Nghị quyết 18/2010/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Sóc Trăng
Số hiệu: 18/2010/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng Người ký: Mai Khương
Ngày ban hành: 10/12/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2010/NQ-HĐND

Sóc Trăng, ngày 10 tháng 12 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 TỈNH SÓC TRĂNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 19

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Sau khi xem xét Tờ trình số 18/TTr-UBND ngày 26/11/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015;

Qua báo cáo thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và phát biểu giải trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Sóc Trăng với nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu tổng quát:

Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XII nhiệm kỳ 2010 - 2015 theo hướng huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng ở mức cao trong giai đoạn 2011 - 2015. Phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc và phát huy mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tập trung thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực đi đôi với nâng cao năng lực ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, đẩy mạnh công tác giảm nghèo. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công tác tôn giáo, dân tộc. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội. Phấn đấu đến năm 2015, trở thành tỉnh trung bình khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và có thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ mức bình quân chung của cả nước.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2015:

a) Các chỉ tiêu về kinh tế:

- Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 5 năm 2011 - 2015 bình quân đạt 12-13%.

- GDP bình quân đầu người đạt trên 1.800 USD (giá hiện hành).

- Cơ cấu GDP khu vực I, II, III tương ứng là 39,60% - 25,10% - 35,30%.

- Sản lượng lúa đạt trên 1,7 triệu tấn/năm, trong đó lúa đặc sản chiếm trên 20%.

- Diện tích nuôi thuỷ sản 80.000 ha, trong đó nuôi tôm 49.000 ha (có 30.000 ha nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp). Tổng sản lượng thuỷ hải sản 265.000 tấn (trong đó sản lượng tôm 85.000 tấn).

- Giá trị sản lượng thu hoạch trên 1 ha đất nông nghiệp, thủy sản đạt 100 triệu đồng.

- Giá trị sản xuất công nghiệp đạt từ 12.000 - 14.000 tỷ đồng (giá cố định năm 1994).

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá từ 500 - 600 triệu USD; trong đó, xuất khẩu thủy sản 400 - 450 triệu USD.

- Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 85.000 tỷ đồng; trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá từ 60.000 - 65.000 tỷ đồng.

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 1.800 tỷ đồng.

b) Các chỉ tiêu về xã hội:

- Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 10,77‰.

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 14,5%.

- Có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

- Tỷ lệ huy động trẻ em đi học trong độ tuổi: Nhà trẻ 10%; mẫu giáo 80%; tiểu học 99,5%; trung học cơ sở 95%; trung học phổ thông 65%.

- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 50%.

- Tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá đạt 88%.

- Hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 - 3% (theo tiêu chí mới).

- Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51%, trong đó đào tạo nghề đạt 45%.

- Giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống còn 3%.

- Có từ 20% - 25% xã trong tỉnh đạt 100% tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; các xã còn lại đạt 11 tiêu chí (quy hoạch, thủy lợi, điện, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa, môi trường và hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh).

c) Các chỉ tiêu về môi trường:

- Tỷ lệ che phủ rừng (chỉ tính cây lâm nghiệp) đạt 5%.

- Tỷ lệ cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn môi trường đạt trên 95%.

- Trên 95% chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.

- Trên 40% chất thải rắn phát sinh tại khu dân cư nông thôn, làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.

- Tỷ lệ xử lý rác hợp vệ sinh khu vực thành phố, thị trấn đạt trên 95%.

- 100% chất thải nguy hại và chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.

3. Phương hướng phát triển và giải pháp chủ yếu:

a) Về nông, lâm, ngư nghiệp:

Phát triển thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Đẩy mạnh cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng. Tiếp tục đầu tư mạnh vào khoa học công nghệ, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tăng cường triển khai các biện pháp giảm tổn thất sau thu hoạch. Đẩy mạnh công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp tục phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản mang tính công nghiệp và chuyên canh để đảm bảo ổn định chất lượng và hiệu quả sản xuất. Tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

b) Về công nghiệp, thương mại, dịch vụ:

Phát triển công nghiệp đồng thời coi trọng việc bảo vệ môi trường. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm, điểm công nghiệp. Khuyến khích đầu tư phát triển các lĩnh vực, ngành nghề công nghiệp nông thôn. Mở rộng phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu. Phát huy ưu thế về môi trường sinh thái ven biển, sông nước và đặc điểm văn hóa của cộng đồng 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, các lễ hội dân tộc để đẩy mạnh phát triển hoạt động du lịch. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

c) Về lĩnh vực tài chính:

Phấn đấu tăng thu để chi cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, huy động hợp lý các nguồn thu vào ngân sách nhà nước; tăng cường công tác quản lý chi ngân sách, thực hành nghiêm chủ trương tiết kiệm. Có các giải pháp phát triển thị trường tín dụng lành mạnh, bảo đảm khả năng cung cấp tài chính cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và xuất khẩu. Tăng cường vận động, thu hút các các nguồn vốn viện trợ chính thức, phi chính phủ và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội.

d) Về văn hoá xã hội:

Phát triển giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, chú ý đối với vùng nông thôn, vùng dân tộc đồng thời với đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, đào tạo; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành đề án kiên cố hóa trường lớp học, tiến tới đầu tư nâng cấp đạt chuẩn quốc gia đối với các trường học các cấp trong tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khoa học - công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Tiếp tục phát triển mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng cùng với xây dựng phát triển một số bộ môn thể thao thi đấu chuyên nghiệp.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm, dạy nghề, các chương trình, dự án giảm nghèo và an sinh xã hội. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật song song với đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của ngành y tế, bảo đảm khả năng chăm sóc sức khỏe nhân dân và thực hiện tốt các chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình.

e) Về bảo vệ môi trường:

Quản lý và sử dụng có hiệu quả, hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tập trung giải quyết các khu vực, các điểm bức xúc về ô nhiễm, suy thoái môi trường. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân về bảo vệ môi trường. Xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về vệ sinh môi trường nhằm phát huy hiệu quả về bảo vệ môi trường. Tăng cường điều tra cơ bản về đa dạng sinh học; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường biển, vùng ven biển.

g) Về an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội:

Giữ vững, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Quan tâm giải quyết các vấn đề nhạy cảm về chính trị, nhất là những vấn đề có liên quan đến dân tộc, tôn giáo. Ra sức xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân và biên phòng toàn dân vững mạnh. Đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm, ma tuý, mê tín dị đoan; kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông. Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, an toàn.

h) Về xây dựng chính quyền:

Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính nhà nước. Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; công khai tất cả các thủ tục hành chính theo quy định. Thực hiện tốt việc kiểm soát thủ tục hành chính theo Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ. Tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Phấn đấu đến năm 2015 tất cả cán bộ, công chức đều đạt chuẩn theo quy định. Rà soát, bổ sung và thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút nhân tài cho tỉnh. Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.

Điều 2.

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định pháp luật.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng khóa VII, kỳ họp thứ 19 thông qua và có hiệu lực sau 10 ngày.

 

 

Nơi nhận:
- UBTVQH;
- Ban công tác đại biểu;
- Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- VP.Quốc hội (bộ phận phía Nam);
- VP.Chủ tịch nước;
- Các Bộ: Tư pháp, Tài chính, KH&ĐT;
- TTTU, TT.HĐND, UBMTTQ, UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh ST;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- TT.HĐND, UBND huyện, thành phố ST;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Khương

 

 

 





Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính Ban hành: 08/06/2010 | Cập nhật: 11/06/2010