Nghị quyết 17/2013/NQ-HĐND biện pháp cải tạo, xây dựng lại khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội
Số hiệu: | 17/2013/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Thành phố Hà Nội | Người ký: | Ngô Thị Doãn Thanh |
Ngày ban hành: | 23/07/2013 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Xây dựng nhà ở, đô thị, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2013/NQ-HĐND |
Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 2013 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẢI TẠO, XÂY DỰNG LẠI CÁC KHU CHUNG CƯ CŨ, NHÀ CŨ XUỐNG CẤP; CẢI TẠO, PHỤC HỒI NHÀ CỔ, BIỆT THỰ CŨ VÀ CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC KHÁC XÂY DỰNG TRƯỚC NĂM 1954 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Theo quy định tại khoản 2, 3 điều 16 Luật Thủ đô)
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 7
(Từ ngày 01/7/2013 đến ngày 06/7/2013)
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Thủ đô ngày 21/11/2012;
Xét Tờ trình số 50/TTr-UBND ngày 11/6/2013 và Tờ trình lần 2 số 66/TTr-UBND ngày 29/6/2013 của UBND Thành phố về một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND Thành phố và ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND Thành phố,
QUYẾT NGHỊ:
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Các dự án cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ (là các khu tập thể thấp tầng) xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 3. Nguyên tắc cải tạo xây dựng chung cư cũ, nhà cũ
1. Việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp trên địa bàn Thành phố phải tuân thủ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.
2. Việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp theo kế hoạch, lộ trình, bảo đảm đồng bộ, an toàn cho người sử dụng; cải thiện điều kiện ở của người dân và mỹ quan đô thị theo mô hình đô thị hiện đại, văn minh; ưu tiên thực hiện đầu tư xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ nguy hiểm mức độ C, D có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở.
Chương 2.
BIỆN PHÁP CẢI TẠO, XÂY DỰNG LẠI CÁC KHU CHUNG CƯ CŨ, NHÀ CŨ XUỐNG CẤP
Điều 4. Thực hiện đầu tư
1. Khuyến khích Chủ đầu tư dự án và các chủ sở hữu căn hộ hợp pháp thỏa thuận thực hiện dự án bằng phương thức hợp tác kinh doanh trên cơ sở các chủ sở hữu góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu căn hộ và hưởng lợi nhuận theo quy định của pháp luật.
2. Cho phép thực hiện hình thức xây dựng chuyển giao (BT) theo quy định của pháp luật hiện hành đối với các dự án do ngân sách đầu tư.
3. Trường hợp dự án thuộc khu vực 4 quận nội thành cũ không thực hiện được theo phương thức xã hội hóa, Thành phố tổ chức thực hiện và xây dựng các dự án phát triển khu nhà ở mới không thuộc khu vực nội đô lịch sử để di chuyển các hộ dân.
Điều 5. Ưu đãi đối với người dân thuộc phạm vi dự án
1. Đối với người dân trong phạm vi dự án tại 4 quận nội thành cũ:
a) Trường hợp không có nhu cầu mua nhà tái định cư tại chỗ thì được ưu tiên mua nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp tại các dự án trên địa bàn Thành phố;
b) Trường hợp không có đủ quỹ nhà để bố trí tái định cư tại chỗ mà phải bố trí tái định cư tại khu vực không thuộc 4 quận nội thành cũ, cho phép Chủ đầu tư áp dụng hệ số K=1,5 lần so với trường hợp dự án có đủ quỹ nhà để bố trí tái định cư tại chỗ và được ưu tiên thuê địa điểm kinh doanh tại khu vực được bố trí tái định cư.
2. Đối với các hộ dân đang thuê nhà của Nhà nước không có khả năng đóng góp kinh phí mua hoặc thuê phần diện tích tăng thêm để đạt diện tích sàn căn hộ không nhỏ hơn 45m2, ngân sách Thành phố sẽ hỗ trợ thanh toán mua hoặc thuê phần diện tích này cho Chủ đầu tư và tiếp tục cho các hộ dân thuê căn hộ này với giá thuê nhà ở theo quy định của Thành phố.
Điều 6. Thực hiện dự án
1. Phân loại các chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp cần phải cải tạo, xây dựng lại theo phân vùng quản lý quy hoạch: Đối với khu vực nội đô lịch sử từ bờ Nam sông Hồng đến đường vành đai II (gồm 4 quận nội thành cũ: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) thực hiện việc cải tạo kết hợp giảm mật độ dân số theo quy hoạch và được áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đô thị đối với khu vực cải tạo tái thiết do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
2. Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quy định cụ thể, rõ phạm vi, nguyên tắc, căn cứ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho Chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án xây dựng quỹ nhà phục vụ tạm cư cho các hộ dân trên cơ sở kết quả thực hiện, tính khả thi của dự án theo hướng linh hoạt, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về quản lý, sử dụng đất và đầu tư xây dựng; ưu tiên sử dụng quỹ nhà của Thành phố để phục vụ tạm cư trong quá trình cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp.
3. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đưa chương trình cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp trên địa bàn thành nhiệm vụ trọng tâm, là một nội dung trong chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương và xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện.
4. Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng dự toán trình Hội đồng nhân dân Thành phố bố trí vốn ngân sách để thực hiện công tác lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp trên địa bàn Thành phố.
Chương 3.
CÁC BIỆN PHÁP CẢI TẠO, PHỤC HỒI NHÀ CỔ, BIỆT THỰ CŨ VÀ CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC KHÁC XÂY DỰNG TRƯỚC NĂM 1954 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Điều 7. Biện pháp thực hiện việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố theo danh mục được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
1. Khuyến khích huy động các nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc của nhà cổ, nhà biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố theo quy định của pháp luật.
2. Thực hiện cấp Giấy chứng nhận công trình có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 trên cơ sở hiện trạng sử dụng.
3. Đối với các nhà cổ, nhà biệt thự cũ có giá trị đặc biệt và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 đã xuống cấp, nằm trong danh mục nhà nguy hiểm, Thành phố lập phương án di chuyển các tổ chức, cá nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm để tổ chức xây dựng, cải tạo, phục hồi, bảo trì theo quy định.
4. Nhà đầu tư tham gia thực hiện công tác xã hội hóa cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 được giao quỹ đất sạch tại các khu vực không thuộc 4 Quận nội thành cũ để cân đối thực hiện dự án.
Điều 8. Ưu đãi đối với người dân trong phạm vi dự án
1. Khi tái định ra ngoài khu vực nhà cổ, nhà biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 để bảo tồn, tôn tạo thì được ưu tiên mua nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp tại các dự án trên địa bàn Thành phố.
2. Nếu chủ sở hữu tự phá dỡ những công trình thuộc khuôn viên nhà cổ, nhà biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 nhưng không thuộc kiến trúc ban đầu thì được áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành.
Điều 9. Ưu đãi đối với nhà đầu tư
1. Khuyến khích quy về một chủ sở hữu toàn biển số nhà và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất theo quy định pháp luật.
2. Được vay vốn từ các nguồn vốn vay ưu đãi của Thành phố để thực hiện việc xã hội hóa đầu tư dự án phục hồi, tôn tạo nhà cổ, nhà biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954.
Điều 10. Tổ chức thực hiện dự án
1. Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức lập danh mục, phân loại các nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố theo các nhóm sau:
a) Nhóm 1. Công trình xây dựng trước năm 1954 gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa, các sự kiện chính trị được xếp hạng theo quy định của pháp luật; công trình có giá trị đặc biệt về kiến trúc;
b) Nhóm 2. Công trình có giá trị về kiến trúc, nhưng không thuộc nhóm 1.
c) Nhóm 3. Công trình không thuộc nhóm 1 và nhóm 2.
2. Trên cơ sở phân nhóm tại khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân Thành phố quyết định danh mục công trình cải tạo, phục hồi, phá dỡ. Việc cải tạo, phục hồi phải đảm bảo các quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Điều 11. Việc cải tạo, phục hồi công trình thuộc nhóm 1
1. Khi cải tạo, phục hồi, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ đúng vị trí, kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng và quy hoạch của công trình (mật độ xây dựng và số tầng, độ cao); không làm thay đổi công năng, tính chất sử dụng ban đầu của công trình.
2. Đối với công trình có giá trị đặc biệt về kiến trúc, việc cải tạo, phục hồi phải được cơ quan chuyên ngành thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố kiểm tra, báo cáo Ủy ban nhân dân chấp thuận.
3. Trường hợp công trình bị hư hỏng nặng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, phải được cơ quan chuyên ngành thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố kiểm tra, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố cho phép mới được phá dỡ; chủ sở hữu, quản lý công trình phải có dự án xây dựng, khôi phục lại theo kiến trúc ban đầu.
Điều 12. Việc cải tạo, phục hồi công trình thuộc nhóm 2
1. Khi cải tạo, phục hồi lại công trình, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và tuân thủ quy định về quy hoạch kiến trúc (mật độ xây dựng, số tầng, độ cao).
2. Đối với công trình có giá trị về kiến trúc, việc xây dựng, cải tạo, trùng tu phải được cơ quan chuyên ngành thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố kiểm tra, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận.
3. Trường hợp công trình bị hư hỏng nặng, xuống cấp hoặc có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, ý kiến chấp thuận của Ủy ban nhân dân Thành phố mới được phá dỡ; chủ sở hữu, quản lý công trình phải có dự án xây dựng, khôi phục lại theo kiến trúc ban đầu.
Điều 13. Việc cải tạo, phục hồi công trình thuộc nhóm 3
Trường hợp công trình bị hư hỏng nặng, xuống cấp hoặc có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, ý kiến chấp thuận của Ủy ban nhân dân Thành phố mới được phá dỡ. Công trình xây dựng lại trên khuôn viên đất phải phù hợp với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân Thành phố
1. Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
2. Sơ kết, tổng kết và báo cáo, đề xuất Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét điều chỉnh, bổ sung biện pháp thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của Thủ đô.
Điều 15. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố giám sát thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |
Quyết định 1259/QĐ-TTg năm 2017 về Kế hoạch rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017-2018 Ban hành: 22/08/2017 | Cập nhật: 24/08/2017
Quyết định 1259/QĐ-TTg năm 2012 phê chuẩn miễn nhiệm thành viên viên Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2011 – 2016 Ban hành: 13/09/2012 | Cập nhật: 15/09/2012
Quyết định 1259/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 Ban hành: 26/07/2011 | Cập nhật: 30/07/2011
Quyết định 1259/QĐ-TTg năm 2008 bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Sơn giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ban hành: 12/09/2008 | Cập nhật: 16/09/2008
Quyết định 1259/QĐ-TTg năm 2007 thay đổi Ủy viên kiêm nhiệm Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Ban hành: 20/09/2007 | Cập nhật: 24/09/2007