Nghị quyết 18/2011/NQ-HĐND về chương trình mục tiêu việc làm giai đoạn 2011 - 2015
Số hiệu: 18/2011/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu Người ký: Võ Văn Dũng
Ngày ban hành: 11/12/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2011/NQ-HĐND

Bạc Liêu, ngày 11 tháng 12 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU VIỆC LÀM TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2011 – 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động;

Xét Tờ trình số 181/TTr-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu về Chương trình mục tiêu về việc làm tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2011 - 2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội của Hội đồng nhân dân và ý kiến Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất Chương trình mục tiêu về việc làm tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2011 - 2015, như sau:

1. Mục tiêu chung

Chương trình mục tiêu về việc làm nhằm hỗ trợ phát triển đào tạo nghề và bảo đảm ổn định cuộc sống cho lao động đang có việc làm và giải quyết việc làm cho lao động thất nghiệp, lao động thiếu việc làm và giải quyết việc làm cho lao động bước vào độ tuổi lao động hàng năm.

2. Các chỉ tiêu cụ thể

a) Trong 5 năm giải quyết việc làm cho 75.000 lao động (bình quân mỗi năm 15.000 lao động), trong đó:

- Giải quyết việc làm thông qua chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cho 43.500 lao động, bình quân mỗi năm 8.700 lao động.

- Lập dự án hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm và giải quyết làm việc cho 30.000 lao động, bình quân mỗi năm 6.000 lao động.

- Xuất khẩu lao động ngoài nước 1.500 lao động, bình quân mỗi năm 300 lao động.

b) Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng: Công nghiệp - xây dựng 24%, nông - ngư - lâm - diêm nghiệp 50% và thương mại - du lịch 26%.

c) Đào tạo nghề gắn với việc làm 52.000 lao động, bình quân mỗi năm 10.400 lao động.

d) Hạ tỷ lệ lao động thất nghiệp ở thành thị đến năm 2015 còn 2,8% và nâng tỷ lệ thời gian sử dụng lao động ở nông thôn lên 80%.

3. Về kinh phí

a) Tổng nguồn kinh phí đầu tư thực hiện chương trình mục tiêu về việc làm giai đoạn 2011 - 2015: 480,385 tỷ đồng.

Trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 271,435 tỷ đồng.

- Ngân sách tỉnh: 13,85 tỷ đồng.

- Nguồn của chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội, các chi nhánh ngân hàng thương mại tỉnh: 174,2 tỷ đồng.

- Nguồn xã hội hóa

+ Nguồn từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trang trại, hợp tác xã đầu tư đối ứng vốn vay: 15 tỷ đồng.

+ Hộ gia đình đầu tư đối ứng vốn vay: 5 tỷ đồng.

+ Nguồn từ lao động tự chi: 0,9 tỷ đồng.

b) Về sử dụng nguồn kinh phí:

Tổng kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu về việc làm giai đoạn 2011 - 2015: 480,385 tỷ đồng được sử dụng như sau:

- Kinh phí thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm, hoạt động sàn giao dịch việc làm, trang thiết bị dạy nghề,…: 55,335 tỷ đồng;

- Kinh phí bảo đảm thực hiện cho vay vốn của các dự án tạo việc làm: 240 tỷ đồng;

- Kinh phí thực hiện đào tạo nghề cho lao động gắn với giới thiệu việc làm ở các thị trường lao động: 180,95 tỷ đồng;

- Kinh phí cho Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện điều tra diễn biến cung - cầu lao động và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình: 4,10 tỷ đồng.

4. Các giải pháp chủ yếu

a) Tăng cường công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, việc làm cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dạy nghề và việc làm cho người lao động.

b) Đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh; đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm tạo nhiều việc làm cho người lao động.

c) Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, mở rộng quy mô, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hình thành, phát triển các làng nghề, hợp tác xã, trang trại để thu hút và giải quyết việc làm cho người lao động.

d) Khuyến khích đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo nghề, tăng cường công tác dạy nghề nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động; đa dạng các loại hình dạy nghề, lựa chọn những ngành, nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu của xã hội; thực hiện đầy đủ chính sách đào tạo nghề miễn phí, giảm học phí và hỗ trợ khác đối với người học nghề, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ và lao động nông thôn,… góp phần nâng tỷ lệ lao động của tỉnh qua đào tạo đến năm 2015 lên 45%, trong đó, qua đào tạo nghề 29%.

đ) Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về cung, cầu lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động của tỉnh. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm hiện có của tỉnh; đồng thời khuyến khích hình thành các trung tâm, cơ sở giới thiệu việc làm, góp phần hình thành, phát triển mạng lưới tư vấn, giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thông tin, cơ hội tìm việc làm, có việc làm và lựa chọn những ngành, nghề phù hợp với trình độ, tay nghề, khả năng của mình. Tiếp tục ổn định và mở rộng thị trường lao động, kể cả thị trường lao động trong tỉnh, ngoài tỉnh và thị trường lao động ngoài nước.

e) Tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, phân bổ hợp lý ngân sách của tỉnh và huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế, của xã hội để bảo đảm thực hiện Chương trình về việc làm tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2011 - 2015.

Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện, căn cứ tình hình thực tế của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh có những chính sách kịp thời, hợp lý để bảo đảm thực hiện nghị quyết đạt kết quả cao nhất.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu khóa VIII, kỳ họp thứ 4 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Võ Văn Dũng