Nghị quyết 10/2011/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015
Số hiệu: | 10/2011/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hà Nam | Người ký: | Trần Xuân Lộc |
Ngày ban hành: | 15/07/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2011/NQ-HĐND |
Hà Nam, ngày 15 tháng 7 năm 2011 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 - 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
KHOÁ XVII, KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;
Sau khi xem xét báo cáo số 48/BC-UBND ngày 12/7/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí với Báo cáo số 48/BC-UBND ngày 12/7/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.
1. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực cố gắng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu, trong đó nhiều chỉ tiêu vượt ở mức cao. Nổi bật là: kinh tế tăng trưởng cao, GDP tăng bình quân trên 13,2% năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, nông thôn được đầu tư phát triển mạnh; các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ mới; đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng địa phương được tăng cường. Đây chính là tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới trong giai đoạn 2011- 2015 và những năm tiếp theo của tỉnh.
Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế còn nhỏ. Chưa thu hút được các Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp FDI có quy mô lớn của các nước công nghiệp phát triển vào đầu tư. Thu chi ngân sách còn mất cân đối. Sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, bảo vệ môi trường, chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có mặt còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
2. Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015
2.1. Phương hướng:
Tập trung huy động có hiệu quả các nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, bền vững. Phấn đấu đến năm 2015 đạt thu nhập bình quân đầu người bằng mức bình quân chung cả nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông thôn. Phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
2.2. Các chỉ tiêu chủ yếu:
- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân 13,5%/năm.
- Cơ cấu kinh tế đến năm 2015: Nông, lâm nghiệp: 13,2%.
Công nghiệp - Xây dựng: 54,8%. Dịch vụ: 32,0%.
- GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 41,9 triệu đồng.
- Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 17,8%/năm trở lên.
- Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 2,8%/năm.
- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 22,1%/năm trở lên.
- Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 12,8%/năm trở lên.
- Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 12,2%/năm.
- Giải quyết việc làm mới cho 75.000 lao động.
- Đến năm 2015, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 7,6‰, giảm tỷ lệ sinh: 0,12‰.
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đến năm 2015 giảm còn 15%.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo 1 - 1,2%/năm; đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo là 7,01% theo chuẩn mới.
- Tỷ lệ dân số thành thị được dùng nước sạch đạt 100%. Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 90%
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 55%, trong đó qua đào tạo nghề: 45%.
2.3. Một số nhiệm vụ và giải pháp chính:
2.3.1. Phát triển công nghiệp với tốc độ cao, bền vững trọng tâm là công nghiệp vật liệu xây dựng và công nghiệp trong các khu công nghiệp
Phấn đấu, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 22,1%/năm. Một số sản phẩm chủ yếu đến năm 2015: xi măng 10,5 triệu tấn, đá khai thác 9,5 triệu m3, bia nước giải khát 145 triệu lít, sữa 120 triệu lít, phôi thép 25 nghìn tấn…
Đẩy mạnh đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm TTCN, lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng vừa có năng lực, điều kiện đầu tư hạ tầng, vừa có khả năng thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp. Tích cực vận động thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ kỹ thuật cao vào tỉnh.
Tiếp tục phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng là ngành mũi nhọn, trong đó xi măng là sản phẩm chủ lực; khai thác có hiệu quả năng lực của các doanh nghiệp hiện có, thu hút đầu tư các doanh nghiệp sản xuất VLXD có công nghệ tiên tiến, khai thác VLXD theo quy hoạch và đảm bảo phát triển bền vững.
Củng cố và phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề, tạo thêm nhiều nghề mới, nhất là ngành nghề xuất khẩu.
Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của nhà đầu tư và nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
2.3.2. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới
Phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 2,8%/năm. Giữ ổn định sản lượng lương thực đạt trên 420 nghìn tấn/năm, trong đó lúa trên 390 nghìn tấn/năm; sản lượng thịt hơi xuất chuồng bình quân 73.560 tấn/năm; sản lượng thủy sản bình quân 23.810 tấn/năm.
Quy hoạch phát triển cây hàng hóa theo vùng, liên vùng (theo hướng chuyên canh và xuất khẩu). Mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao hàng hóa, các cây trồng vụ đông có giá trị kinh tế cao. Làm tốt công tác dồn điền đổi thửa để tạo điều kiện cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất.
Chuyển nhanh chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung kiểu công nghiệp, bán công nghiệp, gắn với xây dựng khu giết mổ tập trung và chợ nông sản.
Phát động mạnh mẽ cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Làm tốt công tác quy hoạch; khẩn trương lựa chọn và triển khai các lĩnh vực làm điểm ở các xã, thôn, làng. Huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ cho sản xuất và đời sống dân sinh. Phấn đấu đến 2015 có tối thiểu 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân của người nông dân tăng 1,3 lần so với bình quân thu nhập của khu vực nông thôn hiện nay.
2.3.3. Phát triển mạnh các ngành thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân
Phấn đấu tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 12,2%/năm; giá trị hàng hoá xuất khẩu tăng bình quân 12,8%/năm; doanh thu du lịch tăng 18 - 20%/năm.
Phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng phục vụ của các hoạt động dịch vụ. Chú trọng phát triển mạnh thị trường nội địa, nhất là nông thôn và khu vực xung quanh các khu, cụm công nghiệp, đô thị. Khuyến khích xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị; tập trung cải tạo, nâng cấp chợ ở đô thị và nông thôn.
Đẩy mạnh các dịch vụ du lịch, phát triển các điểm du lịch văn hóa, lịch sử, lễ hội, du lịch nhân văn, du lịch phi vật thể, xây dựng mạng lưới du lịch trong tỉnh, liên kết phát triển du lịch vùng. Tập trung đầu tư khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng Trại giam Nam Hà mới trong năm 2011. Mở rộng Quy hoạch Khu du lịch. Phối hợp tỉnh Ninh Bình, thành phố Hà Nội mở tuyến nối Tam Chúc - Ba Sao với khu du lịch Tràng An - Ninh Bình và Mỹ Đình - Hà Nội. Phấn đấu đến năm 2015 đưa vào khai thác sử dụng một số hạng mục chính.
2.3.4. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả
Phấn đấu đến 2015, 100% xã, phường, thị trấn có hồ sơ địa chính; 30% xã, phường, thị trấn có hồ sơ địa chính được chuẩn hóa theo cơ sở dữ liệu dạng số; 85% nước thải, 100% rác thải đô thị, rác thải y tế được thu gom xử lý; 90% rác thải nông thôn được thu gom (50% được xử lý đạt tiêu chuẩn).
Thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch về tài nguyên, khoáng sản và Đề án bảo vệ môi trường 2010 - 2015. Nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên - khoáng sản. Tăng cường thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường. Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
2.3.5. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, tập trung cho kết cấu hạ tầng giao thông
Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển giao thông vận tải đi trước một bước để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thành cải tạo, nâng cấp các tuyến QL1A, 38, 21B, đường vành đai thành phố Phủ Lý; cầu Châu Giang, cầu Phù Vân và các đường trục chính trong đô thị. Nâng cấp đường tỉnh đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng, đường huyện đạt tiêu chuẩn cấp V đồng bằng, hệ thống đường đến trung tâm các xã đạt tiêu chuẩn giao thông nông thôn cấp VI; cứng hóa mặt đường thôn xóm và đường chính ra đồng. Xây dựng các đường nối Hà Nam với Thái Bình – Nam Định – Hưng Yên; đường nối di tích lịch sử Đền Trần Hà Nam – Nam Định; nâng cấp đường liên tỉnh Hà Nam – Nam Định – Ninh Bình thành Quốc lộ. Đầu tư, nâng cấp các công trình dịch vụ giao thông vận tải.
2.3.6. Phát triển đô thị, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa
Tập trung đầu tư xây dựng Thành phố Phủ Lý đạt tiêu chuẩn đô thị loại 2 trước năm 2020. Hoàn chỉnh và trình Chính phủ phê duyệt Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Phủ Lý. Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại các công trình kết cấu hạ tầng của thành phố. Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án trung tâm hành chính mới của tỉnh tại khu đô thị Bắc Châu Giang.
Hoàn thành quy hoạch xây dựng thị xã Duy Hà, quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các thị trấn trên địa bàn tỉnh. Phát triển và hình thành các đô thị mới (loại V) trung tâm cấp tiểu vùng là các đô thị thuộc huyện. Phấn đấu đến 2015 tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn của tỉnh đạt 20%.
2.3.7. Nâng cao hiệu quả việc ứng dụng khoa học - công nghệ
Chú trọng đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ trong từng ngành, lĩnh vực. Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ môi trường.
2.3.8. Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa – xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao
Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực nhằm xây dựng nguồn nhân lực của tỉnh đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút các trường Đại học, Cao đẳng về đầu tư tại khu trung tâm đào tạo nguồn nhân lực. Nâng cấp trường Cao đẳng Sư phạm thành trường Đại học Hà Nam.
Giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS; chất lượng giáo dục phổ thông ở thứ hạng cao, trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc. Đến năm 2015: đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và phổ cập giáo dục trung học; có 60% trường mầm non, 100% trường tiểu học (trong đó có 30% đạt chuẩn mức 2), 60% trường THCS, 70% trường THPT đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%; phấn đấu hoàn thành chuyển đổi trường mần non bán công sang trường công lập.
Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Nâng cao y đức, chất lượng khám chữa bệnh và y tế dự phòng tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ và thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế. Tăng cường cán bộ y tế cho tuyến cơ sở. Phấn đấu đến 2015, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn 15%; tỷ lệ tử vong mẹ còn khoảng 0,6%o; Tỷ lệ giảm sinh hàng năm duy trì ở mức 0,12%o; Tỷ lệ trạm y tế xã, phường có bác sỹ đạt 85%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 96,5%.
Đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - thông tin, báo chí, thể dục thể thao phục vụ tích cực nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Tiếp tục thực hiện chương trình “phát triển toàn diện đời sống văn hoá cơ sở”, phát triển TDTT. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Phấn đấu đến 2015, 80% các thôn, làng, xã có nhà văn hoá; 100% huyện, thành phố có nhà văn hoá, thư viện, khu vui chơi giải trí; 87% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá; 80% thôn, làng giữ vững danh hiệu làng văn hoá; 24,5% dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; 21,5% số gia đình tập thể thao.
Thực hiện tốt việc xã hội hoá công tác đào tạo nghề, các chương trình quốc gia về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chính sách an sinh xã hội. Phấn đấu trong 5 năm giải quyết việc làm mới cho 75 nghìn người. Đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn 7,01% theo chuẩn mới, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề: 45%, đạt bình quân chung cả nước.
2.3.9. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế- xã hội với xây dựng thế trận khu vực phòng thủ tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về quốc phòng, an ninh cho toàn dân, phấn đấu đến năm 2015, 100% cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, phòng, ban của huyện và đầu ngành cấp xã được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh. 100% chỉ huy trưởng quân sự xã, phường thị trấn được đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở.
Giữ vững an ninh chính trị trong mọi tình huống. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tập trung đấu tranh trấn áp mạnh các ổ nhóm tội phạm và các loại tội phạm đang gây bức xúc trong nhân dân; giải quyết dứt điểm địa bàn trọng điểm về tội phạm và tệ nạn ma túy; kiềm chế, từng bước làm giảm tai nạn giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên địa bàn.
Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các lĩnh vực công chứng, tư vấn pháp luật, bán đấu giá tài sản.
Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, hạn chế đến mức thấp nhất vụ việc tồn đọng và khiếu kiện vượt cấp, đông người, không để phát sinh “điểm nóng”.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
- Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Hội đồng nhân dân tỉnh kêu gọi toàn thể cán bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang trong tỉnh phát huy kết quả đạt được trong 5 năm 2006 - 2010; nỗ lực phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam khoá XVII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 15 tháng 7 năm 2011./.
|
CHỦ TỊCH |