Nghị quyết số 10/2001/NQ-HĐ về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của thủ đô năm 2001 HĐND thành phố hà nội khóa XII, kỳ họp thứ 4, từ ngày 03 đến ngày 04/01/2001) do Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: 10/2001/NQ-HĐ Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Trần Văn Tuấn
Ngày ban hành: 04/01/2001 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Quốc phòng, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/2001/NQ-HĐ

Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2001 

 

 NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI, AN NINH QUỐC PHÒNG CỦA THỦ ĐÔ NĂM 2001
(HĐND Thành phố Hà Nội Khóa XII, Kỳ họp thứ 4, từ ngày 03 đến ngày 04/01/2001)

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (Sửa đổi);
Căn cứ Báo cáo của UBND thành phố về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2000 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2001;
Sau khi nghe ý kiến của Ủy ban MTTQ Thành phố, ý kiến cử tri, Thuyết trình của các Ban, ý kiến của các Đại biểu HĐND thành phố
;

QUYẾT NGHỊ:

Tán thành báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của thành phố năm 2000; phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp của năm 2001.

Hội đồng nhân dân Thành phố nhấn mạnh một số yêu cầu, nhiệm vụ sau:

I. VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA HĐND THÀNH PHỐ NĂM 2000:

Năm 2000, các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thực hiện có kết quả Nghị quyết của HĐND Thành phố về nhiệm vụ kinh xã hội, an ninh quốc phòng và thu chi ngân sách. Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng và phát triển toàn diện ở tất cả các ngành. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 9,14% so với năm 1999. Giá trị sản xuất công nghiệp, nông - lâm - thủy sản, dịch vụ và kim ngạch xuất khẩu đều tăng và vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra; tổng thu ngân sách trên địa bàn vượt dự toán Chính phủ giao. Văn hóa, xã hội có chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện. Quản lý đô thị, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính có tiến bộ. An ninh chính trị, quốc phòng được giữ vững, trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo. Đã tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa và lễ hội kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội và các ngày lễ lớn trong năm, dấy lên phong trào thi đua sâu rộng và đạt hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội, để lại ấn tượng sâu sắc trong nhân dân thủ đô, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

Đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố thời kỳ 2001 - 2002; xây dựng quy hoạch kinh tế - xã hội 12 quận, huyện và nhiều quy hoạch chuyên ngành. Phê duyệt và công bố quy hoạch chi tiết cho 9 quận, huyện. Tình hình cấp nước sạch được cải thiện, giải quyết 9 điểm úng ngập cục bộ. Triển khai tích cực các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật như các đường vành đai, cải tạo chỉnh trang đê sông Hồng, các tuyến đường và nút giao thông quan trọng, kè hồ chống lấn chiếm. Tăng công tác đắp đê, làm kè; xây dựng mới 450.000 m2 nhà ở.

Văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội, thể dục thể thao có nhiều chuyển biến tốt: Tiếp tục duy trì phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở. Số trẻ 5 tuổi đến lớp đạt 98,8%. Học sinh bậc tiểu học đến lớp đạt 99,8%, số học sinh được học 2 buổi/ngày đạt 49%. Làm tốt công tác phòng bệnh, nâng dần chất lượng điều trị. Hoạt động thể dục thể thao quần chúng có tiến bộ. Hoàn thành kế hoạch tạo thêm 5,5 vạn việc làm mới, đào tạo nghề cho 5,2 vạn lao động. Hoạt động văn hóa, thông tin phát triển; Nghị quyết của HĐND về phòng chống ma túy tiếp tục được triển khai sâu rộng. Cuộc vận động ủng hộ nhân dân vùng bão lụt đạt kết quả tốt.

Tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội có tiến bộ. Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng và công tác quân sự địa phương. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã triển khai có hiệu quả các chương trình quốc gia phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh và an toàn xã hội phát triển.

Năm 2000, thành phố đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý "Thủ đô Anh hùng".

Đạt được những thành tựu và kết quả trên, HĐND thành phố khẳng định sự cố gắng, phấn đấu nỗ lực của nhân dân Thủ đô, của các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng dưới sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương, sự lãnh đạo của Thành ủy, chỉ đạo thực hiện của UBND Thành phố.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được còn những yếu kém, khuyết điểm đáng chú ý là: Công nghiệp phát triển không đồng đều giữa các thành phần kinh tế; hiệu quả sử dụng vốn và khai thác các khu công nghiệp tập trung còn thấp; Đầu tư nước ngoài giảm mạnh; Cổ phần hóa DNNN không đạt kế hoạch; Hoạt động của các HTX sau chuyển đổi còn khó khăn; Công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo Nghị định 64/CP, 60/CP còn chậm; Quản lý đô thị, nhất là quản lý trật tự xây dựng đô thị vẫn còn nhiều bất cập; GPMB chậm và còn nhiều khó khăn; Tình trạng ách tắc giao thông, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, xây dựng không phép, trái phép, vi phạm hành lang an toàn lưới điện... vẫn còn khá phổ biến. Vệ sinh môi trường nhất là ở các khu phố, chợ chưa đảm bảo; vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề bức xúc; bộ máy quản lý nhà nước địa phương chưa thực sự năng động, hoạt động còn kém hiệu quả.

II. NHIỆM VỤ NĂM 2001:  

Kế hoạch năm 2001 có vị trí rất quan trọng, là năm đầu bước vào thế kỷ 21, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIII, kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm thời kỳ 2001 - 2010 của Thành phố Hà Nội.

Mục tiêu tổng quát của kế hoạch năm 2001: Đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH, tiếp tục khắc phục những yếu kém tồn tại; khai thác mọi tiềm năng và nguồn lực của Thủ đô để tạo bước phát triển vững chắc, tăng trưởng cao, tăng sức cạnh tranh về kinh tế; đẩy nhanh tốc độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch; tăng cường quản lý và giải quyết các vấn đề bức xúc về: giao thông, môi trường, nhà ở, trật tự xây dựng đô thị; đẩy mạnh áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin. Coi trọng và phát huy nhân tố con người Thủ đô, chăm lo giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vững mạnh.

A/ Các chỉ tiêu chủ yếu (so với năm 2000):

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng                       10,0 - 11,0%

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng                                15,0 - 16,0%

- Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - Thủy sản tăng     3,5 - 4,5%

- Giá trị các ngành dịch vụ tăng                                     9,0 - 9,5%

- Kim ngạch XK trên địa bàn tăng                                  17%

- Mức giảm tỷ lệ sinh                                                       0,02%

- Giải quyết việc làm                                                       58.000 người.

- Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2001 (theo chuẩn mới)                   6,3%.

- Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cuối năm 2001                16,7%.

- Tổng diện tích nhà ở xây mới                                                500.000 m2.

B/ Nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu:   

HĐND tán thành những nhiệm vụ kinh tế - xã hội và các giải pháp do UBND Thành phố trình bày, nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu sau:

1. Về phát triển kinh tế:

- Tập trung đầu tư xây dựng mới một số cơ sở sản xuất công nghiệp; Phát triển ngành công nghiệp trọng điểm: Điển tử - Tin học, Cơ - Kim khí, Dệt - May, Chế biến thực phẩm, Công nghiệp sản xuất vật liệu mới; Triển khai xây dựng khu công nghiệp phần mềm. Đưa nhanh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ vào sản xuất - kinh doanh; tạo lập thị trường công nghệ; phát triển công nghệ cao, tập trung vào các công nghệ như: công nghệ thông tin, sinh học, cơ khí, tự động hóa, vật liệu mới. Khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống thu hút nhiều lao động và tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường; kiên quyết chống hàng giả và hàng nhái. Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung mới xây dựng; cải tạo, chuyển đổi các khu công nghiệp cũ trong nội thành.

- Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp đô thị; tăng đầu tư cho nông thôn ngoại thành; Hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, công nghệ cao. Tiếp tục chương trình cứng hóa kênh mương, cấp nước sạch nông thôn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án cải tạo và nâng cấp hệ thống điện nông thôn; phòng chống lụt bão an toàn.

- Từng bước xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu hàng hóa; nâng cấp hệ thống bán lẻ. Triển khai thành lập Trung tâm xúc tiến thương mại và chuyển giao công nghệ của Thành phố, nghiên cứu xây dựng trung tâm thương mại ở nước ngoài. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch; từng bước xã hội hóa các hoạt động dịch vụ.

- Tiếp tục sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước. Thực hiện cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê 20 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó cổ phần hóa 15 doanh nghiệp Nhà nước; xử lý dứt điểm các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ kéo dài; củng cố các doanh nghiệp công ích kết hợp với xã hội hóa hoạt động công ích; Tích cực triển khai thực hiện Luật doanh nghiệp; Củng cố, kiện toàn các HTX nông nghiệp, phi nông nghiệp sau chuyển đổi; chuyển dần các HTX nông nghiệp trong nội thành sang HTX phi nông nghiệp; Khuyến khích các loại hình doanh nghiệp, hộ gia đình tăng cường đầu tư vốn để phát triển kinh tế.

2. Về đô thị:

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng và quản lý đô thị. Triển khai xây dựng và phê duyệt hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị của các Quận, Huyện; Triển khai xây dựng một số tuyến đường và nút giao thông quan trọng theo quy hoạch; phân luồng tổ chức lại hệ thống giao thông; Hạn chế và ngừng một số loại phương tiện giao thông gây cản trở hoặc không đảm bảo an toàn giao thông đô thị; Phát triển vận tải hành khách công cộng, nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng lên 8% nhu cầu đi lại của nhân dân.

- Tiếp tục Chương trình chống thất thoát và thất thu nước sạch, hạ tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch xuống dưới 48% (giảm 4% so với năm 2000). Tập trung xử lý úng ngập cục bộ. Giải quyết tốt công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt. Kiên quyết giải tỏa 2 xóm liều Thanh Nhàn, Thành Công. Vận động toàn dân tham gia phong trào giữ gìn sạch đẹp đường phố, nơi ở và nơi công cộng.

- Tập trung xử lý, cải tạo một số khu chung cư cũ, nhà lún nứt, nguy hiểm và xây nhà để bán, chú ý giải quyết vấn đề nhà ở cho người nghèo và sinh viên; Tích cực giải quyết chế độ nhà ở cho các đối tượng chính sách theo đúng các đối tượng và thời gian quy định trong Quyết định 20/2000/QĐ-TTg của Chính phủ. Xây mới 500.000 m2 nhà ở. Tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân xây nhà ở theo đúng quy hoạch và các quy định hiện hành. Kết hợp chương trình phát triển nhà ở với việc GPMB và xây dựng các khu tái định cư, dãn dân phố cổ.

- Tập trung lực lượng và các biện pháp đồng bộ để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Cấp 35.000 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở đô thị theo Nghị định 60/CP; hoàn thành công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP, giao đất lâm nghiệp theo Nghị định 163/NĐ-CP của Chính phủ; Từng bước giải tỏa, thu hồi các khu đất bị lấn chiếm trái phép, các diện tích đất sử dụng sai quy định. Đẩy mạnh công tác cho thuê đất, thu thuế đất và bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê.

- Thông qua tờ trình của UBND Thành phố về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất năm 2001. Năm 2001 sẽ sử dụng 1100 ha cho các mục đích sau: Đất ở nông thôn 25 ha; đất ở đô thị 395 ha; đất xây dựng 306 ha; đất giao thông 165 ha; đất thủy lợi 170 ha; đất dùng cho an ninh -  quốc phòng 15 ha; đất chuyên dùng khác 20 ha và đất nghĩa địa 4 ha. Trong giai đoạn 2001 - 2005 sẽ chuyển mục đích sử dụng 5208 ha đất nông nghiệp và khai thác 282 ha đất hiện nay chưa sử dụng để chuyển thành đất chuyên dùng và đất ở.  

3. Về văn hóa - xã hội:

- HĐND Thành phố nhất trí lấy năm 2001 lạ năm "Gia đình và trẻ em Hà Nội". Tăng đầu tư ngân sách cho các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tổ chức tháng hành động Vì trẻ em; vận động mỗi người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn Thủ đô đóng góp ít nhất 2000 đồng để đầu tư khu thể chất 12 trường Tiểu học các quận, huyện; sử dụng Quỹ lao động công ích của thành phố để xây dựng một hạng mục vui chơi giải trí cho trẻ em tại công viên Lê Nin, Quỹ lao động công ích của các Quận, Huyện, phường, xã ưu tiên để xây dựng công trình dành cho trẻ em.

- Thực hiện pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích năm 2001 trên địa bàn thành phố với tổng quỹ ngày công là 2.834.075 ngày công được phân bổ như sau: Cấp thành phố điều hành 10%; cấp quận, huyện điều hành 20%; cấp phường, xã, thị trấn điều hành 70%. Mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ lao động công ích có trách nhiệm thi hành nghiêm túc quyết định huy động nghĩa vụ lao động công ích của cấp có thẩm quyền. Trường hợp không thể trực tiếp đi lao động thì đóng góp bằng tiền theo mức: Khu vực nội thành 6.000 đ/ngày công, khu vực ngoại thành 4.000 đ/ngày công.

- Duy trì kết quả phổ cập tiểu học và THCS; từng bước phổ cập PTTH. Xóa bỏ 350 phòng học cấp 4 tại các trường tiểu học và trung học cơ sở; xây 10 trường mới; Có kế hoạch củng cố, mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới đào tạo nghề; cải tạo, mở rộng 3 trường dạy nghề trong năm 2001; Tiếp tục cuộc vận động xây dựng "Người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại"; Quản lý chặt chẽ các hoạt động văn hóa trên địa bàn; Xác định danh mục các công trình hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Tăng cường giường bệnh cho một số bệnh viện; Tăng cường kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm; Chủ động khống chế và kiểm soát dịch bệnh; nâng cao năng lực quản lý, điều hành, lồng ghép các chương trình y tế. Xây dựng phong trào TDTT quần chúng, chuẩn bị tốt cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV, khẩn chương triển khai các dự án phục vụ đăng cai Seagames 2003.

- Triển khai luật phòng chống ma túy, công nghệ hoàn chỉnh về cai nghiện, xây mới trung tâm cai nghiện ma túy trọng điểm; đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; Giải quyết cơ bản tình trạng trẻ em lang thang.

4. Về an ninh, quốc phòng:

Coi trọng việc tuyên truyền, giáo dục nhiệm vụ quốc phòng; quan tâm xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, giữ vững ổn định để Thủ đô phát triển. Hoàn thành nhiệm vụ tuyển quân, làm tốt công tác động viên, huấn luyện quân dự bị và dân quân, tự vệ. Phối hợp các lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm, giảm các vụ trọng án. Điều tra, xét xử kịp thời và nghiêm minh đối với các vụ án tham nhũng, buôn lậu, ma túy, mại dâm; tổ chức thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật. Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, trị an và làm tốt công tác nắm và xử lý thông tin về tội phạm.

5. Về cải cách hành chính, xây dựng chính quyền và phong trào quần chúng:

- Kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính các cấp. Phân công, phân cấp rõ ràng giữa các cấp , các ngành. Chấn chỉnh tác phong lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Tập trung cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, GPMB, cấp phép, quản lý đất và nhà ... cho các Quận, Huyện. Thí điểm thực hiện khoán quỹ lương hành chính.  

- Tăng cường công tác giám sát kiểm tra của HĐND. Thực hiện tốt Pháp lệnh chống tham nhũng và Luật khiếu lại, tố cáo; Phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, nhân dân tổ chức chỉ đạo tốt việc thực hiện quy chế dân chủ ở phường, xã, thị trấn; trong cơ quan hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp.

Hội đồng nhân dân thành phố kêu gọi công dân, nông dân, trí thức, nhân dân và các lực lượng vũ trang thủ đô, các cấp, các ngành nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng năm 2001.

 

 

TM/ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH



Trần Văn Tuấn