Nghị quyết 26/2011/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012 - 2020
Số hiệu: | 26/2011/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Nam | Người ký: | Nguyễn Văn Sỹ |
Ngày ban hành: | 09/12/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Văn hóa , thể thao, du lịch, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2011/NQ-HĐND |
Quảng Nam, ngày 09 tháng 12 năm 2011 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP VĂN HÓA TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2012 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 03
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Xét Tờ trình số 4258/TTr-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị thông qua Đề án quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh giai đoạn 2012 - 2020 kèm theo Tờ trình số 4258/TTr-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh với các nội dung sau:
Xây dựng sự nghiệp văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người phát triển toàn diện; gắn kết giữa phát triển văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa với việc hình thành nhân cách, tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới đi đôi với mở rộng và chủ động trong giao lưu, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần làm phong phú thêm văn hóa của tỉnh, thu hẹp khoảng cách về mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân giữa thành thị và nông thôn, miền núi và đồng bằng; tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và văn hóa với kinh tế.
2.1. Về phát triển hệ thống thiết chế văn hóa các cấp:
- Đến năm 2015, xây dựng những hạng mục còn lại trong quy hoạch của Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh; hoàn thành Đề án Tin học hóa hoạt động thư viện; xây dựng Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh. Đến năm 2020, tiếp tục đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thiết chế văn hóa cấp tỉnh.
- Đến năm 2015, 15/18 huyện, thành phố có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và đạt 100% vào năm 2020. Xây dựng mới 10 Nhà Thiếu nhi cấp huyện.
- Đến năm 2015, có 50% số xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và đạt 80% vào năm 2020.
- Đến năm 2015, có 70% số thôn, khối phố có Nhà văn hóa và đạt 80% vào năm 2020.
- Đến năm 2020, mỗi khu công nghiệp đều có Khu Văn hóa - Thể thao.
2.2. Về phát triển hệ thống bảo tàng và công tác bảo tồn:
- Đến năm 2015, đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh và 07 - 10 nhà truyền thống cấp huyện. Đến năm 2020, có 15 - 18 nhà truyền thống cấp huyện được xây dựng.
- Đến năm 2015, có 01 - 03 nhà bảo tàng tư nhân, có 02 - 03 nhà bảo tàng chuyên đề; đến năm 2020, có 04 - 05 nhà bảo tàng tư nhân, có 04 - 05 nhà bảo tàng chuyên đề.
- Đến năm 2015, 60-65% số di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh được tu bổ, tôn tạo; đến năm 2020, 70-75% số di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh được tu bổ, tôn tạo.
2.3. Về phát triển hệ thống thư viện:
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ của Thư viện tỉnh; tăng cường nguồn lực hệ thống thư viện cấp huyện, hệ thống phòng đọc, tủ sách xã, phường, thị trấn; mở rộng và phát triển dịch vụ có thu để nâng cao chất lượng hoạt động.
- Đến năm 2015, 100% số thư viện huyện, thành phố có trụ sở hoạt động; trong đó 50% số thư viện cấp huyện đạt chuẩn phân loại và đạt 100% vào năm 2020.
- Phấn đấu đến năm 2020, hệ thống dữ liệu của hệ thống thư viện huyện, thành phố trong tỉnh được kết nối với nhau.
- Ưu tiên xây dựng phòng đọc, tủ sách gắn với hệ thống Trung tâm Văn hóa Thể thao xã, khu văn hóa - thể thao thôn. Đến năm 2015, 70% số xã, phường, thị trấn có thư viện, phòng đọc sách, tủ sách và đạt 100% vào năm 2020.
- Đến năm 2015, nâng mức hưởng thụ bình quân đạt 04 lượt sách báo/người/ năm, đạt 06 lượt sách báo/người/năm vào năm 2020.
2.4. Phát triển điện ảnh:
- Chuyển đổi hình thức kinh doanh ở rạp theo hướng đa năng và đảm bảo kinh doanh có hiệu quả. Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, phát triển hoạt động chiếu bóng phục vụ vùng cao vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Phát triển sự nghiệp điện ảnh, chiếu bóng theo hướng xã hội hóa; khuyến khích hợp tác với các đối tác tư nhân. Khuyến khích thành lập doanh nghiệp tư nhân trên lĩnh vực điện ảnh.
2.5. Về phát triển nghệ thuật biểu diễn:
- Khôi phục và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của tỉnh.
- Đến năm 2020, tập trung nâng cấp, hiện đại hóa Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh và Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An trở thành nơi sinh hoạt văn hóa đa năng.
- Đến năm 2015, xây dựng 01 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập; 04 – 05 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp dân lập. Đến năm 2020, xây dựng được 02 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập; 08 – 10 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp dân lập.
- Đến năm 2015, 100% số Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, xã có sân khấu, hội trường biểu diễn nghệ thuật và tiếp tục nâng cấp, hiện đại hóa đến năm 2020 để phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng.
2.6. Về phát triển mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm và xây dựng tượng đài:
- Phát triển mỹ thuật, nhiếp ảnh và tổ chức các hoạt động triển lãm tranh, ảnh, các tác phẩm điêu khắc ở sơ sở. Nâng cao giá trị mỹ thuật các công trình tượng đài, tranh hoành tráng dự kiến xây dựng theo quy hoạch. Tăng cường đầu tư, hỗ trợ hoạt động sáng tác để có được những tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị.
- Đến năm 2020, hoàn thành xây dựng tượng đài Bà Mẹ Việt Nam anh hùng
2.7. Về phát triển quảng cáo ngoài trời:
Sớm xây dựng, ban hành quy hoạch và quản lý tốt nội dung quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Đẩy mạnh các hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2.8. Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở:
- Đến năm 2015, có 80% gia đình văn hóa, 75% thôn, bản văn hóa, 30% xã, phường đạt chuẩn văn hóa, 95% cơ quan, đơn vị văn hóa. Đến năm 2020, có 85% gia đình văn hóa, 85% thôn, bản văn hóa, 70% xã, phường đạt chuẩn văn hóa, 100% cơ quan, đơn vị văn hóa.
- Đến năm 2015, 50% số Đội Thông tin lưu động cấp huyện được đầu tư đầy đủ trang thiết bị, phương tiện hoạt động và đạt 100% vào năm 2020.
- Đến năm 2015, mỗi huyện, thành phố có 03-05 cụm pa-nô tuyên truyền, cổ động kiên cố và có 07-09 cụm pa-nô vào năm 2020.
Chú trọng nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống truyền thanh cấp xã.
2.9. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ngành Văn hóa:
Duy trì và phát triển hình thức công lập đối với các đơn vị chủ chốt ngành Văn hóa. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tham gia tổ chức quản lý các di sản, hoạt động văn hóa ở địa phương, cơ sở. Xây dựng kế hoạch chuyển một số đơn vị công lập ngành Văn hóa thành đơn vị dân lập, hoạt động theo cơ chế cung ứng các dịch vụ văn hóa.
2.10. Về phát triển nguồn nhân lực:
- Cấp tỉnh: Đến năm 2015, 85% cán bộ chuyên môn có trình độ đào tạo đại học, cao đẳng trở lên và đạt 100% vào năm 2020.
- Đối với các huyện, thành phố thuộc vùng đồng bằng, ven biển, đến năm 2015, 70% cán bộ ngành có trình độ đào tạo đại học, cao đẳng trở lên và đạt 80% vào năm 2020.
Đối với các huyện thuộc vùng núi, trung du: Đến năm 2015, 60% cán bộ có trình độ đào tạo đại học, cao đẳng trở lên và đạt 70% vào năm 2020.
- Đến năm 2015, 70% cán bộ văn hóa các xã, phường, thị trấn vùng đồng bằng ven biển và 50% cán bộ văn hóa các xã, thị trấn vùng núi, trung du có trình độ đào tạo trung cấp chuyên ngành trở lên. Toàn tỉnh đạt 100% vào năm 2020.
- Phấn đấu 50 - 60% cán bộ phụ trách Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, bản được tham gia các khóa tập huấn chuyên ngành và đạt 90 - 100% vào năm 2020.
3.1. Đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa các cấp; kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy ngành văn hóa nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; chú trọng công tác phối hợp giữa các cấp, các đơn vị nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và trách nhiệm cộng đồng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa.
3.2. Tiếp tục đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, di tích văn hóa, chú trọng xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm quốc gia và khu vực. Đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới và hải đảo, xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn. Gắn kết nhiệm vụ phát triển văn hóa với việc xây dựng nông thôn mới.
3.3. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có, đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao trọng điểm. Đảm bảo quỹ đất hợp lý cho việc xây dựng các công trình và thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở.
3.4. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, huy động nguồn thu từ ngân sách nhà nước và kinh phí tài trợ hợp pháp khác cho các công trình văn hóa; ưu tiên bố trí ngân sách chi sự nghiệp văn hóa theo khả năng cân đối để đảm bảo thực hiện Quy hoạch.
3.5. Khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, tu bổ, bảo tồn di tích và các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Mở rộng các hoạt động văn hóa ở các khu đô thị và các khu vực có điều kiện kinh tế phát triển.
3.6. Đổi mới hình thức đào tạo bằng cách mở rộng các hình thức liên kết đào tạo với các cơ sở trong nước và quốc tế nhằm tăng cường số lượng, chất lượng nguồn nhân lực ngành Văn hóa. Tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ hoạt động văn hóa thông tin cấp cơ sở, nhất là lực lượng nòng cốt của các đoàn/đội nghệ thuật, các phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng. Ưu tiên đào tạo, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa là người dân tộc thiểu số. Xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ chuyên nghiệp.
3.7. Chú trọng phát hiện và bồi dưỡng tài năng văn hóa nghệ thuật; tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các hoạt động văn hóa. Chủ động trong liên kết, hợp tác và nghiên cứu khoa học với các đối tác uy tín trong và ngoài nước.
Ngoài ngân sách Trung ương cấp và các khoản huy động khác, hằng năm tỉnh bố trí kinh phí thực hiện chương trình tùy theo khả năng cân đối ngân sách.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện; Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa VIII, Kỳ họp thứ 03, thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2011./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |