Nghị quyết 09/2009/NQ-HĐND thông qua Đề án Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông khóa I, kỳ họp thứ 12 ban hành
Số hiệu: 09/2009/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông Người ký: K’ Beo
Ngày ban hành: 23/07/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 09/2009/NQ-HĐND

Gia Nghĩa, ngày 23 tháng 7 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN “QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020”

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG
KHÓA I, KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20/3/1996; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản số 46/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản; Nghị định số 07/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ;
Theo đề nghị của UBND tỉnh Đăk Nông tại Tờ trình số 1335/TTr-UBND ngày 09 tháng 6 năm 2009 “Về việc đề nghị thông qua Đề án Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”;
Sau khi nghe Báo cáo thẩm tra số 16/BC-KTNS ngày 20 tháng 7 năm 2009 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông và ý kiến của các đại biểu tham dự kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Đề án Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 (có Quy hoạch kèm theo).

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho Hội đồng nhân dân tỉnh.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông khóa I, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 23 tháng 7 năm 2009./.

 

 

CHỦ TỊCH




K’Beo

 

TÓM TẮT

QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 09/2009/NQ-HĐND ngày 23 tháng 7 năm 2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông)

Chương I

MỞ ĐẦU

I . SỰ CẦN THIẾT.

- Khoáng sản là tài nguyên hầu hết không tái tạo, là tài sản quan trọng của Quốc gia, phải được nhà nước thống nhất quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả. Việc khai thác chế biến khoáng sản đã và sẽ là nhu cầu khách quan. Tuy nhiên, để kinh tế phát triển bền vững sự cần thiết phải có quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản theo khu vực (không gian) và định hướng thời gian phát triển từng vùng (thời gian) cho phù hợp với sự phát triển của xã hội, kết hợp chặt chẽ bảo vệ môi trường, tài nguyên khác, cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử - văn hóa tạo điều kiện phát triển hạ tầng, ổn định, cải thiện đời sống nhân dân nơi có khoáng sản được khai thác và đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Sự ra đời đề án nhằm mục đích đánh giá đúng tiềm năng và hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tài nguyên khoáng sản tỉnh Đăk Nông. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005 theo đó phân quyền cho UBND tỉnh, thành phố thuộc trung ương cấp phép hoạt động khoáng sản nhóm vật liệu xây dựng thông thường và tại khoản 2 Điều 3a Luật Khoáng sản quy định Nguyên tắc hoạt động khoáng sản là: “Việc thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản phải theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Kết quả của đề án quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Đăk Nông đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 là cở sở cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản của tỉnh Đăk Nông hướng tới phát triển bền vững.

II. CÁC CĂN CỨ PHÁP LÝ.

- Luật Khoáng sản ngày 20/3/1996; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản số 46/2005/QH11 ngày 14/6/2005;

- Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản; Nghị định số 07/2009/NĐ-CP ngày 22/01/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ.

III. MỤC TIÊU VÀ QUAN ĐIỂM.

1. Mục tiêu chung.

- Đánh giá toàn diện và hệ thống tài nguyên khoáng sản, đánh giá giá trị kinh tế khoáng sản trên địa bàn.

- Phân tích nhu cầu khoáng sản và khả năng đáp ứng.

- Khoanh định các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

- Đánh giá năng lực đầu tư công nghiệp khoáng sản, xác định các hạng mục đầu tư theo giai đoạn, thời gian và lãnh thổ.

- Sử dụng các ứng dụng thực tiễn công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu các thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước tài nguyên khoáng sản tỉnh Đăk Nông.

2. Mục tiêu cụ thể.

- Khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản phục vụ cho nhu cầu trước mắt, đồng thời tính đến sự phát triển của khoa học, công nghệ và nhu cầu khoáng sản trong tương lai.

- Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản của địa phương phải phù hợp và có sự phối hợp chặt chẽ với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, cũng như quy hoạch các ngành kinh tế, xã hội khác trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.

- Bảo đảm yêu cầu về môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác.

- Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của địa phương phải phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Quan điểm.

- Góp phần gia tăng vị trí ngành công nghiệp khoáng sản trong cơ cấu kinh tế xã hội của tỉnh; thúc đẩy sự phát triển có định hướng ngành công nghiệp khoáng sản, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

- Tạo cơ sở thực hiện tốt công tác quản lý các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.

- Tạo điều kiện thực hiện đa dạng hóa các hình thức đầu tư cho ngành công nghiệp khoáng sản.

- Từ cơ sở đa dạng hóa và mức độ đầu tư sẽ cho phép đổi mới công nghệ, kết hợp thô sơ và hiện đại nhằm đạt hiệu quả cao.

Chương II

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA, THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN, SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG

I . ĐẶC ĐIỂM ĐỊA CHẤT KHOÁNG SẢN.

1. Địa tầng.

- Hệ tầng DrayLinh (J1dl): Phân bố tại phía Bắc của tỉnh, diện tích lộ khoảng 196km2; khoáng sản liên quan là sét vôi.

- Hệ tầng La Ngà (J2ln): Phân bố tại phía Đông của tỉnh, diện tích lộ khoảng 1.934km2; khoáng sản liên quan là Kaolin, sét gạch ngói.

- Hệ tầng Đơn Dương (K2đd): Phân bố tại phía Đông Nam của tỉnh, diện tích lộ 93km2; khoáng sản liên quan là đá xây dựng.

N2 - Q1tt): Chiếm trên 65 - 70 % tổng- Hệ tầng Túc Trưng ( diện tích tỉnh, diện lộ khoảng 3.793km2; khoáng sản liên quan là laterit bauxit, đá bazan, bazan cột, bazan bọt, đá quý saphia.

- Hệ tầng Xuân Lộc (Q2xl): Gồm các đá bazan lộ ra tập trung ở khu vực Đăk Mil, và Buôn Choáh, diện tích lộ 151km2; khoáng sản cần được quan tâm là đá xây dựng, puzolan.

- Trầm tích sông (aQ22): Phân bố dưới dạng các tích tụ bở rời ven phần cao sông Ea Krông tạo thành thềm bậc I, có hai khu vực xuất lộ dọc theo sông diện tích lộ 6,5km2; Các khoáng sản liên quan là cát xây dựng, sét gạch ngói.

- Trầm tích sông - đầm lầy (abQ22-3): Phân bố dọc các thung lũng sông EaKrông và các suối lớn, đầm lầy trong vùng, diện tích lộ 37,4km2; khoáng sản liên quan là than bùn.

- Trầm tích sông (aQ23): Tạo nên các bãi cát cuội sỏi ven lòng hoặc các bãi bồi cao từ 1 đến 2 - 3m, phát triển dọc theo các sông và các suối nhánh lớn của chúng, diện lộ 23,1km2; khoáng sản liên quan là cát xây dựng, các vành phân tán của cromit, zercon.

2. Magma xâm nhập.

- Phức hệ Định Quán (GbDi/J3đq): Các đá xâm nhập phức hệ này thường là những khối có diện tích không lớn, khoảng một vài km2, phân bố rải rác ở khu vực Đăk R'Lấp, Đăk R’Măng,... Tổng diện tích lộ 67,8km2; khoáng sản liên quan là đá xây dựng, wolfram, vàng…

- Phức hệ Cà Ná (G/k2cn): Các thành tạo xâm nhập phức hệ Cà Ná chỉ lộ ra ở Đăk Song và một vài khối nhỏ phân bố rải rác; lớn hơn cả là khối Đăk Song có diện tích 170km2; Có liên quan đến các biểu hiện khoáng sản vàng, thiếc, wolfram, đá xây dựng.

II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC ĐIỀU TRA, THĂM DÒ, HOẠT ĐỘNG TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG.

1. Về công tác điều tra, thăm dò.

Đến nay trên địa bàn tỉnh Đăk Nông công tác điều tra cơ bản về địa chất và khoáng sản còn ở mức độ thấp; Công tác lập bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 có mạng lưới thưa đã hoàn thành năm 1993; Công tác điều tra lập bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 mới được thực hiện ở diện tích các huyện Đăk Nông (cũ), Đăk R’Lấp và Đăk Song, hoàn thành năm 1998, nhưng công trình điều tra này chỉ tập trung vào vỏ phong hóa bazan có chứa bauxit và ít chú ý đánh giá các loại hình khoáng sản khác. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đã có các công trình nghiên cứu về địa chất khoáng sản: Điều tra đánh giá triển vọng kaolin vùng Khiêm Đức, Đăk Ha (huyện Đăk G’long); công trình thăm dò 07 mỏ bauxit; thăm dò wolfram xã Đăk R’Măng, huyện Đăk G’long; thăm dò opan-canxedoan tại xã Đăk Lao, huyện Đăk Mil; điều tra đánh giá puzolan vùng Quảng Phú, Buôn Choáh (huyện Krông Nô).

2. Thực trạng công tác hoạt động tài nguyên khoáng sản.

Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đăk Nông khá phong phú về chủng loại, phân bố tương đối đồng đều. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có tất cả 178 điểm mỏ khoáng sản đã được phát hiện, với các loại thường gặp như: Bauxit; Wolfram; Antimoal; Bazan bọt; Bazan cột, bazan khối; Cát xây dựng; Đá bazan; Đá granit; Sét gạch ngói; Than bùn; Opal; Thiếc sa khoáng; Kaolin; Nước khoáng thiên nhiên; Saphir.

Khối lượng khai thác khoáng sản từ các đơn vị được cấp phép trong thời gian qua đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ xây dựng các công trình thủy điện, công trình công nghiệp, giao thông, dân dụng (khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) và đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến các sản phẩm đá mỹ nghệ (đá granit), phân bón vi sinh (than bùn).

Tuy nhiên đại đa số các mỏ khai thác khoáng sản đều không có thiết kế, việc không có thiết kế khai thác thường gây lãng phí tài nguyên, tác động xấu tới môi trường và có nguy cơ mất an toàn lao động cao.

Công tác chế biến, sử dụng khoáng sản thường mang tính truyền thống, chưa áp dụng công nghệ chế biến sâu để đem lại giá trị gia tăng cao. Ví dụ như: khai thác đất sét làm gạch thủ công, khai thác bazan dạng cột, khối làm đá chẻ... Nếu đất sét được làm gạch tuynel kết hợp với làm gốm; đá bazan dạng cột, khối đem xẻ làm ốp lát, trang trí thì giá trị tài nguyên khoáng sản sẽ tăng cao.

Thực tế năng lực khai thác của các doanh nghiệp không đạt công suất như đã đăng ký vì nhiều những lý do khác nhau: Đá làm vật liệu xây dựng khai thác phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ; Bazan dạng cột, khối chưa đầu tư công nghệ chế biến sâu như nhà máy cưa cắt đá, đội ngũ thợ lành nghề chế biến thành đá trang trí, ốp lát; Bazan bọt không có thị trường tiêu thụ; Antimoal mới mở mỏ chưa khai thác.

3. Thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh từ 2004 đến tháng 3/2009.

- Về hoạt động thăm dò khoáng sản: Đã cấp 02 giấy phép thăm dò đá xây dựng; 01 giấy phép thăm dò cát xây dựng; 01 giấy phép thăm dò sét gạch ngói.

- Về hoạt động khai thác khoáng sản: Có 43 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực gồm: 28 giấy phép khai thác đá; 02 giấy phép khai thác bazan bọt; 01 giấy phép khai thác sét gạch ngói; 03 giấy phép khai thác than bùn; 08 giấy phép khai thác cát xây dựng; 01 giấy phép khai thác tận thu antimol.

Chương III

ĐÁNH GIÁ KINH TẾ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN VÀ DỰ BÁO NHU CẦU SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN

I . KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ KINH TẾ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN.

1. Bazan cột, khối: Tài nguyên trữ lượng bazan dạng cột, khối trên địa bàn tỉnh dự báo khoảng 2,164 triệu m3, với kết quả tính toán các thông số kinh tế 1 năm như sau:

- Tổng vốn đầu tư khoảng 21.606.641 nghìn đồng gồm có: Vốn cố định (19.896.380 nghìn đồng), vốn lưu động (681.373 nghìn đồng), vốn dự phòng (1.028.888 nghìn đồng).

- Các chỉ tiêu tài chính năm: Doanh thu chưa thuế VAT (75.700.000 nghìn đồng), thuế VAT (3.604.762 nghìn đồng), thuế tài nguyên (242.240 nghìn đồng), phí bảo vệ môi trường (7.570.000 nghìn đồng), doanh thu thuần (72.095.238 nghìn đồng), lợi nhuận trước thuế (62.424.469 nghìn đồng), thuế thu nhập doanh nghiệp (17.478.851 nghìn đồng).

2. Cát xây dựng: Tài nguyên trữ lượng cát xây dựng trên địa bàn tỉnh dự báo khoảng 7,091 triệu m3, với kết quả tính toán các thông số kinh tế 1 năm như sau:

- Tổng vốn đầu tư khoảng 9.874.317 nghìn đồng gồm có vốn cố định (8.524.400 nghìn đồng), vốn lưu động (452.252 nghìn đồng), vốn dự phòng (897.665 nghìn đồng).

- Các chỉ tiêu tài chính năm: Doanh thu chưa thuế VAT (4.375.000 nghìn đồng), thuế VAT (77.160 nghìn đồng), thuế tài nguyên (87.500 nghìn đồng), phí bảo vệ môi trường (350.000 nghìn đồng), doanh thu thuần (1.543.210 nghìn đồng), lợi nhuận trước thuế (720.311 nghìn đồng), thuế thu nhập doanh nghiệp (201.687 nghìn đồng).

3. Đá bazan: Tài nguyên trữ lượng đá bazan trên địa bàn tỉnh dự báo khoảng 123,606 triệu m3, với kết quả tính toán các thông số kinh tế 1 năm như sau:

- Tổng vốn đầu tư khoảng 51.090.182 nghìn đồng gồm có: Vốn cố định (45.499.714 nghìn đồng), vốn lưu động (3.157.602 nghìn đồng), vốn dự phòng (2.432.866 nghìn đồng).

- Các chỉ tiêu tài chính năm: Doanh thu chưa thuế VAT (115.110.700 nghìn đồng), thuế VAT (5.481.462 nghìn đồng), thuế tài nguyên (460.443 nghìn đồng), phí bảo vệ môi trường (2.302.214 nghìn đồng), doanh thu thuần (109.629.238 nghìn đồng), lợi nhuận trước thuế (84.599.166 nghìn đồng), thuế thu nhập doanh nghiệp (23.687.766 nghìn đồng).

4. Sét gạch ngói: Tài nguyên trữ lượng sét gạch ngói trên địa bàn tỉnh dự báo khoảng 25,215 triệu m3, với kết quả tính toán các thông số kinh tế 1 năm như sau:

- Tổng vốn đầu tư khoảng 1.743.209 nghìn đồng gồm có: Vốn cố định (1.560.325 nghìn đồng), vốn lưu động (99.874 nghìn đồng), vốn dự phòng (83.010 nghìn đồng).

- Các chỉ tiêu tài chính năm: Doanh thu chưa thuế VAT (785.000 nghìn đồng), thuế VAT (37.381 nghìn đồng), thuế tài nguyên (6.280 nghìn đồng), phí bảo vệ môi trường (35.325 nghìn đồng), doanh thu thuần (747.619 nghìn đồng), lợi nhuận trước thuế (122.636 nghìn đồng), thuế thu nhập doanh nghiệp (34.338 nghìn đồng).

5. Than bùn: Tài nguyên trữ lượng than bùn trên địa bàn tỉnh dự báo khoảng 0,612 triệu m3, với kết quả tính toán các thông số kinh tế 1 năm như sau:

- Tổng vốn đầu tư khoảng 1.135.121 nghìn đồng gồm có: Vốn cố định (1.013.000 nghìn đồng), vốn lưu động (68.068 nghìn đồng), vốn dự phòng (54.053 nghìn đồng).

- Các chỉ tiêu tài chính năm: Doanh thu chưa thuế VAT (2.400.000 nghìn đồng), thuế VAT (114.286 nghìn đồng), thuế tài nguyên (48.000 nghìn đồng), phí bảo vệ môi trường (48.000 nghìn đồng), doanh thu thuần (2.285.714 nghìn đồng), lợi nhuận trước thuế (1.709.526 nghìn đồng), thuế thu nhập doanh nghiệp (478.667 nghìn đồng).

II. DỰ BÁO NHU CẦU SỬ DỤNG CÁC LOẠI KHOÁNG SẢN CHỦ YẾU.

- Được tính toán và tổng hợp trong bảng sau:

Năm

Bazan bọt
(Triệu tấn)

Bazan cột, khối
(Triệu m3)

Cát xây dựng
(Triệu m3)

Đá bazan
(Triệu m3)

Đá granit
(Triệu m3)

Sét gạch ngói
(Triệu m3)

2008

0,0490

0,1514

0,1750

1,1511

1,2720

0,0157

2009

0,0735

0,2271

0,2625

1,7267

1,5264

0,0236

2010

0,1103

0,3407

0,3938

2,5900

1,8317

0,0353

2011

0,1654

0,5110

0,5906

3,8850

2,1980

0,0530

2012

0,2481

0,7665

0,8859

5,8274

2,6376

0,0795

2013

0,3721

1,1497

1,3289

8,7412

3,1651

0,1192

2014

0,5581

1,7245

1,9934

13,1117

3,7982

0,1788

2015

0,8372

2,5868

2,9900

19,6676

4,5578

0,2682

2016

1,2558

3,8802

4,4851

29,5014

5,4694

0,4024

2017

1,8837

5,8203

6,7276

44,2522

6,5632

0,6036

2018

2,8256

8,7305

10,0914

66,3782

7,8759

0,9053

2019

4,2384

13,0957

15,1371

99,5673

9,4511

1,3580

2020

6,3576

19,6436

22,7056

149,3510

11,3413

2,0370

- Dự báo trữ lượng khoáng sản cần được tiến hành thăm dò, khai thác từ nay tới năm 2015 như sau: Bazan bọt (1-2 triệu tấn); Bazan dạng cột, khối (3-5 triệu m3); Cát xây dựng (3-5 triệu m3); Đá bazan (25-30 triệu m3); Đá granit (10-20 triệu m3); Sét gạch ngói (2-5 triệu m3).

Chương IV

KHU VỰC CẤM, TẠM THỜI CẤM HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN

I. MỤC TIÊU.

Xác định ranh giới, tọa độ, vị trí, diện tích các đối tượng cần được quản lý, bảo vệ theo quy định, nhằm phục vụ cho các dự án, các công trình trọng điểm trên địa bàn, bảo đảm an ninh quốc phòng và môi trường của tỉnh Đăk Nông.

II. KẾT QUẢ KHOANH ĐỊNH.

Công tác khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản được xây dựng theo quy định tại Điều 20, 21, 22 Nghị định số 160/NĐ-CP ngày 27/12/2005 và Nghị định số 07/2009/NĐ-CP ngày 22/01/2009 của Chính phủ; Trên cơ sở đó, Sở Công thương đã phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan (20 cơ quan) để thu thập các số liệu phục vụ cho công tác khoanh định và tổ chức thực hiện, xây dựng bản đồ khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đăk Nông với kết quả như sau:

- Số vùng cấm hoạt động khoáng sản: 69 vùng.

- Tổng diện tích khoanh định: 196.037,84 ha; diện tích khu vực cấm: 196.037,84 ha là diện tích các khu vực cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đăk Nông được khoanh định trên bản đồ; còn lại một phần diện tích các khu vực cấm hoạt động khoáng sản không thể hiện được trên bản đồ là 4.253,231 ha. Phần diện tích không thể hiện được trên bản đồ là: các công trình theo tuyến (hành lang an toàn đường bộ, hành lang an toàn đường dây dẫn điện cao áp, các tuyến cáp quang), 112 mốc tọa độ quốc gia, 12 điểm quan trắc động thái nước và một số vị trí đang lập dự án nên chưa có tọa độ cụ thể.

Việc thực hiện khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản này dựa trên cơ sở ý kiến của các cơ quan có liên quan và các quy hoạch liên quan tại thời điểm khoanh định. Nội dung khoanh định này sẽ được UBND tỉnh Đăk Nông xem xét phối hợp với các cơ quan liên quan điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và các quy hoạch phát sinh từng thời kỳ.

CÁC MỎ, ĐIỂM MỎ NẰM TRONG KHU VỰC CẤM HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN

TT

Tên mỏ khoáng sản

Vị trí địa lý

Diện tích
(km2)

Mức độ điều tra địa chất

1

Bazan cột, khối Đăk Hou

X. Đăk Drô, H. Krông Nô

0,050

Quy mô nhỏ

2

Bazan cột, khối Đăk Kut

X. Đăk Nia, TX. Gia Nghĩa

0,090

Triển vọng

3

Bazan cột, khối thôn 10

X. Đăk Lao, H. Đăk Mil

0,244

Triển vọng

4

Đá Bazan A4

X. Đăk Nia, TX Gia Nghĩa

0,194

Triển vọng

5

Đá Bazan Đăk Toit

X. Thuận Hà, H Đăk Song

0,389

Triển vọng

6

Đá Bazan Đồi 982

X. Đăk Buk So, H. Tuy Đức

0,674

Quy mô lớn

7

Đá Bazan ĐôRy

X. Đăk R'La, H.Đăk Mil

0,666

Triển vọng

8

Đá Bazan Quảng Thành

X. Quảng Thành, TX Gia Nghĩa

0,073

Triển vọng

9

Đá Bazan Quảng Trực

X. Quảng Trực, H. Tuy Đức

0,040

Quy mô nhỏ

10

Đá Bazan thôn 3

X. Thuận Hà, H Đăk Song

0,100

Quy mô nhỏ

11

Đá Bazan thôn Bù Đốp

X. ĐăkWer; H. Đăk R'Lấp

0,080

Triển vọng

12

Đá Bazan thôn Tân Sơn 1

X.Long Sơn, H.Đăk Mil

0,100

Quy mô nhỏ

13

Đá Bazan thuận Hạnh

X. Thuận Hạnh, H Đăk Song

0,116

Quy mô nhỏ

14

Đá Bazan thôn 12

X. Đăk Lao, H. Đăk Mil

0,060

Quy mô nhỏ

15

KaoLin Đăk Nia

X. Đăk Nia, TX Gia Nghĩa

0,092

Điểm khoáng sản

16

KaoLin Quảng Khê 1

X. Quảng Khê, H. Đăk G'Long

0,253

Điểm khoáng sản

17

Sét gạch ngói B.Kroe

X. Đăk Nang, H. Krông Nô

0,182

Triển vọng

18

Sét gạch ngói Đăk Nia

X. Đăk Nia, TX Gia Nghĩa

0,066

Điểm khoáng sản

19

Thiếc Sa khoáng Đắk N'Tao

X. Quảng Sơn, H. Đăk G'Long

2,960

Triển vọng

Chương V

QUY HOẠCH PHÂN VÙNG THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TỈNH ĐĂK NÔNG ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

I. KHÁI QUÁT VỀ DIỆN TÍCH, TRỮ LƯỢNG CÁC KHU VỰC KHOÁNG SẢN ĐƯỢC QUY HOẠCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

1. Khoáng sản kim loại.

- Antimoal: gồm 01 điểm tại thôn 5, xã Đăk Rông, huyện Cư Jút với diện tích quy hoạch 0,361 km2, tài nguyên dự báo khoảng 0,5 ngàn tấn.

- Thiếc sa khoáng: gồm 01 điểm tại xã Quảng Sơn, huyện Đăk G’Long với diện tích quy hoạch 2,96 km2, tài nguyên dự báo khoảng 1,058 ngàn tấn.

2. Khoáng sản làm vật liệu xây dựng, than bùn.

- Bazan bọt (puzolan): gồm 05 điểm mỏ phân bố tập trung tại xã Quảng Phú và Buôn Choáh, huyện Krông Nô với tổng diện tích quy hoạch 17,947 km2, trữ lượng dự báo khoảng 83,168 triệu tấn.

- Bazan dạng cột, bazan khối: gồm 13 điểm mỏ phân bố rãi rác tại một số huyện, thị xã với tổng diện tích quy hoạch 2,384 km2, tài nguyên dự báo khoảng 2,164 triệu m3.

- Cát xây dựng: gồm 14 điểm mỏ phân bố chủ yếu tại lòng sông Ea Krông Nô huyện Krông Nô, lòng hồ thuỷ điện Đồng Nai 3 và tại các suối lớn với tổng diện tích quy hoạch 3,485 km2, tài nguyên dự báo khoảng 7,091 triệu m3.

- Đá bazan: gồm 47 điểm mỏ phân bố hầu hết trên các huyện, thị xã với tổng diện tích quy hoạch 14,153 km2, tài nguyên dự báo khoảng 123,606 triệu m3.

- Đá granit: gồm 05 điểm mỏ phân bố tại các huyện Krông Nô, Đăk Song, Đăk R’Lấp với tổng diện tích quy hoạch 9,360 km2, tài nguyên dự báo khoảng 89,856 triệu m3.

- Kaolin: gồm 05 điểm mỏ phân bố tại tại huyện Đăk G’long, thị xã Gia Nghĩa với tổng diện tích quy hoạch 1,956 km2, tài nguyên dự báo khoảng 5,309 triệu tấn.

- Sét gạch ngói: gồm 17 điểm mỏ phân bố tại các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đăk Glong và thị xã Gia Nghĩa với tổng diện tích quy hoạch 16,398 km2, tài nguyên dự báo khoảng 25,215 triệu m3.

- Than bùn: gồm 05 điểm mỏ phân bố tại các huyện Krông Nô, Đăk Song, Đăk Mil với diện tích quy hoạch 2,663 km2, tài nguyên dự báo khoảng 0,792 triệu m3.

3. Nước khoáng thiên nhiên.

Gồm 01 điểm mỏ tại xã Đăk Mol, huyện Đăk Mil, đang được Công ty TNHH Một thành viên khoáng sản Đăk Nông khai thác với công suất khoảng 570 m3/ngày đêm.

4. Đá quý và bán quý.

- Opan: gồm 01 điểm mỏ tại xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil với diện tích quy hoạch 12,705 km2 và một số điểm lộ do người dân phát hiện báo quặng tại các khu vực của huyện Đăk Mil, Cư Jut.

- Saphir: gồm 01 điểm mỏ tại xã Trường Xuân, xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song với diện tích quy hoạch 24,093 km2.

II. KHÁI QUÁT VỀ QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG CÁC LOẠI KHOÁNG SẢN.

1. Khu vực, diện tích thăm dò, khai thác khoáng sản quy mô công nghiệp.

Từ nay tới năm 2015 và định hướng tới năm 2020 có 6 loại khoáng sản được đầu tư thăm dò, khai thác quy mô công nghiệp:

- Bazan bọt: có 03 điểm mỏ phân bố tại xã Quảng Phú và Buôn Choáh, huyện Krông Nô với tổng diện tích quy hoạch 17,383 km2, tài nguyên dự báo 82,66 triệu tấn. Bazan bọt được thăm dò, khai thác công nghiệp.

- Bazan dạng cột, khối: có 01 điểm mỏ, với diện tích quy hoạch 0,254 km2, tài nguyên dự báo 0,381 triệu m3.

- Cát xây dựng: có 02 điểm mỏ phân bố trong lòng và bãi bồi sông Ea Krông Nô tại xã Quảng Phú và Đăk Nang, huyện Krông Nô với tổng diện tích quy hoạch 1,206 km2, trữ lượng 3,314 triệu m3.

- Đá bazan: có 15 điểm mỏ với tổng diện tích quy hoạch 7,621 km2, tài nguyên dự báo 77,645 triệu m3.

- Đá granit: có 03 điểm mỏ với tổng diện tích quy hoạch 5,123 km2, tài nguyên dự báo 47,486 triệu m3.

- Sét gạch ngói: có 05 điểm mỏ với tổng diện tích quy hoạch 8,724 km2, tài nguyên dự báo 14,918 triệu m3.

2. Khu vực, diện tích thăm dò, khai thác khoáng sản quy mô nhỏ.

Những điểm mỏ khoáng sản được quy hoạch thăm dò, khai thác với quy mô nhỏ do các nguyên nhân sau: tài nguyên trữ lượng không đủ thiết kế khai thác công nghiệp; khoáng sản nằm phân tán không tập trung; thị trường tiêu thụ khoáng sản nhỏ; khai thác chủ yếu cung cấp nguyên liệu tại địa phương và tận thu khoáng sản. Gồm có 51 điểm của các loại khoáng sản sau:

- Antimoal: 01 điểm mỏ tại thôn 5, xã Đăk Rông, huyện Cư Jút; với diện tích quy hoạch 0,361 km2, tài nguyên dự báo 0,5 ngàn tấn.

- Bazan bọt: 01 điểm mỏ tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô; với diện tích quy hoạch 0,564 km2, tài nguyên dự báo 0,508 triệu tấn.

- Bazan dạng cột, khối: 09 điểm mỏ; với diện tích quy hoạch 1,746 km2, tài nguyên dự báo 1,438 triệu m3.

- Cát xây dựng: 11 điểm mỏ; với diện tích quy hoạch 2,222 km2, tài nguyên dự báo 3,777 triệu m3.

- Đá bazan: 18 điểm mỏ; với diện tích quy hoạch 3,894 km2, tài nguyên dự báo 23,115 triệu m3.

- Kaolin: 01 điểm mỏ tại xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa; với diện tích quy hoạch 0,088 km2, tài nguyên dự báo 1,667 triệu tấn.

- Sét gạch ngói: 05 điểm mỏ; với diện tích quy hoạch 2,665 km2, tài nguyên dự báo 0,985 triệu m3.

- Than bùn: 05 điểm mỏ; với diện tích quy hoạch 2,663 km2, tài nguyên dự báo 0,792 triệu m3.

3. Khu vực, diện tích nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đã được Trung ương phê duyệt.

Trên địa bàn tỉnh có 09 khu vực khoáng sản đã được Thủ tướng chính phủ và Bộ Công Thương quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác khoáng sản gồm: Bauxit (7 khu vực), Kaolin (1 khu vực) và Wolfram (1 khu vực).

4. Khu vực, diện tích thăm dò, khai thác khoáng sản đến năm 2015.

Quy hoạch khu vực, diện tích thăm dò, khai thác khoáng sản từ nay tới năm 2015 là 56 khu vực, gồm:

- Bazan bọt: 03 khu vực với tổng diện tích 17,383 km2, tài nguyên dự báo 82,66 triệu tấn.

- Bazan dạng cột, khối: 01 khu vực với tổng diện tích 0,254 km2, tài nguyên dự báo 0,381 triệu m3.

- Cát xây dựng: 13 khu vực với tổng diện tích 3,428 km2, tài nguyên dự báo 7,091 triệu m3.

- Đá bazan: 23 khu vực với tổng diện tích 9,965 km2, tài nguyên dự báo 91,044 triệu m3.

- Đá granit: 03 khu vực với tổng diện tích 5,123 km2, tài nguyên dự báo 47,486 triệu m3.

- Kaolin: 02 khu vực với tổng diện tích 0,152 km2, tài nguyên dự báo 3,488 triệu tấn.

- Sét gạch ngói: 08 khu vực với tổng diện tích 9,289 km2, tài nguyên dự báo 16,103 triệu m3.

- Than bùn: 01 khu vực với diện tích 2,483 km2, tài nguyên dự báo 0,612 triệu tấn.

- Nước khoáng thiên nhiên: 01 khu vực với công suất khai thác 570 m3/ngày đêm.

- Opan: 01 khu vực với diện tích 12,7 km2.

5. Khu vực, diện tích thăm dò, khai thác khoáng sản đến năm 2020.

Định hướng đến năm 2020 sẽ có thêm 18 khu vực được thăm dò, khai thác khoáng sản, gồm:

- Bazan bọt: 01 khu vực với diện tích 0,564 km2, tài nguyên dự báo 0,508 triệu tấn.

- Bazan dạng cột, khối: 04 khu vực với tổng diện tích 1,646 km2, tài nguyên dự báo 0,399 triệu m3.

- Đá bazan: 09 khu vực với tổng diện tích 1,509 km2, tài nguyên dự báo 11,092 triệu m3.

- Kaolin: 01 khu vực với diện tích 1,46 km2.

- Sét gạch ngói: 03 khu vực với tổng diện tích 4,475 km2, tài nguyên dự báo 8,949 triệu m3.

6. Khu vực điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản.

Có tổng số 22 khu vực cần được khảo sát điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản, trong đó Bazan bọt 01 khu vực; Bazan dạng cột, khối 05 khu vực; Đá bazan 04 khu vực; Đá granit 02 khu vực; Cát xây dựng 01 khu vực; Sét gạch ngói 04 khu vực; Saphir 01 khu vực; Vàng 03 khu vực; Wonfram và thiếc 01 khu vực.

7. Quy hoạch chế biến và sử dụng khoáng sản.

7.1. Quy hoạch chế biến và sử dụng khoáng sản đến năm 2015.

- Bazan bọt: được khai thác làm phụ gia ximăng (puzlan), bê tông đầm lăn; một số các khối tảng lớn có lỗ rỗng tự nhiên đẹp được cưa cắt làm vật liệu trang trí, đá ốp, tấm cách âm, cách nhiệt. Quy hoạch 3 khu vực chế biến gần với các khu vực khai thác: xã Quảng Phú, huyện Krông Nô; thị xã Gia Nghĩa; một trong các xã Buôn Choáh, Nam Đà, Đăk Sôr, huyện Krông Nô.

- Bazan cột, khối: được chế biến làm đá ốp, đá lát, đá trang trí, đá trang lát, những phần tận dụng làm đá xây dựng; không sử dụng thô. Quy hoạch các nhà máy chế biến gần với các khu vực khai thác; Hiện nay đã có và dự kiến sẽ có các nhà máy chế biến: đã có nhà máy 240.000 m2/năm của Công ty cổ phần Phú Tài tại huyện Đăk R’lấp; đã có nhà máy 120.000 m2/năm của Công ty cổ phần khai khoáng Tây Nguyên tại KCN Tâm Thắng, huyện Cư Jút; nhà máy 60.000 m2/năm của Công ty TNHH Vượng Phát đang được xây dựng tại huyện Tuy Đức; nhà máy 200.000 m2/năm của DNTN Lan Anh dự kiến xây dựng tại huyện Đăk Song; nhà máy 24.000 m2/năm của Công ty TNHH MTV khoáng sản Đăk Nông dự kiến xây dựng tại cụm công nghiệp Thuận An, huyện Đăk Mil; dự kiến xây dựng 1 nhà máy tại thị xã Gia Nghĩa.

- Cát xây dựng: Cát sử dụng ở trạng thái tự nhiên, sử dụng vào mục đích xây dựng là chủ yếu; Bãi chứa cát dọc theo bờ sông Krông Nô phía Đăk Nông, những vị trí thuận lợi cho ghe chứa cát cập bến và thuận lợi xe ô tô vào lấy cát.

- Đá bazan: sau khi khai thác sẽ được chế biến thành các loại: đá hộc, đá 5x10, đá 4x6, đá 1x2 và đá mi sử dụng vào các mục đích đắp đập ngăn nước, làm nền đường giao thông, xây móng nhà, làm vật liệu bê tông...Vị trí khu chế biến gần với mỏ khai thác nhằm giảm chi phí vận chuyển và thuận lợi cho công tác quản lý môi trường.

- Đá granit: sẽ được chế biến thành 3 dòng sản phẩm có mục đích sử dụng khác nhau: chế biến và sử dụng như đá bazan dạng cột, khối (đá có độ nguyên khối, độ thu hồi khối cao, màu sắc và hoa văn đẹp); chế biến và sử dụng như đá bazan; xay nghiền theo tiêu chuẩn cấp độ hạt của cát xây dựng nhằm thay thế cát xây dựng tự nhiên. Vị trí khu chế biến gần với khu khai thác.

- Kaolin: căn cứ vào thành phần, tính chất của kaolin để phân loại mục đích sử dụng: sản xuất các sản phầm đồ sứ, gốm, sành; sản xuất dung dịch cho kỹ nghệ khoan; sản xuất các mạng lọc trong công nghiệp dầu khí. Xây dựng nhà máy chế biến, sản xuất tại thị xã Gia Nghĩa và huyện Đăk Glong.

- Sét gạch ngói: dựa vào thành phần, tính chất của đất sét để sản xuất vật liệu xây dựng: gạch xây, ngói lợp, ống sành, tấm tường, gạch chịu axit, vật liệu trang trí. Xây dựng các lò gạch tuy nen gần vùng nguyên liệu: Cư Jút (Đăk Rông, Trúc Sơn, Ea T’ling); Krông Nô (Quảng Phú, Đăk Drô); Đăk Glong (Quảng Khê, Đăk Ha); Gia Nghĩa (Đăk Nia).

- Than bùn: dùng để sản xuất phân vi sinh phục vụ nông nghiệp. Xây dựng nhà máy sản xuất phân bón tại huyện Đăk Mil.

- Nước khoáng thiên nhiên: đã xây dựng nhà máy công suất 570 m3/ngày đêm tại Đăk Mol, Đăk Song.

- Opan - canxedoan: được chế tác tại các cơ sở trong tỉnh dùng để trang trí, không xuất thô.

7.2. Quy hoạch chế biến và sử dụng khoáng sản đến năm 2020.

- Bazan bọt: xây dựng nhà máy chế biến tại huyện Krông Nô và thị xã Gia Nghĩa.

- Bazan cột: chỉ nâng công suất 06 nhà máy của giai đoạn đến 2015.

- Đá bazan: các khu chế biến gần với khu khai thác.

- Kaolin: chỉ nâng công suất nhà máy của giai đoạn đến 2015.

- Sét gạch ngói: chỉ nâng công suất các nhà máy của giai đoạn đến 2015.

Chương VI

CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

I . CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ THỰC HIỆN QUY HOẠCH.

1. Giải pháp về việc tăng cường và thống nhất quản lý nhà nước về khoáng sản:

- Nhà nước thống nhất quản lý kết quả thăm dò, khai thác khoáng sản; đầu tư cho việc quy hoạch, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản.

- Không giới hạn việc thăm dò các mỏ khoáng sản. Khi duyệt cấp phép khai thác mỏ khoáng sản, phải yêu cầu chủ đầu tư sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn hàng hóa có chất lượng cao để các cơ sở sử dụng không phải chế biến lại.

- Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành trong tỉnh khi cấp phép khai thác một số mỏ và có chế tài đủ mạnh để kiểm tra, giám sát sau khi đã cấp phép khai thác; các cơ sở phải thực hiện nghiêm chỉnh việc khai thác tận dụng tài nguyên, phục hồi môi trường và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với các cơ quan quản lý.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản.

2. Giải pháp về cơ chế, chính sách:

- Có chính sách khuyến khích đầu tư về thiết bị, công nghệ khai thác, chế biến nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản.

- Bổ sung bảo hiểm rủi ro cho các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò khoáng sản trên cơ sở thành lập quỹ bảo hiểm rủi ro thăm dò khoáng sản.

- Có sự phối hợp giữa các tổ chức, trường đào tạo nghề với các cơ quan có chức năng để tổ chức, đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản.

3. Giải pháp về huy động vốn đầu tư:

- Nguồn vốn cho thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản chủ yếu từ vốn tự thu xếp của các doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán (phát hành trái phiếu, cổ phiếu công trình). Công bố rộng rãi danh mục, tài nguyên các mỏ đã được quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến trên địa bàn tỉnh để kêu gọi đầu tư thăm dò và tổ chức khai thác phục vụ công nghiệp khoáng sản.

4. Giải pháp về khoa học công nghệ, môi trường:

- Nghiên cứu phát triển và chế tạo thiết bị máy móc thăm dò, khai thác phù hợp với những điều kiện trong nước.

- Tổ chức nghiên cứu và xây dựng quy trình công nghệ thăm dò, khai thác và phục hồi môi trường các mỏ khoáng sản giai đọan sau khi kết thúc khai thác.

- Áp dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến để nâng cao tối đa hệ số thu hồi khoáng sản và giá trị của sản phẩm sau chế biến, nâng cao hiệu quả, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Tăng cường chế biến sâu đối với Kaolin; Bazan cột, khối làm đá ốp lát, trang trí; Bazan bọt làm phụ gia xi măng và bê tông trải đường.

- Mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt về công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản và chuyển giao công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản.

- Khuyến khích đầu tư đối với dự án khai thác, chế biến khoáng sản tại chỗ, dự án có áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, bảo đảm môi trường, các sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội cao, dự án chế biến khoáng sản đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH:

Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch này. Riêng các giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch như chính sách ưu đãi, hỗ trợ, các biện pháp bảo đảm đầu tư chưa quy định cụ thể trong quy hoạch, giao cho UBND tỉnh triển khai cụ thể để đảm bảo thực hiện quy hoạch một cách có hiệu quả và báo cáo với Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện.