Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Khánh Hòa đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020
Số hiệu: | 01/2007/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Khánh Hòa | Người ký: | Mai Trực |
Ngày ban hành: | 02/02/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Văn hóa , thể thao, du lịch, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2007/NQ-HĐND |
Nha Trang, ngày 02 tháng 02 năm 2007 |
NGHỊ QUYẾT
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
KHÓA IV, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ LẦN THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Sau khi xem xét Tờ trình số 339/TTr-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về nội dung điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Khánh Hòa đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Khánh Hòa đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” cụ thể như sau:
1. Mục tiêu tổng quát
Đảm bảo phát triển ngành Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, qua đó sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững về kinh tế của tỉnh; Duy trì tốc độ phát triển bình quân hàng năm 16%. Tăng cường đầu tư về chiều sâu, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch ngang tầm quốc tế, thu hút nhiều lượng khách quốc tế có mức chi tiêu cao; Tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao mức sống và trình độ dân trí, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ cảnh quan môi trường, đảm bảo tốt giữa phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng; Giữ gìn và bảo vệ an ninh quốc gia.
2. Các chỉ tiêu cụ thể
- Phấn đấu năm 2010 đón 1.500.000 lượt khách lưu trú (trong đó 500.000 lượt khách quốc tế); Năm 2015 đón 2.300.000 lượt (trong đó 900.000 lượt khách quốc tế); Năm 2020 đón 3.400.000 lượt (trong đó 1.400.000 lượt khách quốc tế);
- Doanh thu du lịch đến năm 2010 đạt hơn 1.500 tỷ đồng, năm 2015 đạt 3.200 tỷ đồng và năm 2020 đạt 7.000 tỷ đồng;
- Nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở lưu trú đảm bảo đến năm 2010 có khoảng 8.520 phòng khách sạn, trong đó có 5.500 phòng đạt tiêu chuẩn xếp hạng với 1.400 phòng đạt tiêu chuẩn 4-5 sao; Năm 2015 là 12.400 phòng với hơn 8.700 phòng đạt tiêu chuẩn xếp hạng trong đó có 2.200 phòng đạt tiêu chuẩn 4-5 sao; Năm 2020 đạt gần 21.000 phòng với hơn 15.700 phòng đạt tiêu chuẩn xếp hạng trong đó có 4.000 phòng đạt tiêu chuẩn 4–5 sao;
- Đến năm 2010 có trên 13.500 lao động trực tiếp trong ngành Du lịch; Năm 2015 đảm bảo hơn 20.000 lao động và năm 2020 có hơn 38.000 lao động.
3. Phương hướng phát triển Du lịch
a) Trung tâm du lịch
- Xây dựng thành phố Nha Trang trở thành Đô thị Du lịch với cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
- Xây dựng Vịnh Nha Trang (kết hợp hệ thống đảo Hòn Mun, Hòn Tre) và Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (Bãi Dài) thành 2 khu du lịch quốc gia.
b) Sản phẩm du lịch
Khánh Hòa có tính chất đặc thù, nổi trội về du lịch biển, đảo do vậy, các loại hình và sản phẩm du lịch biển là chủ yếu như: nghỉ mát, thể thao leo núi, thể thao mạo hiểm, khám phá đáy biển và các đảo ven bờ... phát triển ở giải không gian ven bờ, du lịch tàu biển;
Ngoài ra, phát triển các loại hình du lịch bổ trợ, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch gồm:
- Du lịch công vụ, thăm thân;
- Du lịch văn hoá;
- Du lịch hội nghị hội thảo, hội chợ;
- Du lịch sinh thái núi.
c) Các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư
(Phụ lục kèm theo)
4. Một số giải pháp chủ yếu để thực hiện
a) Giải pháp huy động vốn đầu tư
- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án kinh doanh hoạt động du lịch dưới các hình thức khác nhau; Thực hiện xã hội hóa đầu tư bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh, các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch.
- Thực hiện chính sách, giải pháp tạo và sử dụng vốn phát triển du lịch, huy động các nguồn vốn khác để giải quyết được nhu cầu đầu tư. Cụ thể đến năm 2010 nhu cầu vốn đầu tư là 4.500 tỷ đồng (trong đó 1.350 tỷ đồng vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng), đến năm 2015 là 8.500 tỷ đồng (trong đó cần khoảng 20% vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng) và đến năm 2020 là 10.100 tỷ đồng (trong đó cần khoảng 20% vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng).
b) Công tác tổ chức quản lý
Thực hiện cải cách hành chính, hoàn thiện và nâng cao năng lực của bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cấp huyện nhằm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân trong quản lý quy hoạch và phát triển du lịch.
c) Bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch
Căn cứ trên các nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Khánh Hòa đến năm 2010 và định hướng đến 2020, tiếp tục xây một chuyên đề riêng về công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh, nhằm hoạch định được những khu vực bảo tồn nghiêm ngặt, những khu vực cần tôn tạo và phát triển... để có kế hoạch khai thác tài nguyên phát triển du lịch một cách hợp lý.
d) Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch: Có kế hoạch kinh phí để xây dựng các điểm cung cấp thông tin cho khách du lịch ở những đầu mối giao thông quan trọng; Thực hiện tốt công tác thông tin tuyên tuyền thông qua các sự kiện thể thao, văn hóa, lễ hội lớn của tỉnh; Tổ chức các chiến dịch xúc tiến thị trường có trọng điểm; tổ chức và tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch ở trong nước và quốc tế để giới thiệu rộng rãi tiềm năng du lịch tỉnh, kích thích nhu cầu du lịch trong nước và quốc tế.
e) Hợp tác, liên kết vùng
- Khai thác hiệu quả lợi thế của trung tâm du lịch Nha Trang - Ninh Chữ - Ðà Lạt, mối quan hệ giữa Du lịch Khánh Hòa với du lịch TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh duyên hải miền Ðông Nam Bộ như Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng như Khánh Hòa với thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
- Mở rộng mối liên kết vùng du lịch Khánh Hòa với các tỉnh Tây Nguyên để xây dựng các tour và sản phẩm du lịch mới hấp dẫn.
g) Ðào tạo nguồn nhân lực
Coi trọng công tác giáo dục – đào tạo, có kế hoạch đào tạo lực lượng quản lý, lao động phù hợp với định hướng phát triển. Có chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng cao về làm việc tại địa phương.
h) Ðẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế
- Ðẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin du lịch; Mở rộng giao lưu, hợp tác với các tổ chức, cơ quan khoa học trong, ngoài nước; Khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học vào hoạt động kinh doanh.
- Tăng cường chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực bên ngoài, tăng nguồn khách, vốn đầu tư và kinh nghiệm góp phần đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu đề ra trong quy hoạch.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này trên các lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi trách nhiệm được phân công.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa IV, kỳ họp chuyên đề lần thứ 2 thông qua./.
|
CHỦ TỊCH |
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐND ngày 02 tháng 02 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa IV kỳ họp chuyên đề lần thứ 2)
I. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các Khu du lịch
1. Thành phố Nha Trang
- Xây mới cầu tàu du lịch tour Sông Cái và 2 cầu tàu du lịch tham quan vịnh Nha Trang.
- Xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại khu vực bờ biển Nha Trang và các điểm du lịch trong thành phố.
- Xây dựng các chòi cứu hộ tại khu vực bãi biển Nha Trang.
2. Huyện Khánh Vĩnh: Nâng cấp, mở rộng đường vào khu du công viên YangBay – HoCho.
3. Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh
- Dự án hệ thống nước thô phục vụ thi công khu du lịch.
- Dự án xử lý nước thải.
- Dự án cấp điện.
- Dự án cây xanh trong giải phân cách đại lộ Nguyễn Tất Thành.
- Dự án tuyến đường nhánh (1/2 phía Nam).
- Dự án tuyến đường nhánh (1/2 phía Bắc).
4. Vân Phong
- Xây dựng mới cảng hành khách quốc tế Đầm Môn.
- Cầu tàu du lịch Dốc Lết.
- Nâng cấp mở rộng đường vào Khu du lịch Ba Hồ.
II. Đầu tư các dự án theo định hướng quy hoạch
- Hoàn thiện các dự án Du lịch đang triển khai trên trục đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng.
- Trung tâm du lịch - giải trí biển Bãi Dài.
- Khu du lịch bán đảo Hòm Gốm, Khu nghỉ mát Tuần lễ - Hòn Ngang, Khu du lịch nghỉ mát Bãi Cát Thắm, Khu du lịch Dốc Lết – Mũi Du.
- Trung tâm thương mại - hội nghị quốc tế ở Bắc bán đảo Cam Ranh.
- Khu công viên vui chơi giải trí và cây xanh cảnh quan.
- Khu du lịch sinh thái Cam Lập.
- Các trung tâm thương mại - dịch vụ khu vực tại thị xã Cam Ranh.
- Trung tâm thông tin du lịch tại sân bay Cam Ranh.
- Trường trung học nghiệp vụ du lịch tại Nha Trang.
- Khu thương mại thuế quan và phi thuế quan tại Vân Phong.
- Trung tâm hội chợ triển lãm và hội thảo tại thành phố Nha Trang.
- Hệ thống thương mại bán lẻ, cửa hàng miễn thuế tại cảng hàng không Cam Ranh.
Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích chiếm đất, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các dự án nêu trên, sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động các nguồn lực của từng thời kỳ./.