Nghị quyết 112/NQ-HĐND năm 2013 về kết quả giám sát công tác quy hoạch, quản lý thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh
Số hiệu: | 112/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Ninh | Người ký: | Nguyễn Đức Long |
Ngày ban hành: | 13/12/2013 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài nguyên, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 112/NQ-HĐND |
Quảng Ninh, ngày 13 tháng 12 năm 2013 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT CÔNG TÁC QUY HOẠCH, QUẢN LÝ THĂM DÒ, KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THUỘC THẨM QUYỀN CẤP PHÉP CỦA UBND TỈNH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XII - KỲ HỌP THỨ 11
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005;
Sau khi xem xét Báo cáo số 114/BC-HĐND ngày 06/12/2013 của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh về kết quả giám sát công tác quy hoạch, quản lý thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh và ý kiến thảo luận của Đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. HĐND tỉnh tán thành với Báo cáo kết quả giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách với những đánh giá về ưu điểm, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các kiến nghị, giải pháp khắc phục, trong đó nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:
1. Sau khi Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 được HĐND tỉnh khóa XI thông qua cuối năm 2008, UBND tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện đến nay đạt được nhiều kết quả, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã có nhiều chuyển biến. Các cơ quan chuyên môn đã tổ chức thẩm định, tham mưu để UBND tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo thẩm quyền, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trong đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nhà ở của nhân dân trên địa bàn. Đến nay hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có hoạt động khoáng sản (ngoài than) với 118 khu vực có Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó 101 giấy phép do UBND tỉnh cấp.
Các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản được quan tâm triển khai, hầu hết các đơn vị khai thác khoáng sản đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường, nhiều đơn vị đã lập dự án cải tạo, phục hồi môi trường và thực hiện ký quỹ tổng số 23.883 triệu đồng. Việc giao đất, cho thuê đất đối với các đơn vị hoạt động khoáng sản được triển khai theo quy định, đến nay có 73 đơn vị có quyết định, hợp đồng thuê đất với tổng diện tích 1.213 ha để khai thác, chế biến khoáng sản. Việc tăng cường công tác quản lý nhà nước và kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh đối với hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng được quan tâm với nhiều văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, điển hình như yêu cầu quy trình chế biến đá phải được thực hiện trong nhà kín, có hệ thống phun sương để hạn chế phát tán bụi ra ngoài môi trường,
Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về khoáng sản được thường xuyên thực hiện thông qua công tác kiểm tra, thanh tra và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện trình tự thủ tục hành chính, các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn trong hoạt động khai thác khoáng sản. Hàng năm đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý tài nguyên và môi trường cho cán bộ của các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; định kỳ tổ chức giao lưu trực tuyến để giải quyết thắc mắc của các tổ chức, cá nhân về các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực khoáng sản.
Trong những năm qua, các đơn vị khai thác và chế biến khoáng sản đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh, khai thác đã gắn với chế biến và sử dụng khoáng sản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Công nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường, nhất là đá xây dựng phát triển mạnh mẽ đã làm giảm giá thành đầu tư xây dựng, góp phần hoàn thành nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, các tuyến đường giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động khai thác khoáng sản phát triển ổn định, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, công nghiệp khai khoáng chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và đóng góp đáng kể vào số thu ngân sách địa phương. Các đơn vị khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho nhiều người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, phúc lợi xã hội tại các địa phương chịu sự tác động của hoạt động khoáng sản.
2. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng còn có những hạn chế cần khắc phục như:
Hoạt động thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản mới tập trung vào một số khoáng sản điển hình, các loại khoáng sản khác chưa được quan tâm nghiên cứu đánh giá theo mục tiêu đã đề ra. Công tác khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản (ngoài than) còn chậm.
Một số đơn vị đã quá thời hạn, không triển khai thực hiện giấy phép khai thác khoáng sản, ngược lại có những đơn vị khai thác vượt công suất, vượt giới hạn trong giấy phép; chưa tuân thủ theo thiết kế cơ sở và yêu cầu kỹ thuật, an toàn khai thác mỏ và quy định báo cáo định kỳ về kết quả khai thác và hiện trạng mỏ.
Công tác bảo vệ môi trường tại nhiều khu vực khai thác, chế biến khoáng sản chưa bảo đảm yêu cầu theo quy định như: Tỷ lệ các đơn vị thực hiện đầy đủ các nội dung cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ còn chưa cao; còn nhiều cơ sở sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; một số đơn vị chưa thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; công tác quản lý chất thải nguy hại tại một số đơn vị chưa thực hiện tốt...
Về quản lý đất đai, còn một số đơn vị đã sử dụng đất để khai thác chế biến khoáng sản nhưng chưa có hợp đồng và chưa nộp tiền thuê đất hoặc đã có hợp đồng thuê đất nhưng sử dụng vượt diện tích chưa làm thủ tục thuê đất bổ sung, có trường hợp cho thuê đất chồng lấn diện tích nên không triển khai sản xuất được.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đã được tăng cường nhưng việc xử lý vẫn chưa thật kiên quyết và triệt để, ngoài phạt tiền thì các hình thức xử lý khác để khắc phục, phòng ngừa vi phạm chưa được áp dụng đầy đủ và hiệu quả.
Các quy hoạch chuyên ngành liên quan đến hoạt động khoáng sản chưa đầy đủ và đồng bộ, chậm cập nhật, sửa đổi, bổ sung theo thực tế phát triển kinh tế - xã hội. Chưa kịp thời xây dựng, ban hành những cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường.
3. Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, trước hết do đặc điểm địa chất khoáng sản ngoài than có quy mô nhỏ, phân bố phân tán trên toàn tỉnh dẫn đến địa bàn quản lý rộng với nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Các ngành kinh tế mang tính đối lập với bảo vệ môi trường cùng phát triển trên địa bàn hẹp và nhạy cảm, xen kẽ với các khu dân cư nên công tác quản lý khoáng sản, đất đai và bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn.
Các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai và bảo vệ môi trường còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa được bổ sung kịp thời; chế tài xử lý hiện hành đối với các hành vi vi phạm chưa bảo đảm hiệu quả răn đe, phòng ngừa. Mức thu phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản chưa đáp ứng được yêu cầu cải tạo, khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, chế biến, tiêu thụ khoáng sản gây ra.
Điều 2. Để khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, UBND tỉnh tập trung tổ chức chỉ đạo thực hiện các nội dung kiến nghị đã được đề cập trong báo cáo kết quả giám sát, cụ thể như sau:
1. Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước trên cơ sở phân công cụ thể, xác định rõ chức năng nhiệm vụ nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy hoạch, quản lý thăm dò, khai thác khoáng sản đã nêu trên.
2. Xây dựng, hoàn chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp tiếp theo bảo đảm phù hợp với điều kiện địa chất khoáng sản và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động khảo sát, thăm dò đánh giá trữ lượng khoáng sản làm cơ sở cho việc tổ chức khai thác, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên.
3. Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản và giảm thiểu tác động đến môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục về quản lý khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường… để ổn định phát triển sản xuất.
4. Đánh giá việc thực hiện các Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, thu hồi các giấy phép đã quá thời hạn chưa tổ chức khai thác mà nguyên nhân do chủ quan của đơn vị và các khu vực khai thác không phù hợp với quy hoạch. Kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại ở các khu vực, điểm mỏ đang khai thác để xem xét, điều chỉnh công suất và giới hạn khai thác theo hướng tập trung, tận dụng tài nguyên, hạn chế phát triển khai thác theo chiều rộng, nhỏ lẻ, phân tán.
5. Rà soát việc sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính của các đơn vị hoạt động khoáng sản để truy thu đầy đủ tiền thuê đất, thuế tài nguyên và các khoản thu khác vào ngân sách.
6. Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường và quản lý sử dụng đất của các đơn vị hoạt động khoáng sản; trước mắt cần tập trung thanh tra một số đơn vị, điểm mỏ khai thác, chế biến khoáng sản có biểu hiện vi phạm. Đối với những đơn vị vi phạm nhiều lần, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp khắc phục, cần kiên quyết áp dụng các hình thức xử lý mạnh, có hiệu quả theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Ủy ban nhân dân tỉnh theo chức trách, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; Thường trực, các Ban, các đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 13/12/2013 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua./.
|
CHỦ TỊCH |