Nghị quyết 234/2008/NQ-HĐND về một số chế độ phụ cấp, trợ cấp đối với cán bộ, viên chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma tuý, người bán dâm và người sau cai nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Số hiệu: 234/2008/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Nguyễn Thế Trung
Ngày ban hành: 23/07/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 234/2008/NQ-HĐND

Vinh, ngày 23 tháng 7 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP, TRỢ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, VIÊN CHỨC LÀM VIỆC TẠI CÁC CƠ SỞ QUẢN LÝ NGƯỜI NGHIỆN MA TUÝ, NGƯỜI BÁN DÂM VÀ NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TUÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ 13

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Xét đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An tại Tờ trình số 4077/TTr-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2008;

Trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua một số chế độ phụ cấp, trợ cấp đối với cán bộ, viên chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma tuý, người bán dâm và người sau cai nghiện ma tuý (các Trung tâm giáo dục lao động xã hội) trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

1. Đối tượng áp dụng:

Cán bộ, viên chức, người đang trong thời gian thử việc, người làm theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 03 tháng trở lên; những người được điều động, biệt phái có thời hạn từ 03 tháng trở lên làm việc tại các Trung tâm giáo dục lao động xã hội trực thuộc: Sở Lao động - TB&XH, UBND các huyện, thành phố, thị xã và Trung tâm quản lý cai nghiện, dạy nghề và giải quyết việc làm sau cai Phúc Sơn trực thuộc Tỉnh đoàn Nghệ An.

2. Nguyên tắc áp dụng:

a) Địa bàn làm việc của cán bộ, viên chức để làm căn cứ thực hiện các chế độ phụ cấp, trợ cấp được xác định theo địa điểm trú đóng của Trung tâm giáo dục lao động xã hội như sau:

- Các Trung tâm đóng tại các huyện: Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn và Trung tâm giáo dục lao động xã hội II (Nghi Yên - Nghi Lộc) thuộc địa bàn miền núi;

- Các Trung tâm đóng tại thành phố Vinh thuộc địa bàn đồng bằng.

b) Cán bộ, viên chức thuộc chức danh quản lý Trung tâm, nhưng có thời hạn trực tiếp làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ y tế, giáo dục dạy nghề thì được tính hưởng phụ cấp ưu đãi y tế hoặc giáo dục.

c) Cán bộ, viên chức vừa thuộc đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi y tế, vừa thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi giáo dục thì được hưởng một mức phụ cấp ưu đãi cao nhất.

d) Chế độ trợ cấp thu hút đặc thù tại điểm b, khoản 3 điều này chỉ áp dụng cho cán bộ, viên chức được tiếp nhận vào làm việc tại các Trung tâm giáo dục lao động xã hội kể từ ngày Nghị quyết được ban hành.

e) Cán bộ, viên chức không được tính hưởng các chế độ phụ cấp tại khoản 3, 4, 5 điều này trong thời gian sau:

- Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không trực tiếp làm các công việc của Trung tâm liên tục từ 03 tháng trở lên;

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội;

- Thời gian bị đình chỉ công tác hoặc không được làm các công việc của Trung tâm theo quy định của pháp luật.

3. Chế độ trợ cấp, phụ cấp thu hút đặc thù.

a) Cán bộ, viên chức quy định tại khoản 1 điều này được hưởng mức phụ cấp thu hút đặc thù, mức phụ cấp bằng 1, 2 lần mức lương tối thiểu/ người / tháng.

b) Cán bộ, viên chức và sinh viên đã tốt nghiệp các Trường Đại học có trình độ chuyên môn phù hợp với nhu cầu của Trung tâm vào làm việc tại các Trung tâm (có cam kết thời gian làm việc tại Trung tâm từ 05 năm trở lên) thì được hưởng trợ cấp thu hút đặc thù một lần, một khoản tiền bằng 15 lần mức lương tối thiểu.

4. Phụ cấp ưu đãi y tế, giáo dục.

a) Cán bộ, công chức trực tiếp làm chuyên môn y tế (khám, chữa bệnh, chuẩn đoán, điều trị, chăm sóc, tư vấn phục hồi tâm lý, thay đổi hành vi cho người nghiện ma tuý, bị nhiễm HIV /AIDS) và cán bộ, viên chức trực tiếp làm công tác trông coi, bảo vệ, vận chuyển, phục vụ người nghiện ma tuý bị nhiễm HIV /AIDS (bao gồm cả việc quản lý, điều trị tại bệnh viện, truy bắt, can thiệp khi đánh nhau, xử lý kỷ luật, vệ sinh buồng bệnh, vệ sinh môi trường) tại:

- Các Trung tâm giáo dục lao động xã hội tại các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Anh Sơn, Nghĩa Đàn và Trung tâm giáo dục lao động xã hội II (Nghi Yên - Nghi Lộc) được hưởng mức 50%;

- Các Trung tâm giáo dục lao động xã hội tại thành phố Vinh được hưởng mức 40%.

b) Cán bộ, viên chức chuyên môn y tế trực tiếp khám bệnh và chuẩn đoán, xét nghiệm cận lâm sàng trong quá trình điều trị cắt cơn nghiện, giải độc cho người nghiện ma tuý không bị nhiễm HIV (bao gồm cả việc phục hồi sức khoẻ, tâm lý, hành vi, tiêm và cấp phát thuốc) và cán bộ, viên chức trực tiếp phục vụ (trông coi, bảo vệ, vận chuyển, chăm sóc, cho ăn, uống thuốc, tắm giặt, vệ sinh buồng bệnh, vệ sinh môi trường và các công việc có liên quan khác trong quá trình điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma tuý không bị nhiễm HIV) tại:

- Các Trung tâm giáo dục lao động xã hội đóng tại các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Anh Sơn, Nghĩa Đàn và Trung tâm giáo dục lao động xã hội II (Nghi Yên - Nghi Lộc) được hưởng mức 35%;

- Các Trung tâm giáo dục lao động xã hội tại thành phố Vinh được hưởng mức 30%.

c) Cán bộ, viên chức (kể cả hợp đồng và thính giảng) được phân công trực tiếp dạy văn hoá, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma tuý, người bán dâm, người bị nhiễm HIV /AIDS (bao gồm cả việc duy trì sinh hoạt nội vụ, theo dõi diễn biến tư tưởng, truy bắt, can thiệp khi đánh nhau, xử lý kỷ luật, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật) tại các khu, đội quản lý hoặc trung tâm và cán bộ, viên chức được phân công dạy nghề cho người nghiện ma tuý, người bán dâm và người nhiễm HIV /AIDS trong các hoạt động dạy nghề, lao động sản xuất tại:

- Các Trung tâm giáo dục lao động xã hội tại các huyện: Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và Trung tâm giáo dục lao động xã hội II (Nghi Yên - Nghi Lộc) được hưởng mức 50%;

- Các Trung tâm giáo dục lao động xã hội tại thành phố Vinh được hưởng mức 40%.

5. Phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ, viên chức làm công tác quản lý, không trực tiếp làm chuyên môn y tế, dạy văn hoá, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách và dạy nghề tại các Trung tâm giáo dục lao động xã hội.

a) Các Trung tâm giáo dục lao động xã hội tại các huyện: Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và Trung tâm giáo dục lao động xã hội II (Nghi Yên - Nghi Lộc) được hưởng mức 25%;

b) Các Trung tâm giáo dục lao động xã hội đóng tại thành phố Vinh được hưởng mức 15%.

6. Cách tính, thời gian được hưởng trợ cấp, phụ cấp:

a) Cách tính:

Các chế độ phụ cấp tại khoản 4, 5 điều này được tính theo công thức sau:

Mức tiền phụ cấp ưu đãi theo nghề 01 tháng = mức lương tối thiểu chung X (hệ số lương ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) X tỷ lệ % ưu đãi được hưởng.

b) Thời gian được hưởng.

Các chế độ phụ cấp tại khoản 3, 4, 5 điều này được hưởng tính từ ngày Nghị quyết này ban hành.

Điều 2. Các quy định về chế độ phụ cấp, trợ cấp của Nghị quyết này thay thế chế độ trợ cấp đặc thù và thu hút đối với cán bộ, viên chức làm việc tại các Trung tâm giáo dục lao động xã hội được quy định tại điểm e, Điều 1 của Nghị quyết 194/2007/NQ-HĐND đã được HĐND tỉnh khoá XV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25/7/2007.

Điều 3. Giao UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khoá XV, kỳ họp thứ 13 thông qua ngày 23 tháng 7 năm 2008. /.

 

 

CHỦ TỊCH



Nguyễn Thế Trung