Nghị định 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Số hiệu: 44/2017/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 14/04/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 28/04/2017 Số công báo: Từ số 299 đến số 300
Lĩnh vực: Bảo hiểm, Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/2017/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 04 năm 2017

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH MỨC ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC VÀO QUỸ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật an toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội.

Điều 3. Mức đóng và phương thức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật an toàn, vệ sinh lao động với mức như sau:

a) 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình.

b) 0,5% trên mức lương cơ sở đối với người lao động được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội.

2. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.

3. Căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại khoản 1 Điều này từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2017.

2. Các quy định tại Điều 4 và khoản 1 Điều 34 của Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

3. Đối với người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng, việc đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 của Nghị định này được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trình Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh mức đóng quy định tại Điều 3 của Nghị định này; tổ chức triển khai thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương v
à các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- C
ơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ
Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (
3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Xem nội dung VB
Điều 44. Mức đóng, nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
3. Căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Chính phủ quy định chi tiết mức đóng vào quỹ quy định tại khoản 1 Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
...
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

Xem nội dung VB
Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
...
e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

Xem nội dung VB
Điều 4. Mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động

Mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Khoản 3 Điều 44 Luật an toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:

1. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng như sau:

a) Mức 1% trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại các Điểm a, b, d, đ và e Khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

Trường hợp người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm hoặc khoán được thực hiện hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.

b) Mức 1% trên mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, Chính phủ quyết định mức đóng thấp hơn mức đóng quy định tại Khoản 1 Điều này.
...
Điều 34. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Căn cứ khả năng đảm bảo cân đối Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tần suất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ quyết định mức đóng hằng năm đối với các đối tượng trước ngày 15 tháng 01 hàng năm kể từ năm 2018.

Xem nội dung VB




Hiện tại không có văn bản nào liên quan.