Nghị quyết 18/2012/NQ-HĐND thông qua đề án quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
Số hiệu: 18/2012/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị Người ký: Lê Hữu Phúc
Ngày ban hành: 17/08/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2012/NQ-HĐND

Quảng Trị, ngày 17 tháng 8 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VI, KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Xét Tờ trình số 2247/TTr-UBND ngày 24 tháng 7 năm 2012 kèm theo Đề án “Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” của UBND tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án “Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2020

Phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị là động lực chính để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ cao, bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về tài nguyên, con người cùng với phát triển những nhóm ngành công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn thân thiện với môi trường gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

1. Mục tiêu phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị

Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 đạt 19%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 16%/năm.

Tỷ trọng giá trị công nghiệp trong GDP toàn tỉnh đến năm 2015 là 25,3% và đến năm 2020 ở mức 31,6%.

2. Định hướng phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị

- Giai đoạn từ nay đến năm 2015:

+ Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, đầu tư phát triển Khu Đông Nam tỉnh Quảng Trị. Tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo các điều kiện cần thiết và thuận lợi thu hút đầu tư phát triển công nghiệp;

+ Tái cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh theo quy hoạch phát triển công nghiệp cả nước, mở rộng các cơ sở công nghiệp hiện có trong ngành chế biến nông, thủy sản; chế biến lâm sản, thực phẩm, đồ uống; chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng... và đầu tư mới các cơ sở sản xuất công nghiệp theo quy hoạch;

- Giai đoạn 2016 - 2020:

+ Tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào khu kinh tế, hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp;

+ Tăng cường thu hút đầu tư vào phát triển các ngành nghề mới và công nghệ cao như: công nghiệp năng lượng, hóa chất - phân bón; lắp ráp cơ khí, điện tử; cơ khí đóng tàu; vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ;

- Giai đoạn sau năm 2020:

+ Sắp xếp và tổ chức lại sản xuất một số ngành, sản phẩm công nghiệp theo hướng đảm bảo phát triển sản xuất ổn định, bền vững, xử lý triệt để các vấn đề môi trường;

+ Tập trung đổi mới công nghệ các cơ sở công nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, năng suất lao động và tạo ra các sản phẩm theo hướng có hàm lượng công nghệ cao.

II. QUY HOẠCH CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2020

1. Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 16,1%/năm và giai đoạn 2016 - 2020: 12%/năm.

2. Công nghiệp chế biến nông, thủy sản, thực phẩm

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 19,0%/năm; giai đoạn 2016 - 2020: 13%/năm.

3. Công nghiệp chế biến gỗ, giấy

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 22%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 16%/năm.

Ổn định sản xuất gắn với các vùng nguyên liệu các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, thu hút đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ nguyên liệu gỗ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

4. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011 - 2015: 13,3%/năm và giai đoạn 2016 - 2020: 13,4%/năm.

Ổn định và phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện có. Chú trọng phát triển các loại vật liệu xây dựng mới phục vụ cho xây dựng đô thị, khu, cụm công nghiệp.

Khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất vật liệu xây, lợp không nung, vật liệu mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và giảm ô nhiễm môi trường. Tranh thủ các cơ hội kêu gọi đầu tư công nghệ và thiết bị tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh.

5. Công nghiệp hóa chất

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 15%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 16,0%/năm.

Khai thác hiệu quả công suất của các nhà máy sản xuất phân bón vi sinh, NPK, săm lốp xe máy, sản phẩm nhựa dân dụng và mở rộng quy mô sản xuất phù hợp. Kêu gọi đầu tư phát triển một số sản phẩm mới như: sản xuất sản phẩm cao su dân dụng và y tế; sản xuất sản phẩm nhựa cho xây dựng; bao bì PP, PET...

Tùy theo tiến độ điều tra, thăm dò và khai thác các mỏ khí đốt ở ngoài khơi vùng biển Quảng Trị, nghiên cứu xây dựng tổ hợp khí - điện - đạm và chế biến các sản phẩm khác từ khí đốt trên địa bàn tỉnh.

6. Công nghiệp dệt may, da giày

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 35%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 17%/năm.

Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm dệt may, da giày hiện có. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp may mặc gia công may xuất khẩu. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm dệt may - da giày trong và ngoài nước.

7. Công nghiệp cơ khí, chế tạo máy và sản xuất kim loại

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 18%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 15%/năm.

Phát triển cơ khí đóng mới và sửa chữa các tàu thuyền, phương tiện vận tải, gia công lắp ráp cơ khí, cơ khí phục vụ nông nghiệp, cơ giới hóa các khâu sau thu hoạch phục vụ nông nghiệp, nông thôn, sản xuất phụ tùng, linh kiện máy móc; luyện cán thép, sản xuất thép xây dựng, thép chất lượng cao.

Phát triển các cơ sở cơ khí gia công, cơ khí sửa chữa phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của nhân dân.

8. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện

Cải tạo mạng lưới phân phối điện, nâng cấp mới các đường dây trung áp và hạ áp để cấp điện ổn định và an toàn cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng trên địa bàn. Xây dựng lưới điện đến các thôn, cụm dân cư, đảm bảo chất lượng điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đến năm 2020 có 100% thôn bản có điện.

Đầu tư và cải tạo lưới điện theo quy hoạch. Ưu tiên nguồn điện phục vụ cho sản xuất, kinh tế biển và cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Phát triển thủy điện nhỏ theo quy hoạch, khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo với nhiều hình thức đầu tư thích hợp để khai thác tiềm năng, lợi thế ở những nơi có điều kiện phát triển.

9. Công nghiệp sản xuất và phân phối nước

Các đô thị, trung tâm huyện đều có các nhà máy sản xuất, hệ thống cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất.

Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch ở thành thị đạt trên 95% và 100% vào năm 2020; số dân ở nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90% năm 2015 và đến năm 2020 đạt 95%.

Đến năm 2020, đầu tư mở rộng các nhà máy nước để đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, đáp ứng nhu cầu mở rộng đô thị và phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế.

III. PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ

Phát triển công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy việc phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh một cách bền vững và thân thiện với môi trường.

1. Công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp dệt may, da giày.

2. Công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp cơ khí chế tạo máy và gia công kim loại.

3. Công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất, phân phối và dịch vụ ngành điện.

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP

1. Phát triển các khu công nghiệp

Tập trung đầu tư và hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng kỹ thuật chủ yếu cho 03 khu công nghiệp là Khu Công nghiệp Nam Đông Hà (99 ha), Khu Công nghiệp Quán Ngang (205 ha) và Khu Công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá (294 ha) nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, thu hút các dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn.

Khu Công nghiệp Nam Đông Hà (thành phố Đông Hà):

Phát triển và ổn định diện tích Khu Công nghiệp với quy mô gần 99 ha, không mở rộng thêm trong các giai đoạn tới. Định hướng phát triển và thu hút đầu tư các dự án, công trình công nghiệp sạch, ít gây ảnh hưởng đến môi trường. Giai đoạn từ nay đến năm 2015 đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải tập trung và lấp đầy 100% diện tích khu công nghiệp.

Khu Công nghiệp Quán Ngang (huyện Gio Linh):

Giai đoạn từ nay đến năm 2015: Phát triển giai đoạn 1 của Khu Công nghiệp (139 ha). Đầu tư hoàn thành cơ bản cơ sở hạ tầng, lấp đầy 70 - 80% diện tích đất trong giai đoạn 1.

Giai đoạn 2016 - 2020: Hoàn thành cơ sở hạ tầng diện tích 139 ha của giai đoạn 1, từng bước phát triển giai đoạn 2 với diện tích 66 ha.

Giai đoạn sau năm 2020: Quy hoạch mở rộng Khu Công nghiệp thêm 300 - 400 ha về phía Đông Bắc đưa tổng diện tích quy hoạch Khu Công nghiệp Quán Ngang đạt 500 - 600 ha.

Khu Công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh):

Từ nay đến năm 2015, đầu tư từng bước hạ tầng Khu Công nghiệp tại khu A thuộc xã Vĩnh Chấp (giai đoạn 1: dự kiến khoảng 157,6 ha).

Giai đoạn 2016 - 2020 hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và lấp đầy 50% giai đoạn 1 (khu A). Chuấn bị đầu tư giai đoạn 2 (khu B) vào sau năm 2020.

Khu Công nghiệp Hải Lăng (huyện Hải Lăng):

Từ nay đến năm 2015, đầu tư hoàn thành cơ bản kết cấu hạ tầng và tiếp tục phát triển mở rộng Cụm Công nghiệp - làng nghề Diên Sanh lên khoảng 70 ha, giai đoạn 2016 - 2020 phát triển thành Khu Công nghiệp Hải Lăng với diện tích khoảng 150 ha.

Các ngành công nghiệp được tập trung phát triển trong Khu Công nghiệp là: sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông, lâm sản; đồ uống; sửa chữa máy nông nghiệp và phương tiện giao thông, tiểu thủ công nghiệp; may mặc, dệt may, giày da...

Các khu công nghiệp trong Khu Đông Nam Quảng Trị: Hình thành và phát triển theo quy hoạch chung xây dựng Khu Đông Nam.

2. Phát triển cụm công nghiệp

Tiếp tục hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng các cụm công nghiệp đã quy hoạch theo giai đoạn, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các doanh nghiệp và tạo sức hấp dẫn thu hút các dự án công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần giảm bớt mức chênh lệch giữa các vùng và góp phần tăng trưởng kinh tế, công nghiệp toàn tỉnh.

Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các cụm công nghiệp có khả năng cao hơn trong việc thu hút các dự án đầu tư để tập trung hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp .

Nghiên cứu quy hoạch và từng bước phát triển hợp lý các cụm công nghiệp mới đáp ứng nhu cầu phát triển trên địa bàn trong các giai đoạn tới như sau:

* Giai đoạn đến 2015: Hoàn thiện kết cấu hạ tầng và kêu gọi đầu tư lấp đầy các cụm công nghiệp hiện có, huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp: Hướng Tân (huyện Hướng Hóa), Đông Ái Tử (huyện Triệu Phong), Đông Gio Linh (huyện Gio Linh), Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh), Cam Hiếu (huyện Cam Lộ), Hải Thượng (huyện Hải Lăng), Krông Klang (huyện ĐaKrông), Hải Lệ (thị xã Quảng Trị).

Các cụm công nghiệp trong Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo:

Ổn định về quy mô diện tích cụm công nghiệp tại Khu Công - Thương mại - Dịch vụ Lao Bảo với diện tích 21,5 ha và Cụm Công nghiệp Tân Thành với diện tích 60 ha.

Điều chỉnh giảm Cụm Công nghiệp Tây Bắc Lao Bảo từ 47 ha giảm xuống còn 27 ha.

Quy hoạch và phát triển thêm cụm công nghiệp tại thị trấn Khe Sanh với diện tích 15 ha để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển công nghiệp trong Khu Kinh tế trong giai đoạn đến năm 2020 và đến năm 2025.

* Giai đoạn 2016 - 2020: Quy hoạch và phát triển thêm 05 cụm công nghiệp để đáp ứng nhu cầu đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn các huyện, gồm các cụm công nghiệp: Cam Tuyền (huyện Cam Lộ), Tà Rụt (huyện ĐaKrông), Bến Quan (huyện Vĩnh Linh), Nam Cửa Việt (huyện Triệu Phong), Hải Chánh (huyện Hải Lăng).

V. NHU CẦU LAO ĐỘNG CHO CÔNG NGHIỆP

Nhu cầu lao động đến năm 2015 khoảng 32.920 người, đến 2020 khoảng 55.100 người và đến năm 2025 khoảng 76.670 người.

VI. NHU CẦU VỀ VỐN CHO CÔNG NGHIỆP

Dự ước tổng nhu cầu vốn đầu tư cho công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 là 16.100 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 37.100 tỷ đồng và giai đoạn 2021 - 2025 là 45.600 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn cho các giai đoạn:

- Vốn hợp tác bên ngoài (FDI, ODA, NGO, vốn khác): 45% - 50%;

- Vốn đầu tư của các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế: 30% - 35%;

- Vốn hỗ trợ từ ngân sách (ngân sách Trung ương, địa phương): 15% - 20%.

Trong đó: Vốn ngân sách địa phương chủ yếu hỗ trợ giải tỏa đền bù, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của các khu - cụm công nghiệp.

Điều 2. Các giải pháp chủ yếu

1. Về thu hút đầu tư

Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp. Ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng. Tập trung xây dựng hạ tầng Khu Đông Nam Quảng Trị, hạ tầng khu công nghiệp cảng biển, và các khu - cụm công nghiệp đã được quy hoạch.

Thu hút đầu tư trực tiếp, hợp tác, liên kết, liên doanh của các tập đoàn, các công ty lớn, các ngành và các thành phố lớn trong cả nước.

Khuyến khích đầu tư nước ngoài các ngành công nghiệp: công nghệ cao, cơ khí chế tạo, năng lượng, những ngành sử dụng nhiều lao động, xuất khẩu nhiều sản phẩm, sử dụng nguyên liệu tại chỗ.

2. Về phát triển nguồn nhân lực

Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật, thu hút cán bộ và lao động có trình độ tay nghề cao cho các ngành công nghiệp chủ lực.

Chú trọng đào tạo lao động cung ứng cho các ngành nghề mới. Kết hợp đào tạo nghề dài hạn với việc đào tạo nghề ngắn hạn theo hướng xã hội hóa, liên kết với các cơ sở đào tạo của các tỉnh khác.

Nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường cao đẳng và dạy nghề, các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

3. Về phát triển nguồn vốn và huy động vốn

Vốn ngân sách chủ yếu hỗ trợ giải tỏa đền bù, hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông đấu nối các khu, cụm công nghiệp. Vốn vay ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Huy động các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng.

4. Về phát triển thị trường

Đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại. Tăng chi ngân sách hỗ trợ các hoạt động khuyến khích xuất khẩu và xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp công nghiệp. Cung cấp thông tin thị trường thường xuyên và đầy đủ cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu.

5. Về hoàn thiện tổ chức quản lý

Tăng cường chỉ đạo hỗ trợ của tỉnh đối với phát triển sản xuất công nghiệp. Nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện cải cách hành chính theo hướng: các cơ quan quản lý nhà nước hướng mạnh về cơ sở, tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

6. Về phát triển khoa học, công nghệ

Phát huy vai trò quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ; hỗ trợ cung cấp thông tin công nghệ cho doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động ứng dụng và đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng; làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn cả nước để triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật.

7. Về phát triển vùng nguyên liệu

Tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu đã quy hoạch; mở rộng phát triển từ các vùng lân cận và các địa phương khác trong và ngoài nước; gắn kết quyền lợi giữa nhà sản xuất và nhà cung cấp nguyên liệu.

8. Về bảo vệ môi trường

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về môi trường, tăng cường năng lực và trách nhiệm quản lý môi trường cho các ban quản lý các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch - dịch vụ và các địa phương.

Điều 3. Giao UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp giám sát thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được HĐND tỉnh khóa VI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17 tháng 8 năm 2012 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Hữu Phúc

 

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.