Nghị định 47-CP năm 1997 về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức Nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra
Số hiệu: 47-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 03/05/1997 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 30/06/1997 Số công báo: Số 12
Lĩnh vực: Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp, Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 47-CP

Hà Nội, ngày 03 tháng 5 năm 1997

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 47-CP NGÀY 03 THÁNG 5 NĂM 1997 VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC, NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN CỦA CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG GÂY RA

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ Luật dân sự ngày 28 tháng 10 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, sau khi thống nhất với Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước hoặc người có thẩm quyền gây ra trong khi thi hành công vụ hoặc trong khi thực hiện nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được quy định tại Điều 623 và Điều 624 của Bộ luật dân sự.

Điều 2.- Công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra thiệt hại phải hoàn trả khoản tiền mà cơ quan nhà nước hoặc cơ quan tiến hành tố tụng đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Điều 3.- Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng bồi thường cho mình thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra hoặc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Điều 4.- Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ quan nhà nước là cơ quan, tổ chức quản lý và sử dụng công chức, viên chức nhà nước.

2. Công chức, viên chức nhà nước là người trong biên chế nhà nước và hưởng lương do ngân sách nhà nước cấp.

3. Cơ quan tiến hành tố tụng là cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

4. Người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng là người có thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Điều 5.-

1. Nguyên tắc xác định thiệt hại, mức bồi thường và mức hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại và việc miễn, giảm, hoãn hoàn trả bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của Bộ Luật dân sự.

2. Trường hợp nhiều công chức, viên chức nhà nước hoặc người có thẩm quyền của cơ quan tiết hành tố tụng cùng gây thiệt hại thì họ phải liên đới chịu trách nhiệm trên cơ sở lỗi của mỗi người.

Chương 2:

GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VÀ HOÀN TRẢ

MỤC 1: BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Điều 6.-

Trong trường hợp người bị thiệt hại trực tiếp yêu cầu cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước hoặc người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra, thì việc bồi thường được giải quyết theo quy định tại các điều từ Điều 7 đến Điều 11 của Nghị định này.

Trong trường hợp các bên không thoả thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại hoặc một trong các bên không thực hiện nghiêm chỉnh thoả thuận, thì các bên có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

Điều 7.- Thủ trưởng cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng nói tại Điều 4 Nghị định này thành lập Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra (gọi chung là Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại) trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 8.- Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại bao gồm đại diện lãnh đạo cơ quan, đại diện tổ chức công đoàn của người gây thiệt hại, đại diện cơ quan tài chính - vật giá, đại diện cơ quan chuyên ngành khoa học, kỹ thuật có liên quan và đại diện cơ quan tư pháp cùng cấp.

Đại diện lãnh đạo cơ quan của người gây thiệt hại là Chủ tịch Hội đồng.

Điều 9.- Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại có nhiệm vụ xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại; xác định trách nhiệm dân sự của các bên để kiến nghị với Thủ trưởng cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng quyết định mức bồi thường và phương thức bồi thường thiệt hại.

Cơ quan của người gây thiệt hại chịu chi phí cho hoạt động của Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại.

Điều 10.- Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại tiến hành họp giải quyết theo trình tự sau: Chủ tịch Hội đồng công bố thành phần tham gia, cử thư ký; Hội đồng nghe công bố yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của người bị hại, nghe giải trình của người gây thiệt hại; Hội đồng nghe báo cáo thẩm định của các cơ quan chuyên môn (nếu có); Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số. Kiến nghị của Hội đồng được lập thành văn bản và gửi cho lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.

Trong trường hợp xét thấy cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể mời người bị thiệt hại hay đại diện của họ tham gia phiên họp Hội đồng.

Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 11.- Thủ trưởng cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải quyết bồi thường thiệt hại trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày người bị thiệt hại có yêu cầu bồi thường thiệt hại.

MỤC 2: HOÀN TRẢ KHOẢN TIỀN BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Điều 12.- Công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng phải hoàn trả khoản tiền mà cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Mức hoàn trả do Thủ trưởng cơ quan đó quyết định trên cơ sở kiến nghị của Hội đồng xét giải quyết việc hoàn trả bồi thường thiệt hại quy định tại các Điều 14, 15, 16 của Nghị định này.

Điều 13.- Sau khi đã bồi thường cho người bị thiệt hại, Thủ trưởng cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng nói tại Điều 4 Nghị định này thành lập Hội đồng xét giải quyết việc hoàn trả bồi thường thiệt hại.

Điều 14.- Hội đồng xét giải quyết việc hoàn trả bồi thường thiệt hại bao gồm đại diện lãnh đạo cơ quan của người gây thiệt hại là Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch công đoàn cơ sở, Thủ trưởng trực tiếp của người gây thiệt hại, Kế toán trưởng, một số chuyên gia về ngành kinh tế - kỹ thuật và pháp lý có liên quan.

Điều 15.- Hội đồng xét giải quyết việc hoàn trả bồi thường thiệt hại có nhiệm vụ giúp cho Thủ trưởng cơ quan xem xét, đánh giá thiệt hại, xác định mức độ lỗi và khả năng kinh tế của công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng và kiến nghị với Thủ trưởng cơ quan về mức hoàn trả và phương thức hoàn trả bồi thường thiệt hại.

Cơ quan thành lập Hội đồng xét giải quyết việc hoàn trả bồi thường thiệt hại chịu chi phí cho hoạt động của Hội đồng.

Điều 16.- Hội đồng xét giải quyết việc hoàn trả bồi thường thiệt hại họp giải quyết theo trình tự sau: Chủ tịch Hội đồng công bố thành phần tham gia, cử thư ký; Hội đồng nghe giải trình của người gây thiệt hại; Hội đồng nghe ý kiến của Chủ tịch công đoàn cơ sở, ý kiến của Thủ trưởng trực tiếp của người gây thiệt hại và ý kiến của Kế toán trưởng; Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số. Kiến nghị của Hội đồng được lập thành văn bản và gửi cho lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.

Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 17.- Công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng phải hoàn trả khoản tiền bồi thường cho cơ quan mình theo phương thức: Hoàn trả một lần bằng tài sản riêng của mình trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định hoàn trả hoặc trừ dần vào thu nhập nhưng không dưới 10% và không vượt quá 30% tổng thu nhập từ tiền lương và phụ cấp hàng tháng, nếu có.

Điều 18.- Trong trường hợp công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng không đồng ý với quyết định của Thủ trưởng cơ quan về việc hoàn trả bồi thường thiệt hại hoặc không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả thì các bên có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19.- Việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán ngân sách cho việc bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước và người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định sau khi thống nhất với Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Điều 20.- Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ phối hợp với Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc giải quyết bồi thường thiệt hại trong trường hợp công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng ở các cơ quan khác nhau cùng gây ra thiệt hại.

Điều 21.- Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 1997.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan liên quan khác chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.