Nghị quyết 09/2007/NQ-HĐND phê chuẩn điều chỉnh, bổ sung Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn năm 2002 - 2010 do tỉnh Cao Bằng ban hành
Số hiệu: 09/2007/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng Người ký: Hà Ngọc Chiến
Ngày ban hành: 13/07/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2007/NQ-HĐND

Cao Bằng, ngày 13 tháng 7 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2002 - 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHÓA XIV KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 132/2001/QĐ-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành cơ chế tài chính thực hiện Chương trình phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 79/2001/TT-BTC ngày 28 tháng 9 năm 2001 của Bộ Tài chính Hướng dẫn cơ chế tài chính để thực hiện chương trình phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn;

Xét Tờ trình số 1000/TTr-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Phê chuẩn điều chỉnh, bổ sung Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2002- 2010;

Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng nhất trí phê chuẩn điều chỉnh, bổ sung Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn năm 2002 - 2010 (có bản phụ lục kèm theo).

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 và thay thế Nghị quyết số 369/2002/NQ-HĐND ngày 01 tháng 11 năm 2002 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khóa XIV kỳ họp thứ 12 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Hà Ngọc Chiến

 

NỘI DUNG

ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2002 – 2010
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 09/2007/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng)

1. Phạm vi điều chỉnh của Đề án

Đề án này được áp dụng đối với công tác đầu tư xây dựng và bảo trì tất cả các tuyến đường thuộc hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nguồn vốn ngân sách.

Các nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn nếu không quy định cơ chế vốn đầu tư riêng thì áp theo cơ chế vốn của Đề án này.

2. Mục tiêu tổng quát

a) Đường huyện

Vào cấp các tuyến đường huyện, nhựa hóa mặt đường đến trung tâm xã. Xây dựng một số cầu quan trọng trên các tuyến đường huyện, một số cầu qua sông lớn.

b) Đường xã

Tiếp tục phát triển đường xã, thôn, xóm bằng sức dân là chủ yếu có hỗ trợ một phần kinh phí của Nhà nước.

c) Xây dựng hoàn chỉnh các cầu dân sinh trên các tuyến đường xã

3. Nhiệm vụ cụ thể

a) Đường huyện

- Xây dựng, cải tạo nền đường: 156 km.

- Nhựa hóa mặt đường: 500 km.

- Xây dựng 05 cầu: cầu Bình Long (Hoà An), Đồng Mây (Thông Nông), Bản Mom (Trùng Khánh), Kéo Ái (Hạ Lang), Nà Pằn (Bảo Lạc).

b) Đường xã

Lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn để đầu tư đường xã. Huy động sức dân kết hợp với biện pháp tổ chức quản lý đầu tư để thực hiện các công việc nhân dân tự làm được.

c) Cầu dân sinh

- Cầu treo các loại: 72 cái/4.633 m dài cầu.

- Cầu bê tông cốt thép: 49 cái/608 m dài.

Thứ tự ưu tiên:

+ Năm 2007 - 2008: Xây dựng cầu treo ở 03 huyện miền tây và một số cầu treo ở một số huyện khác vượt sông lớn và vừa.

+ Từ năm 2009- 2010: Xây dựng các cầu còn lại.

d) Quản lý duy tu

Tổ chức khoán cho nhân dân dọc tuyến tự tổ chức quản lý duy tu đường giao thông nông thôn, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí duy tu.

4. Cơ chế vốn đầu tư

a) Đường huyện

Đầu tư 100% bằng vốn ngân sách Nhà nước.

b) Đường xã

Khoán gọn kinh phí hỗ trợ cho thi công hoàn chỉnh 1 km nền đường loại B - giao thông nông thôn (không kể mặt đường, công trình), mức khoán gọn cụ thể như sau:

- Đường làm mới:

+ Đường đá: 70 triệu đồng/km.

+ Đường đất: 50 triệu đồng/km.

- Đường mở rộng từ đường cũ có chiều rộng từ 2 m trở lên:

+ Đường đá: 50 triệu đồng/km.

+ Đường đất: 35 triệu đồng/km.

- Đường làm mới qua địa hình quá khó khăn, cho phép mở nền rộng từ 2m trở lên, mức khoán gọn 25 triệu/km.

- Làm mặt đường bê tông xi măng, cầu khẩu độ nhỏ hơn hoặc bằng 1,5 m cống: Nhà nước chỉ hỗ trợ xi măng, sắt thép theo giá bán tại cửa hàng nơi gần nhất và kinh phí vận chuyển đến chân công trình, nhân dân tự tổ chức khai thác các vật liệu còn lại và thi công hoàn thành công trình. Mức hỗ trợ xi măng PC30 để làm 01 km mặt đường bê tông mác vữa 200 cụ thể như sau:

Loại mặt đường rộng 2,5 m, dày 0,15 m: 121 tấn/km.

Loại mặt đường rộng 1,5 m, dày 0,10 m: 48,5 tấn/km (loại kết cấu này áp dụng cho đường thôn, xóm).

Đối với cầu, cống cấp cho từng công trình cụ thể theo khối lượng hồ sơ thiết kế.

- Chi phí khác: Nhà nước hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ khảo sát thiết kế, dự toán, nghiệm thu hoàn công và chi phí quản lý chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ huy công trường.

Mức hỗ trợ được quy định như sau:

+ Đối với đường cho xe ô tô đi được, hồ sơ do Phòng Hạ tầng huyện lập: ngân sách hỗ trợ tối đa không quá 05 triệu đồng cho 1 km, trong đó chi cho lập hồ sơ khảo sát thiết kế và dự toán là 04 triệu đồng, chi cho công tác chỉ đạo điều hành, nghiệm thu của Ban Chỉ huy công trường là 01 triệu đồng.

+ Đối với các tuyến đường chỉ làm mặt đường bê tông, cấp phối có chiều rộng mặt đường từ trên 2,5 m, chiều dày từ trên 0,15 m: ngân sách hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng, trong đó chi cho lập hồ sơ khảo sát thiết kế và dự toán là 1 triệu đồng, chi cho công tác chỉ đạo điều hành, nghiệm thu của Ban Chỉ huy công trường là 0,5 triệu đồng.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã xem xét, quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho từng dự án khi quyết định đầu tư.

c) Đường thôn, xóm

Do dân tự đóng góp công sức để xây dựng. Việc huy động và sử dụng vốn do xóm tự bàn bạc, quyết định. Tuỳ điều kiện cụ thể của từng địa phương mà hỗ trợ một phần kinh phí mua vật tư, xi măng.

d) Cầu dân sinh

- Đối với vốn ngân sách địa phương: mức vốn hỗ trợ cho cầu treo 85%, cầu bê tông cốt thép 75%. Vốn Chương trình 135 được đầu tư 100%.

- Vốn chương trình mục tiêu khác, vốn ODA: đầu tư theo cơ chế vốn của chương trình. Nếu chương trình nào không quy định cơ chế vốn cụ thể thì áp dụng theo cơ chế vốn này.

5. Nhu cầu vốn

Tổng số: 293,100 tỷ

Trong đó:

+ Đường huyện: 236,700 tỷ

+ Cầu dân sinh: 23,381 tỷ

+ Duy tu đường huyện: 22,320 tỷ

+ Duy tu và hỗ trợ làm mới đường xã: 9,200 tỷ

+ Đào tạo cán bộ giao thông nông thôn cấp xã: 0,500 tỷ

Nguồn vốn hỗ trợ duy tu, phát triển giao thông nông thôn được xác định theo tiêu chí định mức phân bổ ngân sách của tỉnh./.