Nghị quyết 18/2015/NQ-HĐND về quy định quản lý quy hoạch, xây dựng và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Hà Nam
Số hiệu: 18/2015/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam Người ký: Mai Tiến Dũng
Ngày ban hành: 02/07/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2015/NQ-HĐND

Hà Nam, ngày 02 tháng 7 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY ĐỊNH QUẢN LÝ QUY HOẠCH, XÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG NGHĨA TRANG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
KHÓA XVII - KỲ HỌP THỨ MƯỜI BA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Đất đai năm 2013;

Căn cứ Luật Xây dựng năm 2014;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang;

Căn cứ Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 của Chính phủ về việc Phê duyệt đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng;

Căn cứ Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26/5/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng;

Sau khi xem xét Tờ trình số 1265 /TTr-UBND ngày 26/6/2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về Quy định quản lý quy hoạch, xây dựng và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí với Tờ trình số 1265/TTr-UBND ngày 26/6/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành nghị quyết quy định quản lý quy hoạch, xây dựng và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn tỉnh.

1. Quan điểm

a) Quy hoạch xây dựng nghĩa trang trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật;

b) Khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm đất đai và hướng tới phát triển bền vững;

c) Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý nghĩa trang, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại trong đầu tư xây dựng nghĩa trang.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Từng bước hoàn thiện hệ thống nghĩa trang trên địa bàn tỉnh theo hướng đóng cửa hoặc di dời các vị trí nghĩa trang nhỏ lẻ không phù hợp, gây ô nhiễm môi trường; hình thành các nghĩa trang tập trung đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo cảnh quan và giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

Phát huy trách nhiệm của các cơ quan quản lý và trách nhiệm của cộng đồng trong việc quản lý quy hoạch, xây dựng và sử dụng nghĩa trang nhân dân;

Thay đổi nhận thức của người dân trong sử dụng các hình thức táng văn minh, sử dụng nghĩa trang đúng quy hoạch; đưa hình thức hỏa táng trở thành hình thức táng phổ biến.

b) Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2015 - 2017:

Hoàn thành rà soát, xác định danh mục, kế hoạch cụ thể thực hiện việc đóng cửa, cải tạo, mở rộng, di chuyển nghĩa trang các cấp trên toàn tỉnh, công bố tới mọi người dân; chấm dứt mai táng ngoài quy hoạch; hoàn thành đóng cửa và khắc phục ô nhiễm tại các nghĩa trang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; di chuyển các phần mộ riêng lẻ trên địa bàn thành phố Phủ Lý vào nghĩa trang tập trung theo quy hoạch.

Hoàn thành Quy hoạch chi tiết các nghĩa trang mở rộng, xây dựng mới, trong đó có nghĩa trang vùng tỉnh quy hoạch khu vực hỏa táng.

Đầu tư mở rộng, xây dựng mới nghĩa trang tại các đô thị và nghĩa trang xã, cụm xã phục vụ nhu cầu táng trước mắt và nhu cầu di chuyển nghĩa trang và phần mộ riêng lẻ. Phấn đấu di chuyển khoảng 30% số nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ thuộc diện phải di chuyển vào các nghĩa trang tập trung theo quy hoạch.

Thực hiện cơ chế khuyến khích hỏa táng, phấn đấu đến năm 2017 đạt 10% trở lên (trong đó khu vực đô thị đạt 15%, khu vực nông thôn đạt 5% trở lên).

- Giai đoạn 2018 - 2020:

Hoàn thành cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các nghĩa trang theo quy hoạch.

Hoàn thành di chuyển tối thiểu 50% số nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ thuộc diện phải di chuyển về các nghĩa trang tập trung theo quy hoạch.

Tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng trung bình trên toàn tỉnh đến năm 2020 đạt 15% trở lên (trong đó khu vực đô thị đạt 20%, khu vực nông thôn đạt 10% trở lên).

- Đến năm 2025:

Cơ bản hoàn thành di chuyển các nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ thuộc diện phải di chuyển về các nghĩa trang tập trung theo quy hoạch.

Tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng trung bình trên toàn tỉnh đạt 25% trở lên (trong đó khu vực đô thị đạt từ 30%, khu vực nông thôn đạt từ 20% trở lên).

3. Các quy định

a) Quy định về phân cấp nghĩa trang:

Nghĩa trang cấp tỉnh gồm nghĩa trang vùng tỉnh (phục vụ toàn tỉnh); nghĩa trang vùng liên huyện (phục vụ từ hai huyện trở lên).

Nghĩa trang cấp huyện gồm nghĩa trang phục vụ đô thị loại III, IV, nghĩa trang vùng huyện, nghĩa trang cho cụm xã.

Nghĩa trang cấp xã gồm các nghĩa trang phục vụ đô thị loại V, các xã nông thôn, các nghĩa trang thôn, xóm, liên thôn xóm.

b) Quy định về quy hoạch xây dựng nghĩa trang:

- Quy hoạch địa điểm nghĩa trang:

Quy hoạch xây dựng nghĩa trang tập trung cho đô thị (1-2 điểm/đô thị) và các khu dân cư nông thôn 2-3 điểm/xã (3 điểm đối với các xã có đặc thù về tôn giáo), tùy thuộc vào điều kiện địa hình, địa chất thủy văn và khả năng khai thác quỹ đất.

Quy hoạch nghĩa trang phục vụ cho nhiều đô thị hoặc cụm xã có các điểm dân cư nông thôn ở gần nhau, phù hợp với kết nối công trình hạ tầng kỹ thuật.

Nghĩa trang mở rộng hoặc xây dựng mới phải bố trí phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị hoặc dân cư nông thôn, đảm bảo khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường tối thiểu.

- Phân khu chức năng và công trình chủ yếu trong nghĩa trang:

Các khu chức năng chủ yếu: Khu táng; Khu tổ chức lễ tang; Khu quản lý và dịch vụ; Khu kỹ thuật và phụ trợ.

Khu táng gồm nhiều hình thức hỗn hợp cần bố trí thành các khu vực riêng biệt: Khu vực hung táng; Khu vực chôn một lần; Khu vực cải táng; Khu lò hỏa táng, nhà lưu tro (nếu có).

Đối với nghĩa trang liên xã, liên thôn bố trí các khu theo từng xã hoặc từng thôn riêng biệt. Có khu vực riêng cho các mộ vô chủ và các trường hợp chết do dịch bệnh.

Các công trình hạ tầng chủ yếu trong nghĩa trang gồm: Nhà tiếp linh; đường giao thông; hệ thống thoát nước; khu thu gom phân loại chất thải rắn; tường rào và cây xanh cách ly.

Tại các nghĩa trang có hình thức hỏa táng gồm: Nhà điều hành - dịch vụ, phòng tổ chức lễ tang, phòng lạnh bảo quản thi hài, khu lò hỏa táng, nhà lưu tro - hài cốt, các công trình phụ trợ khác.

Công trình lưu tro - hài cốt được bố trí trong cùng các đài hóa thân hoàn vũ hoặc trong khuôn viên các nghĩa trang, công trình tôn giáo tùy theo yêu cầu của địa phương đảm bảo thuận tiện cho nhu cầu thăm viếng của người dân.

- Diện tích sử dụng đất cho một phần mộ cá nhân:

Diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa 5m2 đối với người lớn và 3m2 đối với trẻ em.

Diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ cát táng và địa hỏa táng tối đa 3m2.

- Kích thước mộ:

Chiều dài, chiều rộng (chưa kể phần địa tĩnh xung quanh): đối với mộ hung táng/chôn một lần không quá (2,4m x 1,4m), đối với mộ cải táng không quá (1,8x1,2m), ngăn lưu tro cốt không quá (0,5m x 0,5m).

Chiều cao (từ mặt đất nền): phần mộ không quá 0,8m; phần bia mộ không quá 1,6m.

- Hình thức kiến trúc: Phải phù hợp với truyền thống văn hóa, điều kiện của địa phương và phải xây dựng theo mẫu thiết kế được duyệt của đơn vị quản lý nghĩa trang (sau khi lấy ý kiến cộng đồng dân cư).

- Hạ tầng kỹ thuật và vệ sinh môi trường:

Các công trình kỹ thuật và phụ trợ phải được quy hoạch xây dựng đồng bộ, bảo đảm cảnh quan và vệ sinh môi trường.

Nghĩa trang phải xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, đặc biệt là việc xử lý nước thấm từ các mộ hung táng và khí thải của lò hỏa táng đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hiện hành.

Chất thải rắn phải được thu gom, phân loại và chuyển đến nơi xử lý theo hợp đồng với đơn vị thu gom xử lý chất thải quy định trong quy chế quản lý.

c) Về di chuyển, đóng cửa, cải tạo chỉnh trang, mở rộng, xây dựng mới nghĩa trang

- Di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ đối với các trường hợp:

Gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan nghiêm trọng mà không có khả năng khắc phục; không đảm bảo khoảng cách ly ATVSMT ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng; nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai, lụt lội, sạt lở (đặc biệt là khu vực ngoài đê, bối).

Phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Không phù hợp với quy hoạch xây dựng được phê duyệt.

- Đóng cửa nghĩa trang:

Khi không còn diện tích sử dụng, không có điều kiện mở rộng nhưng có khả năng kiểm soát, thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường.

- Cải tạo nghĩa trang (Bao gồm cải tạo chỉnh trang hoặc mở rộng):

Khi còn phù hợp với quy hoạch xây dựng, đảm bảo khoảng cách ATVSMT, còn diện tích hoặc có quỹ đất để mở rộng để tiếp tục các hoạt động táng và quy tập mộ di chuyển nhưng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan, môi trường chưa phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

- Xây dựng mới nghĩa trang:

Phải tuân thủ quy hoạch, đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường, thuận lợi về giao thông, có khả năng phục vụ liên vùng và xét đến khả năng xây dựng nhà lưu tro để phục vụ nhu cầu sử dụng hình thức hỏa táng gia tăng trong tương lai.

Diện tích khu đất quy hoạch nghĩa trang mới phải đáp ứng được nhu cầu về mộ phần của khu vực phục vụ, bao gồm cả diện tích cần thiết để di chuyển các nghĩa trang nhỏ lẻ trong khu vực phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án, các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

d) Về quản lý sử dụng nghĩa trang

- Trách nhiệm quản lý nhà nước:

UBND tỉnh thống nhất quản lý nghĩa trang trên địa bàn tỉnh, trực tiếp quản lý nghĩa trang cấp tỉnh.

UBND cấp huyện quản lý nghĩa trang cấp huyện.

UBND cấp xã quản lý nghĩa trang cấp xã.

- Trách nhiệm quản lý, sử dụng nghĩa trang:

Đối với nghĩa trang đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc có tính chất, nguồn gốc từ ngân sách nhà nước:

Cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp về trách nhiệm quản lý nhà nước nêu trên quyết định và lựa chọn tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện trách nhiệm quản lý, sử dụng nghĩa trang do cấp mình quản lý.

Đối với nghĩa trang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa: Các tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc thuê quản lý nghĩa trang do mình đầu tư xây dựng và chịu sự quản lý nhà nước theo phân cấp nghĩa trang.

- Quy chế quản lý nghĩa trang:

Cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp chỉ đạo việc lập, lấy ý kiến cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội cùng cấp để phê duyệt, ban hành quy chế, thực hiện cho từng nghĩa trang thuộc trách nhiệm quản lý.

Quy chế quản lý bao gồm các nội dung về: Ranh giới, quy mô và các khu chức năng; xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, bảo dưỡng công trình xây dựng và phần mộ trong nghĩa trang; bảo vệ nghĩa trang và bảo vệ môi trường; hoạt động táng, lưu giữ tro cốt; hoạt động lễ nghi, tín ngưỡng và các hoạt động có liên quan; xử lý vi phạm.

e) Quy định về các cơ chế chính sách liên quan

- Khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng nghĩa trang (bao gồm xây mới, cải tạo, mở rộng các nghĩa trang, xây dựng nhà hỏa táng, nhà tang lễ theo quy hoạch), với cơ chế:

Ngân sách nhà nước đầu tư các công trình bên ngoài hàng rào (đường giao thông, thoát nước, cấp điện, cấp nước.

Nhà đầu tư bỏ vốn giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng bên trong hàng rào và được kinh doanh quỹ đất chôn cất, các công trình và dịch vụ đi kèm theo quy định của pháp luật.

- Khuyến khích táng theo hình thức hỏa táng:

Hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các hộ gia đình có người chết thực hiện hình thức hỏa táng với mức hỗ trợ như sau:

+ Đối với các trường hợp hỏa táng nhưng không xây mộ: Hỗ trợ 5 triệu đồng/trường hợp.

+ Đối với các trường hợp hỏa táng nhưng có xây mộ (theo đúng diện tích, kích thước quy định): Hỗ trợ bằng 80% mức không xây mộ.

- Hỗ trợ việc quy tập, di chuyển các nghĩa trang, phần mộ riêng lẻ theo kế hoạch di chuyển, quy tập mộ mà không nằm trong các dự án đầu tư xây dựng:

Hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các hộ gia đình tự nguyện di chuyển mộ theo kế hoạch về các nghĩa trang tập trung theo quy hoạch và thực hiện đúng các quy định về xây dựng mộ (không hỗ trợ các trường hợp táng ngoài quy hoạch địa điểm nghĩa trang được phê duyệt sau thời điểm các quy định về xây dựng, sử dụng nghĩa trang được ban hành).

Mức hỗ trợ áp dụng bằng mức bồi thường di chuyển mồ mả khi Nhà nước thu hồi đất theo đơn giá do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.

4. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

a) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thay đổi phương thức, nâng cao nhận thức về văn hóa tang lễ văn minh, về quy hoạch, quy định sử dụng nghĩa trang, các cơ chế chính sách về sử dụng hình thức hỏa táng và di chuyển mộ về nghĩa trang tập trung thông qua các báo, đài, các cơ quan truyền thông của tỉnh với sự tham gia tích cực, chủ động của các cấp chính quyền, mặt trận và các đoàn thể.

b) Các cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp tổ chức việc rà soát hiện trạng, hoàn thành quy hoạch nghĩa trang để tiến hành quản lý, xác định lộ trình thực hiện quy hoạch, ban hành quy chế quản lý từng nghĩa trang, đảm bảo các yêu cầu sau:

Các nghĩa trang thuộc diện đóng cửa, cải tạo để đảm bảo môi trường: Xác định rõ thời điểm đóng cửa để quản lý không cho phép tiếp tục táng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cải tạo để đảm bảo cảnh quan và vệ sinh môi trường ngay sau thời điểm đóng cửa nghĩa trang.

Các nghĩa trang thuộc diện xây dựng mới, mở rộng, cải tạo chỉnh trang: Xác định rõ quy hoạch, phân kỳ đầu tư, thời hạn sử dụng để phục vụ các nhu cầu táng, quy tập mộ di chuyển trong khu vực phục vụ của nghĩa trang.

Các khu mộ nhỏ lẻ, các nghĩa trang thuộc đối tượng phải di chuyển về địa điểm mới theo tiến độ của các dự án đầu tư (các khu vực có dự án) hoặc theo tiến độ, kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương. Hoàn thành từng bước lộ trình di chuyển các phần mộ riêng lẻ và các điểm nghĩa trang phải di dời theo các mốc mục tiêu trong giai đoạn 2015 - 2025.

c) Tập trung đầu tư mở rộng, xây dựng mới nghĩa trang tại các đô thị, nghĩa trang xã, cụm xã phục vụ nhu cầu táng trước mắt và nhu cầu di chuyển nghĩa trang và phần mộ riêng lẻ.

d) Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát cộng đồng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc quy hoạch, xây dựng và sử dụng nghĩa trang.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.

2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.

3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam khóa XVII, kỳ họp thứ mười ba thông qua ngày 02 tháng 7 năm 2015./.

 

 

CHỦ TỊCH




Mai Tiến Dũng