Nghị quyết 13/NQ-CP năm 2011 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02
Số hiệu: 13/NQ-CP Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 04/03/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 18/03/2011 Số công báo: Từ số 133 đến số 134
Lĩnh vực: Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 13/NQ-CP

Hà Nội, ngày 04 tháng 3 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 02 NĂM 2011

Ngày 02 tháng 3 năm 2011, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 02 năm 2011, thảo luận và quyết nghị những vấn đề sau:

1. Các báo cáo: bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011; tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 2 tháng đầu năm; bổ sung tình hình ngân sách nhà nước năm 2010 và triển khai thực hiện kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2011; tình hình kinh tế thế giới qua Diễn đàn Đa-vốt (Davos); tình hình thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 01, Chương trình công tác của Chính phủ tháng 02 năm 2011; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng tháng 02 năm 2011; công tác cải cách hành chính tháng 02 năm 2011 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình.

a) Về đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011: Chính phủ thống nhất nhận định, trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, nhất là sức ép tăng giá cả, tỷ giá hối đoái, giá vàng; tình hình thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền Trung; cùng với những yếu kém nội tại của nền kinh tế càng làm tăng thêm khó khăn cho thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, nỗ lực của tất cả các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, chúng ta đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu tổng quát đề ra.

Tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 phát triển theo chiều hướng tích cực và đạt được kết quả khá toàn diện: tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn so với năm trước và vượt kế hoạch đề ra; sản xuất công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu phục hồi và phát triển khá; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; thu ngân sách vượt kế hoạch, tăng thu nhiều hơn tăng chi, bảo đảm được các nhu cầu chi và giảm bội chi; đầu tư phát triển được đẩy mạnh; các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao, khoa học công nghệ, tài nguyên và môi trường... có nhiều tiến bộ và tiếp tục phát triển tích cực; quan hệ đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước; quốc phòng, an ninh được tăng cường; chính trị, xã hội tiếp tục ổn định; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Một số chỉ tiêu đạt cao hơn so với kết quả đã báo cáo Quốc hội, như tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tạo việc làm...Tuy nhiên, một số chỉ tiêu kế hoạch đạt thấp, đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng tăng nhanh trong ba tháng cuối năm, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô; một số vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều tồn tại cần được giải quyết trong thời gian tới.

b) Về tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2011: Ngay từ đầu năm 2011, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ - CP ngày 09 tháng 01 năm 2011 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011. Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp bảo đảm ổn định giá cả, thị trường, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, bảo đảm an sinh xã hội và chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Mão 2011. Nhờ đó, kinh tế - xã hội 02 tháng đầu năm 2011 đã đạt được những kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra; sản xuất nông nghiệp tuy chịu ảnh hưởng khắc nghiệt của thiên tai nhưng vẫn đạt khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi; kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ và gấp hơn 4 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra; nhập siêu tiếp tục giảm; số doanh nghiệp tăng mạnh; các hoạt động văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm... được tiếp tục chú trọng; nhân dân cả nước vui Tết, đón Xuân trong không khí đầm ấm, vui tươi và an toàn, đặc biệt người nghèo, người già cô đơn, người tàn tật, các gia đình chính sách, người có công được chăm lo trong dịp Tết; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; cải cách hành chính được đẩy mạnh; công tác giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2011, kinh tế trong nước phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn: giá dầu thô, giá một số nguyên vật liệu cơ bản, giá lương thực, thực phẩm trên thế giới tiếp tục xu hướng tăng mạnh; tác động của biến động mất ổn định chính trị, xã hội tại Bắc Phi và Trung Đông; thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp...Tình hình trên cộng với việc chúng ta đã chủ động nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khoá thời gian qua để ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế trong điều kiện tiềm lực kinh tế của đất nước còn hạn chế, cũng như việc điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu, đã làm giá cả trong nước tăng, gây nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ - CP ngày 09 tháng 01 năm 2011 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; Nghị quyết số 11/NQ - CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó cần chú ý một số nội dung quan trọng sau:

- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, từng bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, triển khai thực hiện có hiệu quả hai Nghị quyết nói trên của Chính phủ, tập trung sức cao nhất vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, kiên quyết tạo chuyển biến tích cực về cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực này. Các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo lập danh mục các thủ tục hành chính trong ngành, lĩnh vực mình phụ trách, tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, rà soát để cắt bỏ, thay thế những thủ tục không cần thiết, không còn phù hợp.

- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ các dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thi hành theo đúng thời hạn quy định; theo sự phân công, tích cực chỉ đạo việc chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, có chất lượng các đề án, báo cáo của Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII. Các bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai các công việc liên quan phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.

- Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục liên hệ và phối hợp với các nước sở tại, các tổ chức quốc tế, các chủ sử dụng lao động để bảo đảm an toàn cho người lao động Việt Nam đang ở tại Li-bi và các nước thứ ba, tìm mọi giải pháp sớm nhất đưa người lao động Việt Nam làm việc tại Li-bi về nước an toàn; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan có phương án hỗ trợ khó khăn cho số lao động đã về nước.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2011; các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch 5 năm, từng năm để triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội và thực hiện ngân sách nhà nước năm 2010, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII.

2. Chính phủ thảo luận Báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 và Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình.

Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2011; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, gửi xin ý kiến tại Hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, trên cơ sở đó, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

3. Chính phủ nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 108/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, Hợp đồng BTO và Hợp đồng BT.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành.

4. Chính phủ thảo luận, cho ý kiến đối với Tờ trình của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 của Quốc hội, dự án Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ.

Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 3 năm 2011; phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan chỉnh lý, hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, gửi xin ý kiến các thành viên Chính phủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng; 
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo, Cổng TTĐT;
- Lưu: Văn thư, TH (5b). Nh.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng