Nghị quyết 126/2007/NQ-HĐND về Quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2015 và định hướng đến năm 2020
Số hiệu: | 126/2007/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Phú Thọ | Người ký: | Ngô Đức Vượng |
Ngày ban hành: | 12/12/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 126/2007/NQ-HĐND |
Việt Trì, ngày 12 tháng 12 năm 2007 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN THỦY LỢI TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2006 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ MƯỜI HAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020; quy hoạch nông, lâm nghiệp - thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và các quy hoạch ngành đã được phê duyệt;
Sau khi xem xét Tờ trình số 2613/TTr-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2015 và định hướng đến 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và thảo luận,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2015 và định hướng đến 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
I - Đánh giá hiện trạng thủy lợi tỉnh Phú Thọ
Trong những năm qua, hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh đã được Nhà nước và nhân dân tích cực đầu tư xây dựng. Nhiều công trình đã phát huy hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu về nước của sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế khác, dân sinh, phòng chống lũ lụt, giảm nhẹ thiên tai, cải thiện môi sinh, môi trường,… góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, do được xây dựng từ lâu nên đến nay hầu hết các công trình thủy lợi đã xuống cấp, hư hỏng, hiệu suất sử dụng không cao; hệ số tưới, tiêu thiết kế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế sản xuất và đời sống; công trình tưới cây vùng đồi còn ít và chưa quan tâm đầu tư đúng mức. Công tác quản lý, khai thác các công trình còn hạn chế; các vi phạm đối với công trình thủy lợi còn xảy ra. Kinh phí cho việc tu bổ, bảo dưỡng công trình gặp nhiều khó khăn. Tài nguyên nước bị thất thoát, sử dụng còn lãng phí.
II - Nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2015, định hướng đến năm 2020
1. Quan điểm và mục tiêu
a) Quan điểm:
- Quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; quy hoạch nông, lâm nghiệp - thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và các quy hoạch ngành đã được phê duyệt; đồng thời phải theo đúng định hướng phát triển thủy lợi của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi dựa trên cơ sở khai thác, sử dụng tổng hợp nguồn nước nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy lợi thế của từng vùng để phát triển sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
- Quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi góp phần đổi mới cơ cấu đầu tư, kết hợp thủy lợi với cấp nước cho công nghiệp, dân sinh, du lịch - dịch vụ, đảm bảo quốc phòng - an ninh, cải thiện môi trường sinh thái nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của các công trình thủy lợi trên địa bàn.
- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác thủy lợi trong quản lý khai thác, đầu tư xây dựng và bảo vệ công trình.
b) Mục tiêu:
- Mục tiêu chung:
+ Quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và cung cấp nguồn nước theo hướng đa mục tiêu; kết hợp chặt chẽ xây dựng hạ tầng thủy lợi với phát triển giao thông, du lịch - dịch vụ.
+ Thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
+ Đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến 2020.
- Mục tiêu cụ thể đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020:
+ Về cấp nước:
Cấp nước tưới cho cây trồng hàng năm và cây vùng đồi:
Cây hàng năm: Cấp nước tưới chủ động cho 52.400ha đất trồng cây hàng năm;
Cây vùng đồi: Đến năm 2015 đảm bảo đủ nguồn tưới cho 30%; đến năm 2020 là 40% diện tích chè và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh.
Cấp nước cho các ngành khác:
Đảm bảo nguồn để cấp nước phục vụ cho phát triển công nghiệp đến năm 2015 là 223.168.000m3/năm, định hướng đến năm 2020 là 285.139.000m3/năm;
Đảm bảo nguồn và tạo nguồn cấp nước phục vụ du lịch;
Tạo nguồn và cấp nước cho phát triển thủy sản: Đến năm 2015 là 11.350ha, đến năm 2020 là 12.500ha.
+ Về tiêu nước: Đến năm 2015 tiêu nước chủ động bằng động lực cho 9.068ha và đến năm 2020 tiêu cho 11.644ha ruộng vùng thấp, trũng; trong đó kết hợp tiêu cho 2.945ha để nuôi trồng thủy sản.
+ Về phòng chống lũ: Tu bổ, củng cố hệ thống đê điều để chống được mực nước lũ thiết kế, kết hợp đường giao thông đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đến cấp II miền núi; những tuyến đê đi qua khu vực thành phố, thị xã đảm bảo tiêu chuẩn đường giao thông đô thị; thực hiện giải pháp phòng tránh đối với các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kè bảo vệ ổn định bờ, vở sông.
+ Các công trình thủy lợi kết hợp thủy điện: Ở những vùng có điều kiện địa hình thuận lợi về dòng chảy và nguồn nước dồi dào xây dựng các công trình thủy lợi kết hợp thủy điện.
2. Nội dung quy hoạch
Phương án quy hoạch: Phương án kết hợp vừa tập trung vừa phân tán.
a) Quy hoạch cấp nước:
- Đối với lưu vực sông Đà và sông Lô: Ưu tiên tu sửa, nâng cấp công trình trạm bơm tưới hiện có; nâng cấp, cải tạo các công trình hồ chứa và đập dâng; xây dựng mới các công trình như hồ, đập, trạm bơm và trạm thủy luân.
- Đối với lưu vực sông Thao: Ưu tiên tập trung kiên cố hóa kênh chính, kênh nội đồng để nâng cao hiệu quả sử dụng nước; cải tạo, nâng cấp và thay thế các thiết bị máy bơm bị hư hỏng; tu bổ và xây dựng mới các công trình như hồ, đập và trạm thủy luân để tưới cây vùng đồi.
- Quy hoạch tưới cây vùng đồi: Xây dựng các công trình thủy lợi ở gần khu tưới để tạo nguồn, còn lại nhân dân tự xây các bể chứa trên đồi để dẫn nước tưới hoặc dùng các phương tiện gia đình khác như máy bơm mini,… để lấy nước trực tiếp từ hồ lên tưới cho cây trên đồi.
- Kiên cố hóa kênh mương: Đến năm 2010: Đưa số km kênh đã kiên cố lên 70%, năm 2015 đạt 80%, định hướng đến năm 2020 đạt 95%.
Sau quy hoạch, cải tạo, nâng cấp 474 công trình và xây dựng mới 330 công trình thủy lợi phục vụ tưới sẽ đảm bảo tưới diện tích đất trồng cây hàng năm là 52.400ha (trong đó: Lúa chiêm xuân 33.300ha, lúa mùa 32.400ha và 19.100ha rau, màu, đất trồng cỏ và cây hàng năm khác); kết hợp tạo nguồn tưới cho 11.800ha/36.265ha đất cây dài ngày và cây lâu năm.
- Quy hoạch các công trình thủy lợi kết hợp du lịch và phục vụ sản xuất công nghiệp: Nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới 17 công trình thủy lợi kết hợp phát triển du lịch - dịch vụ. Phương án cấp nước cho công nghiệp chủ yếu là dùng các trạm bơm để bơm nước trực tiếp từ các dòng chính lên và qua hệ thống xử lý làm sạch sau đó đưa vào sử dụng cho các nhà máy. Các công trình hồ chứa, đập dâng khác nằm trên thượng nguồn các sông, suối hàng năm bổ sung lượng nước xuống hạ du để duy trì dòng chảy mùa kiệt, tạo thế cân bằng về nước cho các ngành dùng nước.
b) Quy hoạch tiêu úng:
Ưu tiên nâng cấp, sửa chữa các công trình đã có để phát huy hết công suất của các trạm bơm tiêu, hạn chế tối đa việc xây dựng mới các công trình tiêu bằng động lực; trường hợp cần xây dựng mới phải thực hiện theo hướng đa mục tiêu (tiêu cho lúa, thủy sản, nước thải,…). Tập trung nâng cấp ngòi tiêu, cống tiêu để tăng khả năng tiêu tự chảy. Khoanh vùng đầu tư hạ tầng tiêu nội đồng để chuyển sang nuôi thủy sản.
Đến năm 2020: Cải tạo, nâng cấp 30 trạm bơm tiêu; nạo vét hệ thống kênh tiêu, ngòi tiêu hiện có; cải tạo, nâng cấp 71 cống tiêu tự chảy; xây dựng mới 18 trạm bơm tiêu, giải quyết tiêu cho 31.787ha úng ngập (trong đó tiêu động lực 11.644ha, tiêu tự chảy 20.143ha).
c) Quy hoạch phòng, chống lũ:
- Đối với đê: Đảm bảo chống lũ an toàn ở mực nước thiết kế; cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống đê kết hợp đường giao thông. Những tuyến đê chưa đảm bảo cao trình chống lũ thiết kế: Đắp tôn cao, áp trúc, cứng hóa mặt kết hợp giao thông. Những tuyến đê đã đảm bảo cao trình chống lũ thiết kế: Cứng hóa mặt kết hợp giao thông. Nâng cấp một số tuyến đê từ cấp IV lên cấp III.
- Đối với kè: Bảo vệ ổn định bờ, vở sông, công trình đê điều, khu dân cư và góp phần chỉnh trị dòng, chống sạt lở lâu dài toàn tuyến. Tu sửa những kè bị hư hỏng, bong xô. Làm mới một số kè trên các tuyến sông.
- Đối với cống: Đảm bảo tiêu úng, ngăn nước sông xâm nhập vào trong đồng an toàn trong mùa lũ; tại các vị trí điều kiện cho phép thì kết hợp lấy nước phù sa để cải tạo đồng ruộng. Xây dựng lại các cống dưới đê đã lâu năm, xuống cấp. Sửa chữa các cống hư hỏng. Lắp hệ thống đóng mở bằng điện cho các cống lớn chưa có hệ thống đóng mở bằng điện.
Đến năm 2020: Nâng cấp, tu bổ 382km đê; xây mới và sửa chữa 71 cống; xây dựng 89,8km kè, 83 điếm canh đê.
d) Quy hoạch các công trình thủy lợi kết hợp với thủy điện:
Đến năm 2020: Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới 28 công trình (nâng cấp, tu bổ 12 công trình; xây mới 16 công trình). Diện tích tưới thiết kế 1.787ha và công suất phát điện 1,230MW.
3. Kinh phí thực hiện và nguồn vốn đầu tư:
a) Kinh phí thực hiện: 11.335 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 2007 - 2010: 4.499 tỷ đồng; giai đoạn 2011 - 2015: 4.065 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020: 2.722 tỷ đồng.
b) Nguồn vốn đầu tư: Vốn ngân sách: 5.668 tỷ đồng (chiếm 50%); vốn vay ODA: 3.401 tỷ đồng (chiếm 30%); vốn đóng góp của dân: 567 tỷ đồng (chiếm 5%); vốn khác: 1.700 tỷ đồng (chiếm 15%).
4. Các giải pháp chủ yếu:
a) Về huy động nguồn vốn:
- Đối với hệ thống công trình lớn: Trình Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, bố trí bằng nguồn vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ; đồng thời tranh thủ nguồn vốn ODA.
- Đối với công trình vừa và nhỏ: Dùng vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, nguồn vốn ODA, vốn vay của các tổ chức quốc tế, vốn của các chương trình mục tiêu,… Ngoài các nguồn vốn nói trên cần huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế khác trong xã hội như vốn đầu tư của các Hợp tác xã dùng nước, của tư nhân, của các doanh nghiệp, của các nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi đầu tư xây dựng xong có thể cho phép các thành phần kinh tế này tự quản lý khai thác để thu hồi vốn.
b) Về cơ chế chính sách:
- Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành để hỗ trợ phát triển hệ thống công trình thủy lợi. Khuyến khích sự tham gia của người dùng nước từ khâu quy hoạch, xây dựng và quản lý để nâng cao hiệu quả đầu tư.
- Gắn kết chặt chẽ giữa công tác đầu tư xây dựng, khai thác sử dụng tài nguyên nước, bảo vệ môi trường nước, phòng chống thiên tai lũ lụt với nghĩa vụ đóng góp tài chính của các hộ dùng nước. Gắn công tác thủy lợi với các chính sách xã hội trong việc giải quyết nước tưới, nước sinh hoạt cho nhân dân, nhất là ở vùng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, định canh định cư, hạn chế nạn phá rừng.
- Quy định việc xử phạt đối với các hành vi phá hoại công trình, gây ô nhiễm nguồn nước,… nhằm không ngừng nâng cao trách nhiệm của người quản lý và hưởng lợi trong lưu vực.
c) Về tổ chức quản lý và khai thác hiệu quả công trình thủy lợi:
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn và đổi mới các tổ chức quản lý công trình thủy lợi ở cơ sở để có đủ năng lực, trình độ quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi.
- Tăng cường tuyên truyền luật pháp, tập huấn chuyên môn kỹ thuật về quản lý khai thác các công trình thủy lợi cho các Hợp tác xã quản lý công trình ở cấp xã, lực lượng cán bộ chuyên ngành thủy lợi và lực lượng tham gia làm thủy lợi ở cơ sở và các hộ dùng nước. Vận động nhân dân tích cực tham gia quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Các công trình thủy lợi nhỏ, lẻ giao cho Hợp tác xã, cá nhân quản lý; các công trình có quy mô vừa và lớn giao cho Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý.
- Triển khai thí điểm việc cho phép các doanh nghiệp có đủ điền kiện, năng lực đấu thầu quản lý khai thác công trình thủy lợi.
d) Về quản lý đầu tư xây dựng công trình thủy lợi:
- Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý từ quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công đến quản lý khai thác các công trình thủy lợi được xây dựng từ tất cả các nguồn vốn đảm bảo đúng theo quy hoạch, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật và đúng trình tự xây dựng cơ bản.
- Đối với các công trình UBND tỉnh là cấp quyết định đầu tư nhưng có quy mô lớn nằm trên địa bàn nhiều huyện hoặc những công trình có kỹ thuật phức tạp, áp dụng công nghệ mới cần có sự thỏa thuận về chủ trương và giải pháp kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
e) Về đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong tính toán dự báo nguồn nước, quy hoạch, thiết kế, xây dựng công trình thủy lợi và quản lý nguồn nước, phòng chống thiên tai. Các công trình xây dựng phải đảm bảo tính kinh tế, an toàn kỹ thuật và mỹ thuật.
f) Về tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh hợp tác trong xây dựng quản lý và vận hành khai thác công trình: Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong công tác thủy lợi. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn của lực lượng tham gia công tác quản lý, nghiên cứu, thiết kế, xây dựng thủy lợi và quản lý, khai thác các công trình thủy lợi từ cấp tỉnh đến cấp huyện và xã. Tăng cường hợp tác giữa với các tỉnh lân cận về quản lý tài nguyên nước và công trình thủy lợi để chủ động phát triển, quản lý nguồn nước và phát triển kinh tế - xã hội trong thế ổn định chung của vùng.
g) Về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra:
- Tổ chức chặt chẽ việc xét duyệt đăng ký hành nghề kinh doanh lĩnh vực tư vấn và xây dựng công trình thủy lợi đi đôi với tăng cường kiểm tra hành nghề khảo sát, thiết kế và xây lắp theo giấy phép được cấp.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các công trình thủy lợi nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những thiếu sót, tiêu cực, lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng và quản lý công trình.
h) Về tăng cường sự tham gia của cộng đồng: Đẩy mạnh xã hội hóa công tác thủy lợi và quản lý tài nguyên nước theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng, quản lý công trình thủy lợi. Tăng cường công tác tuyên truyền, chuyền tải các thông tin cần thiết, các mô hình và những kinh nghiệm quản lý tốt, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước đã ban hành, nâng cao ý thức cộng đồng cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết;
- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XVI, kỳ họp thứ mười hai thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2007.
|
CHỦ TỊCH |