Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND về biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025
Số hiệu: 13/2020/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc Người ký: Hoàng Thị Thúy Lan
Ngày ban hành: 14/12/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2020/NQ-HĐND

Vĩnh Phúc, ngày 14 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021-2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHÓA XVI KỲ HỌP THỨ 20

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 27 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ điểm a, b khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật;

Xét Tờ trình số 129/TTr-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021- 2025, như sau:

1. Xây dựng nguồn nhân lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tăng cường về số lượng và nâng cao về chất lượng, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới. Đảm bảo đến năm 2025 đạt mục tiêu: 100% đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; báo cáo viên pháp luật cấp huyện; công chức làm công tác pháp chế các sở, ban, ngành được tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật đảm bảo hoạt động chuyên sâu; 100% cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố; tuyên truyền viên pháp luật; hòa giải viên cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật mới ban hành.

2. Nâng cao hiệu quả hoạt động, vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và các thành viên của Hội đồng theo hướng đảm bảo tính thiết thực, tránh hình thức; xác định rõ vị trí, phát huy vai trò của Hội đồng là tổ chức phối hợp chỉ đạo giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức cấp tỉnh, cấp huyện về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

3. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức và nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo phù hợp với địa bàn, nhóm đối tượng, độ tuổi, nghề nghiệp; tập trung vào một số lĩnh vực pháp luật quan trọng, có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Kết hợp các phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống với các phương thức hiện đại. Kết hợp giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới. Đảm bảo đạt được mục tiêu sau:

a) 100% các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh mới ban hành được phổ biến rộng rãi đến các đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh của văn bản;

b) 100% các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các điểm nóng vi phạm pháp luật, khiếu kiện kéo dài, vụ việc liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh được phổ biến, giáo dục pháp luật;

c) 100% cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân tiếp tục được trang bị kiến thức pháp luật theo lĩnh vực hoạt động chuyên ngành và các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của mình;

d) 100% người đang chấp hành hình phạt tù tại Trại tạm giam Công an tỉnh, Nhà tạm giữ Công an các huyện, thành phố; người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; người bị phạt tù được hưởng án treo; người được đặc xá, tha tù về cư trú, sinh sống tại địa phương; người phải thi hành án dân sự được phổ biến các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, xử lý vi phạm hành chính;

đ) Đến năm 2025, trên 95% trở lên Nhân dân trên địa bàn tỉnh được phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hình thức phù hợp và 100% học sinh, sinh viên của tỉnh được phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống tệ nạn xã hội…nhằm giáo dục nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, tạo thói quen xử sự theo pháp luật của học sinh, sinh viên.

4. Phát huy vai trò của các cơ quan: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ tại địa phương kết hợp, lồng ghép thực hiện nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh.

5. Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

6. Đảm bảo kinh phí hàng năm cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

a) Hàng năm các cấp, các ngành bố trí kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

b) Ngân sách tỉnh cấp kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (Bao gồm cả hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh) mỗi năm ước tính là 14.000.000.000 đồng (Mười bốn tỷ đồng chẵn).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI, kỳ họp thứ 20 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021./.

 

 

CHỦ TỊCH




Hoàng Thị Thúy Lan

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.