Nghị quyết 25/2009/NQ-HĐND về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Số hiệu: | 25/2009/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Ngãi | Người ký: | Phạm Minh Toản |
Ngày ban hành: | 10/12/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Đất đai, Xây dựng nhà ở, đô thị, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2009/NQ-HĐND |
Quảng Ngãi, ngày 10 tháng 12 năm 2009 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
KHÓA X – KỲ HỌP THỨ 22
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ Qui định bổ sung về qui hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 3293/TTr-UBND ngày 24/11/2009 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 29/2005/NQ-HĐND ngày 16/7/2005 của HĐND tỉnh về công tác bồi thường, tái định cư và giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh, Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội, ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết của HĐND tỉnh về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh như sau:
I. Mục tiêu: Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng thực hiện các dự án, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Huy động các nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng các khu dân cư phục vụ tái định cư, đồng thời tạo điều kiện phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân vùng di dời, giải tỏa, tái định cư, đảm bảo nguyên tắc phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ và phù hợp với xu thế phát triển của vùng dự án.
II. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
1. Về cơ chế, chính sách:
- Tổ chức thực hiện đúng các quy định của Chính phủ và các Bộ, ngành TW về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, điểm nào chưa rõ hoặc vướng trong thực tế, xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để thực hiện, ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và hướng dẫn cụ thể qui trình tổ chức thực hiện. Kịp thời điều chỉnh những chính sách của tỉnh không còn phù hợp, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước và nhân dân. Khi xây dựng cơ chế chính sách của tỉnh về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tùy theo mức độ, nội dung của chính sách, phải thông qua HĐND tỉnh hoặc có ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh trước khi ban hành.
- Xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, HĐND, UBND, UBMTTQ và các tổ chức hội, đoàn thể ở các địa phương nhằm phát huy đầy đủ sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
2. Về tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:
2.1. Quy định cụ thể qui trình và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức trong thực hiện công tác tuyên truyền, công khai, dân chủ về chủ trương, chính sách và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến nhân dân vùng dự án khi nhà nước thu hồi đất. Các cấp chính quyền huyện, xã cần được cung cấp hệ thống các văn bản của Trung ương, của tỉnh về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền, đồng thời giám sát việc thực hiện công tác này tại địa phương.
2.2. Củng cố, kiện toàn các tổ chức làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh theo qui định hiện hành của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương. Tạo điều kiện bố trí thêm người làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở các địa phương có nhiều dự án thu hồi với diện tích đất lớn, để kịp thời giải quyết các thủ tục về đất đai, bồi thường. Tổ chức tập huấn cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
2.3. Xây dựng quy hoạch chi tiết khu dân cư, khu tái định cư gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công bố công khai rộng rãi các quy hoạch, dự án, mốc giới và hành lang bảo vệ công trình dự án đã hoặc sẽ xây dựng. Chính quyền các cấp và nhân dân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, giám sát và thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Kiên quyết thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân sử dụng lãng phí, sai mục đích, vi phạm luật đất đai ở vùng dự án.
2.4. Về tái định cư: Tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng các khu dân cư phục vụ cho tái định cư, đảm bảo có đủ các hạng mục cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu và phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Xây dựng khu dân cư mới trong đó có phục vụ cho tái định cư theo hướng gắn với qui hoạch phát triển đô thị. Riêng địa bàn Khu kinh tế Dung Quất, xem xét đưa các hộ dân thuộc diện tái định cư, có điều kiện chuyển đổi ngành nghề vào các khu dân cư đã được qui hoạch trong thành phố Vạn Tường. Có cơ chế đặc cách và ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư hàng năm để xây dựng khu dân cư, khu tái định cư trước khi giải phóng mặt bằng. Thực hiện đầu tư và lồng ghép các chương trình về giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại dịch vụ, để xây dựng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, khu vui chơi, giải trí, dịch vụ, thương mại, chợ tại các khu tái định cư. Lập và trích trong Qũy phát triển đất của địa phương từ 30 - 50% để thực hiện các đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp và xây dựng khu tái định cư theo qui định tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
2.5. Về đời sống nhân dân vùng bị giải tỏa và tái định cư: Ngoài việc đảm bảo lợi ích bồi thường bằng tiền cho người dân khi nhà nước thu hồi đất, phải tính đến lợi ích phát triển đời sống lâu dài cho người dân thông qua việc xây dựng phương án hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm. Phương án này phải được xây dựng đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Qui định rõ cơ chế, trách nhiệm của các cấp, các ngành và kinh phí thực hiện chính sách tái định cư.
Thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tập trung vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng các loại hoa, cây cảnh, rau sạch… có năng suất cao nhằm tận dụng tối đa diện tích đất hiện có để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống của các hộ dân vùng bị giải tỏa và tái định cư.
Chính quyền các cấp chủ trì phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm: nắm số liệu về lao động, nhu cầu việc làm, yêu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động vùng bị giải tỏa, tái định cư. Qui định tỷ lệ cụ thể trong tổng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề từ ngân sách nhà nước hằng năm cho số lao động thuộc diện có đất bị thu hồi. Gắn chỉ tiêu đào tạo nghề theo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp cho các Cơ sở dạy nghề của tỉnh. Các doanh nghiệp sử dụng đất khi có nhu cầu sử dụng lao động, ưu tiên tuyển dụng ít nhất 60% phổ thông, 40% lao động có tay nghề thuộc diện bị giải tỏa, tái định cư, nhường đất cho dự án.
2.6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Kịp thời giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân, chú ý giải quyết thắc mắc, kiến nghị ngay từ cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xem xét trách nhiệm của các cơ quan trong việc giải quyết chậm trễ các vụ khiếu nại chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình không chấp hành chính sách, cản trở người thi hành công vụ gây điểm nóng và mất ổn định xã hội. Trường hợp cần thiết, áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính trong công tác giải phóng mặt bằng theo đúng quy định pháp luật.
2.7. Địa phương, đơn vị và cá nhân nào không tổ chức thực hiện tốt, hoặc không tích cực phối hợp trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án thì người đứng đầu địa phương, đơn vị và cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính quyền, nhân dân và pháp luật
Điều 2. Giao cho UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Nghị quyết đạt kết quả.
Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, kỳ họp thứ 22, thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2009 và thay thế Nghị quyết số 29/2005/NQ-HĐND ngày 16/7/2005 của HĐND tỉnh về công tác bồi thường, tái định cư và giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh./.
|
CHỦ TỊCH |
Nghị định 69/2009/NĐ-CP bổ sung quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Ban hành: 13/08/2009 | Cập nhật: 15/08/2009
Nghị định 197/2004/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất Ban hành: 03/12/2004 | Cập nhật: 06/12/2012