Nghị quyết 12/2015/NQ-HĐND về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2015 và mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2016
Số hiệu: 12/2015/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang Người ký: Đinh Văn Chung
Ngày ban hành: 03/12/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, An ninh quốc gia, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2015/NQ-HĐND

Vị Thanh, ngày 03 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2015 VÀ MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2016

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
KHÓA VIII KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Sau khi nghe UBND tỉnh báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2015 và mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2016; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; Ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân và phát biểu giải trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang thống nhất đánh kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2015, như sau:

Phát huy tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2015, đạt kế hoạch đề ra, trong đó có 10 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; chính trị xã hội ổn định; vị thế của Hậu Giang trong vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được nâng lên. Hệ thống chính quyền tiếp tục hoạt động ổn định, bám sát chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra; các nhiệm vụ trọng tâm được triển khai thực hiện tích cực.

Bên cạnh những mặt được vẫn còn một số vấn đề tồn tại và một số khó khăn: Sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ một số mặt hàng nông sản nhất là gạo, trái cây, thủy sản. Việc triển khai các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp ở một số ngành, địa phương còn chậm. Việc triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch tái cơ cấu ở một số ngành, địa phương chưa đạt yêu cầu; chất lượng dịch vụ còn chậm được cải thiện, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm còn hạn chế; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế chưa cao; việc đưa các tiến bộ khoa học và công nghệ xuống nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn gia tăng ở một số nơi, như khu cụm công nghiệp, lưu vực sông, khu vực nông thôn, làng nghề. Nguồn lực đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai còn hạn chế. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất thông qua mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2016, như sau:

1. Mục tiêu

Duy trì, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh thực hiện 04 chương trình hành động và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; nâng cao đời sống nhân dân; đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính quyền vững mạnh.

2. Chỉ tiêu

a) Lĩnh vực kinh tế - ngân sách:

(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP tăng 6,6%, trong đó: khu vực I: 2,08%, khu vực II: 10,75%, khu vực III: 8,13%.

(2) Tổng sản phẩm GRDP theo giá hiện hành đạt 23.915 tỷ đồng, tăng 11,41% so cùng kỳ; GRDP bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/người, tương đương 1.409 USD.

(3) Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tương đối tỷ trọng khu vực I từ 33,95% còn 31,7%, tăng tỷ trọng khu vực II từ 21,18% lên 22,16% và khu vực III từ 44,87% lên 46,14%.

(4) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn theo giá hiện hành 15.200 tỷ đồng, tăng 6,09% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP chiếm 63,56%.

(5) Tổng thu ngân sách nhà nước tỉnh Hậu Giang 4.403,449 tỷ đồng, bằng 68,78% so cùng kỳ, trong đó: thu nội địa 1.266 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương 4.362,019 tỷ đồng, bằng 68,52% so với cùng kỳ, trong đó: chi đầu tư phát triển 1.333,66 tỷ đồng, bằng 58,91% so cùng kỳ. Tỷ lệ nợ chính quyền địa phương trên tổng chi ngân sách địa phương 8,28%.

(6) Kim ngạch xuất nhập khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ đạt 570 triệu USD, tăng 12,55% so cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu 450 triệu USD, tăng 7,14% so với cùng kỳ; nhập khẩu 120 triệu USD, tăng 38,85% so với cùng kỳ.

(7) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân dưới 5%.

b) Lĩnh vực văn hóa - xã hội:

(8) Dân số trung bình khoảng 771.431 người; tỷ lệ tăng dân số trung bình 2, trong đó tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 10,5.

(9) Giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 2%.

(10) Số lao động được tạo việc làm 15.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 42%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 4,24%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn còn 8,5%.

(11) Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia từ 50-55% tổng số trường, số sinh viên trên 10.000 người dân là 160 sinh viên.

(12) Tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã 92%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 12,3%; số bác sĩ trên 10.000 người dân là 6,5 bác sĩ; số giường bệnh trên 10.000 người dân là 27,3 giường; tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế 74%; tuổi thọ trung bình 75 tuổi.

(13) Số thuê bao điện thoại/100 dân là 93 điện thoại; số thuê bao Internet băng thông rộng/100 dân đạt 1,6 thuê bao; diện tích nhà ở bình quân/người 20 - 21 m2.

(14) Xây dựng công nhận mới từ 02 đến 04 xã nông thôn mới theo 19 tiêu chí, nâng tổng số xã nông thôn mới lên từ 14 đến16 xã.

c) Tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững:

(15) Tỷ lệ che phủ rừng đạt 1,85%.

(16) Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh 88%; tỷ lệ dân số thành thị được cấp nước sạch 87%.

(17) Tỷ lệ thu gom chất thải rắn ở đô thị 81%; tỷ lệ xử lý chất thải rắn y tế đạt tiêu chuẩn 95%; tỷ lệ khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn 20%.

d) Lĩnh vực quốc phòng - an ninh:

(18) Xây dựng lực lượng quân sự, công an chính quy, từng bước hiện đại, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt đúng theo quy định của Quân khu. Hoàn thành tốt công tác huấn luyện, diễn tập, giáo dục quốc phòng và công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ.

(19) Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm; kéo giảm tai nạn giao thông.

3. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu:

a) Về lĩnh vực kinh tế - ngân sách

Triển khai thực hiện tốt 04 Chương trình hành động và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung Chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Thực hiện tái cơ cấu đầu tư công đi vào chiều sâu, tiếp tục tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; trong đó tập trung vốn cho các công trình kết cấu hạ tầng, các dự án cấp thiết, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô, năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng hàng hóa.

Tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại. Tìm kiếm, khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển thị trường tiêu dùng trong nước. Tăng cường công tác quản lý thị trường, nhất là quản lý về giá.

Quản lý chặt chẽ thu - chi ngân sách địa phương. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường huy động vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã giai đoạn 2014 - 2016 và định hướng đến năm 2020.

b) Về lĩnh vực văn hóa - xã hội

Củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch, bệnh lớn xảy ra; thực hiện nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế, trọng tâm là chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở; tiếp tục thực hiện hiệu quả lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân; quản lý chặt chẽ giá thuốc và chất lượng thuốc chữa bệnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực hiện Kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đẩy mạnh xã hội hóa việc huy động các nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Tiếp tục củng cố, nâng chất và phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin và truyền thông gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị.

Đổi mới trong công tác giảm nghèo theo hướng bền vững, có chính sách để giảm nghèo nhanh đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Phát động sâu rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong toàn xã hội. Tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ, giải quyết nhà ở cho các nhóm đối tượng gặp khó khăn về nhà ở, hoàn thành Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

Thực hiện tốt việc quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn, nhất là rác thải y tế. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nước sạch, trạm xử lý nước thải, nhất là tại các khu công nghiệp, khu dân cư. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá và nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác bảo vệ môi trường. Nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, của biến đổi khí hậu.

c) Về lĩnh vực pháp chế - phòng, chống tham nhũng

Tăng cường quốc phòng, an ninh đảm bảo an ninh trật tự; đấu tranh, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.

Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng vũ trang trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu cao, nâng cao chất lượng huấn luyện diễn tập; đầu tư xây dựng trụ sở, doanh trại, từng bước xây dựng hoàn chỉnh cơ quan Công an, Quân sự cấp huyện, xã.

Tập trung giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo; phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh Hậu Giang và các tổ chức đoàn thể - chính trị tổ chức tốt công tác đối thoại với Nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị. Đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Tập trung hoàn thiện tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hạn chế tối đa phiền hà cho dân. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong phối hợp đối với thực hiện nhiệm vụ.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 11/2013/NQ-HĐND ngày 12/7/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua phương án thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô và tỷ lệ phần trăm (%) trích lại cho cơ quan thu phí trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, từ ngày 01/01/2016.

Điều 4. Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang giao Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tổ chức triển khai, vận động quần chúng Nhân dân thực hiện tốt nội dung Nghị quyết.

Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang Khóa VIII kỳ họp thứ 16 thông qua và có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Đinh Văn Chung