Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 năm 2020 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh
Số hiệu: 1111/NQ-UBTVQH14 Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
Ngày ban hành: 09/12/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1111/NQ-UBTVQH14

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC SẮP XẾP CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ VÀ THÀNH LẬP THÀNH PHỐ THỦ ĐỨC THUỘC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14 và Luật số 47/2019/QH14;

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13;

Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân số 63/2014/QH13;

Căn cứ Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;

Căn cứ Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021;

Xét đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 589/TTr-CP ngày 11 tháng 11 năm 2020, Tòa án nhân dân tối cao tại Tờ trình số 751/TTr-TANDTC ngày 03 tháng 12 năm 2020, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Tờ trình số 48/TTr-VKSTC ngày 04 tháng 12 năm 2020, Ủy ban Tư pháp tại văn bản số 2795/BC-UBTP14 ngày 18 tháng 11 năm 2020 và số 2822/BC-UBTP14 ngày 03 tháng 12 năm 2020, Báo cáo thẩm tra số 3697/BC-UBPL14 ngày 01 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Pháp luật,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh

1. Thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của Quận 2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của Quận 9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người.

Thành phố Thủ Đức giáp Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 12, quận Bình Thạnh; tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.

2. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Thủ Đức như sau:

a) Nhập toàn bộ 1,74 km2 diện tích tự nhiên, 124 người của phường An Khánh vào phường Thủ Thiêm. Sau khi nhập, phường Thủ Thiêm có 3,25 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 428 người.

Phường Thủ Thiêm giáp phường An Khánh, phường An Lợi Đông; Quận 1, Quận 4 và quận Bình Thạnh;

b) Thành lập phường An Khánh trên cơ sở nhập toàn bộ 2,03 km2 diện tích tự nhiên, 4.333 người của phường Bình Khánh và toàn bộ 1,89 km2 diện tích tự nhiên, 18.821 người của phường Bình An. Sau khi thành lập, phường An Khánh có 3,92 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 23.154 người.

Phường An Khánh giáp các phường An Lợi Đông, An Phú, Bình Trưng Tây, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm; Quận 7 và quận Bình Thạnh.

3. Sau khi thành lập thành phố Thủ Đức và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Thủ Đức có 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.

Điều 2. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc Thành phố Hồ Chí Minh

1. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc Quận 3 như sau:

a) Thành lập phường Võ Thị Sáu trên cơ sở nhập toàn bộ 0,88 km2 diện tích tự nhiên, 7.263 người của Phường 6; toàn bộ 0,92 km2 diện tích tự nhiên, 12.595 người của Phường 7 và toàn bộ 0,40 km2 diện tích tự nhiên, 16.877 người của Phường 8. Sau khi thành lập, phường Võ Thị Sáu có 2,20 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 36.735 người.

Phường Võ Thị Sáu giáp Phường 4, Phường 5, Phường 9, Phường 10, Phường 13, Phường 14; Quận 1 và quận Phú Nhuận;

b) Sau khi sắp xếp, Quận 3 có 12 phường.

2. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc Quận 4 như sau:

a) Nhập toàn bộ 0,16 km2 diện tích tự nhiên, 5.114 người của Phường 5 vào Phường 2. Sau khi nhập, Phường 2 có 0,36 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 17.039 người.

Phường 2 giáp Phường 1, Phường 3, Phường 6 và Quận 1;

b) Nhập toàn bộ 0,42 km2 diện tích tự nhiên, 7.328 người của Phường 12 vào Phường 13. Sau khi nhập, Phường 13 có 0,85 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 18.530 người.

Phường 13 giáp Phường 9, Phường 10, Phường 14, Phường 16, Phường 18; Quận 1 và Quận 2;

c) Sau khi sắp xếp, Quận 4 có 13 phường.

3. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc Quận 5 như sau:

a) Nhập toàn bộ 0,19 km2 diện tích tự nhiên, 10.943 người của Phường 15 vào Phường 12. Sau khi nhập, Phường 12 có 0,57 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 17.312 người.

Phường 12 giáp Phường 9, Phường 11, Phường 14; Quận 10 và Quận 11;

b) Sau khi sắp xếp, Quận 5 có 14 phường.

4. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc Quận 10 như sau:

a) Nhập toàn bộ 0,10 km2 diện tích tự nhiên, 6.075 người của Phường 3 vào Phường 2. Sau khi nhập, Phường 2 có 0,30 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 24.866 người.

Phường 2 giáp Phường 1, Phường 4, Phường 9, Phường 10 và Quận 5;

b) Sau khi sắp xếp, Quận 10 có 14 phường.

5. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc quận Phú Nhuận như sau:

a) Nhập toàn bộ 0,16 km2 diện tích tự nhiên, 6.859 người của Phường 12 vào Phường 11. Sau khi nhập, Phường 11 có 0,39 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 15.522 người.

Phường 11 giáp Phường 8, Phường 10, Phường 13, Phường 15, Phường 17 và Quận 3;

b) Nhập toàn bộ 0,15 km2 diện tích tự nhiên, 7.172 người của Phường 14 vào Phường 13. Sau khi nhập, Phường 13 có 0,29 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 16.609 người.

Phường 13 giáp Phường 10, Phường 11; Quận 3 và quận Tân Bình;

c) Sau khi sắp xếp, quận Phú Nhuận có 13 phường.

Điều 3. Thành lập Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh

1. Giải thể Tòa án nhân dân Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh gồm các Tòa chuyên trách sau đây:

a) Tòa Hình sự;

b) Tòa Dân sự;

c) Tòa Gia đình và người chưa thành niên;

d) Tòa Xử lý hành chính;

đ) Tòa Kinh tế.

3. Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Thành lập Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh

1. Giải thể Viện kiểm sát nhân dân Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

2. Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, Thành phố Hồ Chí Minh có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 05 huyện và 01 thành phố; 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 58 xã, 249 phường và 05 thị trấn.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này; sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy, bố trí trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn; ổn định đời sống của Nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.

2. Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định hoặc trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện từ năm 2021.

3. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm hướng dẫn hoạt động; sắp xếp tổ chức bộ máy, quyết định biên chế, số lượng Thẩm phán, Kiểm sát viên, công chức khác và người lao động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật.

4. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

 


Nơi nhận:
- Chính phủ;
- Ban Tổ chức Trung ương;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Tổng cục Thống kê;
- Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND TP.HCM;
- Lưu: HC, PL

Số e-PAS: 93379

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Kim Ngân

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.