Nghị quyết 10/2003/NQ-HĐ13 thực hiện nhiệm vụ thay sách lớp 1 và lớp 6, chuẩn bị thay sách lớp 2 và lớp 7; thực hiện Quyết định 161/2002/QĐ-TTg về giáo dục mầm non; thực hiện chủ trương kiên cố hóa trường học do tỉnh Hải Dương ban hành
Số hiệu: | 10/2003/NQ-HĐ13 | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hải Dương | Người ký: | Lê Văn Dưỡng |
Ngày ban hành: | 24/07/2003 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giáo dục, đào tạo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2003/NQ-HĐ13 |
Hải Dương, ngày 24 tháng 07 năm 2003 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ THAY SÁCH LỚP 1 VÀ LỚP 6, CHUẨN BỊ THAY SÁCH LỚP 2 VÀ LỚP 7; TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 161/2002/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ GIÁO DỤC MẦM NON; THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG KIÊN CỐ HÓA TRƯỜNG HỌC
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
KHÓA XIII KỲ HỌP THỨ 9
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
Căn cứ Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND và UBND ở mỗi cấp ngày 3/7/1996 và Quy chế hoạt động của HĐND các cấp ngày 25/6/1996;
Căn cứ Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội;
Sau khi xem xét báo cáo số 35/BC-UB ngày 11/7/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo thuyết trình của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ
A. Thông qua báo cáo số 35/BC-UB ngày 11/7/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện nhiệm vụ thay sách lớp 1 và lớp 6, chuẩn bị thay sách lớp 2 và lớp 7; triển khai thực hiện Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Giáo dục Mầm non và thực hiện chủ trương kiên cố hóa trường học.
B. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh và quyết định một số chủ trương, giải pháp cơ bản sau đây:
I. ĐÁNH GIÁ MỘT SỐ TÌNH HÌNH:
1. Thực hiện nhiệm vụ thay sách lớp 1 và lớp 6, chuẩn bị thay sách lớp 2 và lớp 7 là một trong những nhiệm vụ cơ bản đổi mới giáo dục phổ thông. Công tác tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện tích cực và đạt được kết quả bước đầu, nhất là về bố trí đội ngũ giáo viên; bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học; mua sắm trang thiết bị dạy học.v.v.
Tuy nhiên, còn một số hạn chế là: thiếu nhiều giáo viên các bộ môn năng khiếu; một bộ phận giáo viên cao tuổi, trình độ năng lực hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Tiến độ xây dựng các trường chuẩn quốc gia còn chậm, tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày còn quá thấp.
2. Về triển khai thực hiện Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Giáo dục Mầm non, Hải Dương đã có nhiều biện pháp tích cực phát triển giáo dục mầm non, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tổ chức đào tạo chuẩn hóa và nâng chuẩn giáo viên mầm non; tỷ lệ huy động trẻ các độ tuổi của bậc học mầm non vào lớp học vượt yêu cầu; thực hiện chính sách trợ cấp hàng tháng cho cán bộ, giáo viên mầm non ngoài biên chế.v.v.
Mặc dù giáo dục mầm non của tỉnh ta phát triển mạnh về quy mô, số lượng, nhưng còn nhiều khó khăn, yếu kém; còn nặng tâm lý bao cấp; các cơ sở giáo dục mầm non chưa đa dạng, mô hình giáo dục mầm non dân lập, tư thục phát triển chậm; cơ sở vật chất nghèo nàn; đội ngũ giáo viên trong biên chế phân bố không hợp lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên ngoài biên chế còn hạn chế, tỷ lệ giáo viên mầm non đạt trình độ chuẩn thấp hơn bình quân chung của cả nước.
3. Về thực hiện chủ trương kiên cố hóa trường học, lớp học, bước đầu đã đạt được kết quả tích cực. Tỷ lệ phòng học kiên cố của từng bậc học được nâng lên so với trước, trong đó số phòng được làm mới, sửa chữa, cải tạo ngày càng tăng.
Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp, ngân sách tỉnh mới đầu tư xây dựng các trường Trung học phổ thông và chuyên nghiệp. Việc xây dựng cơ sở vật chất của các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở phân cấp cho xã, phường, thị trấn đảm nhiệm (mặc dù trước đây tỉnh đã hỗ trợ mỗi phòng học xây dựng mới 5 triệu đồng/phòng và từ năm 2003 nâng mức hỗ trợ lên 25 triệu đồng/phòng) nhưng do các xã, phường còn quá khó khăn về kinh phí nên tỷ lệ phòng học kiên cố của bậc mầm non và giáo dục thường xuyên còn quá thấp.
II. MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG VÀ GIẢI PHÁP:
1. Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng chính sách hỗ trợ các Trường xây dựng trường chuẩn quốc gia; xây dựng phòng học 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học. Rà soát, phân loại đội ngũ giáo viên, bố trí đủ giáo viên đạt chuẩn đào tạo ở tất cả các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và Bổ túc trung học phổ thông. Những giáo viên có trình độ đào tạo dưới chuẩn, nếu đủ điều kiện đào tạo thì cử đi học để chuẩn hóa; nếu không đủ điều kiện thì bố trí việc khác, để đến năm 2005 không còn giáo viên không đủ năng lực được dạy học ở Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên. Bổ sung kinh phí để mua thiết bị dạy học theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, dân lập.
- Chuyển các Trường mầm non công lập ở thành phố, thị trấn thành trường bán công để mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 trường mầm non bán công.
- Thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng trường mầm non như các trường Tiểu học và Trung học cơ sở; hỗ trợ thêm cho các địa phương xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu đến năm 2005 có 20%, năm 2010 có 50% các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng mới trường mầm non bán công tại 4 thị trấn huyện chưa có trường: Bình Giang, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Thanh Hà.
- Bổ nhiệm đủ Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường mầm non theo phân hạng trường, trong đó những người đủ điều kiện đều được tuyển dụng vào biên chế. Điều chỉnh mức học phí của nhà trẻ, mẫu giáo để nâng mức thu nhập của giáo viên mầm non ngoài biên chế tối thiểu 290.000 đồng/tháng.
- Nâng tỷ lệ chi ngân sách giáo dục hàng năm cho bậc học mầm non từ 5% lên 10%, trong đó mức hỗ trợ cho hoạt động nghiệp vụ và mua sắm đồ dùng, đồ chơi của các trường bán công nông thôn từ 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng. Giáo viên ngoài biên chế đi học bồi dưỡng chuẩn hóa hoặc nâng cao trình độ được hỗ trợ 10.000 đồng/ngày.
3. Thực hiện nâng mức hỗ trợ xây dựng các phòng học bộ môn (âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ, tin học, thực nghiệm.v.v.) theo yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học; hỗ trợ xây dựng phòng học kiên cố mới của giáo dục mầm non và giáo dục thường xuyên như mức hỗ trợ xây dựng phòng học của Tiểu học và Trung học cơ sở.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh, tổ chức chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện các nhiệm vụ về giáo dục đạt kết quả tốt.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XIII kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 24 tháng 7 năm 2003.
Nơi nhận: |
TM. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH |
Quyết định 161/2002/QĐ-TTG về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non Ban hành: 15/11/2002 | Cập nhật: 27/10/2011