Nghị quyết 14/2011/NQ-HĐND thông qua đề án tổng thể xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020
Số hiệu: | 14/2011/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bến Tre | Người ký: | Võ Thành Hạo |
Ngày ban hành: | 09/12/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2011/NQ-HĐND |
Bến Tre, ngày 09 tháng 12 năm 2011 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN TỔNG THỂ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2011-2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHOÁ VIII-KỲ HỌP THỨ 3
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Sau khi xem xét Tờ trình số 5298/TTr-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc xin thông qua Nghị quyết về Đề án tổng thể xây dựng nông thôn mới tỉnh Bến Tre giai đoạn năm 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất thông qua Đề án tổng thể xây dựng nông thôn mới tỉnh Bến Tre giai đoạn năm 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu như sau:
Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở đóng vai trò lãnh đạo, điều hành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận đóng vai trò nòng cốt trong vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện.
Xây dựng nông thôn mới phải tiến hành đồng loạt ở tất cả các xã, thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí, kế thừa, lồng ghép với các chương trình, dự án và các cuộc vận động, các phong trào quần chúng đang được triển khai ở nông thôn, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư là chính, có sự hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia. Việc xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng.
2. Mục tiêu:
a) Mục tiêu chung: Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hoà thuận, dân chủ, tiến bộ, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế hợp lý, các hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ và du lịch; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; trình độ dân trí được nâng cao; môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Đến năm 2015: Toàn tỉnh có 25 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới gồm: Nhơn Thạnh, Sơn Đông, Phú Nhuận (thành phố Bến Tre); Sơn Định, Tân Thiềng, Phú Sơn (huyện Chợ Lách); Hữu Định, Quới Sơn, Thành Triệu (huyện Châu Thành); Tân Thanh Tây, Tân Phú Tây, Tân Thành Bình (huyện Mỏ Cày Bắc); Mỹ Nhơn, Tân Thuỷ (huyện Ba Tri); Phú Long, Long Hoà, Phú Thuận (huyện Bình Đại); Châu Bình, Hưng Lễ, Lương Quới (huyện Giồng Trôm); An Thới, Cẩm Sơn, Định Thuỷ (huyện Mỏ Cày Nam); Quới Điền, Đại Điền (huyện Thạnh Phú).
- Đến năm 2020: Các xã còn lại cơ bản đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Điều 2. Các giải pháp chủ yếu
1. Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới theo Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT ngày 28 tháng 10 năm 2011 của Bộ Xây dựng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.
2. Đầu tư nâng cấp, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng cải tạo, nâng cấp, phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống văn hoá - xã hội trên địa bàn xã; chỉnh trang bộ mặt nông thôn, đảm bảo các điều kiện phát triển bền vững.
3. Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn hợp lý theo hướng gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ - du lịch.
4. Đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế, văn hoá, an sinh xã hội; tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
5. Nâng cao nhận thức và năng lực tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
6. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động về xây dựng nông thôn mới cho cộng đồng dân cư.
Điều 3. Nguồn vốn xây dựng nông thôn mới
Vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới bao gồm vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn tín dụng, vốn xã hội hoá từ các nguồn vận động doanh nghiệp và nhân dân đóng góp.
Việc phân bổ và phân kỳ huy động vốn cho từng giai đoạn, từng năm, từng tiêu chí Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh đề xuất trong niên độ ngân sách hàng năm.
Điều 4. Tiến độ thực hiện
- Năm 2012: Các xã đồng loạt triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới.
- Năm 2013 có 05 xã đạt: Phú Nhuận, Châu Bình, Sơn Định, Hữu Định và Quới Sơn.
- Năm 2014 có 09 xã đạt: Nhơn Thạnh, Sơn Đông, Hưng Lễ, Lương Quới, Định Thuỷ, Phú Sơn, Mỹ Nhơn, Tân Thuỷ, Thành Triệu.
- Năm 2015 có 11 xã đạt: Tân Thanh Tây, Tân Phú Tây, Tân Thành Bình, Phú Long, Đại Điền, Quới Điền, An Thới, Cẩm Sơn, Long Hoà, Phú Thuận, Tân Thiềng. Các xã còn lại đạt ít nhất 08 tiêu chí.
- Đến năm 2020: Các xã còn lại cơ bản đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, định kỳ hàng năm có sơ kết đánh giá kết quả đạt được của từng tiêu chí và báo cáo với Hội đồng nhân dân tỉnh ở kỳ họp cuối năm.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre khoá VIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2011 và có hiệu lực thi hành sau mười ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua./.
|
CHỦ TỊCH |