Nghị quyết 23/2011/NQ-HĐND về huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước phục vụ phát triển công nghiệp do tỉnh Long An ban hành
Số hiệu: 23/2011/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Long An Người ký: Đặng Văn Xướng
Ngày ban hành: 03/10/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2011/NQ-HĐND

Long An, ngày 03 tháng 10 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ HUY ĐỘNG MỌI NGUỒN LỰC XÂY DỰNG HỆ THỐNG HẠ TẦNG GIAO THÔNG, ĐIỆN, NƯỚC PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ BA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/ 11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015) và Chương trình số 09-CTr/TU ngày 22/7/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước phục vụ phát triển công nghiệp;

Sau khi xem xét Tờ trình số 2953/TTr-UBND ngày 09/9/2011 của UBND tỉnh về việc đề nghị thông qua Kế hoạch thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU ngày 22/7/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX về huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước phục vụ phát triển công nghiệp; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất kế hoạch huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước phục vụ phát triển công nghiệp (có nội dung kèm theo).

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực, các Ban và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Long An khóa VIII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 30/9/2011./.

 

 

Nơi nhận:
- UB Thường vụ QH (b/c);
- Chính phủ (b/c);
- VP.QH, VP.CP (TP.HCM) (b/c);
- TT.TU (b/c);
- UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu QH đơn vị tỉnh Long An;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII;
- Thủ trưởng các sở ngành, đoàn thể tỉnh;
- TT.HĐND, UBND huyện, thành phố;
- VP.UBND tỉnh;
- LĐ và CV VP. Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Lưu: VT(p)

CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH



Đặng Văn Xướng

 

NỘI DUNG

HUY ĐỘNG MỌI NGUỒN LỰC XÂY DỰNG HỆ THỐNG HẠ TẦNG GIAO THÔNG, ĐIỆN, NƯỚC PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 23 /2011/NQ-HĐND ngày 03/10/2011 của HĐND tỉnh Long An)

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích:

Triển khai thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ Chương trình số 09-CTr/TU ngày 22/7/2011 của Tỉnh ủy về huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước phục vụ phát triển công nghiệp đã đề ra. Phấn đấu đến năm 2015 đạt được các chỉ tiêu cụ thể sau:

* Về giao thông:

- Nâng cấp, đầu tư mới khoảng 270 km đường nhựa bảo đảm vận chuyển phục vụ phát triển công nghiệp.

- Thay thế 15 cầu thép (1263 md) do tỉnh quản lý, đầu tư 02 cầu mới bằng cầu bê tông cốt thép-bê tông dự ứng lực(448 md).

- Nạo vét 600 km đường thủy để phục vụ kiểm soát lũ, sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa, vật tư và bảo đảm lưu thông cho các sà lan có tải trọng 300-500 tấn.

* Về cấp điện:

Đáp ứng nhu cầu cung cấp điện phục vụ phát triển công nghiệp đến năm 2015 khoảng 852 MW.

* Về cấp nước:

- Tổng công suất cấp nước phục vụ công nghiệp đến năm 2015 đạt 412.263 m³/ngày đêm.

- Xây dựng hệ thống cấp nước cho tất cả các khu, cụm công nghiệp đã hoàn chỉnh hạ tầng thuộc hai huyện Cần Đước và Cần Giuộc.

2. Yêu cầu

Xác định các giải pháp, nhiệm vụ thực hiện rõ ràng, gắn với phân công, qui trách nhiệm cụ thể của từng ngành, từng địa phương, đồng thời xác định rõ thời gian thực hiện; xác định cơ chế phối hợp triển khai thực hiện giữa các ngành, các địa phương.

II. Các nhiệm vụ, giải pháp

1. Thực hiện tốt công tác qui hoạch và chuẩn bị đầu tư:

Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch của vùng và cả nước về kết cấu hạ tầng giao thông, điện, cấp nước đô thị, khu công nghiệp,… cũng như yêu cầu phát triển đô thị, công nghiệp của tỉnh; xây dựng hoàn chỉnh: quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch cấp nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Long an giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020. Hệ thống các quy hoạch trên phải được hoàn chỉnh đồng bộ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở để đầu tư các công trình hạ tầng, kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế. Công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án phải được các ngành, các địa phương có kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Cần xem xét và điều chỉnh thời gian khởi công hoàn thành từng dự án theo hướng tập trung, dứt điểm, sớm đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả đầu tư.

2. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn đầu tư

2.1) Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước

a- Bố trí vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tỉnh:

Ưu tiên cân đối vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 khoảng 1.500 tỷ đồng để đầu tư các công trình giao thông trong kế hoạch, sau năm 2015 cân đối khoảng 800 tỷ để hoàn trả cho các công trình giao thông đã thực hiện nhưng chưa cân đối được vốn; trong đó, tập trung vốn khởi công trước các công trình bức xúc thuộc địa bàn các huyện vùng kinh tế trọng điểm đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, các công trình giao thông đầu mối, các tuyến đường mang tính chất kết nối vùng. Có kế hoạch tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường, cầu trong vùng nhằm bảo đảm việc vận chu.yển hàng hóa bằng các phương tiện có tải trọng lớn.

b- Đề xuất hỗ trợ từ Trung ương:

- Xây dựng danh mục dự án, lập báo cáo đầu tư, đề cương của một số dự án,... làm việc cụ thể với các Bộ, ngành trung ương để đề xuất hỗ trợ vốn, trong đó chú trọng nguồn ODA, trái phiếu Chính phủ, đầu tư từ ngành Giao thông – Vận tải, ngành điện lực, ... để thực hiện các dự án, công trình giao thông, điện, cấp thoát nước trên địa bàn tỉnh; ước nhu cầu vốn cần huy động từ các nguồn này khoảng 40.000 tỷ đồng.

- Làm việc với các Bộ, ngành trung ương đề nghị Chính phủ bổ sung một số dự án có qui mô đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh, thực hiện đầu tư thí điểm theo hình thức PPP, trong đó vốn đối ứng sử dụng từ vốn ngân sách trung ương (trên cơ sở Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư).

- Làm việc, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông – Vận tải và các ngành Trung ương liên quan sớm triển khai đầu tư và hoàn thiện các tuyến đường do Trung ương quản lý trên địa bàn như: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Quốc lộ 50, đường Vành đai 4 (trong đó ưu tiên đầu tư trước đoạn từ Bến Lức đến cảng Hiệp Phước), Quốc lộ N2, Quốc lộ N1; sớm nạo vét các trục giao thông thủy chính, bảo đảm vận chuyển phục vụ công nghiệp, kết hợp với đường giao thông như các sông: Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ…; có kế hoạch nạo vét các kinh đầu mối như: Kinh 79, Kinh 28, Kinh Rạch Tràm - Mỹ Bình.

+ Làm việc với Công ty truyền tải điện 4, Tổng công ty Điện lực Miền Nam để ký biên bản ghi nhớ, xây dựng chương trình hợp tác nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình hạ tầng điện trên địa bàn, chú trọng đầu tư hoàn thiện lưới và nguồn 500KV, 220KV, 110KV và lưới điện phân phối 22KV nhằm phục vụ phát triển công nghiệp (tăng trưởng cấp điện bình quân 20,5%/năm). Trong đó, ưu tiên đầu tư một số công trình quan trọng như: trạm 500KV Đức Hòa, trạm mới 220KV Bến Lức 2, trạm mới 220KV Đức Hòa 2, trạm mới 220KV Cần Đước 2.

2.2) Xây dựng, ban hành cơ chế ưu tiên sử dụng vốn từ tiền sử dụng đất để đầu tư cho khu vực có nguồn thu

Ban hành cơ chế sử dụng nguồn thu từ tiền sử dụng đất của các dự án công nghiệp để ưu tiêu đầu tư các công trình hạ tầng giao thông tại khu vực có nguồn thu nhằm hỗ trợ các dự án công nghiệp trong khu vực, tạo nguồn thu mới.

2.3) Thực hiện giải pháp huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế

a- Xây dựng cơ chế hợp lý để huy động sự tham gia đầu tư từ các doanh nghiệp:

- Ban hành cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước phục vụ phát triển công nghiệp; khuyến khích đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT, PPP,...việc tiếp nhận các dự án đầu tư phải căn cứ vào quy hoạch đã được duyệt; đánh giá đúng năng lực của nhà đầu tư nhằm bảo đảm cho dự án được triển khai đúng tiến độ, tránh lãng phí tài nguyên đất. Ưu tiên bố trí dự án tại những vị trí có khả năng kết nối tốt với các công trình hạ tầng hiện hữu, hạn chế tình trạng đầu tư vào những vùng chưa có điều kiện phát triển công nghiệp với qui mô lớn. Có cơ chế ràng buộc các nhà đầu tư có dự án sử dụng đất với diện tích lớn phải đóng góp xây dựng hạ tầng, trong đó xác định phương pháp huy động, các tiêu chí đóng góp ... nhằm huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp được công bằng, hiệu quả cao.

- Xác định các công trình giao thông có khả năng huy động các doanh nghiệp đầu tư theo phương thức doanh nghiệp ứng vốn thi công trước, ngân sách tỉnh sẽ hoàn trả sau năm 2015, tổng vốn đầu tư các công trình này khoảng 800 tỷ đồng; làm việc với các chủ đầu tư sớm hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 Cảng Long An và một số cảng khác trên địa bàn.

- Đề nghị ngành điện đầu tư mới và tiếp tục cải tạo, sửa chữa các đường dây trung thế đến hàng rào các khu, cụm công nghiệp dự kiến hoạt động trong giai đoạn 2011-2015. Việc đầu tư cung cấp điện cho các khu, cụm công nghiệp phải đảm bảo mang lại hiệu quả, phù hợp tiến độ triển khai của các khu, cụm công nghiệp, không thực hiện đầu tư dàn trãi. Không để xảy ra tình trạng cắt điện nhưng không được thông báo trước làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (trừ trường hợp đặc biệt).

- Đẩy mạnh đầu tư và đưa vào hoạt động các nhà máy nước Hòa Khánh Tây (80.000 m³/ngày đêm, giai đoạn 1: 40.000 m³/ngày), dự án khai thác nước dẫn từ hồ Phước Hòa (300.000 m³/ngày đêm); dự án nhà máy nước Tân Tạo ở xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ (600.000 m³/ngày đêm),.... Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch, đầu tư xây dựng các nhà máy cấp nước phục vụ phát triển công nghiệp ở các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, nhất là huyện Cần Đước và Cần Giuộc; hỗ trợ triển khai xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước từ nhà máy cấp nước đến các khu, cụm công nghiệp, tạo thành hệ thống cấp nước hoàn chỉnh, bảo đảm đủ nước cung cấp cho sản xuất công nghiệp.

b- Huy động sự đóng góp của nhân dân cùng với Nhà nước đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng:

Phát huy vai trò của Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận cao trong việc đóng góp đất các công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm; thực hiện có hiệu quả các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước; đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế riêng, linh hoạt trong huy động sự đóng góp của nhân dân cùng với Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng cho một số dự án cụ thể, nhất là các công trình giao thông trên địa bàn do địa phương quản lý.

2.4) Xây dựng các cơ chế phối hợp, chương trình liên kết:

Tiến hành sơ kết chương trình liên kết, hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng chương trình liên kết, hợp tác cụ thể trong thời gian tới trên cơ sở thực hiện cơ chế phối hợp được quy định tại Quyết định số 159/2007/QĐ-TTg ngày 10/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương đối với các vùng kinh tế trọng điểm; trong đó, chú trọng việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông quan trọng kết nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với Long An như: cầu Rạch Dơi, Tỉnh lộ 9, Tỉnh lộ 10,... chú trọng liên doanh, liên kết với thành phố Hồ Chí Minh về các dự án cấp nước để hoà cùng hệ thống cấp nước của tỉnh, nhất là góp phần phục vụ nhu cầu của các khu, cụm công nghiệp và dân sinh địa bàn huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hoà.

3. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư

Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, nghiên cứu xây dựng danh mục các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, cấp nước có khả năng kêu gọi đầu tư, bố trí kinh phí để xây dựng báo cáo đầu tư, chuẩn bị các dự án làm cơ sở kêu gọi đầu tư; trong đó, ngoài việc cập nhật, bổ sung các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp, BOT, BT,... cần nghiên cứu lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP.

4. Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu, chọn thầu

Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngành giao thông, cấp điện, cấp nước, quản lý kỹ thuật hạ tầng đô thị nhằm nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học - công nghệ trên các lĩnh vực này. Chú trọng công tác lựa chọn nhà thầu nhằm tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh của công tác đấu thầu, góp phần sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn vốn. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về đấu thầu và chấp hành nghiêm túc chế độ xử lý vi phạm về đấu thầu./.