Nghị quyết 111/2007/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến 2020
Số hiệu: 111/2007/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ Người ký: Ngô Đức Vượng
Ngày ban hành: 16/07/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 111/2007/NQ-HĐND

Việt Trì, ngày 16 tháng 7 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ KHÓA XVI,
KỲ HỌP THỨ MƯỜI MỘT

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 66/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18 tháng 12 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ;

Căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 và các Quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt;

Sau khi xem xét Tờ trình số 1319/TTr-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2007 của ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành thông qua Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến 2020.

Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nội dung sau:

I - ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2001 - 2005

Những năm qua, ngành nghề nông thôn Phú Thọ phát triển khá và đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn. Từ năm 2001 đến năm 2005, giá trị sản xuất (giá thực tế) tăng từ 1.219 tỷ đồng lên 2.316,7 tỷ đồng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 17,4%/năm. Một số sản phẩm ngành nghề có tốc độ tăng trưởng cao như: Chế biến nông sản, thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản, tận thu chế biến phế liệu, phế thải, mở rộng dịch vụ công nghiệp; sản xuất hàng mộc gia dụng và mỹ nghệ. Đã tạo thêm việc làm cho khoảng 15 ngàn lao động và tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Ngành nghề nông thôn phát triển đã tạo ra điều kiện để khai thác tốt hơn tài nguyên và lao động, nâng cao giá trị các sản phẩm nông, lâm - thủy sản thông qua chế biến. Các hoạt động ngành nghề nông thôn góp phần phát triển sản xuất, dịch vụ - thương mại và nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, cũng còn một số tồn tại, hạn chế: Hình thức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình; thiết bị thô sơ, công nghệ thấp; phần lớn lao động chưa qua đào tạo, chủ yếu trưởng thành từ truyền nghề; sản phẩm còn thiên về số lượng, chưa coi trọng chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng còn đơn điệu, sức cạnh tranh chưa cao. Công tác phát triển và nhân cấy nghề mới chưa nhiều, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất nguyên liệu với cơ sở sản xuất, chế biến ngành nghề và chưa có sự liên doanh giữa doanh nghiệp thương mại dịch vụ, du lịch với cơ sở sản xuất ngành nghề, làng nghề. Vấn đề bảo vệ môi trường, đăng ký thương hiệu và nhãn hiệu hàng hóa còn nhiều bất cập.

II - NỘI DUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020

1. Quan điểm và mục tiêu phát triển

a) Quan điểm phát triển

- Phát triển ngành nghề nông thôn phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan của tỉnh.

- Phát triển ngành nghề nông thôn phải gắn với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn với thị trường và vùng nguyên liệu để phát triển những mặt hàng lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh cao; thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, cơ cấu lao động nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Phát triển ngành nghề nông thôn phải kết hợp hài hòa nhiều quy mô, nhiều loại hình tổ chức và sở hữu. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn.

b) Mục tiêu phát triển

- Mục tiêu tổng quát: Tạo được sự chuyển về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; xây dựng và phát triển được các làng nghề, các hợp tác xã và dịch vụ ngành nghề nông thôn; xây dựng được đội ngũ nghệ nhân và thợ kỹ thuật lành nghề. Gắn phát triển làng nghề với khai thác tốt tiềm năng du lịch và mở rộng xuất khẩu.

- Mục tiêu cụ thể:

+ Giai đoạn 2006 - 2010: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 20%/năm, xuất khẩu đạt từ 10 đến 12 triệu USD; thu hút thêm từ 15 đến 16 ngàn lao động; đến năm 2010 toàn tỉnh có từ 40 đến 50 làng đạt tiêu chuẩn làng nghề.

+ Giai đoạn 2011 - 2020: Phấn đấu đạt tốc tộ tăng trưởng bình quân trên 15%/năm, xuất khẩu đạt từ 40 đến 45 triệu USD; thu hút thêm từ 35 đến 40 ngàn lao động; đến năm 2020 toàn tỉnh có trên 120 làng đạt tiêu chuẩn làng nghề.

2. Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến 2020

a) Định hướng quy hoạch các nhóm ngành hàng ưu tiên

- Giai đoạn 2006 - 2010: Ưu tiên phát triển các nghề chế biến nông lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng; xây dựng; vận tải và thủ công mỹ nghệ.

- Giai đoạn 2011 - 2020: Phát triển thêm các nghề chế biến hoa quả; thực phẩm từ chăn nuôi; cơ khí phục vụ nông nghiệp; sinh vật cảnh; gắn phát triển làng nghề với du lịch.

b) Phát triển hệ thống các làng nghề, làng nghề gắn với cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

- Tiếp tục duy trì và phát triển 20 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận gồm: Huyện Cẩm Khê 4 làng, huyện Tam Nông 1 làng, huyện Thanh Ba 2 làng, huyện Thanh Sơn 2 làng, huyện Hạ Hòa 5 làng, thành phố Việt Trì 1 làng, huyện Phù Ninh 1 làng, huyện Đoan Hùng 2 làng, huyện Thanh Thủy 1 làng và huyện Lâm Thao 1 làng.

- Xây dựng các làng nghề mới để được công nhận đến năm 2010 (45 làng): Huyện Lâm Thao 5 làng, huyện Cẩm Khê 6 làng, huyện Đoan Hùng 3 làng, huyện Thanh Thủy 2 làng, huyện Phù Ninh 4 làng, huyện Thanh Sơn 2 làng, huyện Tân Sơn 3 làng, huyện Thanh Ba 3 làng, huyện Hạ Hòa 4 làng, huyện Yên Lập 2 làng, huyện Tam Nông 4 làng, thị xã Phú Thọ 2 làng, thành phố Việt Trì 5 làng.

- Xây dựng các làng nghề dự kiến sẽ được công nhận từ năm 2011 - 2020 (60 làng): Huyện Lâm Thao 3 làng, huyện Cẩm Khê 10 làng, huyện Đoan Hùng 3 làng, huyện Thanh Thủy 6 làng, huyện Phù Ninh 6 làng, huyện Thanh Sơn 6 làng, huyện Tân Sơn 3 làng, huyện Thanh Ba 4 làng, huyện Hạ Hòa 3 làng, huyện Yên Lập 4 làng, huyện Tam Nông 2 làng, thị xã Phú Thọ 2 làng, thành phố Việt Trì 8 làng.

- Các cụm làng nghề gắn với cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020 (22 cụm): Huyện Cẩm Khê 02 cụm, huyện Đoan Hùng 02 cụm, huyện Tam Nông 01 cụm, thành phố Việt Trì 02 cụm, thị xã Phú Thọ 01 cụm, huyện Hạ Hòa 01 cụm, huyện Lâm Thao 02 cụm, huyện Yên Lập 02 cụm, huyện Phù Ninh 02 cụm, huyện Thanh Ba 02 cụm, huyện Thanh Sơn 02 cụm, huyện Tân Sơn 01 cụm, huyện Thanh Thủy 02 cụm.

c) Quy hoạch một số điểm du lịch làng nghề

- Du lịch thành phố Việt Trì - Lâm Thao - Phù Ninh gồm các điểm du lịch làng nghề xã Hy Cương, Kim Đức, Chu Hóa, Thanh Đình, Hùng Lô, Cao Xá, Sơn Vi và Sông Lô.

- Du lịch thị xã Phú Thọ - Thanh Ba, Hạ Hòa và Đoan Hùng gồm các điểm du lịch làng nghề Hiền Lương, Tiêu Sơn, ấm Hạ.

- Du lịch Tam Nông - Thanh Thủy - Thanh Sơn - Tân Sơn - Yên Lập - Cẩm Khê gồm các điểm du lịch làng nghề Xuân Đài, Xuân Sơn, Kim Thượng, Sai Nga, Phú Lạc, Tình Cương.

d) Xây dựng một số dự án ưu tiên phát triển

- Bảo tồn, củng cố và phát triển làng nghề đã được công nhận đến năm 2006;

- Phát triển các làng nghề mới đến năm 2010;

- Phát triển các làng nghề mới đến năm 2020;

- Xây dựng vùng nguyên liệu mây;

- Củng cố và nâng cao năng lực hệ thống đào tạo nghề; đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nghề nông thôn;

- Xây dựng các tua du lịch làng nghề; các trạm dừng chân ven đường.

3. Các giải pháp chủ yếu

- Đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất: Triển khai thực hiện có hiệu quả 6 chương trình trọng điểm về nông nghiệp nhằm tạo sự ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn. Tập trung hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản hàng hóa phục vụ sản xuất hàng thủ công và chế biến gỗ. Việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cần gắn với quy hoạch chi tiết các cơ sở chế biến, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với cơ sở chế biến. Khuyến khích người sản xuất nguyên liệu góp vốn (hoặc đóng cổ phần) với nhà máy chế biến; đồng thời các nhà máy chế biến có đề án xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp với quy mô và tính chất của nhà máy chế biến; hướng dẫn nông dân làm tốt việc sản xuất, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng nguyên liệu và hiệu quả sản xuất.

- Về lao động: Tập trung đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo tăng nhanh cả về quy mô, chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề tạo sự biến đổi về chất thực sự cho đội ngũ lao động ngành nghề nông thôn. Có chính sách thu hút nghệ nhân và thợ lành nghề về làm việc; miễn giảm học phí cho người học nghề làm việc trực tiếp ở nông thôn. Củng cố và phát triển các cơ sở dạy nghề trên địa bàn; khuyến khích dạy nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề mới và khôi phục làng nghề truyền thống. Phát triển hình thức đào tạo nghề theo nhu cầu, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất. Phối hợp với các chương trình, dự án quốc tế để tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực phát triển ngành nghề nông thôn. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người sản xuất ngành nghề nông thôn.

- Về khoa học công nghệ: Đẩy mạnh công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất; chuyển giao ứng dụng các dây chuyền quy mô nhỏ và vừa phù hợp với quy mô vùng nguyên liệu; xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ, từng bước thay thế các dây chuyền thiết bị công nghệ lạc hậu bằng các dây chuyền công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm ngành nghề nông thôn. Đẩy mạnh công tác khuyến nông (khuyến nông Nhà nước, khuyến nông của doanh nghiệp) trên địa bàn; gắn nghiên cứu với triển khai sản xuất, đầu tư chiều sâu vào sản xuất các mặt hàng chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm.

- Về môi trường: Thực hiện tốt những giải pháp xử lý và bảo vệ môi trường ở các cụm tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề, các cơ sở sản xuất. Những ngành, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường phải đưa vào cụm tiểu thủ công nghiệp tập trung để có điều kiện kiểm soát và khắc phục. Khuyến khích các cơ sở sản xuất đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch với công nghệ truyền thống, phát triển các sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường.

- Về tổ chức sản xuất: Khuyến khích và ưu tiên phát triển các loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh. Tổ chức xây dựng các cụm làng nghề gắn với các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Khuyến khích hình thành các mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất; khen thưởng kịp thời các làng nghề tiêu biểu, những nghệ nhân, thợ giỏi. Gắn chặt nghiên cứu và triển khai sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cán bộ quản lý đi tham quan, học tập các mô hình ngành nghề nông thôn trong và ngoài nước.

- Về thị trường, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm: Tiếp tục duy trì và củng cố các thị trường hiện có, mở rộng thị trường mới trong đó chú ý đến thị trường các thành phố lớn, các khu công nghiệp tập trung và đặc biệt là thị trường xuất khẩu trên cơ sở cải tiến và nâng cao chất lượng của sản phẩm có lợi thế của tỉnh, các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng trong tương lai. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các sản phẩm ngành nghề nông thôn của tỉnh.

- Về triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước: Tăng cường chức năng quản lý Nhà nước đối với ngành nghề nông thôn; triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước đã ban hành, đồng thời tiếp tục ban hành, sửa đổi các chính sách của tỉnh về khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn. Đầu tư cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường, nghiên cứu khoa học, hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, ưu đãi đầu tư…

- Về nguồn vốn: Tổng nguồn vốn để thực hiện quy hoạch là 683,1 tỷ đồng. Dự kiến: Giai đoạn 2006 - 2010 là 258,86 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 213,43 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 210,81 tỷ đồng. Nguồn vốn được huy động: Vốn ngân sách 136,6 tỷ đồng (20%); vốn vay tín dụng, chương trình là 239,1 tỷ đồng (35%); vốn tự có của doanh nghiệp, tập thể, hộ gia đình là 307,3 tỷ đồng (45%). Nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho phát triển ngành nghề nông thôn thực hiện theo Thông tư 113/2006/TT-BTC ngày 28/12/2006 của Bộ Tài chính. Thực hiện tốt chính sách huy động vốn để đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng cho vùng nguyên liệu tập trung, tăng năng suất, chất lượng để phục vụ cho các cơ sở chế biến đạt công suất thiết kế.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

- Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết;

- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XVI, kỳ họp thứ mười một thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2007.

 

 

CHỦ TỊCH




Ngô Đức Vượng