Nghị quyết 23/2005/NQ-HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2005
Số hiệu: 23/2005/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Phạm Phương Thảo
Ngày ban hành: 21/07/2005 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2005/NQ-HĐND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 7 năm 2005

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG CUỐI NĂM 2005

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Xét nội dung các báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan hữu quan; thông báo của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và ý kiến của các Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố;

QUYẾT NGHỊ

Nhất trí với báo cáo 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2005 của Thường trực và các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố.

Tán thành báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố và của cơ quan hữu quan thành phố về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của thành phố trong 6 tháng đầu năm, các giải pháp, biện pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2005.

Hội đồng nhân dân thành phố nhấn mạnh một số nhiệm vụ sau:

I.- Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố 6 tháng đầu năm 2005:

Tình hình kinh tế - xã hội thành phố có nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân, các ban ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân nên kết quả thực hiện mục tiêu và các chỉ tiêu kế hoạch về kinh tế - xã hội đã đạt được khá cao, an ninh quốc phòng tiếp tục được giữ vững.

1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 10,5% (so với cùng kỳ là 9,9%) - kế hoạch tăng từ 12% trở lên;

2. Kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) tăng 18,9% ( so với cùng kỳ là 7,5%) - kế hoạch tăng từ 17% trở lên;

3. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 19.644 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ, đạt 37% kế hoạch (53.000 tỷ đồng);

4. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 26.915 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ, đạt 50,4% dự toán (54.354 tỷ đồng). Trong đó thu nội địa 14.931 tỷ đồng tăng 18,5% so với cùng kỳ, đạt 49,1% dự toán;

5. Tổng chi ngân sách địa phương 7.226 tỷ đồng, tăng 81,2% so cùng kỳ, đạt 61,54% dự toán;

6. Giải quyết việc làm cho 105.179 lao động, đạt 45,7% kế hoạch (230.000 lao động), trong đó tạo việc làm mới cho 42.012 lao động, đạt 46,7% kế hoạch là 90.000 lao động;

7. Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước thành phố đạt 83%, kế hoạch là 85%;

8. Số lượt người sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng ước 118.257.000 lượt người, đạt 59,12% kế hoạch là 200 triệu lượt người.

Tăng trưởng kinh tế tuy cao nhất so cùng kỳ 4 năm qua nhưng thấp so với chỉ tiêu kế hoạch, tốc độ tăng trưởng công nghiệp thấp so cùng kỳ; dịch vụ tuy tăng cao nhưng chưa tương xứng với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế; huy động vốn đầu tư phát triển thấp, trong đó việc thu hút vốn đầu tư nuớc ngoài thấp so với mức tăng bình quân cả nước. Văn hóa, xã hội, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội có tiến bộ. Tuy nhiên, tình hình tệ nạn xã hội, trật tự công cộng, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm vẫn còn phức tạp; công tác quản lý nhà nước chưa chặt chẽ và hiệu quả, còn nhiều hoạt động tiêu cực trong các hoạt động quán bar, nhà hàng, karaoké, vũ trường.

II.- Nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm:

Ngoài nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố, Hội đồng nhân dân thành phố yêu cầu tập trung vào các vấn đề như sau:

1. Về kinh tế:

1.1- Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các chính sách, quy định về đầu tư, xây dựng cơ bản, phát triển kinh tế của thành phố, tập trung tháo gỡ các khó khăn thuộc thẩm quyền thành phố; kiến nghị với Chính phủ, các Bộ-Ngành Trung ương nhằm tạo điều kiện thực hiện thắng lợi mục tiêu và các chỉ tiêu kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm. Cải thiện môi trường đầu tư nhằm huy động nhiều nguồn lực cho phát triển; khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang hoạt động đầu tư, mở rộng kinh doanh các ngành dịch vụ cao cấp như ngân hàng, tài chính, y tế, giáo dục...

Góp phần chuẩn bị tốt điều kiện kinh tế - xã hội cho việc nước ta gia nhập WTO.

1.2- Tăng cường các biện pháp tích cực hơn nữa để thu hút đầu tư đúng hướng, hiệu quả đối với Khu Công nghệ cao, Công ty Công viên phần mềm Quang Trung và Khu Nông nghiệp công nghệ cao. Nhanh chóng triển khai thực hiện hiệu quả và thiết thực các dự án công nghệ thông tin.

1.3- Đẩy nhanh việc thực hiện Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý mặt bằng, nhà, xưởng. Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thu hồi nhà, xưởng sử dụng không đúng mục đích và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm báo cáo với Hội đồng nhân dân thành phố trong kỳ họp tới .

1.4- Giao Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng chương trình tổng thể bảo vệ môi trường thành phố, coi trọng nghiên cứu việc bảo vệ và khai thác nguồn nước ngầm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về môi trường; chuẩn bị tổ chức hội nghị chuyên đề về vấn đề này.

1.5- Về quy hoạch và xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo chặt chẽ hơn công tác quy hoạch, thực hiện phân cấp nhưng không làm ảnh hưởng đến phát triển chung của thành phố; kiểm tra việc thực hiện xóa bỏ quy hoạch treo. Thực hiện chặt chẽ công tác xây dựng, đẩy nhanh công tác quản lý kiến trúc xây dựng, chấm dứt việc xây dựng không đúng quy định.

Trong chỉnh trang đô thị, giao Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo sắp xếp lại bến bãi đậu xe ô tô, xe 2 bánh; làm thông thoáng, trật tự, sạch sẽ các tuyến đường trung tâm thành phố.

Công tác đền bù giải tỏa cần làm thận trọng vì liên quan đến cuộc sống trước mắt và lâu dài của người dân, coi trọng việc tái định cư cho dân khi triển khai các công trình, dự án.

1.6- Chuẩn bị tốt kế hoạch ngân sách năm 2006. Chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản với cơ chế thủ tục nhanh, hợp lý và hiệu quả, khắc phục tình trạng chồng chéo, trì trệ.

2. Về văn hóa - xã hội:

2.1- Thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao, giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức đánh giá tình hình thực hiện xã hội hóa trong thời gian qua nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh của thành phố, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống đáp ứng nhu cầu của nhân dân thành phố. Ngành Giáo dục - Đào tạo thực hiện tốt năm học 2005 - 2006, khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, chấn chỉnh hoạt động nhóm trẻ gia đình, tăng cường quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập. Thực hiện tốt việc khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi. Nhanh chóng di dời các hộ dân trong khuôn viên trường học, bệnh viện, các cơ sở văn hóa, thể dục thể thao, lao động thương binh và xã hội.

Giao Ủy ban nhân dân chuẩn bị nội dung trình Hội đồng nhân dân thành phố tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển giáo dục và đào tạo của thành phố.

2.2- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng, karaoke, vũ trường. Sơ kết đánh giá việc thực hiện quy hoạch các ngành nghề nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội; thống kê, đánh giá tình hình để có biện pháp giải quyết, thực hiện nghiêm việc di dời các cơ sở kinh doanh gần trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo…; tăng cường công tác kiểm tra, truy quét và triệt phá các tụ điểm tệ nạn xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước; tăng cường việc phân cấp trong cấp phép, công tác hậu kiểm, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương; phối hợp chặt chẽ với các địa bàn giáp ranh trong quận, thành phố, tỉnh bạn.

Chăm lo xây dựng nhiều mô hình văn hóa, các thiết chế văn hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo thành phong trào nhân dân tích cực tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, coi trọng vai trò gia đình. Đưa công tác quản lý dịch vụ văn hóa vào nội dung các phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị, gia đình văn hóa, khu phố văn hóa. Giao Ủy ban nhân dân chuẩn bị nội dung trình Hội đồng nhân dân thành phố về việc tổ chức hội nghị chuyên đề về quản lý và phát triển dịch vụ văn hóa.

Tiếp tục đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, đặc biệt là nạn tham nhũng, buôn lậu, ma túy.

 3. Về phát triển vận tải hành khách công cộng và hạn chế dần phương tiện giao thông cá nhân, Hội đồng nhân dân thành phố nhận thấy Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Giao thông - Công chính, Công an thành phố đã có nhiều nỗ lực để giải quyết tình hình giao thông thành phố. Tuy nhiên, tình hình giao thông vẫn còn nhiều bất cập. Hội đồng nhân dân thành phố đồng ý chủ trương đảm bảo lộ trình cải thiện và phát triển mạng lưới giao thông phù hợp với thực tế và đáp ứng yêu cầu lâu dài như báo cáo đề án của Sở Giao thông - Công chính. Các doanh nghiệp đông công nhân, các khu công nghiệp và khu chế xuất có trách nhiệm tổ chức đưa rước công nhân; Sở Giao thông - Công chính và Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức xe đưa rước học sinh; tiếp tục phát triển mạnh vận tải hành khách công cộng song song từng buớc hạn chế phuơng tiện giao thông cá nhân (xe 2 bánh và xe ô tô) trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Về kiến nghị dành làn đường riêng cho xe buýt, Hội đồng nhân dân thành phố giao cho ngành giao thông công chính nghiên cứu phương án thí điểm đối với làn đường ưu tiên cho xe buýt trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

4. Về mục tiêu chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, Hội đồng nhân dân thành phố giao Ủy ban nhân dân thường xuyên kiểm tra việc thực hiện 4 chương trình đã được thông qua, đặc biệt quan tâm đến chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản; chống lãng phí và thực hành tiết kiệm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công; chống lãng phí ngày giờ công lao động, hoạt động sản xuất - kinh doanh khu vực nhà nước và chống lãng phí thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện với các biện pháp tích cực và khẩn trương hơn, báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố vào kỳ họp thứ 5.

5. Về các tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố:

5.1- Chấp thuận nội dung các khoản chi hỗ trợ theo Tờ trình số 4048/TT-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện chính sách chế độ trợ cấp xã hội tại các Trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở chữa bệnh và tại cộng đồng. Thời gian thực hiện từ ngày 01 tháng 8 năm 2005.

5.2- Nhằm thực hiện chủ trương thu hút cán bộ trẻ và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức công chức nhà nước đủ trình độ, năng lực và phẩm chất thông qua hoạt động ở cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, Hội đồng nhân dân thành phố chấp thuận nội dung các chế độ chính sách như đã nêu trong Tờ trình số 4160/TT-UBND ngày 14 tháng 7 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố về chế độ chính sách khuyến khích người có trình độ đại học công tác tại phường - xã, thị trấn. Thời gian thực hiện từ ngày 01 tháng 8 năm 2005.

5.3- Trong kỳ họp này, Ban Văn hóa-Xã hội đã có báo cáo thẩm tra Tờ trình số 7281/TT-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố về “Quỹ đặt, đổi tên đường của thành phố” đã được trình tại kỳ họp lần thứ 3 Hội đồng nhân dân thành phố. Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, Hội đồng nhân dân thành phố tạm dừng việc thông qua tờ trình này, giao Ủy ban nhân dân thành phố căn cứ vào Quy chế đã được Chính phủ ban hành để chuẩn bị trình cho Hội đồng nhân dân trong kỳ họp tới.

6. Vụ “Điện kế điện tử” gây thiệt hại đến quyền lợi một bộ phận lớn nhân dân và gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ Công nghiệp và các cơ quan chức năng giải quyết trên cơ sở đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người dân.

III.- Tổ chức thực hiện:

Hội đồng nhân dân thành phố giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Hội đồng nhân dân thành phố giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố phối hợp hoạt động, giám sát và kiểm tra nhằm kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh những thiếu sót, chậm trễ trong việc thực hiện Nghị quyết.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức thành viên và các báo đài tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, cơ quan nhà nước tích cực tham gia thực hiện, kịp thời phát hiện, phản ánh những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung với các cơ quan có thẩm quyền.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân khóa VII thông qua tại kỳ họp thứ 4 từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 7 năm 2005./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch Nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính;
- Đại biểu Quốc hội;
- Thường vụ Thành ủy;
- Thường trực HĐND.TP;
- Thường trực UBND.TP;
- Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP;
- Đại biểu HĐND thành phố;
- Liên đoàn Lao động, Thành Đoàn thành phố;
- Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ;
- Hội Cựu chiến binh TP, Hội Nhà Báo, Hội Luật gia;
- Liên hiệp Hội Khoa học - kỹ thuật, Hiệp Hội Công thương;
- Thủ trưởng các Sở - Ban - Ngành thành phố;
- Chủ tịch HĐND và UBND quận - huyện;
- Các Báo Đài thành phố và Trung ương đóng tại TP;
- Văn phòng Thành ủy;
- VPHĐ-UB: CPVP, các Tổ NCTH;
- Lưu: HCUB-THHĐ (14b).

CHỦ TỊCH




Phạm Phương Thảo