Nghị quyết số 15/2000/NQ-CP về một số chủ trương và giải pháp tiếp tục khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định đời sống nhân dân, xử lý kịp thời những vấn đề mới nẩy sinh nhằm đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh và bền vứng về KT-XH vùng đồng bằng sông Cửu Long
Số hiệu: | 15/2000/NQ-CP | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Phan Văn Khải |
Ngày ban hành: | 06/10/2000 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 08/11/2000 | Số công báo: | Số 41 |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2000/NQ-CP |
Hà Nội , ngày 06 tháng 10 năm 2000 |
NGHỊ QUYẾT
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 15/2000/NQ-CP NGÀY 06 THÁNG 10 NĂM 2000VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG VÀ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ LŨ LỤT, SỚM ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN, XỬ LÝ KỊP THỜI NHỮNG VẤN ĐỀ MỚI NẢY SINH NHẰM ĐẢM BẢO YÊU CẦU PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG VỀ KINH TẾ-XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Lũ lụt năm nay ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện sớm, mức độ ngập lụt sâu trên diện rộng, thời gian lũ cao kéo dài, là trận lụt nghiêm trọng nhất trong vòng 70 năm qua, đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước ở các tỉnh vùng lũ, nhất là các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang. Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương và quyết định kịp thời, huy động sức mạnh tổng hợp các ngành Trung ương, địa phương và nhân dân các tỉnh bị lũ lụt và nhân dân cả nước thực hiện các biện pháp khẩn cấp đối phó nhằm hạn chế thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Tính đến ngày 1/10/2000, lũ lụt đã cướp đi tính mạng của trên 200 người, trong đó phần lớn là trẻ em, làm ảnh hưởng đến đời sống của trên 10 triệu dân, với hơn 700.000 hộ bị ngập, trong đó trên 35.000 hộ đã phải di dời, còn trên 25.000 hộ phải tiếp tục di dời, nửa triệu người phải cứu trợ khẩn cấp, hơn 700.000 học sinh phải nghỉ học, nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng. ước tính thiệt hại do lũ lụt gây ra khoảng trên 2000 tỷ đồng và còn đang tiếp tục tăng thêm.
Chính phủ đánh giá cao và biểu dương sự cố gắng của các Bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt nam, các đoàn thể chính trị, xã hội ở Trung ương, các Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân vùng ngập lũ, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài đã nêu cao tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ kịp thời, có hiệu quả đối với đồng bào vùng bị thiên tai. Chính phủ Việt nam đánh giá cao và cảm ơn chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các nhà hảo tâm các nước đã quan tâm theo dõi, chia sẻ mất mát, tổ chức quyên góp ủng hộ, giúp đỡ đồng bào vùng lũ lụt.
Ngày 2 tháng 10 năm 2000, Chính phủ đã họp bàn về một số chủ trương và giải pháp tiếp tục khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định đời sống nhân dân, xử lý những vấn để mới nảy sinh nhằm phát triển nhanh và bền vững về kinh tế- xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long.
1. Những nhiệm vụ cấp bách phải tập trung chỉ đạo
Các cấp chính quyền địa phương phải bám sát dân, tiếp tục di dời các hộ ở vùng ngập sâu, vùng sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng cho nhân dân, đảm bảo các hộ dân tạm di dời đến nơi mới có nhà ở tạm.
Chỉ đạo thật tốt công tác cứu trợ. Cùng với việc vận động nhân dân giúp đỡ lẫn nhau, chính quyền các địa phương phải chỉ đạo và tổ chức cung cấp kịp thời lương thực cho đồng bào, đặc biệt là các gia đình khó khăn, gia đình thuộc diện chính sách, nhất thiết không được để dân đói. Khẩn trương cung cấp xuồng và lưới cho các hộ dân vùng ngập sâu không có xuồng và có khó khăn về đời sống để các hộ này có phương tiện sinh sống.
Ở những nơi có điều kiện, phải tiếp tục bảo vệ bờ bao, bơm tát nước để bảo vệ vườn cây ăn trái.
Đảm bảo đủ cơ số thuốc, cán bộ y tế, chủ động phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân.
Bảo vệ tốt kho tàng vật tư, hàng hóa, nhà cửa của nhân dân và của Nhà nước. Tổ chức cung cấp đủ và kịp thời các nhu yếu phẩm như xăng, dầu, muối, vật liệu làm nhà,... đảm bảo ổn định thị trường.
Ở vùng hạ lưu, phải có ngay phương án đối phó với lũ ở mức cao đang dồn về và khả năng còn ngập sâu trong nhiều ngày tới.
Uỷ ban nhân dân các cấp phải chỉ đạo tốt việc phân phối tiền, hàng cứu trợ, đảm bảo tiền, hàng đến tay nhân dân, được phân phối công bằng, không để thất thoát.
Tổ chức chỉ đạo tốt việc giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Tổ chức thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về khắc phục hậu quả lũ lụt.
2. Những vấn đề phải xử lý ngay sau khi nước rút
Chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục lại nhà ở, phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường... để sớm ổn định cuộc sống bình thường cho nhân dân. Khẩn trương chỉ đạo đảm bảo điều kiện cần thiết để học sinh được sớm vào học trở lại, nhất là học sinh cuối cấp.
Các địa phương chỉ đạo, phối hợp với các ngành có liên quan đảm bảo đủ giống, vật tư nông nghiệp, khôi phục các công trình thuỷ lợi cấp bách, san lấp đồng ruộng, đảm bảo điện, xăng, dầu cho việc bơm nước để gieo cấy hết diện tích, kịp thời vụ đối với vụ lúa đông xuân 2000-2001.
Đảm bảo đủ giống cây, giống con, thức ăn chăn nuôi, vật tư thú y và bảo vệ thực vật để khôi phục và phát triển vườn cây ăn trái, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, phát động phong trào trong nhân dân đóng góp tiền, của và công sức để sửa chữa khôi phục nhanh các công trình hạ tầng cấp thiết như đường xá, cầu cống, các công trình thuỷ lợi, trường học, trạm xá.
Khẩn trương lắp đặt thêm các trạm biến áp, đường dây điện để cung cấp điện cho sản xuất và đời sống, nhất là phục vụ thuỷ lợi, chế biến nông sản, thuỷ sản.
3. Một số chủ trương và chính sách
a. Để xử lý tình hình cấp bách năm nay và bố trí kế hoạch đầu tư cho các năm sau, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ, ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân các địa phương rà soát lại các công trình để đầu tư vào cuối năm 2000 và đưa vào kế hoạch năm 2001.
b. Bộ Xây dựng chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh rà soát, điều chỉnhh quy hoạch, xây dựng chính sách đầu tư phát triển khu dân cư và chính sách nhà ở đối với nhân dân vùng ngập lũ trình Chính phủ vào cuối năm 2000.
c. Nhà nước đảm bảo đủ vật tư phục vụ sản xuất, hỗ trợ kinh phí mua xăng dầu cho những nơi cần bơm tát để gieo xạ lúa và hỗ trợ cho các hộ nghèo phần chênh lệch giá mua lúa giống so với lúa thương phẩm để sản xuất vụ đông xuân.
Thực hiện việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và các loại thuế khác đến năm 2001 cho các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh bị thiệt do lũ lụt.
đ. Đối với bờ bao sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản đã được qui hoạch thì được Nhà nước cho vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư.
e. Khuyến khích các hộ nông dân có điều kiện giữ lúa để bán dần. Tạo điều để nhân dân gửi lúa vào các kho, không tính phí lưu kho. Tổng công ty Lương thực miền Nam có trách nhiệm mua hết lúa gạo hàng hoá chạy lũ được giao. Bộ Thương Mại chỉ đạo tốt việc tìm kiếm thị trường đẩy nhanh việc xuất khẩu gạo để tiêu thụ lúa cho nông dân.
g. Trên tinh thần phát huy các nguồn lực của từng địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính phải dành nguồn vốn cần thiết để hỗ trợ địa phương vào quí 4 năm 2000 và có nguồn vốn ghi danh mục riêng trong kế hoạch năm 2001 để khắc phục hậu quả lũ lụt vừa qua.
4. Một số vấn đề về lâu dài
Trong nhiều năm qua, nhất là trong 5 năm gần đây, thực hiện Quyết định 99/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước và nhân dân ta đã đầu tư lớn về tiền, của và công sức vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng như các công trình giao thông, thủy lợi, các tuyến, cụm dân cư, các công trình phúc lợi công cộng... đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội và nâng cao khả năng phòng chống lũ lụt của các tỉnh trong vùng.
Qua trận lũ này, Tổng Cục khí tượng thuỷ văn phải thu thập đầy đủ những số liệu về thời gian xuất hiện lũ, mức đỉnh lũ, hướng và tốc độ dòng chảy ở toàn vùng ngập lũ để các ngành và địa phương có thêm căn cứ khoa học điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và hoàn thiện các giải pháp kiểm soát lũ, đảm bảo vùng đồng bằng sông Cửu Long có đủ điều kiện để phát triển nhanh và bền vững về kinh tế-xã hội, cuộc sống nhân dân ngày càng ổn định, hướng tới xã hội ngày càng văn minh hơn trong điều kiện thường xuyên có lũ hàng năm.
a. Về kết cấu hạ tầng
Tiếp tục xem xét thêm các giải pháp thoát lũ nhanh hơn, góp phần hạn chế tình trạng ngập sâu và kéo dài. Các công trình thoát lũ phù hợp với qui hoạch, có cơ sở khoa học thì khẩn trương hoàn tất các thủ tục để cho triển khai thi công ngay từ năm 2001.
Bổ sung qui hoạch bố trí dân cư theo tuyến, theo cụm gắn với xây dựng các cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ đời sống cho nhân dân và gắn với an ninh quốc phòng. Đối với bờ bao bảo vệ khu dân cư phù hợp với qui hoạch và được kiểm nghiệm có hiệu quả qua đợt lũ lụt này thì tiếp tục đầu tư nâng cấp và đầu tư mới để ổn định lâu dài. Phải có các giải pháp về xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng xã hội và cung cấp vật liệu xây dựng cho phù hợp vùng ngập lũ. Làm bờ bao, tôn nền ở những nơi có điều kiện để giúp dân làm nhà ở sinh sống ổn định, hạn chế việc di dời khi lũ xảy ra.
Kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống đường giao thông vùng ngập lũ, bao gồm đường quốc lộ, tỉnh lộ và giao thông nông thôn để bổ sung, hoàn thiện, vừa đảm bảo việc tiêu thoát lũ, vừa có độ cao và kết cấu thích hợp đảm bảo an toàn trong mùa lũ.
b. Về bố trí sản xuất
Cùng với việc bố trí sản xuất các ngành công nghiệp, dịch vụ phù hợp với đặc điểm của vùng, phải tiếp tục xem xét điều chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn.
Đối với sản xuất lúa, hạn chế sản xuất lúa hè thu muộn, không làm lúa vụ ba.
Đối với cây ăn trái vùng ngập lũ, lựa chọn những loại cây thích hợp với điều kiện ngập nước. Những loại cây không chịu được ngập nước, nhưng có hiệu quả kinh tế cao, thì bố trí trồng ở những vùng được qui hoạch thuộc vùng đất cao, hoặc được làm bờ bao bảo vệ an toàn.
Đối với chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, phải xem xét bố trí lại nghề nuôi, gắn với công nghệ mới, ít bị thiệt hại khi lũ xảy ra.
Đối với lâm nghiệp, phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào trồng cây trong nhân dân, nhất là xung quanh làng xóm, ven kênh mương, đường giao thông để chắn sóng, giảm tốc độ dòng chảy, tăng khả năng bảo vệ, hạn chế thiệt hại. Phát triển trồng rừng, nhất là trồng tràm ở vùng đất phèn, đất ngập nước, vừa có lợi cho môi trường, vừa đảm bảo thu nhập cho nhân dân và ít bị thiệt hại do lũ lụt.
Đảng bộ, chính quyền địa phương các cấp trong vùng phải coi nhiệm vụ khắc phục hậu quả lũ lụt là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay, đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với lũ lụt thời gian qua. Những nội dung về khắc phục hậu quả lũ lụt phải được đưa vào kế hoạch của năm 2001 và các năm sau, phải được đưa ra thảo luận tại Đại hội Đảng các cấp và đưa vào Nghị quyết Đại hội.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng nhiệm vụ của mình cùng với các địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện tốt các nội dung quy định trong Nghị quyết này.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |