Nghị quyết 20/2006/NQ-HĐND thông qua Đề án thực hiện Nghị quyết 05/2005/NQ-CP về đẩy mạnh xã hội hoá trong hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2006 – 2010
Số hiệu: 20/2006/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh Người ký: Nguyễn Thị Thu Thủy
Ngày ban hành: 13/07/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Giáo dục, đào tạo, Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/2006/NQ-HĐND

Tây Ninh, ngày 13 tháng 07 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 05/2005/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ THỂ DỤC THỂ THAO TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2006 – 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quy chế Hoạt động của Hội đồng nhân dân ngày 02 tháng 4 năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2006 – 2010;

Sau khi xem xét Tờ trình số 114/TTr-UBND ngày 10 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2006 – 2010; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - xã hội và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua Đề án thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2006 – 2010.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn cụ thể và tổ chức thực hiện Nghị quyết này đảm bảo đúng quy định.

Điều 4. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Văn hóa - xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh Khóa VII, kỳ họp thứ 7 thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh;
- UBND Tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh;
- Đại biểu HĐND Tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Văn phòng UBND Tỉnh;
- Lưu: VT - Văn phòng HĐND Tỉnh.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thu Thủy

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 114/TTr-UBND

Tây Ninh, ngày 10 tháng 07 năm 2006  

 

TỜ TRÌNH

THÔNG QUA ĐỀ ÁN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 05/2005/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ THỂ DỤC THỂ THAO TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2006 – 2010 TẠI KỲ HỌP THỨ 7 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH KHÓA VII (NHIỆM KỲ 2004 - 2009)

Kính gửi: Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ Về đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;

Căn cứ Công văn số 193/TTg-VX ngày 26 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ;

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án thực hiện Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ Về đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2006 – 2010 với một số chỉ tiêu cơ bản như sau:

1/. Về giáo dục - đào tạo và dạy nghề:

- Đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non. Khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở thị trấn, thị xã, vùng kinh tế phát triển. Ưu tiên ngân sách để đầu tư phát triển giáo dục công lập ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới;

- Chuyển các cơ sở giáo dục mầm non công lập có nguồn thu sự nghiệp sang thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Trước mắt, chuyển các cơ sở giáo dục công lập ở khu vực thị trấn, thị tứ và ở những nơi có các điều kiện thuận lợi, kinh tế phát triển sang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên; các cơ sở giáo dục bán công sang loại hình dân lập, tư thục;

- Phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ học sinh nhà trẻ ngoài công lập chiếm 80%, mẫu giáo chiếm 80%, tiểu học khoảng 1%, trung học cơ sở khoảng 3,5%, trung học phổ thông khoảng 40 %, cao đẳng khoảng 40%;

- Chuyển trường trung học Kinh tế Kỹ thuật, Y tế và Cao đẳng sư phạm sang thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Chuyển trường Cao đẳng sư phạm Tây Ninh thành trường Cao đẳng cộng đồng, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ học sinh trung học chuyên nghiệp và cao đẳng đơn vị tự hạch toán một phần đạt 50%;

- Sáp nhập trường BTVH Hòa Thành vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hòa Thành, hoạt động theo cơ chế đơn vị tự hạch toán một phần; thành lập Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Tây Ninh trên cơ sở trường Bổ túc văn hóa tỉnh hoạt động theo cơ chế đơn vị tự hạch toán một phần.

Về lĩnh vực dạy nghề :

- Số lượng học sinh học nghề vào năm 2006 là 155.059 người, năm 2010 là 317.151 người. Trong đó, tỷ lệ học sinh học nghề ngoài công lập là 65%;

- Phát triển số lượng các đơn vị dạy nghề hiện có từ 164 cơ sở lên 210 cơ sở dạy nghề.

2/. Về y tế :

- Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng ít nhất 2 bệnh viện tư; phòng khám ngoài công lập có quy mô lớn và vừa; mô hình bác sĩ gia đình;... ở các nơi có điều kiện như thị xã Tây Ninh, Hòa Thành, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, khu công nghiệp Trảng Bàng….

- Phát triển dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trong các bệnh viện công, dành 40% giường bệnh tuyến tỉnh, 20% giường bệnh tuyến huyện để phục vụ chăm sóc, điều trị theo yêu cầu;

- Tăng dần tỷ trọng nguồn thu viện phí trong tổng chi ngân sách y tế, đạt 50% trở lên;

- 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, 80% khu dân cư đạt danh hiệu “Làng văn hóa sức khoẻ”;

- Thực hiện BHYT toàn dân đạt 80% dân số;

- Chuyển hầu hết các bệnh viện công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ.

3/. Về văn hóa :

- Chuyển đổi toàn bộ các đơn vị sự nghiệp sang cơ chế cung ứng dịch vụ. Chuyển một số đơn vị sự nghiệp văn hóa hiện có khi đủ điều kiện tách một phần hoặc toàn bộ sang loại hình ngoài công lập;

- Phấn đấu đến 2010 các cơ sở ngoài công lập và các lực lượng tham gia xã hội hóa các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đảm bảo đạt từ 40-60% nhu cầu dịch vụ văn hóa theo từng loại hình, lĩnh vực và huy động nguồn vốn từ xã hội chiếm 49%;

- Đổi tên Đoàn Văn công Tây Ninh thành Đoàn nghệ thuật cải lương Tây Ninh. Từng bước chuyển sang cơ chế cung ứng dịch vụ biểu diễn nghệ thuật. Nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật hai Đoàn nghệ thuật ngoài công lập và chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;

- Tiếp tục duy trì và phát triển dưới hình thức công lập các đơn vị Bảo tàng, Thư viện tỉnh, huyện, thị xã và Thư viện chuyên ngành, hệ thống Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, các phòng triển lãm, đội chiếu bóng lưu động, các đội thông tin lưu động chuyên nghiệp tỉnh và huyện, thị;

- Khuyến khích cá nhân, đơn vị, tổ chức ngoài công lập được thành lập thiết chế văn hóa thông tin cơ sở gồm: Trung tâm văn hóa tỉnh, huyện, thị xã, và xã phường thị trấn, ấp, khu phố, hội quán; cụm cổ động trực quan; cụm văn hóa thông tin, công viên văn hóa, điểm vui chơi cho trẻ em ở xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa thanh thiếu nhi, nhà văn hóa các ngành khác trên nguyên tắc tự tổ chức và chịu sự quản lý về mặt nhà nước của cơ quan có thẩm quyền;

- Khuyến khích tư nhân, tập thể liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng các rạp chiếu phim, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, đội chiếu phim lưu động, thành lập bảo tàng, câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống, xây dựng các nhà triển lãm, nhà trưng bày, các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật. Trên lĩnh vực nghệ thuật, khuyến khích phát triển các nhóm, đoàn nghệ thuật ngoài công lập do tập thể, tư nhân, gia đình thành lập với nhiều thể loại;

- Khuyến khích các thành phần kinh tế và nhân dân tham gia đầu tư vào các khu du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh;

- Thành lập các Hội, câu lạc bộ nghề thủ công, truyền thống, văn hóa - văn nghệ dân gian ở những địa phương có di sản văn hóa phi vật thể;

- Mở rộng các hoạt động mỹ thuật - nhiếp ảnh, triển lãm. Tổ chức các cuộc thi sáng tác mỹ thuật, nhiếp ảnh. Khuyến khích tư nhân mở các lớp về hội họa, nhiếp ảnh, thành lập các câu lạc bộ mỹ thuật - nhiếp ảnh, đồng thời phát triển các hình thức phổ biến tranh, ảnh bằng mạng lưới phòng trưng bày tư nhân;

- Vận động thành lập các thư viện (hoặc phòng đọc sách) tư nhân ở ấp, khu phố và các vùng đồng bào dân tộc. Khuyến khích thành lập các câu lạc bộ bạn đọc, câu lạc bộ những người yêu sách.

4/. Về thể dục thể thao:

Phấn đấu đến năm 2010, từng bước chuyển các cơ sở thể dục thể thao công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ công ích, chuyển một số cơ sở thể dục thể thao công lập sang loại hình ngoài công lập. Toàn tỉnh đến năm 2010 có đủ các cơ sở luyện tập thể dục thể thao cho 25% dân số;

- Số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 25% trên tổng số dân, số gia đình thể thao đạt 15% trên tổng số hộ gia đình. Củng cố và phát triển các đơn vị thể dục thể thao cơ sở đạt từ 650 đến 700 câu lạc bộ trên địa bàn toàn tỉnh;

- Số trường học thực hiện giáo dục thể chất có nền nếp đạt 95%, 35% trường học các cấp hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa có chất lượng. Có đủ giáo viên chuyên trách thể dục thể thao ở trường học các cấp và 35% trường tiên tiến về thể dục thể thao được công nhận;

- 95% cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đạt danh hiệu “Chiến sĩ khoẻ”, 90% đạt danh hiệu chiến sĩ “Công an khoẻ”, 75% cơ quan ban, ngành, đoàn thể có phong trào hoạt động thể dục thể thao thường xuyên;

- Phát triển các môn thể thao dân tộc và các môn thể thao quần chúng ưa thích, phát triển phong trào tập luyện TDTT đối với người cao tuổi;

- Phát triển các môn thể thao thế mạnh của tỉnh như bóng đá, bơi lặn, võ thuật và điền kinh. Đối với đội tuyển bóng đá phấn đấu từ nay đến năm 2008 giữ hạng Nhất quốc gia và đến năm 2010 thăng hạng chuyên nghiệp nếu hội đủ các điều kiện cần thiết, đồng thời thực hiện dần bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp đối với các môn khác;

- Đến năm 2010 hoàn chỉnh các Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện - thị đạt quy mô và tiêu chuẩn cấp tỉnh, 100% xã, phường, thị trấn có khu sinh hoạt thể thao, 100% ấp, khu phố có điểm sinh hoạt thể thao, 80% xã vùng sâu, vùng xa, biên giới có khu sinh hoạt văn hóa thể thao dân lập;

- Đến năm 2010 hoàn thành việc chuyển các cơ sở thể dục thể thao công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ, chuyển một số cơ sở công lập có đủ điều kiện sang loại hình ngoài công lập. Các cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập chiếm 80% tổng số cơ sở trong toàn tỉnh.

Nay Ủy ban nhân dân tỉnh xin trình Hội đồng nhân dân tỉnh (khóa VII) kỳ họp thứ 7 xem xét thông qua Đề án thực hiện Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ Về đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2006 – 2010 để Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện.

 

 

Nơi nhận
- Như trên.
- Lưu VT VPUBND tỉnh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT CHỦ TỊCH
CHỦ TỊCH




Phạm Văn Tân