Nghị định 46/2000/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 35/CP năm 1996 Hướng dẫn Pháp lệnh Dân quân tự vệ
Số hiệu: 46/2000/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 12/09/2000 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/10/2000 Số công báo: Số 38
Lĩnh vực: Quốc phòng, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 46/2000/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2000

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 46/2000/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 9 NĂM 2000 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 35/CP NGÀY 14 THÁNG 6 NĂM 1996 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC THI HÀNH PHÁP LỆNH VỀ DÂN QUÂN TỰ VỆ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh về Dân quân tự vệ ngày 09 tháng 01 năm 1996;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/CP ngày 14 tháng 6 năm 1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh về Dân quân tự vệ như sau:

1. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 5.

1. Cán bộ Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn và chỉ huy tự vệ cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) phải là người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm, đã qua rèn luyện thử thách trong lao động, sản xuất, công tác, có khả năng giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, giám đốc doanh nghiệp, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác quốc phòng; chỉ huy trực tiếp huấn luyện, hoạt động, tổ chức xây dựng, quản lý lực lượng dân quân tự vệ.

2. Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn được bố trí một Phó Chỉ huy trưởng chuyên trách.

3. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) phê chuẩn; Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn bổ nhiệm sau khi thống nhất ý kiến với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện".

2. Bổ sung khoản 3 Điều 8 như sau:

"3. Thẩm quyền điều động dân quân tự vệ làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và các sự cố nghiêm trọng khác (trừ trường hợp điều động theo các quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp) quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyền điều động dân quân tự vệ từ quân khu này sang quân khu khác để làm nhiệm vụ.

b) Tư lệnh quân khu được quyền điều động dân quân tự vệ trong địa bàn quân khu để làm nhiệm vụ, sau đó thông báo với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan. Tư lệnh Hải quân được quyền điều động các đơn vị tự vệ biển do Quân chủng Hải quân quản lý, sau đó thông báo với Thủ trưởng Bộ, ngành chủ quản.

c) Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) được quyền điều động dân quân tự vệ trong địa bàn tỉnh để làm nhiệm vụ, sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và Tư lệnh Quân khu.

đ) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện được quyền điều động dân quân tự vệ trong địa bàn huyện để làm nhiệm vụ, sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện và Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh.

đ) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) được quyền điều động dân quân tự vệ làm nhiệm vụ trong phạm vi xã sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã".

3. Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 10.

1. Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn được hưởng sinh hoạt phí hàng tháng bằng mức của các chức danh khác thuộc Uỷ ban nhân dân cấp xã, quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ và các chế độ hiện hành của Chính phủ quy định đối với cán bộ cấp xã.

2. Cán bộ Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn đi huấn luyện tại trường quân sự tỉnh, thì gia đình được trợ cấp mỗi ngày bằng hệ số 0,1 mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ".

4. Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:

A. Khoản 1, Điều 11:

"1. Cán bộ (trừ Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn), chiến sĩ dân quân tự vệ không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong thời gian làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, huấn luyện quân sự theo mệnh lệnh của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện trở lên (gọi tắt là làm nhiệm vụ) được hưởng các chế độ sau:

a) Được trợ cấp ngày công lao động, mức trợ cấp mỗi ngày bằng giá trị ngày công lao động tại địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định, nhưng thấp nhất bằng 0,04 mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ, nếu làm nhiệm vụ từ 22 giờ đến 06 giờ thì mức trợ cấp bằng 1,3 lần trợ cấp ngày công lao động trong giờ hành chính.

b) Nếu thoát ly sản xuất luân phiên thường trực chiến đấu, sắn sàng chiến đấu tại các địa bàn trọng điểm do Bộ Quốc phòng quy định, ngoài chế độ trợ cấp quy định tại điểm a khoản này còn được hỗ trợ tiền ăn, mức hỗ trợ do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Nếu thời gian thường trực từ trên 6 tháng đến 1 năm được cấp một bộ quần áo, một đôi giầy vải, một mũ cứng (dưới đây gọi là một bộ trang phục) và được mượn một số đồ dùng sinh hoạt, huấn luyện, công tác; nếu thời gian thường trực trên 1 năm thì cứ thêm đủ 6 tháng được cấp một bộ trang phục.

c) Nếu làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về hàng ngày, thì cơ quan quân sự cấp ra quyết định huy động bố trí nơi nghỉ, hỗ trợ việc đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi, về; ngoài chế độ quy định tại điểm a khoản này còn được hỗ trợ tiền ăn, mức hỗ trợ do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

đ) Thời gian làm nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ thuộc lực lượng rộng rãi được trừ vào thời gian thực hiện nghĩa vụ lao động công ích hàng năm (theo Điều 12 Pháp lệnh Nghĩa vụ lao động công ích năm 1999). Người thuộc lực lượng nòng cốt của dân quân tự vệ được tạm miễn thực hiện nghĩa vụ lao động công ích hàng năm (theo khoản 6 Điều 11 Pháp lệnh Nghĩa vụ lao động công ích năm 1999)".

B. Bỏ khoản 3 Điều 11

5. Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 12.

Phân cấp chi ngân sách Nhà nước cho xây dựng và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ:

1. Ngân sách quốc phòng chi:

a) Bảo đảm trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn (hoặc tiền lương) và các chi phí hoạt động của dân quân tự vệ được điều động làm nhiệm vụ theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tư lệnh Quân khu, Tư lệnh Hải quân.

b) Hỗ trợ xây dựng lán trại và hoạt động của các đơn vị dân quân tự vệ làm nhiệm vụ thường trực chiến đấu hoặc sẵn sáng chiến đấu ở những địa bàn trọng điểm do Bộ Quốc phòng quy định.

c) Mua sắm trang, thiết bị vũ khí và các phương tiện quân sự, chuẩn bị ngòi lựu, thuốc nổ và hoả cụ cung cấp cho sản xuất mìn, lựu đạn để trang bị cho dân quân tự vệ.

d) Sản xuất học cụ mẫu, in ấn tài liệu huấn luyện, sổ sách, giấy chứng nhận, mẫu biểu đăng ký, thống kê cho dân quân tự vệ.

đ) Xây dựng mới, sửa chữa các công trình quân sự đặc biệt, các công trình chiến đấu trong khu vực phòng thủ phân cấp cho đân quân tự vệ quản lý, sử dụng.

e) Đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học về dân quân tự vệ.

g) Xây dựng điểm cấp quân khu, cấp Bộ Quốc phòng về ba mặt công tác dân quân tự vệ, xây dựng làng xã chiến đấu, huấn luyện dân quân tự vệ trên biển.

h) Bảo đảm cơ sở vật chất huấn luyện, hội thao, hội thi, diễn tập, hoạt động ngày truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.

i) Tổng kết, khen thưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích xây dựng lực lượng dân quân tự vệ của Bộ Quốc phòng.

k) Các khoản chi khác cho dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm Bộ Quốc phòng.

2. Ngân sách cấp tỉnh chi:

a) Bảo đảm trợ cấp cho gia đình cán bộ Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn khi tập trung huấn luyện tại trường quân sự tỉnh.

b) Bảo đảm trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn (hoặc tiền lương), các chi phí hoạt động của dân quân tự vệ được điều động làm nhiệm vụ theo thẩm quyền của Chỉ huy trưởng quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

c) Bảo đảm trợ cấp ngày công lao động, tiền án (hoặc tiền lương), quân trang, đồ dùng sinh hoạt và các chi phí hoạt động của các đơn vị dân quân tự vệ làm nhiệm vụ thường trực chiến đấu hoặc sẵn sàng chiến đấu ở những địa bàn trọng điểm do Bộ Quốc phòng quy định.

d) Bảo đảm các chế độ ốm đau, tai nạn, hy sinh hoặc từ trần đối với dân quân tự vệ chưa tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

đ) Bảo đảm chính sách, chế độ ưu đãi đối với dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ.

e) Vận chuyển, sửa chữa, bảo quản trang bị vũ khí; sản xuất mìn, lựu đạn và các phương tiện thiết yếu để trang bị cho dân quân tự vệ.

g) Bảo đảm cơ sở vật chất huấn luyện, hội thao, hội thi, diễn tập, hoạt động ngày truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ của cấp tỉnh.

h) Tổng kết, khen thưởng các cơ quan, đơn vị, các cá nhân có thành tích xây dựng lực lượng dân quân tự vệ của cấp tỉnh.

i) Xây dựng phương án dân quân tự vệ tham gia phòng thủ khu vực tỉnh, thành phố.

k) Các khoản chi khác cho dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm tỉnh, thành phố.

3. Ngân sách cấp huyện chi:

a) Bảo đảm công tác giáo dục quốc phòng toàn dân về lĩnh vực dân quân tự vệ.

b) Bảo đảm công tác tổ chức, huấn luyện cán bộ dân quân tự vệ theo phân cấp của tỉnh, thành phố.

c) Bảo đảm trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn (hoặc tiền lương), các chi phí hoạt động của dân quân tự vệ dược điều động làm nhiệm vụ theo thẩm quyền của Chỉ huy trưởng quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

d) Bảo đảm vật chất huấn luyện, hội thao, hội thi, diễn tập, hoạt động ngày truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ của cấp huyện.

e) Hội nghị và tập huấn nghiệp vụ dân quân tự vệ cấp huyện.

g) Tổng kết, khen thưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích xây dựng lực lượng dân quân tự vệ của cấp huyện.

h) Các khoản chi khác cho dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm cấp huyện.

4. Ngân sách cấp xã chi:

a) Bảo đảm cho cán bộ Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn các khoản chi theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 và các quy định hiện hành của Chính phủ.

b) Bảo đảm trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn (hoặc tiền lương) và các chi phí hoạt động của dân quân tự vệ được điều động làm nhiệm vụ theo thẩm quyền của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn.

c) Bảo đảm đăng ký, tuyển chọn dân quân tự vệ.

d) Tổng kết, khen thưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích xây dựng lực lượng dân quân tự vệ của cấp xã.

đ) Các khoản chi khác cho dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm của cấp xã.

5. Đối với cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương và Trung ương (trừ Bộ Quốc phòng), chi cho tự vệ thuộc dự toán ngân sách được duyệt và thông báo hàng năm. Đối với doanh nghiệp của mọi thành phần kinh tế, chi cho tự vệ tính vào chi phí quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nội dung chi bao gồm:

- Chi cho hoạt động của tự vệ được điều động làm nhiệm vụ theo thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và Giám đốc doanh nghiệp.

- Bảo đảm cơ sở vật chất huấn luyện, hội thao, hội thi, diễn tập, hoạt động ngày truyền thống của lực lượng tự vệ tại cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp.

- Tổng kết, khen thưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích xây dựng lực lượng tự vệ của cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp.

- Các khoản chi khác cho tự vệ theo quy định của pháp luật".

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)