Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐND điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Số hiệu: | 02/2018/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh | Người ký: | Nguyễn Thị Quyết Tâm |
Ngày ban hành: | 16/03/2018 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 15/04/2018 | Số công báo: | Số 22 |
Lĩnh vực: | Môi trường, Thuế, phí, lệ phí, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2018/NQ-HĐND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 03 năm 2018 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ ĐIỀU CHỈNH MỨC THU PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI NƯỚC THẢI CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ BẢY (KỲ HỌP BẤT THƯỜNG)
(Từ ngày 15 đến ngày 16 tháng 3 năm 2018)
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Phí và Lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;
Xét Tờ trình số 904/TTr-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Báo cáo thẩm tra số 108/BC-HĐND ngày 14 tháng 3 năm 2018 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp thứ bảy (kỳ họp bất thường).
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:
1. Đối tượng thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp:
a) Tất các các cơ sở sản xuất, chế biến được quy định tại Điều 2, Khoản 2 Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2016 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;
b) Cơ sở xử lý chất thải rắn.
2. Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp
a) Đối với cơ sở thuộc đối tượng thu phí nêu tại Khoản 1 Điều này có tổng lượng nước thải dưới 5 m3/ngày-đêm: áp dụng mức thu phí cố định f = 1.500.000 đồng/năm.
b) Đối với cơ sở thuộc đối tượng thu phí nêu tại Khoản 1 Điều này có tổng lượng nước thải từ 5 m3/ngày-đêm trở lên sẽ tính phí theo công thức sau:
F = (f x K) + C
Trong đó:
+ F là số phí phải nộp (đồng)
+ f = 1.500.000 đồng
+ K là hệ số lưu lượng xả thải
+ C là số phí biến đổi phải nộp
• Công thức tính hệ số K:
Hệ số K được tính theo công thức sau:
K = |
Lưu lượng xả thải (m3/ngày-đêm) |
|
5 |
|
• Công thức tính số phí biến đổi C:
Số phí biến đổi (C) được tính cho từng chất gây ô nhiễm theo công thức sau (áp dụng theo quy định tại Nghị định số 154/2016/NĐ-CP):
Số phí biến đổi C (đồng) |
= |
Tổng lượng nước thải thải ra (m3) |
x |
Hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong nước thải (mg/l) |
x 10-3 x |
Múc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của chất gây ô nhiễm thải ra môi trường (đồng/kg) |
• Phương pháp xác định lượng nước thải ra:
- Đối với các cơ sở có đồng hồ đo lượng nước thải, lượng nước thải ra được xác định căn cứ vào số đo trên đồng hồ;
- Đối với các cơ sở không có đồng hồ đo lượng nước thải thì lượng nước thải được xác định dựa trên kết quả đo đạc thực tế của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường hoặc tính bằng 80% lượng nước sử dụng hoặc thông tin của một trong các nguồn sau: Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, Quyết định phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường, Giấy xác nhận đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường, Hóa đơn tiền nước hoặc Giấy phép khai thác nước dưới đất. Đồng thời yêu cầu các cơ sở này phải thực hiện lắp đặt đồng hồ theo quy định.
• Phương pháp xác định hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong nước thải:
- Đối với các cơ sở đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải thì hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong nước thải được tính dựa theo kết quả đo đạc phân tích mẫu thực tế.
- Đối với các cơ sở chưa có hệ thống xử lý nước thải thì hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong nước thải được tính dựa theo hàm lượng các chất ô nhiễm có trong nước thải chưa qua xử lý của từng loại hình sản xuất đặc thù.
• Hàm lượng thông số ô nhiễm và mức thu phí đối với mỗi chất theo biểu dưới đây:
Số TT |
Thông số ô nhiễm tính phí |
Mức phí (đồng/kg) |
1 |
Nhu cầu ô xy hóa học (COD) |
2.000 |
2 |
Chất rắn lơ lửng (TSS) |
2.400 |
3 |
Thủy ngân (Hg) |
20.000.000 |
4 |
Chì (Pb) |
1.000.000 |
5 |
Arsenic (As) |
2.000.000 |
6 |
Cadmium (Cd) |
2.000.000 |
3. Quản lý và sử dụng nguồn thu
a) Cơ quan thu phí
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
b) Chứng từ thu phí: Sử dụng Biên lai thu phí và lệ phí do cơ quan Thuế phát hành.
c) Quản lý và sử dụng nguồn thu:
Hiện nay do chưa thể xác định cụ thể tỷ lệ để lại cho cơ quan thu phí cho phù hợp với tình hình thực tế khi triển khai Đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố, Hội đồng nhân dân thành phố chấp thuận áp dụng tỷ lệ để lại 25% trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường thu được cho cơ quan thu phí để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí như quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Phần còn lại (75% trên tổng số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp thu được), cơ quan thu phí có trách nhiệm nộp toàn bộ vào ngân sách thành phố theo quy định để sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường; bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ bảo vệ môi trường của địa phương để sử dụng cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải; tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải.
- Trong quá trình triển khai thực hiện, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tính toán và xác định tỷ lệ để lại cho phù hợp với tình hình thực tế của thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh tỷ lệ phần trăm để lại phù hợp cho cơ quan thu phí vào kỳ họp thường lệ cuối năm 2018.
4. Xử lý vi phạm
- Các trường hợp vi phạm về kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
- Các cơ sở xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép (Quy chuẩn xả thải của các cơ sở được căn cứ theo các Giấy phép môi trường đã được cơ quan quản lý môi trường cấp theo quy định): phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và chấp hành xử lý vi phạm hành chính theo Điều 13, Điều 14 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
5. Thời gian thực hiện: Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.
- Từ ngày 01 tháng 7 năm 2018 đến 31 tháng 12 năm 2018: áp dụng hệ số K=1 đối với tất cả các cơ sở có lưu lượng xả thải trung bình từ 5m3/ngày-đêm trở lên.
- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 trở đi: áp dụng hệ số K theo Khoản 2, Điều 1 của Nghị quyết này.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân thành phố:
1. Chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết này, đảm bảo thu đúng, thu đủ, công khai, minh bạch và kịp thời. Có phương pháp kiểm soát xả thải, kể cả các cơ sở khai thác nước ngầm hiệu quả, làm cơ sở xác định mức thu dự kiến theo phương án đề xuất điều chỉnh mức phí, vừa đảm bảo yêu cầu thu đúng, thu đủ các đối tượng xả thải trên địa bàn thành phố theo quy định, khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm, tái sử dụng nước đã qua xử lý, hạn chế xả thải và hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường, tạo sự công bằng, bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ nộp phí của các cơ sở xả thải
2. Chỉ đạo khảo sát đánh giá tác động kinh tế, khả năng đóng góp của người nộp phí; hiệu quả thu phí theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 16 tháng 3 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2018./.
|
CHỦ TỊCH |
Nghị định 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải Ban hành: 16/11/2016 | Cập nhật: 17/11/2016
Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường Ban hành: 18/11/2016 | Cập nhật: 24/11/2016
Nghị định 120/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật phí và lệ phí Ban hành: 23/08/2016 | Cập nhật: 26/08/2016