Nghị quyết 03/2010/NQ-HĐND về xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020, định hướng 2030 do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIII, kỳ họp thứ 20 ban hành
Số hiệu: 03/2010/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Ngô Thị Doãn Thanh
Ngày ban hành: 21/04/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số: 03/2010/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 21 tháng 04 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2010 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ 20
(Từ ngày 20 đến ngày 21/4/2010)

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới; Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;
Sau khi xem xét Tờ trình số 25/TTr-UBND ngày 16/4/2010 của UBND Thành phố; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội, ý kiến của Đại biểu HĐND Thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020, định hướng 2030 với những mục tiêu và nội dung cơ bản sau:

1. Mục tiêu chung

Xây dựng nông thôn mới Thủ đô Hà Nội có kinh tế phát triển toàn diện, bền vững, cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nông thôn được bảo đảm, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2010 - 2015: Phấn đấu có từ 140 - 160 số xã (bằng 35% - 40%) đạt chuẩn nông thôn mới.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Phấn đấu có thêm từ 120 - 140 số xã (bằng 30% - 35%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới, để đến hết năm 2020 toàn thành phố có 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

- Định hướng đến 2030: Hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới ở 401 xã trên địa bàn Thành phố (đạt 100%).

3. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

3.1. Công tác tuyên truyền: Các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, MTTQ và các đoàn thể quần chúng của Thành phố tổ chức quán triệt và thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp.

3.2. Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch: Các cấp chính quyền từ Thành phố đến cấp xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, điều chỉnh và lập quy hoạch nông thôn mới.

3.3. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ hiện đại, gắn với phát triển đô thị như: Đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, mạng lưới điện nông thôn, hệ thống trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hệ thống chợ nông thôn.

3.4. Văn hóa - xã hội - môi trường: Đảm bảo đủ số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên cho các trường học. Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chương trình “phát triển văn hóa xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh”, trong đó trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật. Từng bước xây dựng, củng cố, hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở. Thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các trạm y tế tuyến xã để đạt tiêu chí của Bộ y tế. Có chế độ, chính sách để thu hút, động viên khuyến khích đối với y bác sĩ về công tác tại cơ sở tạo điều kiện chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Rà soát bổ sung hoàn thiện quy hoạch các lĩnh vực về bảo vệ môi trường. Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch, tổ chức tốt việc thu gom và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt và chăn nuôi. Hướng dẫn, quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã để không gây ô nhiễm môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, vận động người dân cùng thực hiện.

3.5. Kinh tế và tổ chức sản xuất nông thôn: Tổ chức lại sản xuất để phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết tình trạng lao động thiếu việc làm, từng bước nâng cao thu thập cho cư dân nông thôn.

3.6. Củng cố, nâng cao chất lượng và vai trò của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở: Chú trọng làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể quần chúng, thực hiện tốt pháp lệnh dân chủ cơ sở, làm tốt công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở.

Điều 2. Về cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới: Giao UBND Thành phố chỉ đạo các ngành rà soát các cơ chế chính sách hiện có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Thành phố; sửa đổi bổ sung, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với chính sách hiện hành, để thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Trước mắt, tập trung vào các cơ chế, chính sách: về tỷ lệ điều tiết nguồn thu từ giá trị quyền sử dụng đất để lại cho ngân sách cấp huyện, xã; huy động đóng góp của nhân dân; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; khuyến khích cán bộ kỹ thuật, quản lý về công tác tại địa phương; hỗ trợ tín dụng cho nông dân vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

Điều 3. Nguồn vốn thực hiện đề án: Bao gồm ngân sách nhà nước; nguồn trái phiếu chính phủ, nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp, của cộng đồng và huy động sức dân bằng các khoản đóng góp tự nguyện cho từng dự án đầu tư cụ thể ở địa phương.

Tổng vốn đầu tư: 32.000 tỷ đồng. Trong đó: vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách: 17.805 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp: 1.440 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp: 5.711 tỷ đồng; các nguồn vốn khác: 7.044 tỷ đồng.

Điều 4. Giao cho UBND Thành phố, tiếp thu ý kiến của các đại biểu HĐND Thành phố, hoàn thiện đề án, xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai thực hiện, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện với HĐND Thành phố vào kỳ họp cuối năm.

Điều 5. Giao thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được HĐND Thành phố Hà Nội khóa XIII, thông qua tại kỳ họp thứ 20.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ QH;
- Chính phủ;
- Ban công tác ĐB;
- Văn phòng Quốc hội;
- Các Bộ, Ngành Trung ương;
- Thường trực T/U;
- Đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội;
- TT HĐND, UBND Thành phố;
- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- Các đ/c đại biểu HĐND Thành phố;
- Các cơ quan báo chí TW và Hà Nội;
- VP: TU, HĐND, UBND Thành phố;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Ngô Thị Doãn Thanh