với năm 2010 theo tiêu chuẩn mới.

- Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước sạch và nước hợp vệ sinh 78%, tăng 3%.

- Tỷ lệ rác thải đô thị được thu gom 85%.

- Giải quyết việc làm mới cho 15.000 người, trong đó xuất khẩu lao động 1.000 người.

- Vốn đầu tư toàn xã hội: 11.454 tỷ đồng, tăng 40,4% so với năm 2010.

3. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần tập trung chỉ đạo

3.1. Khai thác, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh (vốn ngân sách Trung ương, vốn doanh nghiệp, vốn xã hội hóa), coi đây vừa là mục tiêu vừa là giải pháp tiên quyết để đạt các mục tiêu chủ yếu của kế hoạch đề ra.

3.2. Tuyên truyền và tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Nam đến năm 2020 và Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh đến năm 2030. Điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực chủ yếu phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch vùng tỉnh.

Xây dựng và tổ chức thực hiện các Chương trình, Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII ngay từ những tháng đầu năm 2011.

3.3. Đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư. Nâng cao chất lượng các dự án đầu tư theo hướng chọn lọc dự án, khuyến khích các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, sản phẩm có thương hiệu mạnh, dự án chế biến nông sản, dự án “hậu xi măng”, sử dụng tiết kiệm đất, đóng góp lớn cho ngân sách. Rà soát và kiên quyết thu hồi đất đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chậm đầu tư, đầu tư không đúng dự án được chấp thuận.

3.4. Tiếp tục vay vốn Kho bạc Nhà nước, vốn tín dụng từ 100 - 150 tỷ đồng để thực hiện GPMB và đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, trọng điểm. Khắc phục đầu tư dàn trải, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tăng tỷ trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tập trung quyết liệt cho công tác giải phóng mặt bằng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, trọng tâm là các dự án lớn phải hoàn thành trong năm 2011. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

3.5. Quản lý chặt chẽ, nắm chắc nguồn thu, đối tượng thu để thu sát số phát sinh, hạn chế nợ đọng ngân sách. Kiểm tra, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp. Áp dụng phương pháp thu thuế tài nguyên khoáng sản theo khối lượng khai thác. Tiếp tục thực hiện phân cấp ngân sách gắn với phân cấp nhiệm vụ chi theo hướng tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách cấp cơ sở để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước, ổn định trật tự xã hội ở địa phương, cơ sở. Tăng cường kiểm soát thị trường, quản lý giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh, kiềm chế tốc độ tăng giá, trọng tâm là các mặt hàng thiết yếu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Mão 2011. Thực hiện nghiêm các quy định trong chi tiêu ngân sách, sử dụng đúng mục đích, kinh phí sự nghiệp khoa học - công nghệ phải tập trung cho các dự án xử lý môi trường, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

3.6. Ban Chỉ đạo nông thôn mới các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc xây dựng kế hoạch và phát động cuộc vận động toàn tỉnh Chương trình xây dựng nông thôn mới. Hoàn thành Quy hoạch cho tất cả các xã. Sơ kết thực hiện ở 5 xã điểm và lựa chọn, triển khai thêm 17 xã ở các huyện, thành phố để đến năm 2015 toàn tỉnh có 20% xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Mỗi xã trong tỉnh cần lựa chọn ít nhất 1 thôn làm điểm. Bố trí kinh phí hỗ trợ từ ngân sách, đồng thời chủ động và phát huy vai trò tự quản của thôn, xóm trong việc huy động đóng góp nhân tài, vật lực để tổ chức xây dựng và quản lý các công trình.

3.7. Thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và kiểm soát thực thi thủ tục hành chính theo Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 của Chính phủ. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc giải quyết đơn thư tại cơ sở, tập trung giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, đảm bảo ổn định tình hình.

3.8. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển - kinh tế xã hội của tỉnh. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đảm bảo phù hợp với nhu cầu của người học nghề và nhu cầu xã hội.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

- Giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Hội đồng nhân dân tỉnh kêu gọi toàn thể cán bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang trong tỉnh phát huy kết quả đạt được trong năm 2010, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam khóa XVI kỳ họp thứ 20 thông qua./.

 

 

TM. CHỦ TỌA KỲ HỌP
PHÓ CHỦ TỊCH HĐND TỈNH




Trần Nga

 

 





Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính Ban hành: 08/06/2010 | Cập nhật: 11/06/2010