Nghị quyết 245/2020/NQ-HĐND về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh Quảng Ninh
Số hiệu: 245/2020/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh Người ký: Nguyễn Xuân Ký
Ngày ban hành: 31/03/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 245/2020/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 31 tháng 3 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI VÀ ỔN ĐỊNH TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 26 tháng 5 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm;

Căn cứ Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng chống dịch COVID-19; Quyết định số 437/QĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng chống dịch COVID-19;

Xét Tờ trình số 1998/TTr-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID- 19, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Báo cáo thẩm tra số 166/BC-HĐND ngày 30 tháng 3 năm 2020 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua một số nhiệm vụ, giải pháp cáp bách phòng chống dịch COVID - 19 trên địa bàn Tỉnh Quảng Ninh, cụ thể như sau:

1. Các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, triệt để các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Tỉnh ủy Quảng Ninh với mục tiêu bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để quyết tâm, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch.

2. Các cấp, các ngành, các địa phương chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế và các phương án phòng, chống dịch, bảo đảm sẵn sàng ứng phó dịch bệnh trên diện rộng; xây dựng phương án về áp dụng tình trạng khẩn cấp (khoanh vùng, phong tỏa, cách ly) về dịch trên địa bàn, chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trong mọi trường hợp.

3. Tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên, hạn chế tối đa việc mua sắm tài sản, cắt giảm chi phí hội họp, đào tạo, công tác nước ngoài, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách..., kể các các dự án đầu tư XDCB chưa thực sự cấp bách ưu tiên dành nguồn lực tối đa ở các cấp ngân sách cho công tác phòng, chống dịch.

Tập trung mua sắm kịp thời các trang thiết bị, phương tiện bảo hộ, vật tư tiêu hao, hóa chất cần thiết phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID - 19 đảm bảo đúng quy định, quản lý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Các trang thiết bị được mua sắm, sau khi hết dịch được bố trí lắp đặt tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh để phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

4. Động viên, hỗ trợ kịp thời các lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là lực lượng tuyến đầu (cán bộ y tế, bác sỹ, công an, quân đội... tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện cách ly, các chốt kiểm dịch...). Thực hiện các phương án bảo vệ tốt nhất, an toàn cho lực lượng bác sỹ, cán bộ y tế, đặc biệt là tại các cơ sở y tế điều trị người mắc dịch COVID - 19.

5. Quan tâm, chăm lo đời sống nhân dân, có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động mất việc làm do dịch COVID - 19, không có thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống gia đình, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động có thu nhập thấp... nhằm đảm an sinh xã hội.

6. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về phòng, chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân tự giác tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Thực hiện việc công khai địa chỉ, số điện thoại...của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu cung cấp nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, xăng dầu (được phép mở cửa) trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội. Vận động các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân ủng hộ nguồn lực và tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn trên tinh thần trách nhiệm và “tương sinh, tương ái”;

Điều 2. Quy định chính sách hỗ trợ cho một số đối tượng khó khăn do tác động của dịch COVID - 19:

1. Đối tượng hỗ trợ:

a) Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch;

b) Viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh được giao tự chủ 100% về tài chính phải nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà nguồn tài chính của đơn vị không còn đủ khả năng để chi trả.

2. Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng (Một triệu đồng)/người/tháng.

3. Thời gian hỗ trợ: Tính theo thời gian thực tế mà người lao động bị mất việc nhưng tối đa không quá 03 tháng, kể từ tháng 4/2020.

4. Phương thức, trình tự thủ tục hỗ trợ: Hỗ trợ bằng tiền, trực tiếp cho viên chức, người lao động.

Trường hợp Trung ương ban hành chính sách chi hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng do dịch COVID - 19 ngoài chính sách quy định tại Điều này mà sử dụng từ nguồn ngân sách địa phương thì chỉ áp dụng một chính sách với mức hỗ trợ cao nhất.

Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, chặt chẽ về hồ sơ thanh quyết toán theo đúng quy định hiện hành.

Điều 3. Thực hiện chế độ hỗ trợ (tiền ăn, vật dụng thiết yếu) cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế; chế độ phụ cấp chống dịch cho cán bộ y tế, người lao động tham gia phòng, chống dịch; chế độ hỗ trợ cho người tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ, cán bộ y tế, quân đội, công an, cộng tác viên, tình nguyện viên...theo quy định tại Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.

Điều 4. Thống nhất thực hiện mức trích tối đa 4% trên tổng chi ngân sách cho dự phòng ngân sách các cấp và phương án điều chỉnh giảm 600 tỷ đồng từ kinh phí sự nghiệp có tính chất đầu tư, kinh phí mua sắm tài sản, chi hội nghị, hội thảo, chi đào tạo và công tác nước ngoài... để dự phòng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID - 19 trên địa bàn tỉnh, thiên tai, dịch bệnh khác và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo Luật định.

Điều 5. Nguồn lực thực hiện:

- Nguồn tiết kiệm giảm 10% trong chi thường xuyên năm 2020, trừ tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương (ngoài 10% tiết kiệm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ).

- Nguồn giảm chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, giảm chi mua sắm tài sản, chi đi công tác nước ngoài, chi hội nghị, hội thảo...; tạm dừng các dự án, công trình chưa thực sự cần thiết, cấp bách trong năm 2020 (nếu có).

- Tối đa 50% từ nguồn dự phòng ngân sách của các cấp ngân sách.

- Tối đa 70% Quỹ dự trữ tài chính ngân sách cấp tỉnh.

- Các nguồn khác (bằng tiền/hoặc hiện vật) do đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh; Việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do UBND tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai theo quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 và các văn bản có liên quan.

Các địa phương tự cân đối ngân sách (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái) chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại được tỉnh hỗ trợ 50% phần hỗ trợ từ ngân sách. Trường hợp kinh phí phòng chống dịch ở mức độ lớn, vượt quá nguồn lực của địa phương, ngân sách tỉnh sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch để các huyện có đủ nguồn lực thực hiện.

Điều 6. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình điều hành, trường hợp phát sinh các nội dung chi khác ngoài các nội dung chi quy định tại Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ tình hình thực tế, diễn biến dịch, xem xét, quyết định cụ thể theo thẩm quyền để triển khai thực hiện và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

2. Thường trực, các ban, các tổ và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIII, Kỳ họp thứ 16 thông qua ngày 31 tháng 3 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày ký ban hành./.

 


Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội, Chính phủ (b/c);
- Ban CTĐB của UBTV Quốc hội;
- Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII;
- Các ban và Văn phòng Tỉnh ủy;
- Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- VP Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- Trung tâm truyền thông tỉnh;
- Lưu: VT, KTNS1.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Ký