Nghị quyết 22/NQ-CP về phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2014
Số hiệu: | 22/NQ-CP | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 22/03/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 04/04/2014 | Số công báo: | Từ số 415 đến số 416 |
Lĩnh vực: | Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/NQ-CP |
Hà Nội, ngày 22 tháng 3 năm 2014 |
NGHỊ QUYẾT
PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ CHUYÊN ĐỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 3 NĂM 2014
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 08/2012/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, tổ chức vào ngày 20, 21 tháng 3 năm 2014,
QUYẾT NGHỊ:
1. Về tình hình soạn thảo, trình tự các dự án luật, pháp lệnh trong Quý I, nhiệm vụ Quý II năm 2014:
Chính phủ đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của các bộ, cơ quan ngang bộ được phân công chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, sự tham gia phối hợp tích cực, có trách nhiệm với các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh đã được Chính phủ thông qua, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng phải điều chỉnh Chương trình, xin lùi tiến độ trình Quốc hội một số dự án luật, chưa thực hiện đúng Quy chế làm việc của Chính phủ về thời hạn gửi hồ sơ dự án luật, pháp lệnh để thẩm tra và chuẩn bị cho Phiên họp Chính phủ. Việc chỉnh lý, hoàn thiện đối với một số dự án luật, pháp lệnh sau khi đã được Chính phủ thông qua còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ trình Quốc hội Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo công tác nghiên cứu, soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh được phân công thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, kể cả các dự án thuộc Chương trình cả nhiệm kỳ, bao gồm chương trình chính thức và chương trình chuẩn bị. Trước hết, tập trung vào các dự án luật, pháp lệnh phục vụ cho việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, nhất là các dự án luật về tổ chức bộ máy, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp:
- Cải tiến, nâng cao hơn chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, trước hết là các dự án luật, pháp lệnh;
- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tăng cường việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá toàn diện việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (bao gồm Chương trình hàng năm, Chương trình cả nhiệm kỳ, trong đó có Chương trình chuẩn bị). Phát hiện kịp thời những hạn chế, bất cập, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp khắc phục, bảo đảm chất lượng và tiến độ trình các dự án luật, pháp lệnh.
2. Về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh trong Quý I, nhiệm vụ Quý II và những tháng tiếp theo của năm 2014:
Chính phủ thống nhất đánh giá trong Quý I năm 2014 mặc dù có cố gắng nhưng tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh chưa có chuyển biến. Số lượng văn bản nợ đọng chậm ban hành còn lớn. Chất lượng một số văn bản chưa đáp ứng yêu cầu. Việc ban hành thông tư, thông tư liên tịch còn rất chậm.
Để tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh trong năm 2014, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải thực hiện nghiêm túc các giải pháp đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra về đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng xây dựng, ban hành, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân thuộc bộ, ngành mình trong xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ ưu tiên tập trung thẩm định, thẩm tra, hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, bảo đảm tiến độ và chất lượng văn bản. Bộ Tài chính bố trí đủ, kịp thời kinh phí bảo đảm, kinh phí hỗ trợ cho việc xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.
3. Về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam:
Chính phủ cho rằng, về cơ bản 2 dự án Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Về việc phòng, thăng quân hàm cấp tướng đối với một số trường hợp phù hợp với tính đặc thù của Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện các quy định liên quan của 2 dự thảo luật, bảo đảm sự tương quan, cân đối giữa hai lực lượng.
Giao Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, trình Quốc hội về 2 dự án Luật này.
4. Về vấn đề tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân của lực lượng vũ trang trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế:
Chính phủ thống nhất cho rằng, để thực hiện nguyên tắc chung về bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân, cũng như nguyên tắc công bằng, minh bạch trong sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế thì phương hướng là tiến tới thực hiện Quân đội nhân dân và Công an nhân dân tham gia bảo hiểm y tế toàn dân, nhưng theo lộ trình, cơ chế phù hợp với đặc thù của lực lượng vũ trang nhân dân.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế quy định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định cụ thể về vấn đề này.
5. Về những định hướng lớn xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật:
Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Tư pháp về mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo và những định hướng lớn xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nhấn mạnh một số điểm sau đây:
Thứ nhất, đổi mới cơ bản, toàn diện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là việc phân tích, đánh giá chính sách, đánh giá tác động, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng và bảo đảm tính kịp thời trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm liên tục của Chính phủ trong quy trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh. Tiếp tục thu gọn các hình thức văn bản quy phạm pháp luật theo hướng một chủ thể có thẩm quyền ban hành chỉ ban hành một loại văn bản quy phạm pháp luật. Gắn kết chặt chẽ giữa ban hành pháp luật và thi hành pháp luật;
Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Theo đó, bỏ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ của Quốc hội nhưng cần có định hướng chỉ đạo công tác lập pháp của các cơ quan nhà nước; có chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm được xây dựng theo hướng bảo đảm sự chủ động, linh hoạt trong công tác lập pháp, phù hợp với thực tiễn quản lý điều hành;
Thứ ba, phân biệt rõ thẩm quyền lập pháp, lập quy. Đổi mới và hoàn thiện cơ chế ủy quyền lập pháp, ủy quyền lập quy. Hạn chế việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương. Không giao cho chính quyền cấp huyện và cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Thứ tư, tiếp tục mở rộng và phát huy dân chủ, tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Gắn công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật với công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận của xã hội.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp khẩn trương, tập trung nghiên cứu, soạn thảo dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ trình Chính phủ.
6. Về những định hướng lớn xây dựng Bộ luật hình sự (sửa đổi):
Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo và những định hướng lớn xây dựng Bộ luật hình sự (sửa đổi) do Bộ Tư pháp trình. Bộ luật hình sự là mộ đạo luật lớn, rất quan trọng của Nhà nước ta. Việc sửa đổi, bổ sung lần này phải hướng tới mục tiêu xây dựng một Bộ luật hình sự có chất lượng và tính khả thi cao, có tính dự báo, tạo cơ sở pháp lý sắc bén để đấu tranh hữu hiệu phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường, bảo đảm mọi người được sống trong một môi trường xã hội an toàn, lành mạnh.
Chính phủ thống nhất về đề xuất của Bộ Tư pháp những định hướng lớn xây dựng Bộ luật hình sự (sửa đổi) và nhấn mạnh một số vấn đề cơ bản sau đây:
Thứ nhất, giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ. Hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. Mở rộng phạm vi áp dụng chế định loại trừ trách nhiệm hình sự. Hoàn thiện hơn nữa chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên;
Thứ hai, mở rộng nguồn của pháp luật hình sự một cách hợp lý theo hướng, một số tội phạm cụ thể có tính chất đặc thù cao và hình phạt với các tội phạm đó có thể được quy định trong các luật chuyên ngành để bảo đảm tính kịp thời và linh hoạt trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm;
Thứ ba, cần thiết phải quy định trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân kinh tế, trên cơ sở nghiên cứu, xác định rõ những vấn đề cụ thể có liên quan, bảo đảm phù hợp với thực tiễn nước ta và tính khả thi;
Thứ tư, thực hiện phi hình sự hóa một số tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013 à điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của nước ta. Đồng thời, hình sự hóa một số hành vi vi phạm có tính nguy hiểm cao cho xã hội chưa được quy định trọng Bộ luật hình sự, nội luật hóa các quy định có tính ràng buộc của các công ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
7. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự:
Chính phủ thảo luận và thông qua dự án Luật này.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự án Luật. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, trình Quốc hội về dự án Luật này.
8. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược:
Về cơ bản, Chính phủ thống nhất với nội dung của dự thảo Luật.
Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện quy định về một số nội dung sau đây:
- Những vấn đề chưa có tính ổn định, chưa thống nhất thì chưa quy định trong dự thảo Luật. Việc phân công trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giá thuốc, dự thảo Luật quy định có tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định cụ thể;
- Về quản lý giá thuốc, cần đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật với Luật giá và các luật chuyên ngành khác, theo hướng Bộ Tài chính quản lý nhà nước tổng hợp vê giá, hướng dẫn, thẩm định, kiểm tra việc xác định giá; Bộ Y tế quản lý nhà nước chuyên ngành về giá thuốc, quy định cụ thể giá thuốc.
- Dự thảo Luật quy định nguyên tắc về thành lập người đứng đầu Hội đồng hoặc Ủy ban liên ngành về quản lý giá thuốc; giao Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức và hoạt động của Hội đồng hoặc Ủy ban này.
Các nội dung trên đây, sau khi được chỉnh lý, hoàn thiện, gửi xin ý kiến các thành viên Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội về dự án Luật.
9. Về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh:
Chính phủ nhất trí đề nghị Quốc hội đổi tên dự án Luật thành Luật đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp để phù hợp phạm vi điều chỉnh và nội dung của dự án Luật. Đây là dự án Luật mới được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; luật hóa một số quy định hiện hành của Chính phủ để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo cơ sở giải quyết các vấn đề bất cập trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và quản lý có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội.
10. Về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi):
Việc sửa đổi, bổ sung Luật doanh nghiệp nhằm loại bỏ các rào cản môi trường kinh doanh, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục các quy định thiếu tính khả thi, làm tăng thêm chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp, bảo đảm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thông suốt, tạo thêm động lực cải cách, thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp.
Chính phủ nhất trí nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án Luật. Trong đó, có quy định một chương về doanh nghiệp nhà nước nhằm làm rõ khái niệm, các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và quản trị đối với doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm thống nhất với dự án Luật đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp về quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước; có quy định việc thành lập và chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp xã hội; không yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội.
11. Về dự án Luật đầu tư (sửa đổi):
Dự án Luật đầu tư (sửa đổi) được xây dựng đồng thời với dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, có tính cạnh tranh cao, thông thoáng, minh bạch và hiệu quả, góp phần hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chính phủ cơ bản nhất trí về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư. Trong đó, sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi các dự án phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài cần được quản lý, nhất là đối với đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước, theo hướng tiếp tục giữ quy định về cấp Giấy phép đầu tư ra nước ngoài với thủ tục thuận lợi hơn. Không quy định về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế trong dự thảo Luật.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện các dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
Nghị định 08/2012/NĐ-CP về Quy chế làm việc của Chính phủ Ban hành: 16/02/2012 | Cập nhật: 22/02/2012