Nghị quyết 07/2009/NQ-HĐND phê chuẩn quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì - kẽm, quặng bauxit giai đoạn 2008 - 2015, có xét đến năm 2025 do tỉnh Cao Bằng ban hành
Số hiệu: 07/2009/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng Người ký: Đàm Văn Eng
Ngày ban hành: 17/07/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2009/NQ-HĐND

Cao Bằng, ngày 17 tháng 7 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG QUẶNG CHÌ - KẼM, QUẶNG BAUXIT GIAI ĐOẠN 2008 - 2015, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHOÁ XIV KỲ HỌP THỨ 17

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Xét Tờ trình số 1283/TTr-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Phê chuẩn “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì - kẽm; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxit trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2008 - 2015, tầm nhìn đến năm 2025”;

Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí Phê chuẩn Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì - kẽm, quặng bauxit giai đoạn 2008 - 2015, có xét đến năm 2025 với các nội dung sau:

1. Tài nguyên chì - kẽm tỉnh Cao Bằng, với trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng 276,800 ngàn tấn.

2. Tài nguyên bauxit tỉnh Cao Bằng, với trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng 85 triệu tấn.

3. Mục tiêu: đánh giá nguồn tài nguyên khoáng sản chì - kẽm, bauxit về tài nguyên dự báo, quy mô trữ lượng, chất lượng, điều kiện khai thác, từ đó quy hoạch điều tra thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nhằm đảm bảo phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh trước mắt và lâu dài; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.

4. Các nội dung quy hoạch

4.1. Quy hoạch chì - kẽm

a) Quy hoạch phân vùng

Nhất trí phân vùng khoáng sản chì - kẽm Cao Bằng thành 3 vùng quy hoạch:

- Vùng chì - kẽm Bảo Lâm: Bao gồm các mỏ, điểm mỏ chì - kẽm thuộc địa bàn các xã Mông Ân, Thái Học, Yên Thổ như các mỏ: Bản Bó, Bản Vai - Bản Ran, các điểm mỏ chì - kẽm lân cận (Chè Pẻn, Lạng Cá)…thuộc huyện Bảo Lâm.

Trữ lượng Tài nguyên dự báo vùng chì - kẽm Bảo Lâm đã được đánh giá khoảng 176.000 tấn chì và kẽm, đủ cơ sở nguyên liệu hình thành một Cụm công nghiệp chế biến sâu chì - kẽm tại Bảo Lâm. Cụm công nghiệp chì kẽm Bảo Lâm đặt tại Bản Bó, xã Thái Học, huyện Bảo Lâm.

- Vùng chì - kẽm Bảo Lạc: Bao gồm các điểm mỏ chì - kẽm vùng Bản Lìn thuộc địa bàn các xã Sơn Lộ, Sơn Lập, Hưng Thịnh, huyện Bảo Lạc kéo dài sang giáp ranh xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm; các điểm mỏ chì - kẽm thuộc xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc.

Trữ lượng Tài nguyên dự báo vùng chì - kẽm Bảo Lạc đã được đánh giá khoảng 100.000 tấn chì và kẽm, đủ cơ sở nguyên liệu hình thành Cụm công nghiệp chì - kẽm Bảo Lạc đặt tại xã Sơn Lộ, huyện Bảo Lạc.

- Vùng chì - kẽm Nguyên Bình: Bao gồm các điểm mỏ chì - kẽm thuộc địa bàn huyện Nguyên Bình.

Trữ lượng tài nguyên dự báo vùng chì - kẽm Nguyên Bình mới có mỏ Tống Tinh đã được đánh giá khoảng 800 tấn, còn nhiều điểm mỏ đa kim chì - kẽm trong vùng như Bản Đổng, Phia Đén, Lũng Moỏng, Nà Mùng... chưa được đánh giá cần được các nhà đầu tư tìm kiếm thăm dò tiếp. Trên cơ sở nêu trên và thực tế triển vọng khoáng sản, có thể hình thành một Cụm công nghiệp chì - kẽm đa kim Nguyên Bình đặt tại xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình.

b) Quy hoạch thăm dò chì - kẽm

- Giai đoạn 2008 - 2015

+ Thăm dò các mỏ, điểm mỏ chì - kẽm chủ yếu thuộc vùng chì - kẽm Bảo Lâm để đánh giá trữ lượng và các đặc trưng địa chất khoáng sản khác làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư khai thác, chế biến chì - kẽm và các sản phẩm công nghiệp khác. Trước mắt tập trung thực hiện giấy phép thăm dò mỏ Bản Bó (xã Thái Học) làm cơ sở lập, đầu tư thực hiện dự án khai thác quặng chì - kẽm, chế biến quặng chì - kẽm và ba rít kèm theo tại Cụm công nghiệp chì - kẽm Bảo Lâm.

+ Tìm kiếm đánh giá, thăm dò các điểm mỏ ba rít, chì - kẽm trên địa bàn Bảo Lâm làm cơ sở tài nguyên khoáng sản để lập và thực hiện dự án đầu tư khai thác và tuyển tinh quặng ba rít, chì - kẽm.

+ Tìm kiếm đánh giá, thăm dò các điểm mỏ chì - kẽm Nguyên Bình làm cơ sở tài nguyên khoáng sản để lập và thực hiện dự án đầu tư nâng cấp nhà máy tuyển nổi, sản xuất tinh quặng và bột chì - kẽm tại xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình.

+ Đấu giá chọn một doanh nghiệp có năng lực chủ trì tiến hành thăm dò khai thác các điểm mỏ chì - kẽm thuộc vùng chì, kẽm Bảo Lạc và đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp chì - kẽm tại xã Sơn Lộ, huyện Bảo Lạc.

+ Các dự án thăm dò chì - kẽm trong giai đoạn 2008 - 2015 thể hiện ở phụ lục 2

- Giai đoạn 2016 - 2025

+ Các nhà đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến chì - kẽm giai đoạn 2008 - 2015 tiếp tục thăm dò mở rộng sản xuất thêm các mỏ mới thuộc vùng chì - kẽm được cân đối.

+ Danh mục các đề án, dự án điều tra cơ bản, thăm dò chì - kẽm được thể hiện ở phụ lục 3.

c) Quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản:

- Giai đoạn 2008 - 2015: Là giai đoạn hình thành Công nghiệp khai thác -chế biến chì - kẽm Cao Bằng trên cả ba vùng chì - kẽm của tỉnh. Cụ thể quy hoạch như sau:

+ Vùng chì - kẽm Bảo Lâm

Đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp chì - kẽm Bảo Lâm tại xã Thái Học, huyện Bảo Lâm. Giai đoạn 2008 - 2015 là giai đoạn I của Cụm công nghiệp này, chủ yếu là đầu tư hạ tầng cơ sở, xây dựng nhà máy sản xuất bột, tinh quặng chì - kẽm công suất 5.000- 10.000 tấn/năm. Phân khu của Cụm công nghiệp này xây dựng tại Lạng Cá (thị trấn Pác Miầu) sản xuất bột, tinh quặng chì - kẽm, barít và antimon do một nhà đầu tư khác với công suất 10.000 tấn/năm và nâng công suất 20.000 tấn/năm trong giai đoạn sau.

Đầu tư khai thác quặng chì - kẽm mỏ Bản Bó. Các điểm mỏ lân cận, điểm mỏ đa kim antimon Hát Han xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm được đầu tư khai thác cung cấp nguyên liệu cho Phân khu cụm công nghiệp Lạng Cá (thị trấn Pác Miầu).

Hình thức đầu tư độc lập hoặc liên doanh, cổ phần với các đối tác trong và ngoài nước.

+ Vùng chì - kẽm Bảo Lạc

Đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp chì - kẽm Bảo Lạc tại xã Sơn Lộ, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng. Giai đoạn 2008 - 2015 là giai đoạn I của cụm công nghiệp này, chủ yếu là đầu tư hạ tầng cơ sở, xây dựng nhà máy sản xuất bột, tinh quặng chì - kẽm công suất 5.000 - 10.000 tấn/năm.

Đầu tư khai thác quặng chì - kẽm các điểm mỏ Bản Lìn xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm để cung cấp nguyên liệu cho Cụm công nghiệp chì - kẽm này.

Để đầu tư vào Cụm công nghiệp chì - kẽm Bảo Lạc sẽ áp dụng hình thức đấu chọn một doanh nghiệp có đủ năng lực về công nghệ và tài chính đảm bảo chủ trì đầu tư từ thăm dò, khai thác và chế biến tại Cụm công nghiệp chì - kẽm này.

Hình thức đầu tư độc lập hoặc liên doanh, cổ phần với các đối tác trong và ngoài nước.

+ Vùng chì - kẽm Nguyên Bình

Đầu tư khai thác mỏ chì - kẽm Tống Tinh, đầu tư hạ tầng cơ sở và xây dựng nhà máy tuyển nổi chì - kẽm công xuất 5.000 - 10.000 tấn/năm (đến 30.000 tấn/năm) hình thành Cụm công nghiệp chì - kẽm Nguyên Bình tại xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình. Khai thác, tuyển thô điểm quặng chì - kẽm Pù Bó - Bản Moỏng, khai tuyển điểm quặng chì - kẽm Lũng Moỏng xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình, cung cấp nguyên liệu cho Cụm công nghiệp chì - kẽm Nguyên Bình (Chưa quy hoạch thăm dò, khai thác các điểm quặng liên quan đến khu du lịch sinh thái Phia Oắc - Phia Đén).

- Giai đoạn 2016 - 2025: Là giai đoạn phát triển công nghiệp khai thác chế biến chì - kẽm, đa kim, đa dạng hoá sản phẩm, hình thành công nghiệp luyện chì - kẽm Cao Bằng, cụ thể như sau:

+ Trên cơ sở kết quả điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò khoáng sản chì - kẽm, đa kim Cao Bằng ở giai đoạn 2008 - 2015, các nhà đầu tư đã được cấp phép hoạt động khoáng sản chì - kẽm tiếp tục đầu tư khai thác theo tiến độ huy động các mỏ thuộc phân vùng quy hoạch nguyên liệu của mình, giải quyết tốt hơn sơ chế tại chỗ, đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho Cụm công nghiệp chì - kẽm đã được đầu tư mở rộng phát triển.

+ Các Cụm công nghiệp chì - kẽm Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình tiếp tục sản xuất bột, tinh quặng chì - kẽm, antimon, barit và đầu tư mới dây truyền tách tuyển luyện các khoáng quý hiếm khác có trong quặng chì - kẽm, đa kim như bạc, vàng... để chế biến khoáng sản triệt để hơn, hiệu quả hơn so với giai đoạn I.

+ Tuỳ theo quy mô vùng nguyên liệu được kết luận cụ thể hơn sau đánh giá thăm dò ở giai đoạn I, nguồn năng lượng điện, công nghệ, vốn đầu tư và nhu cầu thị trường có thể đầu tư 1 - 2 nhà máy luyện chì - kẽm kim loại thỏi, tấm tại Cụm công nghiệp chì - kẽm Bảo Lâm, Cụm công nghiệp chì - kẽm Bảo Lạc có công xuất phù hợp.

4.2. Quy hoạch bauxit

a) Quy hoạch phân vùng

Nhất trí phân vùng khoáng sản bauxit Cao Bằng thành 3 vùng quy hoạch:

- Vùng bauxit Thông Nông: Bao gồm các mỏ, điểm mỏ bau xít thuộc địa bàn huyện Thông Nông, Nguyên Bình và các mỏ, điểm mỏ bau xít vùng thấp của huyện Hà Quảng, Hoà An.

Trữ lượng vùng bau xít Thông Nông khoảng 40 triệu tấn. Cụm công nghiệp chế biến sâu quặng vùng bauxít Thông Nông là Cụm công nghiệp bauxit I của tỉnh, nơi đặt Cụm công nghiệp là huyện Thông Nông, hoặc Hoà An, địa điểm cụ thể do UBND tỉnh và nhà đầu tư xác định khi lập dự án.

- Vùng bauxít Hà Quảng: Bao gồm các mỏ, điểm mỏ bau xít thuộc địa bàn Lục Khu, huyện Hà Quảng, lân cận Lục Khu của huyện Hà Quảng và huyện Trà Lĩnh.

Trữ lượng vùng bauxít Hà Quảng khoảng 24 triệu tấn. Cụm công nghiệp chế biến sâu vùng bauxít Hà Quảng đặt tại Lục Khu, Hà Quảng hoặc Trà Lĩnh, địa điểm cụ thể do UBND tỉnh và nhà đầu tư xác định khi lập dự án - là Cụm công nghiệp bauxit II của tỉnh.

- Vùng bau xít Phục Hoà: Bao gồm các mỏ, điểm mỏ bau xít thuộc địa bàn huyện Phục Hoà và huyện Quảng Uyên, Trùng Khánh.

Trữ lượng vùng bauxít Phục Hoà khoảng 21 triệu tấn. Cụm công nghiệp chế biến sâu vùng bau xít Phục Hoà đặt tại huyện Phục Hoà - là Cụm công nghiệp bauxit III của tỉnh.

b) Quy hoạch thăm dò bauxit

- Giai đoạn 2008 - 2015

+ Thăm dò toàn bộ các mỏ bauxit chưa được thăm dò thuộc Vùng bau xít Thông Nông để đánh giá trữ lượng và các đặc trưng địa chất khoáng sản khác làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư bauxit - alumin và các sản phẩm công nghiệp khác. Trước mắt tập trung hoàn thành thăm dò bổ sung mỏ Tắp Ná làm cơ sở lập, đầu tư thực hiện dự án khai thác bau xít Thông Nông sản xuất Alu min tại Cụm công nghiệp bauxít I.

+ Tiến hành thăm dò bổ sung mỏ Đại Tổng, mỏ Ma Líp làm cơ sở tài nguyên khoáng sản để lập và thực hiện dự án đầu tư nhà máy sản xuất vật liệu mài, chịu lửa tại Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh.

+ Kêu gọi các Doanh nghiệp thăm dò khai thác và thăm dò bổ sung các mỏ bau xít thuộc vùng bau xít Phục Hoà.

- Giai đoạn 2016 - 2025

Thăm dò các mỏ, điểm mỏ bauxit chưa được thăm dò như mỏ Tổng Po, Lũng Nội...

c) Quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản

- Giai đoạn 2008 - 2015

Là giai đoạn hình thành Công nghiệp khai thác-chế biến bau xít Cao Bằng trên cả ba vùng bauxít của tỉnh, cụ thể quy hoạch như sau:

+ Vùng bauxít Thông Nông

Đầu tư xây dựng Tổ hợp sản xuất Alumin tại cụm công nghiệp bau xít I. Giai đoạn 2008 - 2015 là giai đoạn I của cụm công nghiệp này, chủ yếu là đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Alumin công suất 300.000 tấn/năm.

Đầu tư khai thác quặng bau xít mỏ Tắp Ná, mỏ Bản Chá, mỏ Nà Giàng; tuyển rửa quặng tại khu mỏ sau đó chuyển về nhà máy Alumin cụm công nghiệp bau xít I.

+ Vùng bauxít Hà Quảng

Đầu tư xây dựng một cơ sở chế biến quặng bauxit công suất 100.000 tấn/năm; xây dựng tổ hợp sản xuất vật liệu mới hợp kim công xuất 30.000 tấn/năm tại cụm công nghiệp bau xít II. Khai thác quặng bau xít mỏ Đại Tổng, mỏ Ma Líp ở Lục Khu, huyện Hà Quảng để cung cấp nguyện liệu cho các nhà máy này.

+ Vùng bauxít Phục Hoà

Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Alumin công suất 50.000 tấn/năm tại Tà Lùng. Đầu tư khai thác quặng bau xít Quảng Uyên cung cấp nguyên liệu cho nhà máy này và hình thành cụm công nghiệp bau xít III tại Phục Hoà.

- Giai đoạn 2016 - 2025: Là giai đoạn phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bau xít, đa dạng hoá sản phẩm, cụ thể như sau:

+ Vùng bauxít Thông Nông:

Mở rộng và nâng công suất sản xuất Alumin, đa dạng hoá sản phẩm tại cụm công nghiệp bau xít I.

+ Vùng bauxít Hà Quảng

Từ kết quả thăm dò những mỏ bau xít thuộc vùng bau xít Hà Quảng sẽ đầu tư mở rộng nâng công suất sản xuất vật liệu mài, vật liệu mới công nghệ cao từ bau xít của các cơ sở chế biến đã hình thành giai đoạn 2008 - 2015;

Đầu tư tổ hợp khai thác chế biến bau xít mới với sản phẩm gồm Alumin, vật liệu mài... Hình thành cụm công nghiệp bau xít II tại Lục Khu, huyện Hà Quảng hoặc huyện Trà Lĩnh.

+ Vùng bauxít Phục Hoà

Nâng công suất sản xuất Alumin lên 100.000 tấn/năm và đầu tư đa dạng hoá các sản phẩm từ bau xít tại cụm công nghiệp chế biến sâu bau xít III Phục Hoà.

5. Nhiệm vụ và những giải pháp

5.1. Vận dụng hợp lý Luật Khoáng sản sửa đổi, bổ sung, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật; tăng cường vận động, tuyên truyền Luật Khoáng sản và các văn bản dưới Luật sâu rộng trong toàn dân, toàn xã hội.

5.2. Xây dựng chính sách quản lý tài nguyên khoáng sản với phương châm tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu xuất khẩu quặng thô, tiến tới chấm dứt dùng quặng thô đối lưu cốc, đẩy mạnh khai thác gắn liền với chế biến tại chỗ, gắn lợi ích Nhà nước với lợi ích tổ chức hoạt động khoáng sản và lợi ích nhân dân địa phương có khoáng sản.

5.3. Thực hiện nghiêm túc các giải pháp công nghệ xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, đảm bảo các quy định khác của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường.

5.4. Những nhà đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản không thực hiện nghiêm túc Luật Khoáng sản, các chủ trương, quy định của tỉnh, không triển khai đầu tư theo đúng tiến độ thì Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và tuyển chọn nhà đầu tư khác.

5.5. Khai thác có sự điều hoà giữa quặng giàu với quặng nghèo, tạo giá trị cho các mỏ có chất lượng thấp.

5.6. Ưu tiên xây dựng hệ thống đường bộ, đường điện, thuỷ điện, viễn thông đáp ứng cho các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản.

5.7. Tạo cơ chế chính sách ưu đãi về tài chính, đất đai, thuế... đối với các dự án đầu tư khai thác chế biến khoáng sản; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 4. Nghị quyết có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khoá XIV kỳ họp thứ 17 thông qua./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đàm Văn Eng

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.