Nghị quyết 137/2007/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2006 - 2010 của tỉnh Tiền Giang
Số hiệu: | 137/2007/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Tiền Giang | Người ký: | Đỗ Tấn Minh |
Ngày ban hành: | 14/09/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 137/2007/NQ-HĐND |
Mỹ Tho, ngày 14 tháng 09 năm 2007 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2006 - 2010
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 12
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số 56/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9;
Qua xem xét dự thảo Nghị quyết kèm theo Tờ trình số 74/TTr-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang 5 năm 2006 - 2010 và Báo cáo thẩm tra số 141/BC-BKTNS ngày 31 tháng 8 năm 2007 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang 5 năm giai đoạn 2006 - 2010 với những nội dung chính như sau:
1. Mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu
a) Mục tiêu tổng quát
Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tạo được sự chuyển biến về chất lượng phát triển. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng và tiếp thu công nghệ mới vào sản xuất. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Chủ động trong quan hệ hợp tác kinh tế trong nước và quan hệ kinh tế với nước ngoài, khai thác có hiệu quả các quan hệ kinh tế đối ngoại. Phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ với tăng trưởng kinh tế. Tập trung nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực. Không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo, tạo thêm nhiều việc làm, giảm rõ rệt các tệ nạn xã hội. Giữ vững quốc phòng, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
b) Các chỉ tiêu chủ yếu trong 5 năm và đến năm 2010
- Về kinh tế
+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt 11% - 12%/năm; trong đó khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng 4,2% - 4,5%; công nghiệp
- Xây dựng tăng 19% - 20,8%; dịch vụ tăng 13,7% - 14,8%. GDP bình quân đầu người đạt 950 - 1.020 USD (giá hiện hành), tăng 3,1 - 3,4 lần so năm 2000;
+ Về cơ cấu ngành trong GDP năm 2010, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 33% - 34%; khu vực nông - lâm - ngư nghiệp 33 - 35%; khu vực dịch vụ 32% - 33%;
+ Kim ngạch xuất khẩu đạt 420 triệu USD năm 2010; tăng 18,2%/năm;
+ Thu ngân sách từ kinh tế địa phương năm 2010 là 2.300 - 2.400 tỷ đồng, chiếm trên 8,5%/GDP. Tổng chi ngân sách trong 5 năm đạt 11.500 tỷ đồng;
+ Vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 40.000 - 42.000 tỷ đồng, chiếm 40%/GDP.
- Mục tiêu xã hội
+ Tốc độ phát triển dân số khoảng 1%/năm, giảm tỷ lệ sinh 0,03%/năm;
+ Mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 20 ngàn lao động; tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%; thời gian sử dụng lao động nông thôn 83%;
+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 40% tổng lao động xã hội. Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 12% năm 2010;
+ Năm 2010, tỷ lệ học sinh huy động so với dân số độ tuổi: nhà trẻ 15%; mẫu giáo 70%; tiểu học 100%; trung học cơ sở 99% và phổ thông trung học 62%;
+ Đến năm 2010 có 99,5% số hộ dân nông thôn có điện sử dụng; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã và 85% được trải nhựa, dal, bê tông;
+ Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi dưới 17%;
+ Mật độ sử dụng điện thoại đạt 38 máy/100 dân. Mật độ sử dụng Internet 2,83 thuê bao/100 dân.
- Mục tiêu về môi trường
+ Nâng độ che phủ (rừng và cây lâu năm) lên 41,5% năm 2010;
+ 90% hộ dân nông thôn có nước sạch sử dụng;
+ Năm 2010 đạt 100% các cơ sở sản xuất mới, xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo xử lý chất thải và 50% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường;
+ Đến năm 2010, phấn đấu 80 - 90% chất thải rắn được thu gom; xử lý được trên 60% chất thải nguy hại và 100% chất thải y tế.
2. Giải pháp, cơ chế, chính sách của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010
a) Các giải pháp huy động vốn
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm khoảng 40.000 - 42.000 tỷ đồng, chiếm trên 40% GDP.
Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính một cách triệt để, thông thoáng tạo điều kiện tốt nhất cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển. Đa dạng hóa các hình thức huy động và tạo vốn trong tỉnh, xác định nguồn vốn trong nước là quyết định, nguồn vốn nước ngoài là rất quan trọng. Huy động tối đa nguồn lực của địa phương và thu hút vốn trong nước, đặc biệt là của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng nhiều hình thức thích hợp.
b) Các giải pháp về thị trường và nâng cao khả năng hội nhập kinh tế quốc tế
Đẩy mạnh việc cải thiện môi trường cho phát triển sản xuất, kinh doanh; giải quyết đồng bộ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ một số sản phẩm chủ yếu đang có sức cạnh tranh hoặc có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh; chủ động và có lộ trình hợp lý hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
Tích cực phát triển thị trường mới, coi trọng thị trường nông thôn nhằm thực hiện tốt việc tiêu thụ hàng hóa nông sản cho nông dân, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế nhằm tiếp cận thông tin, thâm nhập và mở rộng thị trường. Củng cố phát huy hiệu quả hoạt động của các trung tâm thương mại và các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh.
Mở rộng hợp tác phát triển giữa Tiền Giang với các tỉnh trong vùng, tăng cường hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và thành phố Cần Thơ nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên doanh liên kết và trao đổi bổ sung hàng hóa để phát triển.
c) Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, công chức các ngành, các cấp về pháp luật, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Ban hành cụ thể các ưu đãi để thu hút nhân tài và lao động kỹ thuật từ các nơi khác đến công tác và làm việc lâu dài ở Tiền Giang. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ phù hợp với cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh.
d) Thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển
Thực hiện tốt các chính sách do Trung ương quy định, đồng thời điều chỉnh, bổ sung chính sách thu hút khuyến khích đầu tư của tỉnh ngày một thông thoáng nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư đến đầu tư tại Tiền Giang.
Có chính sách hỗ trợ, điều phối, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển ngành công nghiệp từ nay đến năm 2020. Tăng cường sự phối hợp trách nhiệm của sở, ngành và các địa phương trong việc hình thành, quản lý và phát triển các khu, cụm công nghiệp...
Tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng, có chính sách thống nhất, không phân biệt các thành phần kinh tế và đây sẽ là giải pháp có tác động rất lớn cho quá trình phát triển công nghiệp.
Tổ chức quản lý tốt các dự án phát triển công nghiệp từ khâu chuẩn bị, nghiên cứu, lập, thẩm định và thực hiện dự án cho đến khi kết thúc dự án.
Thực hiện tốt việc di dời sắp xếp theo hướng tập trung các xí nghiệp sản xuất công nghiệp vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm mục đích sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng: đường giao thông, điện, nước, xử lý ô nhiễm môi trường.
Tạo nguồn nguyên liệu ổn định và vững chắc, đặc biệt là nguồn nguyên liệu do các ngành nông lâm ngư cung cấp, bằng các hợp đồng sản xuất và tiêu thụ cụ thể, phải trên tinh thần tôn trọng lợi ích từ hai phía.
đ) Tăng cường hợp tác phát triển giữa Tiền Giang với các tỉnh trong vùng
Xây dựng kế hoạch hợp tác với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để tạo ra sự phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững cho cả vùng. Phối hợp trong phát triển kết cấu hạ tầng như xây dựng tuyến đường cao tốc, nâng cấp các Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, các tuyến đường thủy; Hợp tác xây dựng các tour du lịch; trong lĩnh vực thương mại như xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại... chung cho cả vùng; trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; trong lĩnh vực y tế, khám chữa bệnh và nghiên cứu y học. Phối hợp trong đầu tư, xúc tiến và kêu gọi đầu tư phát triển. Phối hợp trong ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư, trong ban hành các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển những ngành có lợi thế của từng tỉnh, tránh đầu tư tràn lan, chồng chéo, trùng lắp.
e) Bảo vệ môi trường
Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với sử dụng hợp lí và có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải thiện môi trường. Tập trung giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu, cụm công nghiệp; các khu, cụm, tuyến dân cư,... Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và nhân dân về bảo vệ môi trường.
g) Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước
Xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng và quy hoạch chuyên ngành khác để làm cơ sở, căn cứ cho công tác quản lý, điều hành.
Tiếp tục đổi mới nội dung kế hoạch, phương pháp xây dựng kế hoạch, cách thức thông qua và phê duyệt kế hoạch làm cho kế hoạch thực sự trở thành công cụ hướng dẫn, điều hành có hiệu quả, thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư và của người dân. Cụ thể hóa quy hoạch phát triển trong các kế hoạch 5 năm và hàng năm. Tăng cường hiệu lực của kế hoạch ở các cấp. Trong các kế hoạch phát triển xác định những quy định mang tính pháp lệnh, bắt buộc và những dự báo mang tính hướng dẫn, định hướng. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện kế hoạch, đặc biệt là sự tham gia của người dân, cộng đồng, các tổ chức xã hội trong việc xây dựng kế hoạch, thực hiện và giám sát ở tất cả các cấp.
Tiếp tục công cuộc cải cách thủ tục hành chính nhằm đảm bảo tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch và công bằng trong giải quyết công việc hành chính. Mở rộng cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực. Tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn của cán bộ công chức, đặc biệt chú trọng khu vực nông thôn...
Tăng cường thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Tổ chức triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng chống tham nhũng... Khuyến khích các tổ chức đoàn thể, xã hội và công dân tham gia quản lý và giám sát một số lĩnh vực công.
Thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Kịp thời xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
Giao các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa VII, kỳ họp thứ 12 thông qua và có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua./.
|
CHỦ TỊCH |