Nghị định 51/2015/NĐ-CP về cấp ý kiến pháp lý
Số hiệu: | 51/2015/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 26/05/2015 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 07/06/2015 | Số công báo: | Từ số 587 đến số 588 |
Lĩnh vực: | Bổ trợ tư pháp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/2015/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 26 tháng 05 năm 2015 |
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
Chính phủ ban hành Nghị định về cấp ý kiến pháp lý,
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định về nguyên tắc, phạm vi, trình tự, thủ tục cấp ý kiến pháp lý, nội dung cơ bản của ý kiến pháp lý do Bộ Tư pháp cấp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan.
2. Nghị định này áp dụng đối với:
a) Bộ Tư pháp;
b) Cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý;
c) Cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc cấp ý kiến pháp lý.
1. Ý kiến pháp lý quy định tại Nghị định này là văn bản do Bộ Tư pháp cấp về tính hợp pháp của văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý.
2. Bên Việt Nam là Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước Việt Nam là một bên trong các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý.
3. Văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý là văn bản thuộc đối tượng cấp ý kiến pháp lý quy định tại Điều 5 Nghị định này.
Điều 3. Nguyên tắc cấp ý kiến pháp lý
1. Ý kiến pháp lý được cấp trên cơ sở và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam tại thời điểm cấp.
2. Ý kiến pháp lý được cấp sau khi các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý đã được ký, phê duyệt, phê chuẩn hoặc ban hành theo đúng quy định của pháp luật.
3. Ý kiến pháp lý không làm thêm, bớt, hoặc thay đổi các quyền và nghĩa vụ của các bên có được theo các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý hoặc theo pháp luật được áp dụng vào thời điểm cấp.
Điều 4. Giá trị của ý kiến pháp lý
Ý kiến pháp lý là ý kiến chuyên môn độc lập đánh giá về các vấn đề pháp lý của văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý.
Điều 5. Đối tượng cấp ý kiến pháp lý
Bộ Tư pháp xem xét cấp ý kiến pháp lý đối với các văn bản mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan Nhà nước là một bên trong các trường hợp sau:
1. Điều ước quốc tế về vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi; văn bản liên quan khác mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan Nhà nước là một bên (nếu có);
2. Thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước, Chính phủ hoặc Bộ Tài chính;
3. Văn bản bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh hoặc văn bản phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ bảo lãnh;
4. Thỏa thuận phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ;
5. Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) (bao gồm hợp đồng dự án, văn bản bảo lãnh Chính phủ (nếu có), hợp đồng thuê đất và các văn bản khác liên quan đến dự án mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước là một bên);
6. Các trường hợp đặc biệt khác theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Điều 6. Cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu cấp ý kiến pháp lý
1. Cơ quan nhà nước chủ trì đàm phán, ký đối với điều ước quốc tế về vay ODA và vay ưu đãi; thỏa thuận vay của Nhà nước; hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức PPP.
2. Tổ chức được bảo lãnh đối với các văn bản bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh hoặc văn bản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.
Điều 7. Điều kiện cấp ý kiến pháp lý
Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
1. Văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý thuộc đối tượng cấp ý kiến pháp lý theo quy định tại Điều 5 Nghị định này;
2. Có hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý đầy đủ theo đúng quy định tại Điều 12 Nghị định này và đã được làm rõ, chỉnh lý theo yêu cầu của Bộ Tư pháp quy định tại Điều 14 Nghị định này;
3. Việc đàm phán, ký, phê duyệt hoặc phê chuẩn các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý đã được thực hiện đúng thẩm quyền, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 8. Từ chối cấp ý kiến pháp lý
Bộ Tư pháp từ chối cấp ý kiến pháp lý đối với các trường hợp sau đây:
1. Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý không đáp ứng điều kiện cấp và hồ sơ cấp theo quy định tại Điều 7 và Điều 12 Nghị định này.
2. Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý không được bổ sung, chỉnh lý, làm rõ theo quy định tại khoản 2 Điều 13 hoặc Điều 14 Nghị định này.
Điều 9. Hình thức và ngôn ngữ của ý kiến pháp lý
Ý kiến pháp lý được cấp dưới hình thức văn bản bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh theo đề nghị của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý.
Điều 10. Các nội dung cơ bản của ý kiến pháp lý
1. Nội dung ý kiến pháp lý bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
a) Các điều kiện, hoàn cảnh và giả định cần thiết để làm rõ mục đích và phạm vi ý kiến pháp lý;
b) Đánh giá về tư cách pháp lý của bên Việt Nam trong việc ký hoặc ban hành văn bản;
c) Đánh giá về thẩm quyền tham gia ký hoặc ban hành văn bản của bên Việt Nam;
d) Đánh giá về việc tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về thủ tục đàm phán, ký, ban hành văn bản;
đ) Mục đích sử dụng ý kiến pháp lý và việc cung cấp ý kiến pháp lý cho các tổ chức, cá nhân khác.
2. Ngoài các nội dung nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể, ý kiến pháp lý có thể có các nội dung khác nhưng không trái với các nguyên tắc cấp ý kiến pháp lý được quy định tại Điều 3 Nghị định này.
3. Nội dung ý kiến pháp lý không đánh giá về các tình tiết, sự kiện hoặc các nội dung không liên quan trực tiếp tới pháp luật Việt Nam.
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP Ý KIẾN PHÁP LÝ
Điều 11. Đề nghị cấp ý kiến pháp lý
Sau khi hoàn thành việc ký, phê duyệt hoặc phê chuẩn văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý, cơ quan, tổ chức có nhu cầu gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp ý kiến pháp lý theo quy định tại Điều 12 Nghị định này đến Bộ Tư pháp.
Điều 12. Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý
1. Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý đối với các điều ước quốc tế về vay ODA và vay ưu đãi gồm:
a) Công văn đề nghị Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý (bản chính);
b) Điều ước quốc tế đã được ký (bản chính hoặc bản sao);
c) Văn bản phê duyệt chủ trương đàm phán, ký điều ước quốc tế về vay ODA, vay ưu đãi (bản chính hoặc bản sao);
d) Văn bản ủy quyền đàm phán, ký điều ước quốc tế (bản chính hoặc bản sao) (nếu có);
đ) Phê duyệt của Chính phủ đối với điều ước quốc tế cấp Chính phủ hoặc phê chuẩn của Chủ tịch nước hoặc Quốc hội đối với điều ước quốc tế cấp Nhà nước, cấp Chính phủ (bản chính hoặc bản sao) (nếu có);
e) Ý kiến đánh giá của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý về tính hợp pháp của các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý (bản chính);
g) Các tài liệu khác cần thiết cho việc cấp ý kiến pháp lý;
h) Bản dịch tiếng Việt của các tài liệu nêu trên trong trường hợp các tài liệu này được làm bằng tiếng nước ngoài.
2. Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý đối với các thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước, Chính phủ hoặc Bộ Tài chính gồm:
a) Công văn đề nghị Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý (bản chính);
b) Thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước, Chính phủ hoặc Bộ Tài chính (bản chính hoặc bản sao);
c) Văn bản ủy quyền đàm phán, ký thỏa thuận vay (bản chính hoặc bản sao) (nếu có);
d) Phê duyệt của Chủ tịch nước hoặc Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận vay (bản chính hoặc bản sao);
đ) Ý kiến đánh giá của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý về tính hợp pháp của các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý (bản chính);
e) Các tài liệu khác cần thiết cho việc cấp ý kiến pháp lý;
g) Bản dịch tiếng Việt của các tài liệu nêu trên trong trường hợp các tài liệu này được làm bằng tiếng nước ngoài.
3. Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý đối với văn bản bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh hoặc văn bản phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ bảo lãnh gồm:
a) Công văn đề nghị Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý (bản chính);
b) Ý kiến đánh giá của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý về tính hợp pháp của các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý (bản chính);
c) Văn bản bảo lãnh Chính phủ (bản chính hoặc bản sao);
d) Văn bản phê duyệt của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về chủ trương bảo lãnh của Chính phủ (bản chính hoặc bản sao);
đ) Các văn bản ủy quyền hoặc chứng minh thẩm quyền của người ký Văn bản bảo lãnh (bản chính hoặc bản sao);
e) Các tài liệu khác cần thiết cho việc cấp ý kiến pháp lý;
g) Bản dịch tiếng Việt của các tài liệu nêu trên trong trường hợp các tài liệu này được làm bằng tiếng nước ngoài.
4. Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý đối với thỏa thuận phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ gồm:
a) Công văn đề nghị Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý (bản chính);
b) Thỏa thuận phát hành trái phiếu (bản chính hoặc bản sao);
c) Văn bản của Chính phủ phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu quốc tế (bản chính hoặc bản sao);
d) Các văn bản ủy quyền hoặc chứng minh thẩm quyền của người ký thỏa thuận phát hành trái phiếu (bản chính hoặc bản sao);
đ) Ý kiến đánh giá của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý về tính hợp pháp của các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý (bản chính);
e) Các tài liệu khác cần thiết cho việc cấp ý kiến pháp lý;
g) Bản dịch tiếng Việt của các tài liệu nêu trên trong trường hợp các tài liệu này được làm bằng tiếng nước ngoài.
5. Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP gồm:
a) Công văn đề nghị Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý (bản chính);
b) Hợp đồng dự án (bản chính hoặc bản sao);
c) Bảo lãnh và cam kết của Chính phủ (bản chính hoặc bản sao) (nếu có);
d) Phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền về hợp đồng dự án (nếu có) và chủ trương bảo lãnh (bản chính hoặc bản sao);
đ) Văn bản ủy quyền ký bảo lãnh và cam kết của Chính phủ (bản chính hoặc bản sao);
e) Các văn bản khác mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước là một bên (bản chính hoặc bản sao);
g) Ý kiến đánh giá của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý về tính hợp pháp của các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý (bản chính);
h) Các tài liệu khác cần thiết cho việc cấp ý kiến pháp lý;
i) Bản dịch tiếng Việt của các tài liệu nêu trên trong trường hợp các tài liệu này được làm bằng tiếng nước ngoài.
6. Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý đối với các văn bản khác theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gồm:
a) Công văn đề nghị Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý (bản chính);
b) Văn bản được phân công xem xét cấp ý kiến pháp lý (bản chính hoặc bản sao);
c) Văn bản phân công của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ (bản chính);
d) Tài liệu chứng minh quá trình đàm phán, ký văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý đúng theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao);
đ) Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao) (nếu có);
e) Ý kiến đánh giá của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý về tính hợp pháp của các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý (bản chính);
g) Các tài liệu khác cần thiết cho việc cấp ý kiến pháp lý;
h) Bản dịch tiếng Việt của các tài liệu nêu trên trong trường hợp các tài liệu này được làm bằng tiếng nước ngoài.
Điều 13. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ cấp ý kiến pháp lý
1. Bộ Tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý quy định tại Điều 12 Nghị định này.
Trong trường hợp hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý chưa đáp ứng các yêu cầu về hồ sơ được quy định tại Điều 12 Nghị định này, Bộ Tư pháp yêu cầu cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý bổ sung hồ sơ trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
2. Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp ý kiến pháp lý có trách nhiệm bổ sung hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu bổ sung hồ sơ của Bộ Tư pháp.
Điều 14. Chỉnh lý, làm rõ hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý
1. Trường hợp phát hiện nội dung hồ sơ đề nghị cấp ý kiến pháp lý chưa phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm nộp hồ sơ, Bộ Tư pháp có Công văn đề nghị cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý chỉnh lý hoặc làm rõ nội dung hồ sơ trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý.
Trong trường hợp hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý có nội dung phức tạp, thời hạn Bộ Tư pháp có Công văn yêu cầu chỉnh lý hoặc làm rõ nội dung hồ sơ có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý.
2. Cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý có trách nhiệm nghiên cứu, làm rõ và chỉnh lý hồ sơ theo yêu cầu của Bộ Tư pháp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Bộ Tư pháp. Trường hợp cần kéo dài thời hạn phải có văn bản yêu cầu Bộ Tư pháp gia hạn và được Bộ Tư pháp đồng ý bằng văn bản.
Điều 15. Thời hạn cấp ý kiến pháp lý
1. Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý trong thời hạn 15 ngày đối với điều ước quốc tế về vay ODA và vay ưu đãi (nếu có) và 30 ngày đối với các trường hợp khác, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Nghị định này.
2. Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ gồm đầy đủ văn bản quy định tại Điều 12 Nghị định này và đã được làm rõ, chỉnh lý theo yêu cầu của Bộ Tư pháp quy định tại Điều 14 Nghị định này.
3. Trong trường hợp ý kiến pháp lý có nội dung phức tạp, thời hạn cấp ý kiến pháp lý có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Điều 16. Làm rõ nội dung ý kiến pháp lý
1. Trường hợp cần làm rõ nội dung ý kiến pháp lý, cơ quan, tổ chức đã được cấp ý kiến pháp lý gửi yêu cầu bằng văn bản đề nghị Bộ Tư pháp làm rõ nội dung của ý kiến pháp lý.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, Bộ Tư pháp có văn bản làm rõ nội dung ý kiến pháp lý gửi cơ quan, tổ chức yêu cầu.
Điều 17. Sửa đổi, bổ sung ý kiến pháp lý
1. Cơ quan, tổ chức quy định tại khoản Điều 6 Nghị định này có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung ý kiến pháp lý đã cấp trong trường hợp văn bản được cấp ý kiến pháp lý đã được sửa đổi, bổ sung.
2. Trường hợp có nhu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung ý kiến pháp lý đã cấp, cơ quan, tổ chức gửi 01 (một) bộ hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý theo quy định tại Điều 12 Nghị định này đến Bộ Tư pháp trong đó nêu rõ nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung và lý do yêu cầu.
3. Bộ Tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu và cấp hoặc từ chối cấp ý kiến pháp lý sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp ý kiến pháp lý sửa đổi, bổ sung, Bộ Tư pháp có trả lời chính thức bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong đó nêu rõ lý do từ chối.
Điều 18. Sử dụng ý kiến pháp lý
1. Cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý chỉ được sử dụng ý kiến pháp lý cho giao dịch nêu trong văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý.
2. Cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý chỉ được cung cấp ý kiến pháp lý cho các cá nhân, tổ chức được nêu trong ý kiến pháp lý và chỉ được cung cấp cho cá nhân, tổ chức khác nếu được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Tư pháp.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC TRONG QUÁ TRÌNH CẤP Ý KIẾN PHÁP LÝ
Điều 19. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý
1. Cung cấp cho Bộ Tư pháp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu liên quan đến văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý theo yêu cầu của Bộ Tư pháp theo quy định của Nghị định này.
2. Đảm bảo tính chính xác, hợp pháp và tính xác thực của hồ sơ đề nghị cấp ý kiến pháp lý gửi đến Bộ Tư pháp.
3. Trường hợp không thể cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý phải có thông báo chính thức cho Bộ Tư pháp về việc không thể cung cấp được thông tin, tài liệu.
4. Trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, không đầy đủ, không hợp pháp hoặc không đảm bảo tính xác thực, cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hậu quả của việc cung cấp thông tin đó.
Điều 20. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp xem xét yêu cầu cấp ý kiến pháp lý
1. Đảm bảo nội dung của ý kiến pháp lý phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm cấp ý kiến pháp lý.
2. Thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý trong trường hợp từ chối cấp ý kiến pháp lý trong đó nêu rõ lý do từ chối.
Điều 21. Trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong giải quyết yêu cầu cấp ý kiến pháp lý
Trong trường hợp cần thiết, khi có yêu cầu của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức liên quan có trách nhiệm phối hợp trong việc xem xét, cấp ý kiến pháp lý.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
1. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2015.
2. Các trường hợp đã gửi hồ sơ tới Bộ Tư pháp đề nghị cấp ý kiến pháp lý trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương, Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, hợp đồng xây dựng - chuyển giao, Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ và Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
3. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, bãi bỏ các quy định sau:
a) Khoản 6 Điều 64 Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ;
b) Khoản 4 Điều 49 Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương;
c) Khoản 6 Điều 2, điểm b khoản 1 Điều 4, điểm c khoản 6 Điều 10 Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư Ban hành: 14/02/2015 | Cập nhật: 24/02/2015
Nghị định 38/2013/NĐ-CP quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ Ban hành: 23/04/2013 | Cập nhật: 26/04/2013
Nghị định 15/2011/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ Ban hành: 16/02/2011 | Cập nhật: 19/02/2011
Nghị định 01/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương Ban hành: 05/01/2011 | Cập nhật: 08/01/2011
Nghị định 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao, hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh, hợp đồng xây dựng – chuyển giao Ban hành: 27/11/2009 | Cập nhật: 01/12/2009