Nghị quyết 175/2015/NQ-HĐND về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2020
Số hiệu: 175/2015/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk Người ký: Y Biêr Niê
Ngày ban hành: 03/12/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Khoa học, công nghệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 175/2015/NQ-HĐND

Buôn Ma Thuột, ngày 03 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK,
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013;

Căn cứ Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, về chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 1318/QĐ-BKHCN ngày 05/6/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2016- 2020;

Xét Tờ trình số 104/TTr-UBND ngày 24/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020; Báo cáo thẩm tra số 78/BC-HĐND ngày 27/11/2015 của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Nghị quyết về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2020, với các nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu:

1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, có đủ khả năng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ từng bước đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng và nâng cấp các phòng thí nghiệm, thử nghiệm, các trung tâm ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Đến năm 2020, thành lập 02 khu nông nghiệp, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; một số trạm, trại thực nghiệm khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh; hình thành một số doanh nghiệp khoa học và công nghệ; các tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhân lực và kinh phí hoạt động.

Đến năm 2020, đạt từ 250 người có trình độ từ Cao đẳng trở lên/1 vạn dân.

2.2. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ

Tạo lập môi trường khuyến khích đầu tư vào sản xuất và chuyển giao công nghệ mới để khai thác các lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm, có tính ứng dụng cao thông qua cơ chế đặt hàng, cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Tập trung nghiên cứu triển khai ứng dụng các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ. Nâng tỷ lệ kết quả các dự án, đề tài khoa học và công nghệ ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất và đời sống đạt trên 70%. Dành ngân sách thỏa đáng cho hoạt động chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.

Xã hội hóa hoạt động kiểm định phương tiện đo lường, đến năm 2020 số phương tiện đo được kiểm định đạt trên 85% số phương tiện đo bắt buộc kiểm định.

Tổ chức thực hiện và duy trì việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trong các cơ quan nhà nước và ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành theo mô hình chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.

2.3. Triển khai có hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ

Triển khai có hiệu qủa các chương trình phát triển khoa học và công nghệ trọng điểm, bảo đảm đạt mục tiêu các chương trình đã đề ra.

Thông qua các chương trình đào tạo 60 người có trình độ trên đại học. Tất cả kết quả của các dự án, đề tài khoa học và công nghệ được đưa vào cơ sở dữ liệu thông tin nghiên cứu phát triển, đăng tải trên tạp chí Khoa học và Công nghệ và các tạp chí khác của tỉnh.

II. Các Chương trình phát triển khoa học và công nghệ trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020:

1. Chương trình khoa học xã hội - nhân văn, giáo dục và đào tạo:

a) Khoa học xã hội - nhân văn

- Nghiên cứu các giải pháp nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về ổn định xã hội, giáo dục, văn hóa, dân tộc, an ninh - quốc phòng. Cung cấp những luận cứ khoa học cho việc xây dựng kinh tế, hoạch định và thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Nghiên cứu, các vấn đề về biến đổi cơ cấu xã hội, phân hoá giàu - nghèo, dân tộc, tôn giáo, văn hoá, tìm giải pháp quản lý, tạo môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách phục vụ xây dựng nông thôn mới, thực hiện xã hội hóa về văn hóa giáo dục - đào tạo, thể dục, thể thao.

- Nghiên cứu tìm giải pháp chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm tỉ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường xuất khẩu lao động cho thanh niên.

b) Giáo dục và đào tạo

- Nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ trong dạy học và quản lý giáo dục. Ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong giáo dục và đào tạo ở các cấp học, ngành học để nâng cao hiệu quả toàn diện giáo dục và đào tạo.

- Nghiên cứu về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường, trung tâm đào tạo nghề.

2. Chương trình y dược và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng:

- Nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh ở người (ghép mô, trị liệu tế bào gốc, can thiệp mạch, kỹ thuật sinh học phân tử, phẫu thuật nội soi, công nghệ laser, y học hạt nhân).

- Nghiên cứu sản xuất nguyên liệu dược phục vụ công nghiệp bào chế thuốc, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng và sinh phẩm y tế.

- Nghiên cứu các phương pháp phòng và điều trị các bệnh đặc thù của tỉnh (chú trọng các bệnh lây nhiễm từ vật sang người, các dịch bệnh mới nổi và bệnh tái bùng phát).

- Nghiên cứu và phát triển phương pháp chữa bệnh, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, ứng dụng các bài thuốc y dược học cổ truyền và công nghệ bào chế sản xuất thuốc từ nguồn dược liệu địa phương và phổ biến một số cây thuốc có giá trị dược liệu, giá trị kinh tế cao.

- Nghiên cứu các giải pháp nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, phòng và điều trị suy dinh dưỡng, béo phì ở trẻ em, nâng cao sức khoẻ sinh sản.

3. Chương trình hỗ trợ nông nghiệp và phát triển nông thôn:

a) Về trồng trọt:

- Nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu mới trong chọn tạo, nhân giống đối với những cây trồng chủ lực, có tiềm năng thị trường và có khả năng ứng dụng công nghệ cao, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.

- Xây dựng và nhân rộng các mô hình tái canh cây cà phê bảo đảm giữ vững sản lượng và tăng chất lượng sản phẩm; các mô hình tưới nước tiết kiệm kết hợp áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính.

- Nghiên cứu trồng trọt gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm đặc thù của tỉnh. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp công nghệ cao.

- Xây dựng mô hình sử dụng máy móc, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp, tập trung cho thu hoạch và sau thu hoạch nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.

- Xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, hình thành doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với xây dựng nông thôn mới.

b) Về chăn nuôi:

- Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu giống mới trong phát triển đàn đại gia súc, gia cầm, thủy sản nước ngọt. Lai tạo, chọn lọc hình thức chăn nuôi thích hợp cho vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao. Xây dựng mô hình chăn nuôi một số loài động vật, thủy sản mới, quý hiếm, có giá trị bảo tồn nguồn gen.

- Ứng dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến, bảo đảm chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao. Nghiên cứu, ứng dụng sản xuất thức ăn chăn nuôi thay thế sản phẩm nhập ngoại.

- Ứng dụng có hiệu quả các loại vắc-xin, các bộ dụng cụ chẩn đoán, các quy trình phòng và chữa trị tiên tiến nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các loại dịch bệnh nguy hiểm thường xuyên gây hại trên gia súc, gia cầm và thủy sản.

c) Về lâm nghiệp:

- Nghiên cứu, đánh giá khả năng sinh trưởng và hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án trồng cao su chuyển đổi từ đất rừng khộp nghèo.

- Ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong phát triển, làm giàu và khai thác hợp lý tài nguyên rừng.

- Nghiên cứu sinh sản voi nhà tự nhiên và nhân tạo.

d) Về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào nông thôn mới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Chủ động tham gia ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất của kinh tế hộ, tiếp cận thông tin thị trường…

4. Chương trình ứng dụng công nghệ sinh học, bảo tồn và phát triển nguồn gen:

a) Về lĩnh vực nông, lâm nghiệp:

- Áp dụng các phương pháp sinh học phân tử để hỗ trợ chọn tạo giống. Ứng dụng các giống ưu thế lai.

- Ứng dụng công nghệ nhân giống mô, tế bào để nhân nhanh các giống cây trồng có nhu cầu lớn hoặc có giá trị kinh tế cao.

- Nghiên cứu các hoạt chất sinh học từ nguồn gen bản địa phục vụ cho bảo vệ động, thực vật, cải tạo môi trường đất. Nghiên cứu các chế phẩm sinh học ứng dụng trong bảo quản các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

- Ứng dụng công nghệ vi sinh, enzyme, protein để sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và các chế phẩm sinh học khác.

b) Về lĩnh vực môi trường:

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, nước thải khu, cụm công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung.

c) Về lĩnh vực y, dược:

- Nghiên cứu các hoạt chất sinh học từ nguồn gen bản địa phục vụ ngành y, dược.

- Nghiên cứu ứng dụng các bộ dụng cụ chẩn đoán, các loại vắc-xin và các chế phẩm sinh học trong chẩn đoán, phòng và điều trị dịch bệnh trên người.

d) Về bảo tồn và phát triển nguồn gen:

- Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen có nguồn gốc bản địa quý hiếm, đặc hữu, có giá trị kinh tế, y học, an ninh.

- Nghiên cứu phục tráng các giống cây trồng, vật nuôi bản địa.

- Nghiên cứu xây dựng các mô hình nuôi trồng các loài cây, con, quý hiếm, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao.

- Thực hiện đề án khung quỹ gen đã được phê duyệt.

5. Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa

- Triển khai dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

- Nghiên cứu đổi mới thiết bị công nghệ theo hướng ưu tiên các công nghệ tiên tiến, nhất là các công nghệ quyết định chất lượng sản suất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của địa phương, phát triển các ngành công nghiệp chế biến theo chiều sâu.

- Tập huấn, đào tạo; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, chợ công nghệ và thiết bị, nghiên cứu cải tiến, đổi mới công nghệ, tạo ra công nghệ mới, nâng cao giá trị gia tăng, năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh.

6. Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ

- Chủ động tham gia có hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Triển khai thực hiện dự án phát triển tài sản trí tuệ của địa phương nhằm tiếp tục hỗ trợ các hoạt động tạo lập, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

7. Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu

- Nghiên cứu tìm giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tài nguyên đất, nước, hệ sinh thái và đa dạng sinh học, lĩnh vực nông lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông và hạ tầng kỹ thuật, năng lượng, môi trường, y tế và sức khỏe cộng đồng.

- Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu trên một số cây trồng, vật nuôi chính của địa phương để có giải pháp giảm nhẹ tác động do biến đổi khí hậu.

III. Giải pháp thực hiện:

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức

Đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức toàn xã hội về nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ vai trò của khoa học, công nghệ vào mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị.

2. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ

Tập trung nguồn lực cho các chương trình trọng điểm và kiện toàn bộ máy, tổ chức quản lý khoa học và công nghệ của tỉnh.

3. Tiếp tục xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ

Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị nghiên cứu khoa học trọng điểm, ưu tiên đầu tư xây dựng Trung tâm Khoa học và công nghệ vùng Tây Nguyên, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ. Nghiên cứu chính sách đào tạo, đãi ngộ đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ năng lực theo Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ.

4. Đẩy mạnh hoạt động thông tin khoa học và công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Xây dựng mạng lưới thông tin khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ, thúc đẩy, kích cầu thị trường khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tư vấn, chuyển giao công nghệ; hình thành sàn giao dịch công nghệ và thiết bị của tỉnh.

5. Huy động nguồn lực, đầu tư kinh phí phát triển khoa học và công nghệ

Đưa Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh đi vào hoạt động. Kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, huy động nguồn lực toàn xã hội đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ. Tranh thủ các chương trình khoa học và công nghệ của Trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh.

6. Hợp tác, hội nhập trong nước và quốc tế về khoa học và công nghệ

Chủ động mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm về hợp tác phát triển khoa học công nghệ trong và ngoài nước.

IV. Kinh phí thực hiện:

- Bảo đảm tăng tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ, đồng thời đẩy mạnh đa dạng hóa, huy động các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học và công nghệ.

- Tổng kinh phí cho giai đoạn 2016-2020 là 492 tỷ đồng, trong đó: ngân sách của tỉnh chiếm 40%, các chương trình mục tiêu quốc gia 50% và doanh nghiệp 10%.

Điều 2. Hội đồng Nhân dân tỉnh giao cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết và hàng năm báo cáo HĐND tỉnh về kết quả thực hiện.

Giao cho Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13 tháng 12 năm 2015.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khoá VIII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2015./. 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- UBTV Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ KH-CN; Bộ Tài chính; Bộ KHĐT
- Cục KTVB - Bộ Tư pháp;
- Ban Công tác đại biểu;
- TT. Tỉnh uỷ;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban của Tỉnh ủy;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Sở KH-CN, Sở Tài chính;
Sở Tư pháp; Sở KHĐT
- TT. HĐND các huyện, TX, TP;
- Báo Đắk Lắk, Đài PTTH tỉnh,
Công báo tỉnh, Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, Ct.HĐND.

CHỦ TỊCH




Y Biêr Niê