Nghị quyết 16/2019/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Số hiệu: 16/2019/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương Người ký: Nguyễn Thị Kim Oanh
Ngày ban hành: 12/12/2019 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2019/NQ-HĐND

Bình Dương, ngày 12 tháng 12 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về khuyến nông;

Căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định 01/2012/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;

Căn cứ Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng;

Xét Tờ trình số 5877/TTr-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Báo cáo thẩm tra số 106/BC-HĐND ngày 26 tháng 11 năm 2019 của Ban Kinh tế - Ngân sách và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

a) Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đối với các ngành hàng, sản phẩm thuộc Danh mục ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

b) Đối tượng áp dụng

- Nông dân, chủ trang trại, người được ủy quyền đối với hộ nông dân, tổ hợp tác (sau đây gọi chung là nông dân).

- Cá nhân, người được ủy quyền đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh (sau đây gọi chung là cá nhân).

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi chung là hợp tác xã).

- Doanh nghiệp.

- Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc thực hiện Nghị quyết này.

2. Nội dung và mức hỗ trợ

a) Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết: Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

b) Hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết: Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

c) Hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm.

Ngoài phần hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, các bên tham gia liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện nội dung sau:

- Hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông:

+ Hỗ trợ 50% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình trình diễn.

+ Hỗ trợ 40% tổng kinh phí thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao, mức hỗ trợ không quá 01 tỷ đồng/mô hình.

+ Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp, mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/mô hình.

+ Hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn, cơ sở an toàn dịch bệnh khi tham gia xây dựng mô hình theo quy định hiện hành.

Số lượng mô hình xây dựng trên cơ sở quy mô dự án được cơ quan, cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường:

+ Hỗ trợ đào tạo nghề: Các đối tượng tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp được hỗ trợ theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.

+ Hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo kỹ thuật:

Đối tượng nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật - công nghệ: Hỗ trợ 100% chi phí tài liệu, tiền ăn, đi lại, nơi ở trong thời gian tham dự đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, học tập mô hình khuyến nông theo quy định hiện hành.

Đối tượng chuyển giao khoa học kỹ thuật - công nghệ: Hỗ trợ 100% chi phí tài liệu, đi lại, tiền ăn, nơi ở trong thời gian tham dự đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, khảo sát học tập khuyến nông; hỗ trợ 100% chi phí giảng viên, trợ giảng, hướng dẫn tham quan, tổ chức lớp học theo quy định hiện hành.

- Hỗ trợ 50% chi phí về giống, vật tư thiết yếu và 100% chi phí bao bì, nhãn mác sản phẩm (Gồm: thiết kế, in ấn, nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc điện tử) không quá 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã. Tổng mức hỗ trợ không quá 500 triệu đồng/dự án liên kết hoặc kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Tổng mức hỗ trợ không quá 01 tỷ đồng/dự án liên kết hoặc kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Hỗ trợ 40% chi phí áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

+ Hỗ trợ chi phí áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và các hình thức sản xuất nông nghiệp tốt khác được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận). Bao gồm:

Hỗ trợ 100% chi phí về điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí để xác định các vùng sản xuất tập trung thực hiện các dự án sản xuất nông, lâm, thủy sản áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hỗ trợ một lần kinh phí thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn. Mức hỗ trợ không quá 45 triệu đồng/giấy chứng nhận.

+ Hỗ trợ chi phí tư vấn và chứng nhận áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi, các hệ thống quản lý tiên tiến, gồm: ISO 9001, ISO 14001, ISO/IEC 27001, ISO 26000, SA 26000, SA 8000, ISO 50001, ISO/IEC 17025. Mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/hệ thống.

3. Điều kiện và nguồn vốn hỗ trợ

a) Điều kiện hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

b) Nguồn vốn hỗ trợ

Từ ngân sách địa phương, lồng ghép các chương trình dự án để thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, cụ thể:

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ: Chi phí tư vấn xây dựng liên kết đối với các dự án hoặc kế hoạch liên kết do cấp tỉnh phê duyệt; chi phí hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; chi phí thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao.

- Ngân sách cấp huyện hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết đối với các dự án hoặc kế hoạch liên kết do cấp huyện phê duyệt và các nội dung còn lại.

- Đối với nội dung hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ chi phí áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi được thực hiện lồng ghép theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và chương trình hỗ trợ áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi trên địa bàn tỉnh.

- Lồng ghép từ kế hoạch, chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư và nguồn vốn từ các chương trình, dự án hợp pháp khác.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương Khóa IX, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 11 tháng 12 năm 2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020./.

 

 

CHỦ TỌA




Nguyễn Thị Kim Oanh

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.