Nghị quyết 129/2009/NQ-HĐND về đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2020
Số hiệu: 129/2009/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên Người ký: Đào Tấn Lộc
Ngày ban hành: 09/07/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 129/2009/NQ-HĐND

Tuy Hòa, ngày 09 tháng 7 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ NAM PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
KHÓA V, KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Sau khi xem xét Đề án số 1438/ĐA-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2009 về triển khai đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án triển khai đầu tư xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2020 với những nội dung cơ bản kèm theo.

Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số vấn đề sau:

1. Thống nhất phạm vi nghiên cứu quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên có ranh giới phía Tây là tuyến cao tốc Bắc-Nam (dự kiến) với tổng diện tích đất quy hoạch khoảng 23.720 ha.

2. Cơ bản thống nhất nội dung triển khai các chương trình dự án trong Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2020.

3. Cơ bản thống nhất cơ cấu nguồn vốn đã nêu trong đề án, trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các ngành thực hiện trong quá trình lập các dự án, đồng thời cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh để đầu tư cho phù hợp.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh sớm nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi cần thiết để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ cho phép ban hành và triển khai thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ hình thành và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

- Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên khóa V, kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 09 tháng 7 năm 2009./.

 

 

CHỦ TỊCH




Đào Tấn Lộc

 

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA ĐỀ ÁN VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ NAM PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2020

(Kèm theo Nghị quyết số 129/2009/NQ-HĐND ngày 09 tháng 7 năm 2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên)

1. Quy mô diện tích và các khu chức năng của Khu kinh tế Nam Phú Yên

Phạm vi nghiên cứu quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên có ranh giới phía Tây giáp tuyến đường cao tốc Bắc-Nam (dự kiến) với tổng diện tích đất là 23.720 ha (đất nông nghiệp: 15.396,9 ha; đất phi nông nghiệp: 4.115,6 ha; đất chưa sử dụng: 4.207 ha).

TT

Các chức năng

Quy hoạch sử dụng đất

Diện tích 2015

(ha)

Tỷ lệ

(%)

Diện tích 2020 (ha)

Tỷ lệ

(%)

 

Tổng đất tự nhiên toàn Khu kinh tế (I+II)

23.720

 

23.720

 

I

Tổng đất xây dựng Khu kinh tế

8.155

100,0

11.548

100,0

A1

Khu dịch vụ thương mại đặc biệt (Khu phi thuế quan)

360,0

4,4

360,0

3,1

A2

Đất cảng

250,0

3,0

450,0

3,9

A3

Các khu công nghiệp

2.762

33,8

2.762

23,9

-

Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1

101.0

 

101.0

 

-

Khu công nghiệp Hòa Hiệp 2

106

 

106

 

-

Khu công nghệ cao-DV-CN

300

 

300

 

-

Tổ hợp CN lọc hóa dầu Hòa Tâm

1.300

 

1.300

 

-

Nhà máy lọc dầu Vũng Rô

170

 

170

 

-

Khu công nghiệp đa ngành 3

255

 

255

 

-

Khu công nghiệp đa ngành 4

530

 

530

 

A4

Các khu đô thị - khu dân cư

2.969

36,5

4.016

34,8

-

Các khu đô thị tập trung

2.380

 

3.150

 

+

Khu đô thị Nam Phú Yên (Phú Lâm)

660

 

660

 

 

Trong đó: Khu đô thị Nam Tuy Hòa

394

 

394

 

+

Khu đô thị trung tâm lâm Hòa Vinh

390

 

394

 

+

Khu đô thị dịch vụ công nghiệp ven biển phía Nam sông Bàn Thạch

1.330

 

860

 

-

Các khu dân cư

589

 

866

 

A5

Khu phát triển du lịch và dịch vụ du lịch sinh thái

290

3,6

880

7,6

-

Khu trung tâm du lịch núi Đá Bia

50

 

100

 

-

Các điểm du lịch sinh thái ven biển

30

 

30

 

-

Các điểm du lịch sinh thái ven sông Bàn Thạch

30

 

80

 

-

Các điểm du lịch Đập Hàn - sinh thái Đèo Cả

50

 

200

 

 

Khu du lịch Biển Hồ

130

 

470

 

A6

Khu cây xanh sinh thái, vùng bảo vệ cảnh quan, rừng phòng hộ, cây xanh cách ly đường sắt đường bộ, đường điện

394

4,8

1.680

14,5

-

Cây xanh sinh thái ven sông Bàn Thạch

 

 

1.360

 

-

Cây xanh sinh thái phòng hộ ven biển

 

 

170

 

-

Cây xanh cách ly

 

 

150

 

A7

Đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật

100

1,2

150

1,3

A8

Đất giao thông đối ngoại

1.030

12,7

1.250

10,8

 

Trong đó: sân bay quốc tế Tuy Hòa

700

 

700

 

II

Các loại đất khác

15.565

-

12.172

-

2.1

Đất dự trữ phát triển

3.790

 

300

 

2.2

Đất nghĩa trang

65

 

65

 

2.3

Đất nông, lâm nghiệp và các loại đất khác

11.710

 

11.807

 

2. Nội dung triển khai các chương trình, dự án trong Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2020

Việc đầu tư xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên dự kiến được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2016-2020.

Trước mắt, tập trung vào các nội dung chính như sau:

a) Về công tác quy hoạch:

Tập trung trong giai đoạn 2010 đến 2015 hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết một số khu chức năng bao gồm: Khu thuế quan (các khu công nghiệp, khu cảng thuế quan, khu thương mại, khu đô thị), khu phi thuế quan (khu chế xuất, khu cảng tự do, khu thương mại dịch vụ, kho ngoại quan). Khu phi thuế quan được ưu tiên hoàn chỉnh trong thời kỳ đầu của giai đoạn 2010 đến 2015, đồng thời giai đoạn này sẽ hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết tất cả các khu chức năng còn lại: gồm các khu thương mại, du lịch, dịch vụ và chỉnh trang một số khu dân cư. Trong giai đoạn 2016 đến 2020 tiếp tục hoàn chỉnh chỉnh trang các khu dân cư.

b) Về công tác chuẩn bị và thực hiện đầu tư các kết cấu hạ tầng quan trọng và thiết yếu:

- Về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: trong thời gian đầu của giai đoạn 2010 đến 2015 ưu tiên bồi thường giải phóng mặt bằng cho khu đô thị trung tâm, các công trình hạ tầng thiết yếu, kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, các dự án động lực như Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, Khu công nghiệp lọc hóa dầu, Khu đô thị mới Nam thành phố Tuy Hòa, Khu phi thuế quan, Khu công nghiệp công nghệ cao, Khu công nghiệp đa ngành Hòa Xuân Tây. Đến cuối năm 2015 thì hoàn tất việc bồi thường giải phóng mặt bằng để tiếp tục triển khai giai đoạn sau.

- Về công tác chuẩn bị và thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu: Giai đoạn 2010 đến 2015 hoàn chỉnh cơ bản các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu như: giao thông đối ngoại, các trục chính của giao thông đối nội, kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, khu phi thuế quan, kết cấu hạ tầng một số khu đô thị, khu dân cư. Giai đoạn 2016 đến 2020 tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các công trình hạ tầng nêu trên và triển khai các dự án quan trọng khác như tuyến đường sắt đi Tây Nguyên, đảm bảo sự đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng.

c) Nhu cầu vốn và nguồn vốn cho công tác quy hoạch và đầu tư các công trình hạ tầng:

- Tổng nhu cầu vốn: Tổng vốn đầu tư phục vụ công tác quy hoạch, chuẩn bị và thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng là: 17.834 tỷ đồng.

Trong đó:

+ Vốn quy hoạch: 20 tỷ đồng;

+ Vốn kết cấu hạ tầng giao thông: 6.097 tỷ đồng;

+ Vốn kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp và các khu chức năng khác: 8.515 tỷ đồng;

+ Vốn kết cấu hạ tầng các khu dân cư: 3.205 tỷ đồng.

- Cơ cấu nguồn vốn: bao gồm nguồn hỗ trợ của Trung ương, nguồn ngân sách tỉnh và vốn huy động từ các doanh nghiệp.

+ Về nguồn vốn Trung ương: theo cơ chế hỗ trợ trực tiếp vốn của Trung ương cho đầu tư xây dựng Khu kinh tế (đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành) thì nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ cho đầu tư các công trình sau:

++ Lập quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế;

++ Đầu tư xây dựng hệ thống giao thông trục chính, hệ thống giao thông kết nối Khu kinh tế với hệ thống giao thông bên ngoài;

++ Bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, công trình đầu tư mang tính động lực và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển ngành và lĩnh vực;

++ Bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở công nhân và khu tái định cư cho người bị thu hồi đất trong khu kinh tế;

++ Đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung và hệ thống xử lý nước thải của khu công nghiệp, khu phi thuế quan trong khu kinh tế ven biển.

Ngoài ra vốn Trung ương còn hỗ trợ theo kênh vốn các ngành thủy lợi, giao thông để xây dựng công trình đê chắn sóng, đê chắn cát, kè biển nằm trong khu kinh tế.

+ Nguồn vốn ngân sách tỉnh chủ yếu là nguồn vốn huy động từ quỹ đất tại Khu đô thị mới Nam thành phố Tuy Hòa, một số khu đô thị khác và quỹ đất dọc theo các tuyến giao thông trong Khu kinh tế.

+ Nguồn vốn ngân sách tỉnh và nguồn vốn huy động của các nhà đầu tư được thực hiện cho các nội dung sau:

++ Quy hoạch chi tiết các khu chức năng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực chuyên ngành khác trong khu kinh tế;

++ Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng xã hội quan trọng bao gồm: bệnh viện, trường học, trường dạy nghề, trung tâm truyền hình - văn hóa - thể thao, công viên, trung tâm quan trắc - giám sát môi trường, trung tâm phòng cháy chữa cháy, khu nghĩa trang.

- Theo cơ chế phân chia như trên, cơ cấu nguồn vốn cho công tác lập quy hoạch và đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng, thiết yếu trong Khu kinh tế Nam Phú Yên như sau:

Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 17.834,0 tỷ đồng. Trong đó:

+ Vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương: 3.779,5 tỷ đồng;

+ Vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh: 1.349,0 tỷ đồng;

+ Vốn thu hút các nhà đầu tư: 12.705,5 tỷ đồng.

d) Về xây dựng các cơ chế chính sách:

Thời gian đầu của giai đoạn 2009 đến 2015 hình thành các chính sách ưu đãi đầu tư, cơ chế một cửa, một cửa liên thông, quy chế phối hợp trong quản lý khu kinh tế, chiến lược xúc tiến đầu tư, các chính sách về nguồn nhân lực, đào tạo lao động được xây dựng trong thời gian còn lại.

Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu..., thời gian thuê đất và một số ưu đãi khác thuộc thẩm quyền của Trung ương đã được quy định trong Quyết định số 54/2008/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ. Chính sách ưu đãi của tỉnh chỉ tập trung trong phạm vi thuộc thẩm quyền của tỉnh như giá thuê đất, thời gian miễn giảm, hỗ trợ về bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ về đào tạo lao động, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong đầu tư,...

e) Về các dự án ưu tiên và thu hút đầu tư:

Trong giai đoạn 2009 đến 2015 tập trung hỗ trợ các dự án đã đăng ký triển khai đồng thời xúc tiến mạnh việc thu hút các dự án trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực ngành nghề và ưu tiên đặc biệt cho việc thu hút các dự án mang tính động lực cho Khu kinh tế như các dự án lọc hóa dầu, cảng biển.

Giai đoạn 2016 đến 2020 tiếp tục xúc tiến đầu tư để thu hút nhiều các dự án sản xuất kinh doanh và cung ứng dịch vụ để lấp đầy các khu quy hoạch.

g) Các nhóm giải pháp chủ yếu:

Trên cơ sở kế hoạch về tiến độ và nội dung triển khai đầu tư nêu trong Đề án, rút ra 08 nhóm giải pháp chủ yếu để đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch và có hiệu quả, bao gồm:

- Ưu tiên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tạo để quỹ đất huy động vốn, hỗ trợ và tái định cư, giải quyết chỗ ở cho công nhân lao động;

- Tập trung huy động các nguồn vốn, đẩy mạnh đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, các dự án động lực và các công trình hạ tầng xã hội. Xin chủ trương chỉ định thầu cho các nhà thầu có điều kiện ứng vốn trước để thi công công trình, nhận phần lớn thanh toán bằng giá trị quyền sử dụng đất hoặc có khả năng hỗ trợ tỉnh trong việc tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư;

- Xây dựng và ban hành kịp thời các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh và các khung pháp lý trong khu kinh tế, nhằm giải quyết thủ tục theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, với tiêu chí giải quyết nhanh các thủ tục cho nhà đầu tư;

- Đẩy mạnh có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp. Thành lập đại diện của Ban quản lý Khu kinh tế tại thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2010 để thuận lợi cho việc tăng cường quảng bá và thu hút vốn đầu tư;

- Chú trọng đào tạo, đào tạo lại phát triển nguồn nhân lực, sử dụng nguồn lao động tại chỗ, giải quyết việc làm, trong đó ưu tiên cho các đối tượng bị thu hồi đất, chuyển đổi cơ cấu lao động;

- Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong việc chọn lựa nhà đầu tư phải xem xét điều kiện đáp ứng năng lực sản xuất song song với việc xem xét bảo vệ môi trường;

- Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban quản lý Khu kinh tế với các cơ quan Công an, Quân sự, Biên phòng và chính quyền địa phương các cấp;

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với Khu kinh tế Nam Phú Yên, chú trọng thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao để nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước./.

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.