Nghị quyết 09/2014/NQ-HĐND thông qua đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Số hiệu: 09/2014/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Nguyễn Ngọc Thiện
Ngày ban hành: 24/10/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2014/NQ-HĐND

Thừa Thiên Huế, ngày 24 tháng 10 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA VI, KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ NHẤT

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ;

Căn cứ Quyết định số 86/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam theo vùng lãnh thổ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035;

Căn cứ Quyết định số 2836/QĐ-BCT ngày 06 tháng 5 năm 2013 của Bộ Công Thương về phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm miền trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Sau khi xem xét Tờ trình số 5266/TTr-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc xin thông qua đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; ý kiến tham gia của Bộ Công Thương; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành và thông qua đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm

Phát triển công nghiệp bền vững theo hướng phát triển kinh tế xanh dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn nhân lực chất lượng cao và liên kết các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh; ngành công nghiệp chủ lực chi phối tạo sự tăng trưởng mạnh về phát triển công nghiệp và xuất khẩu; ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước; tăng dần các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

2. Mục tiêu

- Điều chỉnh tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) như sau:

+ Giai đoạn đến năm 2020: tăng 14,0 - 14,5%;

+ Giai đoạn năm 2021 - 2030: tăng 14,5 - 15,0%.

- Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp (VA):

+ Giai đoạn đến năm 2020: tăng 12,1%;

+ Giai đoạn năm 2021 - 2030: tăng 12,7%.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP

1. Lựa chọn các ngành công nghiệp chủ lực ưu tiên phát triển

a) Giai đoạn đến năm 2020:

- Ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy hải sản, thực phẩm và đồ uống;

- Ngành công nghiệp dệt may và công nghiệp hỗ trợ dệt may;

- Ngành công nghiệp điện, điện tử, công nghệ thông tin;

- Ngành khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng (nguồn nguyên liệu tại chỗ; phát triển theo hướng tăng cường hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu và bảo vệ môi trường);

- Ngành tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch và tiêu dùng.

b) Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030:

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ sạch, công nghệ cao và thân thiện môi trường như: công nghiệp tin học, phần mềm, điện - điện tử; công nghiệp chế biến sâu nông, thủy sản, thực phẩm, đồ uống; công nghiệp dược, thiết bị y tế; công nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng; công nghiệp hỗ trợ cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung...

2. Danh mục các sản phẩm chủ yếu cần ưu tiên phát triển

a) Giai đoạn đến năm 2020:

- Sản phẩm thực phẩm, đồ uống: Ưu tiên phát triển sản phẩm bia, nước giải khát không cồn.

- Phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ cho ngành dệt may (chỉ khâu, cúc, dây kéo, tấm lót, khung, go...); các sản phẩm may thời trang.

- Sản phẩm của ngành công nghiệp điện, điện tử, tin học và công nghệ cao: Ưu tiên sản xuất linh kiện điện tử cơ bản cho các nhà máy thuộc ngành công nghiệp chế tạo sản phẩm tiêu dùng; công nghiệp hỗ trợ điện - điện tử; sản xuất, lắp ráp hàng điện tử; lắp ráp máy tính; gia công phần mềm tin học; các sản phẩm công nghệ cao.

- Sản phẩm của công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản: Ưu tiên phát triển sản xuất sản phẩm ngành công nghiệp silicat có hàm lượng công nghệ cao; sản xuất gốm sứ kỹ thuật cao; chế biến sâu titan.

- Phát triển sản xuất các sản phẩm dược phẩm, hóa mỹ phẩm và sản xuất tá dược, thiết bị ngành y tế.

- Phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng, hàng lưu niệm phục vụ du lịch.

b) Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030:

- Ưu tiên phát triển sản phẩm thực phẩm, đồ uống: bia, nước giải khát; thủy hải sản, nông sản đóng hộp chất lượng, giá trị gia tăng cao.

- Phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của vùng; công nghiệp hỗ trợ dệt may, sản phẩm may thời trang, xây dựng trung tâm thiết kế thời trang.

- Phát triển các sản phẩm công nghệ cao, điện, điện tử, tin học.

- Đầu tư sản xuất các sản phẩm dược phẩm cao cấp, hóa mỹ phẩm và sản xuất tá dược; thiết bị y tế.

- Sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao, sản phẩm mỹ thuật và trang trí nội thất.

- Phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học; ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

3. Điều chỉnh quy hoạch các ngành công nghiệp chủ yếu theo thứ tự ưu tiên:

a) Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, đồ uống: Bổ sung ngành chế biến bột giấy với điều kiện công nghệ hiện đại có xuất xứ từ các nước phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất và có quy mô đủ lớn để có điều kiện xử lý môi trường.

b) Công nghiệp dệt may, da giày: Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành trung tâm dệt may của miền Trung và cả nước. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ ngành dệt may; phát triển ngành công nghiệp thời trang; phát triển hoàn thiện liên kết chuỗi sản phẩm sợi - dệt - nhuộm sản phẩm may mặc để thụ hưởng các chính sách xuất nhập khẩu từ các hiệp định thương mại tự do, với điều kiện có quy mô đầu tư phù hợp, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và cảnh quan.

c) Công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin: Đầu tư phát triển các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao; phát triển công nghiệp phần mềm, điện tử tin học.

d) Công nghiệp hóa chất và dược phẩm: Khuyến khích phát triển sản xuất dược phẩm, dược liệu; công nghiệp hỗ trợ cho ngành hóa chất, bao bì, sơn cao cấp,...

e) Công nghiệp sản xuất, phân phối điện: Khuyến khích phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo để khai thác tiềm năng, lợi thế ở những nơi có điều kiện. Xem xét phát triển nhiệt điện khi có điều kiện thuận lợi về nguồn khí dầu mỏ hóa lỏng (không đầu tư nhiệt điện từ than đá).

g) Công nghiệp cơ khí và luyện kim: Ưu tiên phát triển cơ khí chính xác, cơ khí sản xuất linh kiện phụ trợ, lắp ráp ô tô; máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; thiết bị y tế.

h) Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản: Tập trung khai thác chế biến silicat (cát thạch anh, titan, cao lanh,...) theo hướng chế biến sâu.

i) Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Chú trọng phát triển sản xuất các loại vật liệu xây dựng: gạch ceramic, đá ốp lát, vật liệu trang trí nội thất, phát triển gạch không nung, bê tông nhẹ.

4. Định hướng phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp:

a) Khu Kinh tế:

- Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: Đầu tư phát triển khu công nghiệp và khu dịch vụ hậu cần cảng quy mô 540ha và khu công nghệ cao trong khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô quy mô 400ha, nhằm bố trí các nhà máy sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học. Sau năm 2020, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô phấn đấu trở thành vùng công nghiệp lõi của tỉnh.

- Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt: Phát triển khu công nghiệp Hương Lâm quy mô 140ha, tập trung các ngành nghề chế biến nông lâm sản, khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may - da giày và các loại hình công nghiệp khác.

b) Khu công nghiệp: Hình thành các khu công nghiệp chức năng chính:

- Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn 1, 2, 3 và 4: Đầu tư các ngành kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ, cơ khí lắp ráp ô tô xe máy, nước giải khát; công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ cho ngành dệt may,...

- Khu công nghiệp Tứ Hạ: Ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện, điện tử, dệt may, da giày, cơ khí; không phát triển thêm ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không phù hợp với khu vực lân cận đô thị và có nguy cơ ô nhiễm môi trường.

- Khu công nghiệp Phong Điền: Ưu tiên các ngành gắn với vùng nguyên liệu silicat; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông lâm sản; công nghiệp dệt - nhuộm - may, công nghiệp may thời trang, công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ cho ngành dệt may. Riêng khu B và khu B mở rộng (147ha) dành riêng cho ngành công nghiệp chế biến cát thạch anh, silicat.

- Khu công nghiệp La Sơn: Các ngành công nghiệp chế biến khoáng sản (titan, zircon,...), lâm sản (các sản phẩm chế biến từ gỗ), cơ khí chế tạo, điện tử,...

- Khu công nghiệp Quảng Vinh: Các ngành chế biến thủy sản, nông sản; công nghiệp dệt - nhuộm - may, công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ dệt may; sản xuất nông ngư cụ.

- Khu công nghiệp Phú Đa: Chế biến thức ăn nuôi trồng thủy hải sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm; chế biến thủy hải sản, nông sản; may mặc, công nghiệp điện tử, sản phẩm điện gia dụng và các ngành công nghiệp khác

c) Cụm công nghiệp:

Phát triển cụm công nghiệp chủ yếu nhằm phục vụ nhu cầu di dời các cơ sở sản xuất xen lẫn trong khu vực dân cư và các dự án đầu tư sản xuất các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống và các dự án có quy mô nhỏ.

III. NHU CẦU VỀ VỐN CHO PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP

Dự ước tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2014-2020: 27.996 tỷ đồng, trong đó:

- Vốn ngân sách nhà nước: 560 tỷ (chiếm 2%) chủ yếu đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Vốn doanh nghiệp và vốn vay tín dụng (chiếm 23%): 6.439 tỷ đồng.

- Vốn liên doanh, liên kết và vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 75%): 20.997 tỷ đồng.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Hoàn thiện cơ chế chính sách và cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp gắn liền tăng trưởng bền vững

- Tập trung triển khai công tác quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh là cơ sở quan trọng cho các cấp, các ngành, doanh nghiệp định hướng phát triển. Tạo dựng sản phẩm chủ đạo, làm hạt nhân thúc đẩy phát triển và làm cơ sở cho phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng quy hoạch lĩnh vực, sản phẩm, định hướng cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

- Tranh thủ nguồn vốn từ ngân sách trung ương, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách tỉnh để đến năm 2020 cơ bản đầu tư hoàn thành hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào và hệ thống xử lý nước thải các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; trước mắt tập trung đầu tư hoàn chỉnh cho các khu công nghiệp đã có hạ tầng (Khu công nghiệp Phú Bài, Tứ Hạ, Phong Điền, La Sơn).

- Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng xã hội với phát triển công nghiệp. Xây dựng chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển công nghiệp sạch, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, ưu tiên các dự án chế biến sâu, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và thân thiện môi trường.

2. Giải pháp về vốn và hợp tác phát triển, liên kết vùng

- Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, phát huy các nguồn nội lực, đồng thời tạo mọi điều kiện để tranh thủ các nguồn vốn từ bên ngoài. Tranh thủ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các nguồn vốn vay ODA, các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển công nghiệp;

- Tăng cường hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Liên doanh, liên kết cùng triển khai các dự án phát triển các mặt hàng công nghiệp theo chuỗi để tạo ra giá trị gia tăng và phù hợp thế mạnh của từng địa phương.

3. Giải pháp về xúc tiến đầu tư và phát triển thị trường

Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư. Tổ chức hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, đúng đối tượng, trọng tâm, trọng điểm để thu hút nguồn vốn trong dân, doanh nghiệp nội địa, đầu tư nước ngoài. Tăng cường thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên dự án quy mô lớn nhằm tạo sự đột phá là hạt nhân tăng trưởng, chọn lọc các dự án có tính liên kết vùng, các dự án có tỷ lệ nội địa cao và chiếm tỷ trọng lớn về xuất khẩu.

4. Giải pháp về khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn từ các nước phát triển.

- Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong phát triển công nghiệp; thực hiện chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư. Đối với các ngành sản xuất mới bổ sung vào quy hoạch như dệt nhuộm, nhà máy nhiệt điện, sản xuất giấy và bột giấy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao phải lựa chọn công nghệ xử lý môi trường tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Không cấp phép đầu tư đối với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

5. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực

Xây dựng, triển khai chiến lược, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp các ngành công nghiệp ưu tiên. Phát triển thị trường lao động và dịch vụ giới thiệu việc làm, đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, chuẩn hóa chất lượng đào tạo nghề theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc tế.

6. Giải pháp phát triển ngành công nghiệp chủ lực

Quy hoạch phát triển các ngành, hàng sản phẩm quan trọng (sản xuất thực phẩm, đồ uống; dệt may; điện - điện tử gia dụng; công nghệ thông tin; sản phẩm công nghệ cao từ silicat). Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn; nâng cao chất lượng sản phẩm cung cấp thị trường trong nước, phát triển thị trường nội địa, tăng dần các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu.

7. Giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ, liên kết phát triển chuỗi sản phẩm và phát triển vùng nguyên liệu

Xây dựng quy hoạch cho các ngành công nghiệp chủ lực, sản phẩm công nghiệp chủ lực để định hướng sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; Xác định các sản phẩm chủ đạo, nổi trội để làm cơ sở cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Liên doanh, liên kết cùng triển khai dự án để phát triển chuỗi sản phẩm ngành công nghiệp nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao. Tăng cường đầu tư phát triển vùng nguyên liệu đã quy hoạch trong tỉnh và liên kết sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu của các tỉnh trong khu vực.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua và thay thế Nghị quyết số 6a/2008/NQCĐ/HĐND ngày 04 tháng 4 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Điều 3. Tổ chức thực hiện:

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VI kỳ họp bất thường lần thứ nhất thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- UBTV Quốc hội, Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu QH;
- Các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Thường vụ Tỉnh ủy; Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- CT, PCT, UVTT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các vị đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thị xã và Tp Huế;
- Công báo tỉnh;
- VP: LĐ và các CV;
- Lưu: VT, LT. D.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện