Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐND hỗ trợ giáo dục mầm non thành phố Hồ Chí Minh
Số hiệu: 01/2014/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Thị Quyết Tâm
Ngày ban hành: 14/06/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/08/2014 Số công báo: Số 46
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2014/NQ-HĐND

Thành phố Hồ chí Minh, ngày 14 tháng 6 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ HỖ TRỢ GIÁO DỤC MẦM NON THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 13

(ngày 14 tháng 6 năm 2014)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Luật Giáo dục năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009;

Căn cứ Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020” và Quyết định số 1555/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020”;

Xét Tờ trình số 2515/TTr-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về Đề án hỗ trợ giáo dục mầm non Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo thẩm tra số 303/BC-VHXH ngày 11 tháng 6 năm 2014 của Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Về công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non

Công tác chăm lo, phát triển giáo dục mầm non luôn được thành phố quan tâm thực hiện đạt được nhiều kết quả. Mạng lưới trường lớp mầm non được mở rộng, cơ sở vật chất được liên tục đầu tư xây dựng mới khang trang, đáp ứng cơ bản nhu cầu nuôi dạy trẻ trên địa bàn thành phố. Chất lượng nuôi dạy trẻ ngày càng nâng cao, đội ngũ những người làm công tác nuôi dạy trẻ được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, không ngừng đổi mới phương pháp nuôi, dạy trẻ, đáp ứng yêu cầu phát triển của trẻ.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nuôi dạy trẻ ở các trường, lớp, cơ sở giáo dục mầm non, nhất là cơ sở mầm non ngoài công lập chưa chặt chẽ, thiếu quan tâm kiểm tra, giám sát thường xuyên chất lượng nuôi dạy trẻ; công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cô nuôi dạy trẻ, người làm công tác cấp dưỡng chưa kịp thời; một số hành vi ngược đãi trẻ em, vi phạm pháp luật đối với trẻ xảy ra tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, tuy không phổ biến nhưng gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Do đó trong thời gian sắp tới, thành phố cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, tạo điều kiện và hướng dẫn các cơ sở mầm non ngoài công lập hoạt động đúng qui định. Chú trọng vai trò quản lý nhà nước của phường, xã, thị trấn nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi ngược đãi, vi phạm pháp luật đối với trẻ em.

Điều 2. Thông qua những nội dung đề xuất hỗ trợ giáo dục mầm non tại Tờ trình số 2515/TTr-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố trong Đề án hỗ trợ giáo dục mầm non Thành phố Hồ Chí Minh, như sau:

1. Lộ trình phát triển giáo dục mầm non: Thống nhất tăng tỷ lệ cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn thành phố đến năm 2020; tổ chức giữ trẻ mầm non từ 6 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi, ưu tiên cho con công nhân lao động, hộ nghèo, phấn đấu đến năm học 2016 - 2017 triển khai đại trà mô hình này tại 24 quận, huyện.

2. Về chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp

2.1. Đối với cơ sở giáo dục mầm non công lập

Ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng mới các trường mầm non theo đề nghị của quận, huyện; trong đó tập trung đầu tư xây dựng các trường mầm non ở các Khu chế xuất - Khu công nghiệp thành phố và 11 phường chưa có trường mầm non. Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt các dự án xây dựng trường lớp, đầu tư từ nguồn vốn vay của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố để xây dựng các trường mầm non công lập; ngân sách thành phố trả lãi suất vay và bố trí trả dần vốn vay hàng năm.

2.2. Đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập

a) Ưu tiên dành quỹ đất xây dựng các trường mầm non ngoài công lập trong quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục của thành phố. Giao Ủy ban nhân dân các quận, huyện công khai chi tiết, cụ thể về quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục, trong đó có đất dành cho giáo dục mầm non để các tổ chức và cá nhân biết, tham gia thực hiện;

b) Có chính sách kêu gọi xã hội hóa từ mặt bằng đã được xử lý theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước để tiếp tục sử dụng mặt bằng xây dựng trường mầm non theo quy hoạch và quy chuẩn trường lớp của ngành giáo dục và đào tạo.

c) Điều chỉnh chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục mầm non

- Mở rộng đối tượng cho vay vốn kích cầu đầu tư mới xây dựng trường mầm non theo mức ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất;

- Điều chỉnh thời gian hỗ trợ lãi suất vay từ 7 năm đến 10 năm hoặc tối đa là 15 năm, tùy theo quy mô của dự án đầu tư;

d) Ủy ban nhân dân các quận, huyện cân đối từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn khác cho các cá nhân vay không tính lãi suất nhằm cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị cho các nhóm trẻ gia đình để đảm bảo đủ điều kiện cấp phép hoạt động. Khi triển khai nội dung hỗ trợ này cần đảm bảo: Về tiêu chí, qui mô nhóm trẻ, thủ tục cần thực hiện nhanh gọn, rõ ràng, công khai, minh bạch và đúng mục đích sử dụng; tăng cường công tác quản lý nhằm tránh những tiêu cực phát sinh trong quá trình cho vay.

3. Công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên

3.1. Đối với cơ sở giáo dục mầm non công lập: Phối hợp với Trường Đại học Sài Gòn và các trường sư phạm trên địa bàn thành phố đào tạo giáo viên đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên, cô nuôi dạy trẻ, đảm bảo đủ giáo viên/lớp theo quy định hiện hành của ngành giáo dục.

3.2. Đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập

a) Hỗ trợ giáo viên dạy trẻ khuyết tật học hòa nhập cộng đồng ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với mức hỗ trợ giảng dạy 200.000 đồng/giáo viên/trẻ/tháng.

b) Chi kinh phí từ ngân sách nhà nước (1.800.000 đồng/người/khóa) để bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn hàng năm theo kế hoạch cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

4. Chế độ hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non công lập

4.1. Đối tượng được hỗ trợ

a) Giáo viên (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật);

b) Cán bộ quản lý (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục mầm non công lập;

c) Nhân viên ở các vị trí việc làm: Nhân viên nuôi dưỡng trẻ, kế toán, thủ quỹ, y tế, văn thư, thư viện, bảo vệ, phục vụ, nấu ăn (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương.

Các đối tượng trên đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hoặc đang thực hiện hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

4.2. Chế độ hỗ trợ như sau

a) Đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập: Hỗ trợ thêm 25% tiền lương/tháng do tính chất công việc;

b) Đối với cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng trực tiếp giảng dạy nhóm lớp 6 tháng đến 18 tháng tuổi: Hỗ trợ thêm 35% tiền lương/tháng do tính chất công việc;

c) Đối với giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng mới: Hỗ trợ thêm cho giáo viên mới ra trường về công tác tại các trường mầm non bắt đầu từ năm học 2014 - 2015 đến năm học 2016 – 2017 theo mức như sau:

- Năm đầu được tuyển dụng: Hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng;

- Năm thứ hai sau khi được tuyển dụng: Hỗ trợ 70% lương cơ sở/người/tháng;

- Năm thứ ba sau khi được tuyển dụng: Hỗ trợ 50% lương cơ sở/người/tháng;

- Từ năm thứ tư thực hiện chế độ tiền lương cho giáo viên theo quy định hiện hành.

5. Bổ sung biên chế

a) Thống nhất bổ sung biên chế hành chính cho các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện để bố trí công chức làm công tác quản lý giáo dục mầm non ngoài công lập tùy theo yêu cầu thực tế về quy mô, số lượng các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập;

b) Bổ sung chức danh nhân viên nuôi dưỡng: 01 lớp có 01 nhân viên nuôi dưỡng với nhiệm vụ là: Hỗ trợ giáo viên đứng lớp chăm sóc trẻ, vệ sinh môi trường (phòng học, nhà vệ sinh, hành lang…) và vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho các cháu…

6. Nguồn kinh phí thực hiện

Giao Ủy ban nhân dân thành phố cân đối ngân sách và các nguồn khác để bổ sung kinh phí trong năm 2014 và những năm tiếp theo cho ngành giáo dục đảm bảo các yêu cầu theo nghị quyết này và đúng pháp luật.

Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua.

Điều 4. Giao Ủy ban nhân dân thành phố có kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Điều 5. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII, kỳ họp thứ 13 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2014./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội; Ban Công tác Đại biểu;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND.TP;
- Thường trực UBND. TP;
- Ban Thường trực UBMTTQVN. TP;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội TP;
- Đại biểu HĐND.TP;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND.TP;
- Văn phòng UBND. TP;
- Thủ trưởng các Sở ngành TP;
- Chủ tịch UBND các quận, huyện;
- Chủ tịch HĐND xã, thị trấn;
- Trung tâm công báo;
- Lưu: VT, Phòng CTHĐ.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Quyết Tâm